Game thủ Việt và những nỗi lo canh cánh trong thế giới game
Tài khoản bị hack, nỗi lo mải chơi game mà rơi vào phận FA,… tất cả những mối lo lắng này đều khó lòng so sánh với những nỗi lo canh cánh của game thủ Việt được đề cập dưới đây
Game online bỗng dưng “biến mất”
Ở thời điểm hiện tại, có quá nhiều game online đang được phát hành ở nước ta. Chỉ tính riêng trong năm nay, đã có hơn 50 Webgame được phát hành và chúng sẽ còn gia tăng với tốc độ không khác gì trong năm 2012. Ấy là chúng ta vẫn còn chưa tính tới các game online trên di động đang dần trở thành trào lưu.
Vậy hệ lụy của việc số lượng game online mới tăng quá nhanh này là gì? Đó chính là việc cộng đồng game thủ Việt bị xé lẻ, các game mới thì được phát hành quá nhiều khiến lượng người chơi ở các game cũ bị giảm đi một cách báo động. Và tất nhiên, khi mà lượng người chơi chỉ còn quá ít, doanh thu của game giảm mạnh và đây cũng là lúc NPH tính đến chuyện “đóng cửa game” để tránh lỗ.
Trong thời gian gần đây, theo ghi nhận của chúng tôi thì có một số game online thông báo “bảo trì, tạm dừng đóng cửa server” nhưng thực chất lại là đóng cửa game.
Video đang HOT
Trên thực tế, chiêu bài “bảo trì vĩnh viễn” đã được áp dụng từ lâu, nhưng đến nay mới được nhiều NPH áp dụng. Tất nhiên, với những game thủkinh nghiệm hay chơi vui thì họ cũng không quá băn khoăn về vấn đề này. Tuy nhiên, với những game thủ đã đầu tư nhiều thời gian, tiền bạc vào game thì việc NPH chỉ thông báo bảo trì nhưng thực chất là đóng cửa luôn này có thể khiến họ cảm thấy hụt hẫng.
Đóng cửa trong êm đẹp là một chuyện, thế nhưng kể từ đầu năm tới nay, không ít những vụ lùm xùm vì nhà phát hành đóng cửa game một cách bất ngờ mà không có bất kỳ động thái nào đền bù cho game thủ. Điều này khiến cho những game thủ đã gắn bó hoặc bỏ tiền cho game cảm thấy mất lòng tin vào chính các nhà phát hành.
Game online phát hành không phép
Và các nhà phát hành game không phép ở đây chúng tôi muốn nói tới không ai khác chính là các NPH Trung Quốc, những đơn vị đã và đang có những động thái tấn công gắt gao vào làng game Việt đầy màu mỡ hiện tại.
Kể từ khi có những thông tin liên quan đến việc các nhà phát hành game online Trung Quốc bị truy quét tại Việt Nam, cộng đồng game thủ đã có những phản ứng vô cùng tích cực khi thấy những nhà phát hành với cung cách làm việc và phục vụ game thủ Việt không được như mong muốn buộc phải ngừng cung cấp dịch vụ.
Tuy nhiên, đứng trước những khó khăn kể trên nhằm về phía các nhà phát hành game Trung Quốc tại Việt Nam thời gian qua, các nhà phát hành này đã và đang có những hướng đi mới, hay nói đúng hơn là những biến tướng trong việc khai thác dịch vụ game online tại Việt Nam.
Ngày càng có nhiều nhà phát hành game online Trung Quốc đã và đang hợp tác với các cổng phát hành game tại Việt Nam để phát hành những game mới, dĩ nhiên là không có giấy phép, cũng như không có cả tên tuổi nhà phát hành thực sự. Nói cách khác, những tựa game này được mở cửa không khác gì những game online “lậu”.
Từ nỗi lo hết tiền…
Nếu ra một quán game lớn quan sát thì bạn sẽ không khó để bắt gặp cảnh gamer mua và nạp thẻ với số lượng cũng như mệnh giá không hề nhỏ chút nào, tất cả cũng chỉ với mục đích tăng cường sức mạnh cho nhân vật trong game của họ. Tuy nhiên hãy tưởng tượng rằng đến một lúc nào đó chúng ta không có nổi vài nghìn đồng trong túi thì chuyện gì sẽ xảy ra.
Tiền luôn là vấn đề thường trực với đại đa số game thủ Việt bởi đơn giản, chủ yếu họ đều là học sinh, sinh viên… những người vẫn còn đang ăn học và đang được bố mẹ chu cấp. Do đó, một khi hết tiền (tiền ảo hay cả tiền thật) thì họ vẫn sẽ luôn gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy, trong quá trình cày game thì các game thủ luôn quan niệm là “phải tiết kiệm”, từ một bình máu đến một bình mana. Tất cả đều được suy tính rất kĩ càng trước khi sử dụng để đem lại hiệu quả cao nhất.
…đến nỗi lo… tụt top
Kể từ khi thị trường trò chơi trực tuyến tại Việt Nam chính thức chào đời cho tới nay, có lẽ chủ đề “cày kéo hay chơi cho vui” luôn tạo thành làn sóng tranh luận dữ dội trong cộng đồng giới trẻ nước nhà. Đơn giản vì suy nghĩ của mỗi game thủ là khác nhau nên họ sẵn sàng xả thân vì quan điểm cá nhân. Cho tới hiện tại, phần đông ý kiến đều phản đối chuyện “đua top” trong game online. Họ cho rằng chính xu thế cày kéo, cắm chuột đã làm “tha hóa” mặt bằng giới trẻ trong nước đến nỗi họ chẳng còn mặn mà với các sản phẩm hấp dẫn thực sự tại Tây Âu.
Tuy nhiên, sự thực thì chính việc đua top lại tạo nên sự hứng thú chơi game đối với rất nhiều gamer. Thậm chí, điều này còn giúp cho các NPH thu về những khoản tiền không nhỏ từ các đại gia với đam mê sắm đồ khủng, xếp hạng cao… Có thể nói, cuộc chiến đua top ở làng game Việt cũng khốc liệt và sôi động không kém bất cứ cuộc cạnh tranh nào ở ngoài cuộc sống thực, nhất là ở những MMORPG nổi tiếng.
Một ví dụ điển hình có thể thấy là đua top level, với những game thủ máu me thì việc họ cắm máy liên tục 24/24 trong nhiều ngày để nhân vật được luyện level liên tục cũng là điều bình thường. Ngoài ra, người ta còn có thể liên hệ, nhờ vả các chiến hữu để nhân vật ảo được luân phiên cày kéo, người nào mệt thì người kia sẽ chơi hộ. Dù nỗi lo đua top, rớt hạng luôn thường trực nhưng theo những gamer này thì chính điều đó mới tạo nên sự thú vị giúp họ càng say mê chơi game online.
Theo Gamek