Gamer nước ngoài: “Game thủ Việt khá kỳ quặc”
Game thủ nước ngoài nghĩ gì về game thủ Việt chúng ta?
“Game thủ Việt thế này, game thủ Việt thế kia”, đó là một dạng tóm tắt rất chung chung mô tả thói quen chơi game của một bộ phận người chơi game tại Việt Nam. Thật sự, nếu liệt kê và phân tích tất cả những thói quen xấu khiến cho cộng đồng game thủ Việt Nam bị không ít gamer nước ngoài nhìn với con mắt thiếu tôn trọng, thì một bài viết sẽ khó có thể đầy đủ.
Từ trước tới nay, những bài viết về thói quen chơi game của chính chúng ta thường được đăng tải như những lời tự bạch hoặc tự vạch lỗi game thủ Việt Nam. Nhận định một cách nghiêm túc thì những lần tự nhận lỗi như vậy âu cũng có phần hơi thiếu khách quan.
Số lượng những game thủ nước ngoài đang có mặt tại Việt Nam rất hạn chế. Hầu hết trong số họ đều là những du học sinh có mặt tại Việt Nam, thưởng thức những game online trong nước cũng như nước ngoài, hoặc cùng thưởng thức những tựa game MOBA hoặc multiplayer trong giờ rảnh rỗi như một cách giải trí, một phần xua đi nỗi nhớ nhà của họ.
Nhóm phóng viên GameK đã có cơ hội gặp gỡ một game thủ nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam. Tuy rằng từ chối để chúng tôi chụp hình, tuy nhiên Jasur, anh bạn người Thổ Nhĩ Kỳ này cũng đã có một cuộc trao đổi vô cùng thú vị và cởi mở về cộng đồng game thủ nước ngoài tại Việt Nam, cũng như thói quen chơi game của người Việt.
Hầu hết game thủ nước ngoài tại Việt Nam đều thưởng thức một số tựa game MOBA như DotA 2, LoL, game bắn súng như Counter Strike, hoặc một số game online server nước ngoài. “Đa phần chúng tôi đã chơi game online một thời gian trước khi sang Việt Nam, vì thế việc tiếp tục phiêu lưu cùng nhân vật trong game cũng không có gì quá khó hiểu.”
“Dĩ nhiên, tựa game tôi chơi cùng bạn bè cũng là nơi cập bến của không ít game thủ Việt các bạn. Ban đầu, dạo qua mấy trang forum về game, tôi cũng khá ngạc nhiên khi thấy những topic với nội dung bài xích game thủ Việt Nam hoặc Trung Quốc vì nhiều lý do. Đôi lúc là tình trạng văng tục trên kênh chat global, có khi lại là vấn đề chơi game trong khoảng thời gian dài để cố gắng đạt mức level cao nhất máy chủ, v.v…
Rất nhiều game thủ khác hùa theo những topic như thế này, và phản ánh lại những tình trạng tương tự mà họ gặp phải. Thậm chí có những trường hợp đã phải than phiền về việc họ bị &’bully’ (bắt nạt) trong game bởi những game thủ Việt Nam cấp cao hơn. Thật kỳ lạ là, có lẽ tôi chưa đủ xui xẻo đến mức phải hứng chịu những tình trạng như thế.
Những game thủ Việt tôi từng quen biết, họ có tư duy chơi game rất khác với chúng tôi. Thế nhưng tất cả đều có sự tương đồng ở việc tôn trọng lẫn nhau. Họ coi tất cả những gamer đều bình đẳng, kể cả những gã nhà giàu vung tiền mua hết item này đến món đồ khác. Đối với họ, tiền bạc có thể đem lại một nhân vật mạnh, thế nhưng đôi khi lạm dụng điều gì cũng khiến trải nghiệm trong game không còn được như ý muốn.”
Video đang HOT
Mặc dù vậy, Jasur vẫn đồng ý với những ý kiến cho rằng việc spam kênh chat global bằng những cụm từ thiếu văn hóa là một thói xấu, không chỉ của game thủ Việt Nam: “Đã có không ít trường hợp game thủ bị cảnh cáo hoặc thậm chí khóa tài khoản trong game vì hành động này, thế nhưng một số game thủ, trong đó có cả game thủ Việt Nam vẫn đăng tải lên kênh chat những câu chửi tục thiếu văn hóa.
Tôi nghĩ rằng đây là hậu quả của tư duy chơi game chưa được trưởng thành. Hầu hết những người văng tục đều có ý muốn tự chứng tỏ mình là kẻ mạnh, muốn được người khác biết đến, hay đơn thuần hơn là họ chưa biết được tác hại của điều này.
Thật ra phim ảnh cũng đóng vai trò ảnh hưởng khá tệ, nếu bạn hỏi lý do. Họ nghĩ rằng người nước ngoài cứ mở miệng ra là văng tục, chửi bậy. Họ nghĩ như vậy là “ngầu”, và cứ thế, tình trạng văng tục trên kênh chat cũng trở thành một căn bệnh trầm kha.”
Chưa dừng lại ở đó, sau khi tham khảo qua một vài game online đang phát hành tại Việt Nam, người bạn nước ngoài của chúng ta cũng có những nhận xét rất riêng về thói quen chơi game của người Việt:
“Ở nhiều game nước ngoài, bạn sử dụng bot, auto, bạn sẽ bị khóa tài khoản vĩnh viễn. Đơn giản vì sử dụng những công cụ này sẽ khiến game mất đi tính cân bằng đối với những game thủ khác. Trong khi họ phải làm từng nhiệm vụ, đánh từng con quái, thì bạn lại bật auto để game tự động hoàn thành giúp bạn. Đó không phải là tiện nghi, mà là hành vi gian lận.
Thế nhưng nhìn vào những game online người Việt đang say mê, tôi cũng khá ngỡ ngàng. Các bạn còn được hướng dẫn sử dụng phần mềm auto được tích hợp ngay trong game. Điều này khiến cho tôi cảm thấy các bạn đang để cho tựa game tự làm mọi việc đáng ra bạn phải hoàn thành, và bạn phải ngồi dính một chỗ chỉ đề theo dõi thành của của máy tự chơi, khá giống một dạng nô lệ ảo.”
Quả thực, những chia sẻ rất đời thường của một game thủ nước ngoài đang sống tại Việt Nam khiến chúng ta không khỏi suy nghĩ. Có thể thói quen chơi game của mỗi nước là một khác, thế nhưng liệu có khi nào chúng ta đã khác biệt quá nhiều so với game thủ quốc tế?
Theo VNE
Game "made in Việt Nam" vì đâu chưa đạt thành công
Đến khi nào game made in Việt Nam mới trở thành niềm tự hào thực sự của làng game Việt?
Câu chuyện về những tựa game được tạo ra tại Việt Nam với đội ngũ nhà phát triển trong nước đã từng trở thành trung tâm của những cuộc bàn luận của không chỉ cộng đồng game thủ mà còn là đối với cả những người đã và đang làm trong ngành công nghiệp game Việt Nam. Cũng đã từng có thời kỳ, không ít những cái tên do chính bàn tay người Việt nung nấu và phát triển lại trở thành những niềm tự hào của chính chúng ta, những game thủ Việt.
Thế nhưng có lẽ cần phải nhắc lại, tính tới thời điểm hiện tại, số lượng những sản phẩm được đánh giá là có chất lượng do người Việt Nam tạo ra cho ngành công nghiệp game trong nước chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Trong khi đó, hầu như chưa có bất cứ sản phẩm nào do người Việt Nam tạo ra đạt được thành công về mặt tài chính ngay trên thị trường Việt (chứ chưa nói đến thị trường quốc tế). Chất lượng chênh lệch so với các đối thủ trong khu vực cũng như trên thế giới là một phần, đây là điều hiển nhiên vì chúng ta bắt đầu cuộc chơi chậm hơn rất nhiều so với các nước láng giềng.
Nhìn ra thị trường game nước ngoài, chúng ta hoàn toàn có thể điểm qua những cái tên mang gốc Việt nhưng đã và đang góp công vào việc phát triển những tựa game rất được công chúng biết tới và hâm mộ. Nổi bật nhất có thể kể tới Lê Minh, nhà phát triển game mang quốc tịch Canada với nickname Gooseman. Không có anh, và không có bản mod Counter Strike, có lẽ giờ đây làng thể thao điện tử thế giới, mà cụ thể hơn là những tựa game bắn súng sẽ rất khác so với hiện tại.
Minh 'Gooseman' Le
Vậy lý do gì đã và đang khiến cho những người Việt Nam tại quê nhà gặp không ít những khó khăn trong việc gặt hái thành công đối với những tựa game mà họ phát triển như vậy? Hãy cùng GameK điểm qua một số lý do chủ yếu cho thực trạng đáng buồn và rất đáng suy ngẫm này đối với game made in Việt Nam.
Ý tưởng
Vào năm 1999, lúc Lê Minh cùng người bạn Jess Cliffe hình thành ý tưởng phát triển Counter Strike 1.0 như một phiên bản mod của tựa game bắn súng đình đám lúc bấy giờ là Half Life, anh vẫn đang theo học năm cuối tại trường đại học. Thế nhưng chỉ chưa đầy vài tháng sau, sau khi phiên bản beta thứ 4 được ra mắt, Valve đã chính thức ra tay hỗ trợ nhóm phát triển Counter Strike. Đến năm 2000, nhà phát triển game này đã mua lại bản quyền thương hiệu Counter Strike và dưa bộ đôi kể trên vào làm việc, tiếp tục phát triển những phiên bản Counter Strike kế tiếp.
Bài học đầu tiên được rút ra: Không chỉ có đam mê đem lại thành công. Bạn cần phát triển niềm đam mê của mình trở thành một hay một loạt ý tưởng có khả năng triển khai thành sản phẩm ăn khách. Khi đó, những nhả phát triển, phát hành game sẽ tự tìm tới bạn với lời đề nghị giúp đỡ.
Những ý tưởng mới, mang tính đột phá dĩ nhiên luôn được đánh giá cao. Tuy nhiên bạn cũng cần cân nhắc khả năng ứng dụng của những ý tưởng đó trong những tựa game. Một ý tưởng độc đáo nhưng không phù hợp với thị hiếu của game thủ rất dễ dẫn tới những thất bại.
Thiếu vốn và không được quan tâm đúng mức
Ngoài những tựa game indie với những ý tưởng đột phá, tuy đơn giản nhưng vô cùng ấn tượng ra, có lẽ có rất ít những tựa game có thể nhận được thành công tỷ lệ nghịch với số vốn bỏ ra. Để một nhóm phát triển game có thể vận hành "đầu xuôi đuôi lọt", số vốn cần có sẽ là rất lớn. Trong khi đó nếu bạn dự dịnh tạo ra một tựa game trong thời gian rảnh, theo như nhiều người chia sẻ, sẽ là vô cùng viển vông. Sẽ có những thứ khiến bạn ngồi cả ngày chỉ để tìm ra cách giải quyết thấu đáo, và nếu bạn có một công việc kiếm tiền khác, thì việc ôm thêm dự án game chưa biết chừng lại mang tác dụng ngược.
Trong khi đó, các ông lớn trong làng game Việt Nam lại đang có xu hướng bỏ rơi mảng phát triển game sau nhiều năm không đem lại hiệu quả cần có nếu đem so sánh với việc mua game về để phát triển. Khi những tựa game online nước ngoài dần có chất lượng cao lên cả về mặt hình ảnh lẫn âm thanh, cộng thêm với chế tài Nghị định quản lý game online mới tại Việt Nam được ra đời, các nhà phát hành sẽ có thể thoải mái bỏ tiền đầu tư vào những game mà họ cho rằng có thể đem lại thành công tại làng game Việt.
Khi việc đầu tư mua game mới, game hay từ nước ngoài sắp sửa trở nên dễ dàng, cố nhiên việc quan tâm đến việc tự phát triển game cũng sẽ bị bỏ bê. Từ đó dẫn tới hệ quả, khoảng cách chất lượng giữa game Việt Nam và game nước ngoài sẽ ngày càng bị nới rộng, đơn giản vì cộng đồng phát triển game không được quan tâm đúng mức.
Hệ quả diễn ra sớm nhất, và cũng khiến làng game không mấy bất ngờ chính là việc VTC Studio buộc phải giải thể. Một tin buồn cho toàn bộ cộng đồng phát triển game Việt Nam.
Cực đoan trong việc làm game
Có một nhà đầu tư đã từng nói với một nhà phát triển ứng dụng trên internet: "Đừng cố làm ra một sản phẩm cho mọi người, mà hãy làm một thứ gì đó anh cần sử dụng". Có vẻ như câu nói này đã trở thành kim chỉ nam của một bộ phận người làm game tại Việt Nam hiện tại.
Thế nhưng việc phát triển ứng dụng rất khác so với việc phát triển game. Nếu không có những bước tìm hiểu thị trường một cách kỹ lưỡng, biết được sở thích của đại đa số game thủ, và có những hướng đi hợp lý trong việc phát triển tựa game, thì thất bại là một điều có thể được báo trước. Những dự án game lớn trên thế giới thường phải trải qua bước đi này để có thể tạo ra những sản phẩm phù hợp với thị hiếu của game thủ.
Trong khi đó, việc đánh giá thị trường của những người phát triển game Việt Nam lại đang bị bỏ ngỏ, từ đó đôi lúc việc phát triển game lại dựa khá nhiều vào trải nghiệm cá nhân, hay dựa vào thị hiếu của một bộ phận rất nhỏ game thủ ở quanh nhà phát triển game đó. Hướng đi này khiến cho tựa game khi phát hành đã từng được hứa hẹn sẽ đem lại thành công, thế nhưng kịch bản ngược lại đã xảy ra một cách vô cùng đáng tiếc.
Một số lượng nhỏ người làm game Việt Nam lại có phần hơi cực đoan nếu nhận xét một cách công bằng trong vấn đề làm game. Họ mặc định xem thói quen chơi game của cá nhân mình hoặc các đồng nghiệp khác chính là thói quen chơi game nói chung của toàn bộ làng game Việt. Hệ quả xảy ra đôi lúc rất rõ ràng trong những sản phẩm mà họ ra mắt.
Theo VNE
Game online của cha đẻ Counter Strike chính thức Open beta Trong Tactical Intervention, bạn sẽ có thể phiêu lưu qua 11 màn chơi khác nhau với nhiều chế độ chơi và nhiều món vũ khí khác nhau. Vào ngày 12/09 tới đây, Tactical Intervention, tựa game online của Lê Minh, cha đẻ Counter Strike sẽ chính thức đi vào giai đoạn Open Beta trên nền tảng phân phối game Steam. Được biết Tactical...