[GameK Tiểu Sử] Đế Chế – Game chiến thuật sống mãi trong lòng game thủ Việt
Một trong những lý do khiến cho AoE (Đế Chế) vẫn còn đất sống tại Việt Nam một phần chính là nhờ vào tâm lý của không ít game thủ Việt 8x và 9x đời đầu
Năm 1995, Ensemble được thành lập dưới danh nghĩa một Studio độc lập chuyên về phát triển Game trên hệ thống máy PC. Ngay từ những ngày đầu, họ đã hợp tác rất chặt chẽ với Microsoft mà bằng chứng là tựa game đầu tay của họ Age of Empires (AoE) đã được đại gia này đỡ đầu và phát hành.
AoE đã giành được những thành công vang dội khi nhận được sự đón chào nồng nhiệt của các game thủ. Mặc dù chỉ nhận được 6,8 điểm theo đánh giá của GameSpot nhưng với cốt truyện xoay quanh chủ yếu lịch sử Châu Âu và Châu Á cùng các dân tộc có thực trong lịch sử, một bối cảnh khá mới lúc bấy giờ, AoE đã tạo nên sức hút riêng đối với người chơi.
Tham gia vào trò chơi, game thủ được đưa vào tư cách lãnh đạo của một dân tộc và trải 4 thời kỳ sơ khai đầu tiên trong lịch sử phát triển của loài người: Đồ Đá (Stone Age), đồ Đá mới (Tool Age – New Stone Age), đồ Đồng (Bronze Age) và đồ Sắt (Iron Age). Với một hệ thống Engine đồ họa được đánh giá cao, cùng sự tính toán kỹ tác động chân thực với môi trường vào thời điểm lúc bấy giờ AoE thực sự tạo ra một cuộc cách mạng trong thế giới Game dành cho PC.
Khi bạn chặt cây thì cái cây đó sẽ bị đốn hạ chứ không còn nguyên như nhiều game khác, hoặc hiệu ứng cạn kiệt dần của các ngư trường đánh bắt cá, mỏ đá, mỏ vàng hoặc các hiệu ứng chết của đơn vị quân, các công trình cháy cũng làm cho game trở nên chân thực hơn. Hệ thống chơi đơn với các nhiệm vụ được thiết kế xoay quanh câu chuyện của 4 dân tộc Egyptian, Greek, Babylonian và Yamato giúp cho người chơi có thể khám phá những câu chuyện lịch sử của loài người. Bên cạnh đó hệ thống chơi qua mạng với 8 người tham gia thi đấu cũng góp phần tạo nên sự thành công của game.
Tuy nhiên vào thời điểm lúc đó do hạ tầng viễn thông còn rất kém nên các trận đấu quá đông đều gặp tình trạng lag và mất kết nối nên cũng hạn chế đi rất nhiều sự phổ biến rộng rãi của AoE. Với những thành công của tự game này, các nhà làm game của Ensemble đã quyết định cho ra đời phiên bản thứ hai vào lễ Hallowen năm 1998, Age of Empires: The Rise of Rome (ROR), tiếp tục những gì còn dang dở ở phiên bản đầu cùng những sửa đổi để đảm bảo tính cân bằng trong game.
Tuy nhiên bên cạnh việc thay đổi những yếu tố chưa phù hợp của gameplay các nhà phát triển tiếp tục đem lại cho người hâm mộ thêm 4 chủng tộc Romans, Palmyrans, Macedonians và Carthaginians vào phiên bản mới nâng con số dân tộc có mặt trong game là 15.
Chính điều này đã khiến cho việc cân bằng trong RoR khó khăn hơn bao giờ hết khi có quá đông các tộc. Bên cạnh đó cơ chế chơi mạng của game vẫn chưa thể làm ổn thỏa đã khiến Ensemble ấp ủ dự định phát triển phiên bản mới của AoE.
Video đang HOT
Một trong những lý do khiến cho AoE vẫn còn đất sống tại Việt Nam một phần chính là nhờ vào tâm lý của không ít game thủ Việt 8x và 9x đời đầu, những người làm quen với những quán game nơi internet chưa tồn tại, và những tựa game tại đây đều chỉ xoay quanh WarCraft III, Half-Life 1.1 hay StarCraft. Trong số những tựa game hỗ trợ đánh LAN ít ỏi đó, dĩ nhiên có sự góp mặt của AoE.
Ở thời điểm hiện tại, tựa game chiến thuật ra mắt từ năm 1997 gần như đã chìm vào dĩ vãng, và chỉ còn một số ít quốc gia còn sở hữu những cộng đồng chơi AoE. May mắn thay trong số những quốc gia đó vẫn còn Việt Nam chúng ta, và những đối thủ đáng gờm đến từ Trung Quốc. Những trận đấu nghẹt thở, những giải đấu cũng như những trận thư hùng với sự góp mặt của nhiều game thủ có tiếng ở Việt Nam cũng như Trung Quốc như Chim Sẻ Đi Nắng, Tiểu Bạch Long, Hồng Anh, Yugi đến từ Việt Nam, hay Shen Long, Minh Nhật đến từ Trung Quốc đã khiến biết bao con tim thổn thức…
Bên cạnh những cái tên như StarCraft, WarCraft III, thì chắc chắn Age of Empires là một trong những game chiến thuật nổi đình nổi đám bậc nhất tại Việt Nam với hàng loạt những đội AoE đến từ khắp các tỉnh thành trên cả nước.
Mặc dù đã từng có thời gian phát triển cực thịnh, nhưng theo những điều lo lắng của G_Man, một trong những BLV nổi tiếng nhất của làng AoE nước nhà cũng đã cho thấy vì sao AoE khó lòng có thể phát triển mạnh hơn được nữa.
Qua nhiều năm, chiến thuật AOE đã không còn gì mới. Sự đam mê khám phá đang dần mai một. Đặc biệt trong bối cảnh các game khủng với đồ họa đẹp, các game được công nhận là esport đang dần dần lôi kéo game thủ trẻ. Thế nhưng đánh giá rằng cộng đồng AoE đã chết là một nhận định cực kỳ sai lầm. Những trận đấu giao hữu, những game thủ nổi danh nhờ vào kỹ năng đặc biệt của bản thân vẫn ngày một xuất hiện tại làng AoE Việt.
Theo Gamek
Những điểm đến huyền thoại của dân chơi game xứ Hà Thành trước đây
Vì nhiều lý do khác nhau, các địa điểm này giờ chỉ còn là những ký ức đẹp trong lòng mọi người mà thôi.
Có thể với cộng đồng game thủ eSports Hà Nội ngày nay, những cái tên như Tam Giác Bách Khoa, Nét Chùa, Net Việt... sẽ vô cùng xa lạ. Thế nhưng, ở thời kỳ đầu, khi game PC cũng như game PS mới xuất hiện tại Việt Nam, đó chính là những điểm đến nổi tiếng, nơi quy tụ hàng loạt các anh tài ở tất cả các thể loại game như Đế Chế, StarCraft, WarCraft, PES...
Vì nhiều lý do khác nhau, các tụ điểm huyền thoại này đã bị dẹp bỏ và dần dần rơi vào quên lãng. Thế nhưng, trong ký ức của những game thủ đời đầu, Tam Giác Bách Khoa, Nét Chùa hay Net Việt sẽ vẫn mãi là kỉ niệm đẹp không thể nào quên. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua một số thông tin về chúng nhé!
Tam Giác Bách Khoa
Vào những năm 2001-2005, khi được hỏi đâu là tụ điểm lớn nhất của dân chơi game Hà Thành thì chắc chắn câu trả lời sẽ là Khu Tam Giác Bách Khoa. Sở dĩ có tên gọi như vậy là bởi tụ điểm game này được xây dựng trên một mảnh đất hình tam giác, bên cạnh con sông Sét "thơ mộng" (sông Sét nay đã được bê tông hóa với hệ thống cống ngầm chảy phía dưới, còn bên trên chính là con đường Trần Đại Nghĩa hoành tráng ngày nay.
Để các bạn dễ hình dung hơn, khu Tam Giác Bách Khoa giờ chính là tòa nhà B1 bây giờ, đối diện KTX và siêu thị Minh Châu.
Ở thời kỳ hưng thịnh của mình, Tam Giác Bách Khoa tập trung rất nhiều quán game PC, quán net, quán PES... và tựa game được yêu thích nhất, nhiều người chơi nhất tại đây chính là Đế Chế (AoE). Chỉ cần đi ngang qua khu này, bạn sẽ được thưởng thức những tiếng leng keng của ngựa chém, tiếng uỳnh uỳnh của pháo cũng như tiếng thét bi thương khi nông dân phải nằm xuống. Đan xen với đó là những tiếng nổ giòn tan của khẩu 46 trong Haftlife.
Đế Chế là tựa game được yêu thích nhất tại khu Tam Giác Bách Khoa.
Thậm chí, theo ý kiến của nhiều "tiền bối" 8x, một khi đã là sinh viên Bách Khoa yêu thích game, không ai là không một lần tìm đến Tam Giác Bách Khoa để "thử lửa". Tại đây, ngoài việc chơi game giá rẻ, sinh viên còn được thưởng thức những bữa ăn "no đến tận bữa sau" với giá hết sức rẻ, chỉ vào khoảng 3.000đ đến 4.000đ. Thậm chí, chủ hàng khi đó cũng hết sức thoải mái khi sẵn sàng cho sinh viên "ghi nợ" mà chẳng lấy một đồng tiền lãi nào. Tất nhiên, việc cơm giá rẻ, cửa hàng lại được đặt trong tụ điểm game nên chất lượng cũng như khâu vệ sinh đều tệ.
Hình ảnh quen thuộc của những game thủ đời đầu.
Đến năm 2006, khu Tam Giác Bách Khoa đã bị giải tỏa với mục đích phục vụ cho kế hoạch xây dựng, cải tạo của trường Đại Học Bách Khoa. Mặc dù vậy, theo ý kiến của những tiền bối trước đây, sở dĩ Tam Giác Bách Khoa bị xóa sổ là bởi ngoài game ra nó tụ tập rất nhiều tệ nạn xã hội như Lô đề, cờ bạc, cá độ, cho vay cầm đồ... Các sinh viên khi bước vào đây rất khó tránh khỏi sa ngã, hư hỏng cả cuộc đời nên các nhà chức trách mới quyết định phải thẳng tay dẹp bỏ.
Thế nhưng, dù nói thế nào đi chăng nữa, Tam Giác Bác Khoa sẽ vẫn mãi là niềm tự hào, là biểu tượng và là ký ức đẹp trong lòng cộng đồng game Việt.
NetChùa
Sau thời Tam Giác Bách Khoa, cộng đồng game thủ Việt lại có thêm một tụ điểm "ăn chơi" khác cực kì nổi tiếng, đó chính là NetChùa. Đây là một Cyber Game đặt tài tầng 3 Trung tâm giải trí Hà Nội Starbowl được chính thức đưa vào hoạt động ngày 18/3/2006.
Mặc dù vậy, trái ngược với sự "dân dã, giản dị" của Tam Giác Bách Khoa, NetChùa được đầu tư rất lớn với dàn máy tính cấu hình cao Pentium 4 - 3.0 Ghz, Ram 1GMb, Video Card 256 (cực khủng vào thời điểm đó).
Ngoài ra, cách dịch vụ tại đây cũng tốt hơn nhiều lần so với Tam Giác Bách Khoa. Thế nhưng, giá thành chính là một trở ngại lớn đối với các sinh viên khi đến với NétChùa. Thành ra, Cyber Game này được đánh giá là phục vụ cho các người chơi có tiền, có nhu cầu chơi những game cấu hình cao hơn như Counter-Strike, FIFA, StarCraft, WarCraft III...
Sau Đế Chế, StarCraft là tựa game chiến thuật được yêu thích nhất tại Việt Nam.
Trong một thời gian dài, NetChùa liên tục được lựa chọn để tổ chức những giải đấu lớn tầm cỡ khu vực cũng như thế giới, tiêu biểu có thể kể đến là kì World Cyber Games 2006. Các anh tài StarCraft, WarCraft III, FIFA, Counter Strike thời bấy giờ cũng thường lựa chọn NetChùa làm địa điểm luyện tập.
NetChùa là nơi luyện tập của rất nhiều anh tài WarCraft III.
Thế nhưng, do vị trí không thuận lợi cũng như sự cạnh tranh gắt gao tới từ các phòng máy khác, cuối cùng NetChùa cũng đã phải đóng cửa. Mặc dù vậy, mô hình quán game chuyên nghiệp mà NetChùa áp dụng đã mở ra một kỉ nguyên mới để các phòng máy sau đó học tập theo.
Ngoài ra, chúng ta có thể kể đến một số tụ điểm ăn chơi khác của giới game thủ Hà Nội nay đã không còn như Net Việt Cyber Game (Hoàng Cầu), Cyzone 1 (Tây Sơn).
Theo Gamek
"Đế chế" 3 có bản mở rộng mới sau... 12 năm Age of Mythology hay còn được gọi bằng cái tên "Đế chế 3" ở Việt Nam sẽ có một bản cập nhật hoàn toàn mới. Còn nhớ khi Age of Mythology mới được giới thiệu vào năm 2002, nó đã khiến cho cộng đồng game thủ Việt Nam lẫn thế giới tỏ ra rất hào hứng nhưng khi ra mắt chính thì kết...