Game thủ cãi nhau xem Diablo có phải game nhập vai hay không
Chỉ một câu nói của Blizzard về Diablo đã khiến các game thủ trên thế giới tranh luận về một đề tài lớn: “Thế nào mới là nhập vai?”
Trong thời gian gần đây, sự việc được các fan của Diablo III chú ý nhất là việc Blizzard tuyên bố rằng họ không có kế hoạch phát hành tựa game đó trong năm 2011. Sau sự kiện này, một số đại diện của Blizzard như chủ tịch Mike Morhaimme hay thiết kế trưởng Rob Pardo đã xuất hiện, trả lời một số phỏng vấn và cho biết rằng họ hy vọng sẽ có thể hoàn tất dự án Diablo III và đưa nó đến với các fan hâm mộ trong năm nay.
Khi đó, chủ tịch của Blizzard cho biết rằng ông luôn cảm thấy Diablo là một dòng game khác biệt rất nhiều so với những sản phẩm khác thị trường. Nó có một chỗ đứng mà trước đây chưa có ai từng khai phá. Không đồng tình với quan điểm này, ông Rob Pardo cho biết rằng điều mà chủ tịch Mike của Blizzard vừa nói chỉ là thứ mà họ đang cố gắng xây dựng cho Diablo. Thứ mà series này làm tốt nhất từ trước đến giờ vẫn là mở rộng thị trường của thể loại nhập vai.
Chỉ vì hai chữ “nhập vai” trong câu nói của ông Rob Pardo, các độc giả của Kotaku đã có một cuộc tranh luận rằng liệu Diablo có thật sự là một tựa game nhập vai trong khi nội dung của nó lại chỉ tập trung vào những pha hành động chặt chém và thi triển pháp thuật điên cuồng. Những nét tinh túy ở Diablo không giống với những chi tiết được xác lập khi khái niệm “trò chơi nhập vai” mới xuất hiện.
Một thành viên với nickname Bluebolge cho rằng Diablo III không phải nhập vai. Trong trò chơi này mọi người không thực sự đóng vai một nhân vật trong một bối cảnh nhất định và đưa ra những lựa chọn mang tính ảnh hưởng lớn tới nội dung. Nó không giống với cách thể hiện của những trò chơi như Baldur’s Gate hay gần đây nhất là Dragon Age: Origins – những trò chơi được xây dựng dựa trên khuôn khổ của Dungeons & Dragons.
“Diablo phải là một trò chơi nhập vai chứ! Nó có các lớp nhân vật, đủ loại vật dụng như kiếm với gậy phép, các cây kĩ năng rồi đủ thứ phép thuật… Đối với tôi đó đều là những yếu tố kinh điển của thể loại RPG. Thế thì tại sao Diablo lại không phải là một game nhập vai” – thành viên Velkonn trả lời.
Một vài game thủ khác cũng đồng tình về việc chẳng cần phải nghĩ ngợi nhiều, cứ có lên level, sức mạnh của nhân vật được quyết định bằng nhiều chỉ số và được quyền lựa chọn trong việc phát triển kĩ năng là đủ để gọi là nhập vai rồi. Một số khác lại nói rằng Diablo nên được coi là một game nhập vai hành động. Đó cũng là một phân nhánh phổ biến ngày nay của thể loại nhập vai.
Nếu muốn cụ thể hơn thì mọi người có gọi nó bẳng thể loại Dungeon Crawler bởi cấu trúc của Diablo cũng được xây dựng chủ yếu là các màn chơi bí hiểm như các hầm ngục. “Cho dù Diablo chỉ có toàn chặt với chém thì nó vẫn là RPG, không phải cứ game nhập vai là phải chơi theo lượt. Diablo là một trò chơi nhập vai thời gian thực và điều đó chẳng có gì sai” – Trích lời của kukutoto.
Video đang HOT
Cuộc tranh luận bắt đầu được mở rộng ra khi các thành viên và thậm chí là người khởi xướng ra cuộc tranh luận là Bluebolge cho rằng hầu như trò chơi nào cũng là nhập vai. Trong những trò chơi gần đây như GTA: San Andreas cũng có những nhân vật với chỉ số, cũng có các nhiệm vụ và cũng có tính năng thu thập vật dụng. Thế nhưng không ai gọi nó là nhập vai!
Nếu nhìn vào những trò chơi cổ như Doom, mọi người sẽ thấy nó cũng là một trò chơi dungeon crawler. Chỉ có điều là nó được thể hiện ở góc nhìn người thứ nhất. Không có nhiều chỉ số lằng nhằng và giờ thì thể loại đó được mọi người gọi bằng các cái tên khác như FPS… Hơn thế nữa, khái niệm “nhập vai” dường như tồn tại trong gần như tất cả các trò chơi điện tử. Để xác định mức độ nhập vai rồi cân đo đong đếm yếu tố này cũng là thứ mà điện ảnh đau đầu bấy lâu.
Trở lại với Diablo, trò chơi này không khiến cho game thủ phải đau đầu đọc rất nhiều để hiểu được về bối cảnh của game và đưa ra một số lựa chọn quan trọng. Nó không giống việc bạn phải đọc codex thì mới làm quest được như trong Dragon Age: Origins. Bluebolge dựa vào yếu tố này để cho rằng nội dung của Diablo chưa đủ sâu sắc để được gọi là nhập vai.
Tuy nhiên, một số thành viên phản biện rằng cùng với thời gian thì Diablo cũng đã xây dựng được một cốt truyện lớn cho mình. Nếu muốn nắm rõ các chi tiết và sự kiện chính trong đó thì bạn cũng sẽ phải đọc rất nhiều. Thêm nữa, game thủ không nên bị đánh lừa bởi cách thể hiện đơn giản và thân thiện mà Blizzard đang cố khoác cho trò chơi này. Diablo vẫn có một nội dung khá phức tạp.
Etheris – một game thủ tham gia tranh luận – cho rằng ngày nay càng nhà làm game đang vượt ra khỏi những khuôn khổ của các thể loại. Game bắn súng cũng có thể kết hợp với các yếu tố nhập vai rồi thành công như Deus Ex. Chẳng có lí do gì để mọi người phải giới hạn trí tưởng tượng của mình trong những khuôn khổ do người khác đặt ra. Ngày nay cũng có không ít trò chơi lồng ghép yếu tố nhập vai vào gameplay của mình để nó được phong phú hơn về nội dung.
Theo định nghĩa của Wikipedia, một trò chơi nhập vai là trò chơi mà trong đó người chơi đóng vai một nhân vật trong một bối cảnh giả tưởng. Người chơi có thể trực tiếp diễn xuất hoặc đưa ra những lựa chọn và quyết định ảnh hưởng tới cả một hệ thống hoặc phát triển nhân vật của mình. Tuy nhiên, mọi thứ đều phải đi theo những luật chơi nghiêm ngặt.
Việc người chơi được phát triển các nhánh kĩ năng cho lớp nhân vật của mình cũng có thể coi là một yếu tố phổ biến của nhập vai. Đó là còn chưa kể đến việc bạn được chọn lựa nâng các chỉ số cho nhân vật của mình theo nhiều đường build khác nhau. Những yếu tố này là cũng đủ để nó được coi là nhập vai. Hơn nữa, mọi người đừng quên rằng mọi trò chơi đều có sự xuất hiện của yếu tố nhập vai, cho dù chỉ là thoáng qua.
Diablo – theo tham vọng của Blizzard – là một trò chơi mà trong đó người chơi được thoải mái chặt chém, tiêu diệt kẻ địch bằng những đòn phép điên cuồng ngoạn mục nhất. Nếu bạn đã xem đoạn video đầu tiên mà Blizzard giới thiệu về Diablo III, trong đó, gameplay được “thị phạm” trên nhân vật Barbarian, nhà sản xuất đã nói: “Đây là một nhân vật được xây dựng dựa trên quan niệm của chúng tôi khi xây dựng Diablo – chẳng có gì là quá mạnh”.
Diablo cứ việc theo đuổi phong cách chặt chém ngoạn mục của riêng mình và nó thành công cũng là nhờ điều đó. Hãy cứ là bản thân mình, chẳng việc gì phải đi theo sự dẫn đường của riêng ai!
Dragon Age II bị fan phần một chê đủ đường
Sự thay đổi mang tính "casual-hóa" của series Dragon Age khiến cho đối tượng khách hàng của nó là những game thủ ưa thích phong cách nhập vai cổ điển mất dần lòng tin.
Theo lời của Bioware, những thay đổi mà họ đang áp dụng với phần 2 của loạt game nhập vai Dragon Age là để phục vụ cho mong muốn của nhà sản xuất trong việc cải thiện những điểm còn thiếu sót của phiên bản trước và giúp thương hiệu này mang những dấu ấn riêng. Thế nhưng, đó chỉ là họ nghĩ vậy. Các game thủ, đặc biệt là fan của phiên bản Dragon Age: Origins thì lại không hài lòng chút nào với những gì BioWare đang làm.
Trong những thay đổi của Dragon Age II so với Dragon Age: Origins, sự thay đổi rõ ràng nhất của dòng game đó là phong cách đồ họa. Khác với phong cách đồ họa tăm tối và sát thực như ở phần đầu, Dragon Age II có nét màu sắc và hơi hướm hoạt họa hơn.
Theo họa sĩ thiết kế của Bioware, Matt Goldman, sự thay đổi trong phong cách đồ họa của Dragon Age II là điều cần thiết. Những gì được thể hiện qua bản Origins không làm Bioware thật sự thỏa mãn, họ cảm thấy dường như game đang cố gắng nửa vời với đồ họa nửa u ám, nửa kì quái. Thế nên, việc Bioware muốn sửa chữa những lời chê trách của phiên bản trước cũng không phải khó hiểu.
Đồ họa của Dragon Age II ít góc cạnh thô kệch hơn và bắt đầu mang phong cách riêng hơn là mang nét chung chung giống như các tựa game đề tài Dungeon n Dragons thường thấy. Tuy nhiên, không phải ai cũng hài lòng với sự thay đổi này, nhất là sự phá cách trong việc tạo hình các nhân vật của Dragon Age II. Mọi người cũng nên nhớ rằng "Dragon Age: Origins là một trong những minh chứng của việc game vẫn có thể thành công kể cả khi có đồ họa tệ" - Joystiq từng nhận xét.
Nếu như trong Dragon Age: Origins, những bộ áo giáp được thiết kế theo kiểu thực tế, thì qua những hình ảnh về áo giáp của Hawke mà Bioware cung cấp, chúng chỉ còn là "những mảnh sắt tạp được chắp vá, tạo nên bởi các khối đa giác thô cứng để nhìn ngầu hơn" - trích lời thành viên trên diễn đàn social.bioware.com.
Bi hài hơn, còn có những lời than trách Bioware khi để thua kém về mảng đồ họa khi so sánh với The Witcher 2, một tựa game RPG của CDProjekt cũng rất hứa hẹn trong năm nay.
Ngay cả nhân vật chính của game cũng khiến nhiều người phải "ngứa mắt". Trong bản Origins, người chơi được bắt đầu với việc lựa chọn nhân vật của mình trong 4 chủng tộc, mỗi chủng tộc gồm 3 class, chưa kể đến xuất xứ của nhân vật cũng khác nhau mỗi lần chơi thì tại Dragon Age II, người chơi bị "khóa" với nhân vật Hawke (chủng Human) với tiểu sử và xuất xứ do Bioware tạo ra, và người chơi chỉ được chọn giới tính và ngoại hình cho nhân vật Hawke này.
Một thay đổi nữa đáng nói là thay đổi trong hệ thống lời thoại của Dragon Age II, khi bỏ phong cách chọn câu truyền thống để sang với hệ thống chọn đại ý như trong Mass Effect.
Để mọi việc đơn giản hơn, game còn "tô vẽ" màu sắc và biểu tượng để người chơi biết ngay câu này sẽ làm NPC cảm xúc gì. Những game thủ "hardcore" lại được dịp than thở rằng tại sao Bioware càng ngày càng hay làm những tựa game RPG bị đơn giản hóa như vậy.
Điều này khiến cho sự tương đồng của hai series Dragon Age II - Mass Effect ngày một rõ rệt. Trong khi đó, hồi năm 2009, Bioware đã chiều lòng cả 2 nhóm người chơi game RPG hai thể loại phức tạp và đơn giản với cặp bài trùng Dragon Age: Origins và Mass Effect 2. Chúng khác biệt và sự khác biệt của mỗi sản phẩm này lại đều mang những ý nghĩa riêng.
Nếu Dragon Age II giống Mass Effect 2 thì thật sự là chúng ta đang có 2 trò chơi nhập vai casual chỉ khác biệt về bối cảnh, các game thủ RPG hardcore lại tiếp tục bị "bỏ đói". Chả trách được tại sao những fan hâm mộ của bản Origins lại "lo sốt vó".
Làm dâu trăm họ thật khó khăn, trong tình thế của Bioware, với Dragon Age II, họ vừa muốn khai thác tiếp "mỏ vàng" Dragon Age, vừa muốn khắc phục những lỗi lầm của phiên bản đầu và tiếp cận với nhiều người chơi hơn. Ấy thế mà kể cả thay đổi lẫn bảo thủ thì họ đều dễ bị chê trách.
Ngày phát hành của Dragon Age II đang ngày một cận kề (tháng 3), chúng ta hãy chờ xem, với những cách tân mà Bioware hứa hẹn liệu có chiều lòng được cả người chơi mới lẫn những fan trung thành không.
Theo PLXH
Bóng ma Noob Saibot trở lại trong Rồng Đen 2011 Người đàn ông đầu tiên từng được gọi là Sub-Zero đã trở lại... Mới đây, NetherRealm Studios đã giới thiệu một đoạn trailer mới của Mortal Kombat 2011. Trong đó, họ đã xác nhận sự có mặt của Noob Saibot - bóng ma tà ác của Sub-Zero (anh) sau khi được hồi sinh dưới NetherRealm. Bi Han, người được cho là hậu duệ...