Gần 100 gương mặt thử sức với phim đề tài tình dục của điện ảnh Việt
Phim điện ảnh “Câu chuyện buồn nhất thế gian” của Nguyễn Hoàng Điệp mới có hai buổi tuyển lựa diễn viên tại Hà Nội và đã thu hút gần 100 gương mặt thuộc nhiều lứa tuổi đến thử tài.
Trước hai buổi casting vào ngày 1 và 2/4, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp đã nhận được hàng trăm bộ hồ sơ ứng tuyển cho dự án điện ảnh mới nhất của cô. Sau đó, tác giả của Đập cánh giữa không trung (2014) chọn ra gần 100 gương mặt, chủ yếu là các cô gái trẻ ở độ tuổi 15-22, đến trực tiếp diễn xuất thử.
Nữ đạo diễn nhận định: “Phụ nữ không bao giờ làm tôi thất vọng. Các ứng viên nữ đều rất hay, mạnh, rõ nét, gợi lên nhiều cảm xúc và tưởng tượng, dù là nhóm em gái nhỏ xíu mới loanh quanh 7 tuổi hay những người chạm ngưỡng tứ tuần.
Còn tôi nhận được ít hồ sơ nam hơn nên chưa thể lựa chọn được nhiều với phái mạnh. Nhưng những người được mời đến casting trực tiếp đều rất ấn tượng”.
Nữ nhà báo, diễn viên Hoàng Hường đưa cả hai con tới casting Câu chuyện buồn nhất thế gian. Cô từng có kinh nghiệm điện ảnh với Tết này ai đến xông nhà.
Một trong những yêu cầu dành cho các ứng viên khi tới casting Câu chuyện buồn nhất thế gian là phải đọc bài thơ Kể chuyện nỗi buồn của tác giả Hàm Anh. Đây là tác phẩm mới, nằm trong tập thơ dự kiến xuất bản vào cuối năm nay.
Toàn bộ Kể chuyện nỗi buồn được viết trên bức tường nền xám, và nó trở thành phông nền lưu giữ hình ảnh hồ sơ ứng viên. Nguyễn Hoàng Điệp giải thích: “Casting không phải thi hoa hậu, nam vương, nhưng có điểm chung rất quan trọng là bạn cần phải đẹp. Cái đẹp thì có nhiều nghĩa, và thơ sẽ làm bạn đẹp hơn”.
Trong số gần 100 ứng viên trực tiếp tới casting Câu chuyện buồn nhất thế gian, đáng chú ý có nhà báo, diễn viên Hoàng Hường (Tết này ai đến xông nhà), diễn viên Kiều Anh (Phía trước là bầu trời), diễn viên Thiên Tú (Áo lụa Hà Đông), người mẫu Sơn Tùng, nghệ sĩ Phan Ý Ly, nhóm nhạc indie rock Ngọt…
Bé Bờm – con trai của Trần Lực – cũng nằm trong số 100 gương mặt đến thử sức với Câu chuyện buồn nhất thế gian.
Ngoài ra, cũng có thể kể tới các gương mặt nhỏ tuổi như ca sĩ nhí Bùi Hà My (The Voice Kids 2015), “tiểu Châu Tấn” Bảo Anh, người mẫu nhí Hà Thiên Trang hay bé Bờm – con trai của diễn viên Trần Lực…
Để buổi casting diễn ra trơn tru, nữ diễn viên Thùy Anh (Đập cánh giữa không trung) và nữ đạo diễn trẻ Như Trang được đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp chọn làm người tham gia tình huống diễn xuất với các ứng viên.
Sau hai buổi casting thành công tại Hà Nội, Câu chuyện buồn nhất thế gian chuẩn bị có hoạt động tương tự tại TP.HCM vào hai ngày 8, 9/4.
Trong một cuộc phỏng vấn mới đây với Zing.vn, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp tiết lộ nội dung phim lấy cảm hứng từ những vụ án tình dục thương tâm có thật xảy ra trong 10 năm qua, nơi người phụ nữ có thể vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm.
Cô mong muốn có thể trình làng tác phẩm hoàn chỉnh trong năm 2018.
Video đang HOT
Theo Zing
Nguyễn Hoàng Điệp: 'Huân chương Hiệp sĩ là giấc mơ cổ tích'
Tác giả của "Đập cánh giữa không trung" chuẩn bị nhận Huân chương Hiệp sĩ Nghệ thuật và Văn chương từ chính phủ Pháp. Cô có những chia sẻ tâm huyết về ngành điện ảnh nước nhà.
Ngày 5/9, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp sẽ được trao tặng Huân chương Hiệp sĩ Nghệ thuật và Văn chương (Chevalier des Arts et des Lettres) của chính phủ Pháp.
Ngay trước thềm sự kiện tại Hà Nội, nhà làm phim 34 tuổi cho rằng điện ảnh Việt Nam hiện rất cần sự điều phối có tầm nhìn để có thể phát triển đa dạng.
Nguyễn Hoàng Điệp trong phục trang của Chula. Tác giả bộ phim Đập cánh giữa không trung mới là đạo diễn điện ảnh thứ hai của Việt Nam được trao Huân chương Nghệ thuật và Văn chương, tước hiệu Chevalier, từ chính phủ Pháp. Ảnh: Nguyễn Chí Thanh
- Chị nhận tin được trao Huân chương Hiệp sĩ Nghệ thuật và Văn chương như thế nào?
- Tôi không hề cầu mong giải thưởng này. Mọi chuyện đến hoàn toàn tự nhiên và bất ngờ. Do đó, sự tiếp nhận của tôi là rất trong sáng, không có sự hồi hộp hay phán đoán. Điều đó khác với các giải thưởng điện ảnh màĐập cánh giữa không trung từng giành được.
Tước hiệu hiệp sĩ không chỉ mang màu sắc cổ tích mà còn lãng mạn, đồng thời mang tính thức tỉnh. Nó buộc tôi phải quay lại với niềm tin rằng chuyện cổ tích hoàn toàn có thể xảy ra, điều mà bản thân đã quên mất trong nhiều năm.
Tất cả hơi giống với câu chuyện về ông già Noel, bạn lớn lên và nhận ra chuyện đó là dối trá. Nhưng rồi một ngày, ông ấy xuất hiện với món quà trên tay.
- Chị chia sẻ niềm vui về giải thưởng này với ai đầu tiên?
- Khi hiểu chính xác nội dung lá thư chúc mừng toàn tiếng Pháp đến từ Bộ trưởng Văn hóa Pháp, tôi lập tức cười phá lên vì thấy hơi hoang đường. Sau đó, tôi gọi điện cho anh Minh "già" (nhà quay phim Phạm Quang Minh). Đó có lẽ là người bạn gắn bó mà tôi muốn cảm ơn nhất trong suốt quá trình làm phim.
Không có phim, tôi chẳng là ai cả. Mà không có bạn bè như anh Minh, dàn diễn viên, các cộng sựở Việt Nam và trên thế giới, tôi chẳng thể làm phim. Nếu không làm phim, bạn biết đấy, làm sao có giấc mơ cổ tích hôm nay.
- Vì sao việc trao tặng huân chương cho chị diễn ra tại Hà Nội mà không phải là ở Pháp?
- Việc trao tặng tước hiệu Hiệp sĩ thường diễn ra ở Paris hoặc quê hương của người được trao. Tôi nhận thư từ Sứ quán Pháp, đề nghị trao huân chương vào ngày 5/9 tại Hà Nội nhân dịp tổng thống Pháp Franois Hollande ghé thăm Việt Nam.
Đi cùng đoàn với ông có bà Frédérique Bredin - Chủ tịch Cơ quan quốc gia về điện ảnh và hoạt hình Pháp - người sẽ trực tiếp trao tước hiệu cho tôi. Tôi đồng ý bởi sự kiện diễn ra ở thành phố quê nhà thì những người thân của tôi sẽ có cơ hội tham dự.
Nguyễn Hoàng Điệp cho rằng văn hóa đại chúng tại Việt Nam đang thiếu đi sự đa dạng do quá nghiêng về Mỹ và Hàn Quốc. Ảnh: Nguyễn Chí Thanh
- Theo những thông tin trước chuyến đi của Tổng thống Pháp, có vẻ cuộc viếng thăm lần này nhắm nhiều vào nghệ thuật hơn là kinh tế. Chị nghĩ sao về điều đó?
- Suốt một thời gian dài trong lịch sử, nước Pháp có ảnh hưởng sâu rộng đến Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Nhưng sự ảnh hưởng đó đang ngày càng mai một. Số người nói tiếng Pháp, yêu văn chương và điện ảnh Pháp cũng ngày một ít đi.
Thông qua cuộc viếng thăm ở cấp độ tổng thống, tôi hy vọng mối dây liên kết với nước Pháp sẽ trở nên chặt chẽ và lâu bền hơn, đặc biệt trong lĩnh vực nghệ thuật. Ngay cả việc trao tước hiệu cho một người như tôi, không nói tiếng Pháp, không gắn bó quá mạnh với nước Pháp, cho thấy cái nhìn rất cởi mở, vượt khỏi tầm biên giới quốc gia của người châu Âu.
Sự đa dạng văn hóa ở Việt Nam hiện đi theo chiều hướng khá kỳ lạ, đó là thứ văn hóa đại chúng nghiêng cán cân sang hẳn Mỹ và Hàn Quốc. Khán giả bị áp đặt một cách có định hướng thì khó có thể gọi là đa dạng văn hóa, và đây là vấn đề ảnh hưởng tới gu thưởng thức của khán giả.
Việc mở rộng quan hệ với nước Pháp sẽ giúp tính đa dạng văn hóa ở Việt Nam trở nên tốt hơn, cũng như giúp cho các nhà làm phim độc lập nghệthuật Việt tìm được đối tác sản xuất tại nước bạn và có thể vươn ra thị trường châu Âu dễ dàng hơn.
- Liệu việc phát hành phim Việt Nam vượt ra ngoài biên giới quốc gia có thể được cải thiện ra sao?
- Trước đây, tôi từng nghĩ phát hành quốc tế rất khó. Nhưng giờ tôi lại thấy rằng phát hành nội địa khó hơn. Ở nước ngoài có rạp, nhà phát hành, nhà đại diện bán phim dành riêng cho phim độc lập hay một khu vực, một gu điện ảnh nhất định. Sự đa dạng văn hóa như vậy mới đúng nghĩa của từ "đa dạng".
Ở thời điểm Đập cánh giữa không trung có buổi chiếu ra mắt tại Venice, chúng tôi đã có cơ hội ký kết hợp đồng với MK2 - một hãng phát hành và chủ rạp lớn tại Pháp.
Tuy nhiên, chúng tôi không thể đi đến thỏa thuận do hiệu quả kinh tế không nhiều. Nhưng nếu chỉ muốn phát hành ra rạp thôi thì hoàn toàn không khó. Ở Việt Nam thì rất khó và là một câu chuyện khác.
Nguyễn Hoàng Điệp từng gặp không ít khó khăn khi muốn Đập cánh giữa không trungcó cơ hội tiếp cận với công chúng nước nhà. Ảnh: Nguyễn Chí Thanh
- Những khó khăn cụ thể của chị khi muốn phát hành phim ở Việt Nam là gì?
- Tại Việt Nam, điện ảnh đang đi theo "định hướng" tư nhân. Chúng ta hoàn toàn thiếu vai trò của nhà nước hoặc một cơ quan trọng tài, mà hoàn toàn để thị trường chi phối. Từ chủ rạp - nhà phát hành - nhà sản xuất hiện có nhiều trường hợp là 3 trong 1. Và họ nói rằng gu của khán giả, ví dụ, là thích hài nhảm, rẻ tiền, bình dân.
Vấn đề nằm ở chỗ, họ tạo ra các thứ đó và gán rằng đó là gu của khán giả. Nhưng khán giả làm sao mà thích được thứ khác khi mà họ không có "thứ khác" để thích? Khán giả vô tình bị đẩy ra làm bình phong, thành "người trọng tài" điều khiển thị trường với vẻ đầy kim tiền.
Thực chất, chúng ta cần một sự điều phối với tầm nhìn của trí tuệ và sự tử tế. Chúng ta đang nói nhiều về người làm phim hay đoàn làm phim tử tế. Tuy nhiên, đó chỉ là một bộ phim thôi. Chúng ta cần chiến lược nghiêm túc, tạo cơ hội cho khán giả có thể thưởng thức các phim nghệ thuật độc lập.
- Gần đây, câu chuyện phát hành phim "Tấm Cám: Chuyện chưa kể" gây ra tranh cãi lớn trong công chúng. Chị đứng về phía nào?
- Tôi rất thông cảm và hiểu Ngô Thanh Vân, vì tôi từng gặp khó khăn khi tìm cách đưa Đập cánh giữa không trung ra rạp tại Việt Nam. Nhưng khó khăn và những điều khiến tôi ức chế lại đến từ một đơn vị phát hành của chính Việt Nam.
Ở trường hợp của Tấm Cám: Chuyện chưa kể, tôi cảm nhận thấy sự chân thành của người làm phim. Bằng cách nào đó, sự chân thành ấy đã lan tỏa được tới khán giả, giúp bộ phim trở nên ăn khách.
- Gần đây có một số bộ phim nghệ thuật quốc tế được phát hành tại Việt Nam nhưng thường không thu hút được nhiều khán giả. Chị đánh giá thế nào về điều đó?
- Bộ phim Eternité của đạo diễn Trần Anh Hùng sắp được Green Media đưa về Việt Nam. Trước đó, Nhiếp Ẩn Nương của Hầu Hiều Hiền, The Neon Demon của Nicolas Winding Refn... cũng mới được nhập để phục vụ công chúng.
Những nỗ lực tạo ra sự đa dạng trong gu thưởng thức của khán giả như thế là điều rất tuyệt vời. Thị trường được cấu thành và chi phối bởi nhà phát hành, nhà sản xuất, nhà làm phim và cấp quản lý.
Từng mắt xích một phải cùng cố gắng thì mới tạo ra được một thị trường đa dạng thực sự. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần sự tử tế, chân thành, cần những bộ phim hay.
- Các nhà làm phim nghệ thuật độc lập thường cần 5-6 năm mới ra được một phim. Liệu chị có thể làm nhanh hơn vậy?
- Tôi không thể nhanh hơn. Tôi muốn phim thứ hai có nguồn đầu tư chủ yếu là quốc nội. Tuy nhiên, điều đó lại quá khó vì thị trường Việt Nam hiện thiếu sự đa dạng và tính minh bạch.
Tôi loay hoay với nhiều phương thức sản xuất khác nhau nên tốn thời gian. Hiện tôi đã có kịch bản cho phim thứ hai và tạm hài lòng với phương thức kêu gọi đầu tư dự kiến từ chính khán giả. Chắc đây là thời điểm tốt để hưởng dư âm từ thành quả tốt đẹp mà Tấm Cám: Chuyện chưa kể đã làm được: khán giả Việt Nam yêu và hào hứng với phim Việt.
- Nhưng như thế có hơi mâu thuẫn không vì dòng phim mà chị theo đuổi hoàn toàn khác với "Tấm Cám"?
- Tôi thì không thấy sự mâu thuẫn. Chẳng lẽ khán giả Việt Nam chỉ ủng hộ phim Việt thương mại hay sao? Tôi thấy trong số bạn bè tôi đi xem ủng hộ Tấm Cám vì đó là phim Việt khá nhiều.
Các nhà làm phim độc lập Việt Nam hình như hơi ít khóc. Chắc đã đến lúc chúng ta phải khóc lên, phải là Tấm, hãy coi khán giả là Bụt đi. Tôi nghĩ là mình sẽ phải thử khóc xem sao.
Huân chương Nghệ thuật và Văn chương do chính phủ Pháp trao tặng được Bộ Văn hóa nước này thành lập năm 1957, gồm có ba hạng: Commandeur, Officier và Chevalier. Nguyễn Hoàng Điệp là đạo diễn điện ảnh thứ hai của Việt Nam được trao tặng tước hiệu Chevalier sau cố đạo diễn phim tài liệu Lê Mạnh Thích.
Các nghệ sĩ Việt Nam từng được trao tặng Chevalier bao gồm: nhà văn Dương Thu Hương, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, nhà tạo mẫu Minh Hạnh, biên đạo múa Nguyễn Công Nhạc. Riêng dịch giả Dương Tường được trao tước hiệu Officier.
Các ngôi sao điện ảnh quốc tế được trao tước hiệu Chevalier gần đây có diễn viên Mads Mikkelsen, đạo diễn Lý An, diễn viên Cate Blanchett...
Theo Zing
Phim của đạo diễn trẻ: Lạm dụng tình dục, bạo lực và hài Có vẻ như thị trường điện ảnh trong nước hiện nay đang cổ xúy cái "ác", lấn át cái "thiện". Phan Đăng Di, Vũ Ngọc Đãng, Nguyễn Hoàng Điệp,... là những cái tên gần đây đang được báo chí ca ngợi với những tác phẩm gây sốt, thu hút nhiều khán giả trẻ đến rạp. Họ là những gương mặt trẻ đáng chú...