Game thủ Việt và hack: “Sâu” vẫn rất nhiều
Chẳng riêng gì thị trường Việt Nam, mà hack, cheat đã từ lâu là một vấn nạn cũng như một căn bệnh mãn tính chưa tìm ra thuốc chữa đối với thị trường game trực tuyến. Có thể nói, rất khó tìm ra một tựa game online nào mà không có những người chơi muốn vượt lên những game thủ khác bằng những phương pháp không được cho phép, hay nói cách khác là hack, cheat.
Thế nhưng nếu chúng ta cứ ngồi tản mạn về hack trên toàn thế giới, thì bài viết sẽ trở thành một bài viết lan man, chẳng có trọng tâm vì game thủ nào cũng có những chia sẻ về chuyện hack và cheat. Vì thế chúng ta hãy thu gọn chủ đề lại, và chỉ bàn luận đến thực trạng hack trong cộng đồng game thủ Việt. Mặc dù chủ đề này đã được bàn luận rất lâu và rất nhiều, thế nhưng đó là chủ đề chẳng bao giờ cũ đối với những gamer Việt Nam, kể cả những người chơi game online được phát hành trong nước hay chơi trên server nước ngoài. Hãy bắt đầu với những “game thủ” trong nước.
Hack từ nhà…
Hãy tưởng tượng rằng sau một ngày mệt mỏi, bạn đăng nhập vào tựa game mình ưa thích với mục đích làm vài ván đấu với những người chơi khác trong game. Bạn chọn phòng và bắt đầu trận đấu, chỉ để nhận ra rằng đây hoàn toàn chẳng phải thứ mình mong đợi. Đội đối phương có vài thành viên có biểu hiện rất lạ, họ di chuyển quá nhanh, biết trước mọi đường đi nước bước của ta, và dĩ nhiên là luôn ra tay trước ta. Rồi cảm giác trò chơi vốn được bạn hy vọng sẽ mang lại những giờ phút thư giãn bỗng chốc biến thành khó chịu và ức chế, khi bạn phát hiện ra đối phương đã sử dụng hack chỉ để thắng một ván đấu ảo gần như vô giá trị.
Vậy câu hỏi đặt ra là, vì sao hack vẫn cứ tràn lan, mặc cho các NPH cũng như game thủ ra sức lên tiếng kêu gọi tẩy chay, bài trừ hack?
Đến game tự tuyên bố “không có hack” cũng phải chao đảo
Lý do thứ nhất, đó là tính a dua, hiếu thắng của một bộ phận game thủ Việt Nam. Bạn bè họ sử dụng hack, vì tò mò họ cũng sẽ dùng thử. Dần dà, việc sử dụng hack cũng “gây nghiện”, giống như auto vậy. Sẽ đến một lúc nào đó game thủ khó có thể rời khỏi phần mềm hack khi chơi mỗi tựa game, đơn giản vì họ đã quá quen với chiến thắng dễ dàng, cũng như kỹ năng chơi game đã bị những phần mềm độc hại này bào mòn. Đó là lỗi, là trách nhiệm trực tiếp của những người chơi game online sử dụng hack cheat.
Video đang HOT
Vậy còn lý do thứ hai sẽ là trách nhiệm của ai? Hãy bắt đầu từ việc game xuất hiện hack, cheat. Dĩ nhiên nhà phát hành sẽ nhận được những phản hồi của người chơi một tựa game về việc một hay nhiều người chơi khác có hành vi “bẩn”. Đến đây NPH sẽ có hai việc phải làm một cách đồng thời, một là tìm ra công cụ và phương pháp cheat của game thủ nọ để tìm cách vá lỗi game trong bản cập nhật kế tiếp, sau đó là tìm ra hình phạt phù hợp cho người chơi có hành vi không mấy hay ho kia, mà thông thường là khóa tài khoản một thời gian hoặc vĩnh viễn. Thế nhưng trong khi việc thứ hai có thể được thực hiện rất đơn giản, thì việc đầu tiên, vá lỗi cho game, lại là điều không phải NPH nào cũng có thể hoàn thành tốt.
Rất nhiều game online đang được phát hành tại Việt Nam mà nhà phát hành tại nước ta hoàn toàn không được quyền nắm mã nguồn của game. Một vài trường hợp khác, đội ngũ test game của NPH không kiểm tra kỹ được độ bảo mật của game, dẫn tới việc khi người chơi tìm ra được lỗ hổng bảo mật của tựa game để tận dụng, thì cả nhà sản xuất lẫn nhà phát hành đều bất lực và chỉ có những hành động mang tính thủ tục, đó là khóa tài khoản những hacker bị game thủ khác báo cáo. Con số này nếu đem chia cho tổng số người sử dụng hack trong một tựa game, chúng ta sẽ có một phân số với tử số bằng 1, và mẫu số cực kỳ lớn.
…ra phố
Trên đây là những gì đang xảy ra tại thị trường Việt Nam. Vậy còn những người chơi MMO nước ngoài? Hiển nhiên là vẫn có các hacker và cheater Việt nhan nhản khắp các game online lớn của thế giới. Đã có không ít lần, hành vi chơi game với “công cụ hỗ trợ” của game thủ Việt đã mang lại bao tai tiếng đối với cộng đồng gamer Việt ở các tựa game nước ngoài. Cá biệt, cũng đã có không ít tựa game đã chính thức nói không với người Việt Nam, đơn giản vì trước đó, “thành tích” hack, cheat của những người này đã lên tới cảnh giới khét tiếng.
Thế rồi vì những con sâu làm rầu nồi canh (nồi canh thì bé, mà sâu thì rõ nhiều) đã khiến cho một bộ phận không nhỏ người chơi game ở nước ngoài có thành kiến rất nặng nề với người chơi Việt theo kiểu “vơ đũa cả nắm”. Nếu chỉ có 1 2 cá nhân hack cheat đã đành, chúng ta đã từng gặp trường hợp cả một guild người Việt sử dụng cheat trong game, vì thế việc “vơ đũa cả nắm” của những bạn chơi nước ngoài âu cũng là điều dễ hiểu.
Tạm kết
Chiến thắng trong game, dù thoải mái và yêu cầu nhiều kỹ năng, nhưng cũng chỉ là niềm vui ảo, nhanh tới, nhanh qua. Thế nhưng tai tiếng sau khi bị gán cho cái danh “cheater” sẽ đi theo game thủ một thời gian rất dài. Vì thế một lần nữa, câu chuyện ý thức game thủ trong các tựa game online lại một lần nữa được đề cập tới.
Theo GameK
[Ghi nhận] Cái nhìn của gamer Việt về game online Trung Quốc
Thưa các bạn, ngay sau khi bài viết trưng cầu ý kiến về góc nhìn của game thủ Việt Nam tới những tựa game online có nguồn gốc tại Trung Quốc được đăng tải, GameK đã nhận được không ít những bình luận chia sẻ từ các độc giả, những người chơi MMO Việt Nam. Đáng mừng hơn, bên cạnh việc gửi gắm ý kiến cá nhân, các bạn còn phân tích sâu hơn lý do của việc game online có nguồn gốc tại Trung Quốc hễ cứ được nhà phát hành nhập về Việt Nam là bị tẩy chay và bị quay lưng. Chúng ta hãy cùng điểm qua những lý do khiến cho thời gian qua, không ít những MMO &'Tàu' bị quay lưng.
Đầu tiên phải kể đến căn bệnh "nhai lại" của nhà phát hành game Việt. Những tựa game online với nội dung, cốt truyện, lối chơi có phần quá tương đồng đã được các nhà phát hành Việt Nam nhập về thị trường nội địa. Đơn cử, chúng ta có cả một bản danh sách những MMO lấy bối cảnh thời kỳ Tam Quốc đang có mặt tại thị trường Việt Nam: Tam Quốc Chí 3D, Chiến Tướng 2, Anh Hùng Tam Quốc, Tam Quốc Chiến, Tam Quốc Truyền Kỳ, Mộng Tam Quốc, Thần Long... Sự thiếu đa dạng về nội dung của những tựa game online như thế này là lý do đầu tiên khiến cho thị trường bão hòa. Từ đó, sự thờ ơ của cộng đồng game thủ về những game online như thế này cũng dần được hình thành.
Lý do thứ hai được đưa ra là do thói quen chơi MMO của game thủ Việt. Không phải tự nhiên mà các nhà phát hành game trong nước thường tập trung vào việc đầu tư cho những tựa game dễ chơi, đơn giản đến từ thị trường của nước láng giềng. Để minh chứng, GameK xin trích đăng một đoạn bình luận tiêu biểu của độc giả có tên "CJ". Đoạn bình luận này mô tả khá chuẩn xác những gì đang xảy ra với thị trường game Việt với sự góp mặt của các webgame Trung Quốc:
"Việt Nam có điểm tương đồng về văn hóa với TQ nên game của nó cũng tương đối phù hợp. Bởi vậy, các game nhập về đa phần phải phù hợp với cái văn hóa này. Đặc biệt là thể loại kiếm hiệp, mà kiếm hiệp thì TQ nó là trùm rồi. (...)
Cộng với thói quen (văn hóa) chơi game của game thủ Việt. Kiểu như cắm đầu vào chơi đến khi xong, và luôn skip các đoạn hoại thoại, bỏ quên tên nhân vật. Cho đến khi chơi xong game thì chỉ nhớ là à, mình đã chơi xong game đó, nhân vật mình chọn là con bé cầm cây gậy phép có chiêu thả sấm chớp. Nhưng chả biết nó tên gì.
Thêm cái auto nữa, thành ra bây giờ nhiều người kén game offline. Nếu có chơi thì dùng cheat, artmoney, hoặc xem các video walkthough.Cuối cùng tạo thành cái gọi là: Cả thèm chóng chán, nhảy từ game này sang game khác. Vậy thì để đảm bảo mình sống còn, bắt buộc NPH chọn game dễ, có auto, đơn giản,... để phát hành thôi. Không trách đi đâu được. Mà cái thể loại này thì TQ sản xuất đầy."
Trong khi đó, cũng có không ít game thủ, không ít những độc giả lại có được cái nhìn tổng quan hơn khi cho rằng game Trung Quốc cũng có cái hay, có cái dở. Vấn đề người Việt có được chơi game hay của "anh láng giềng" hay không còn phải phụ thuộc rất nhiều vào các nhà phát hành trong nước: "Game thì có game dở và game hay, quan trọng là do NPH VN có thái độ thế nào khi mua game về phát hành. Chúng ta đang đối mặt với vô số game rác là do các NPH của VN muốn thu lợi nhiều nên toàn phát hành những game dở, và 1 mặt khác là do chúng ta co nhìn nhận thế nào khi tham gia 1 game mới, nếu ko thích thì chúng ta ko tham gia. Cái đó nằm ở cách nhìn và nhận thức của mỗi người chứ dừng bao giờ đổ thừa đó là game Tàu".
Cũng theo kết quả bình chọn của bài viết trước, số lượng những game thủ có lối suy nghĩ như trên đây chiếm 43,43% trong số gần 2.500 người tham gia bình chọn, Trong khi đó con số những người có tư duy tuyệt đối quay lưng với game Trung Quốc, bất kể đó là game hay hay game dở rơi vào khoảng gần 37%. Còn lại là những game thủ Việt buộc lòng phải gắn bó với những tựa game có chất lượng không cao được các NPH Việt phát hành vì nhiều lý do.
Tổng kết lại, việc thị trường Việt Nam trở thành "bến đỗ" cho không ít game chất lượng thấp có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc có phần trách nhiệm của cả những game thủ Việt, lẫn các nhà phát hành. Thêm vào đó, game Trung Quốc không phải sản phẩm nào cũng là "rác" như không ít game thủ nghĩ. Vấn đề nằm ở chỗ, việc những tựa game cao cấp từ Trung Quốc có về được Việt Nam hay không còn phụ thuộc nhiều vào thói quen chơi game của đại bộ phận game thủ Việt. Từ bỏ hoàn toàn thói quen auto và cả thèm chóng chán, khi đó các NPH Việt Nam sẽ chẳng có lý gì mà không phát hành những cái tên như Tiếu Ngạo Giang Hồ hay Huyền Thiên Chi Kiếm đến với game thủ của dải đất hình chữ S.
Theo GameK
[Hỏi Game thủ] Bạn có ghét game Trung Quốc? Không rào đón dông dài, trong bài viết này GameK sẽ đi thẳng vào vấn đề muốn đề cập. Một tình trạng rất phổ biến hiện nay của làng game online nước nhà, đó là có một bộ phận game thủ tỏ ra cực kỳ thờ ơ, thậm chí là dẫn đến thói quen tẩy chay những tựa game online có nguồn gốc...