“Game Tàu” không phải cái nào cũng dỏm
Cộng đồng thường có định kiến về “ game tàu” như một kiểu game mì ăn liền và đồ họa xấu, thực sự không phải game nào đến từ Trung Quốc cũng đều như thế.
Không thể phủ nhận từ khi khái niệm “game online” xuất hiện tại thị trường VN, các sản phẩm đến từ TQ luôn là những sản phẩm thành công nhất cũng như có số lượng người chơi rất đông đảo.
Bắt đầu từ các sản phẩm 2D, và cho tới những tựa game 3D thời thượng, sức ảnh hưởng của các sản phẩm game từ xử sở TQ đã và đang ngày phát triển tại VN. Tuy nhiên, đông chưa chắc đã tinh, và cũng từ đấy những ý kiến kì thị và chê bai về chất lượng của các sản phẩm game TQ ngày một nhiều.
Dần dà, định kiến về game “Tàu” đã trở thành một bức tường khó phá trong cộng đồng game thủ Việt. Đặc biệt là những ý kiến đem so sánh đồ họa “hàng Tàu” với các sản phẩm đến từ Hàn Quốc, hay phương Tây. Nhưng đôi khi, chúng ta phải nhìn vào sự thật, các tựa game từ xứ sở Gấu trúc đã và đang ngày một phát triển cả về chất và lượng. Trăm nghe không bằng một thấy, hãy cùng chiêm ngưỡng những hình ảnh rất thực của một sản phẩm “3D TQ” đã bám rễ và phát triển tại VN suốt gần 5 năm qua.
Bạn có tin hiệu ứng mặt nước và sự chi tiết về vật thể này là của “hàng Tàu”?
Một “shot” ảnh đậm chất nghệ thuật do game thủ chụp vào một đêm trăng với nhân vật nữ khiêu vũ trên mặt nước.
Từ năm 2005, việc bay lượn và làm chủ bầu trời đã trở nên quá quen thuộc với những người chơi “siêu phẩm MMORPG 3D” của TQ này.
Điểm nhấn của game là khả năng tạo hình nhân vật chi tiết tới mức “Đẹp từng centimet”. Game không giới hạn khuôn mẫu nhân vật có sẵn mà hoàn toàn do bạn tạo ra cá tính riêng cho chính “nhân cách ảo” của mình.
Khả năng tương tác giữa “Pet” và chủ nhân cũng như với môi trường là điều kỳ diệu của sản phẩm game “lão làng” này.
Một nam nhân vật trầm tư ngắm bối cảnh toàn mỹ của game. Trong hình, các hiệu ứng của kĩ năng và vũ khí (pháp cầu) mà anh ta sử dụng đều được thể hiện hết sức tinh tế.
Hiệu ứng làm mờ màn hình ấn tượng trong chiến đấu thực “in-game”.
Hoặc skill sẽ tác động tới môi trường, trong hình mặt đất nứt nẻ và cháy rực vì kĩ năng của người chơi sử dụng.
Video đang HOT
Và, bạn có tin một khung cảnh đầy nghệ thuật và rất tinh tế về mỹ quan như thế này có thể là một game “hàng Tàu” không?
Đến đây, chắc nhiều bạn đã nhận ra MMORPG 3D này là sản phẩm nào rồi phải không. Và nếu chưa biết, thì cũng xin tiết lộ ngay. Đó chính là Perfect World Online của NSX Beijing Perfect World, được phát hành ở VN với tên gọi “ Thế Giới Hoàn Mỹ” bởi NPH DECO.
TGHM là sản phẩm game tạo ra sự phát triển vượt bậc của NSX PW Online trong năm 2005 khi giành về cho mình hầu hết các giải thưởng về game trực tuyến lúc bấy giờ. Và hiện tại, sau 6 năm phát triển, chỉ với một engine đồ họa Angelica, qua những lần nâng cấp có thể nói, đồ họa của game vẫn không thể lỗi thời sau ngần ấy thời gian.
Bay trên bầu trời cao, lặn xuống đáy biển sâu, tương tác với môi trường, và một hệ thống Gameplay đồ sộ, với một sản phẩm thuộc hàng “lão tướng” như TGHM, khi nhìn vào đó, liệu chăng chúng ta nên tiếp tục chê bai hai chữ “hàng Tàu”?
Có thể nói, TGHM là một lời giải thích về khái niệm “game Tàu”, không phải game nào cũng có một đồ họa xấu xí và lỗi thời, nếu là “hàng Tàu” chính hãng danh tiếng thì chất lượng vẫn không tệ chút nào so với Hàn và Mỹ.
Theo Game Thủ
Quá khó để loại bỏ game "Tàu"
Mặc dù cộng đồng gamer Việt luôn có ác cảm với MMO Trung Quốc, tuy nhiên chặng đường loại bỏ thể loại này còn lắm gian nan.
Như đã phân tích trong một bài viết trước, càng ngày phong trào tẩy chay game online tới từ Trung Quốc càng mạnh hơn trong cộng đồng tín đồ ảo Việt Nam. Một trong những lý do cốt yếu dẫn đến tình trạng ấy là vì chất lượng các sản phẩm nhập về nước quá thấp hoặc chỉ dừng lại ở mức trung bình. Ngoài ra cũng bởi tâm lý không ưa hàng "Tàu" sẵn có trong mỗi người.
Tuy nhiên để có thể thoát khỏi sự kiểm soát của game online Trung Quốc vẫn là điều quá khó, nếu không muốn nói là bất khả thi với thị trường trò chơi Việt Nam. Hãy cùng phân tích một số nguyên nhân dẫn tới sự thật phũ phàng này.
Game Trung Quốc vẫn đang chiếm lĩnh 80% thị phần MMO Việt Nam.
Sự gần gũi về văn hóa
Có lẽ đây là nguyên nhân dễ nhận ra nhất và cũng là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới việc các MMO Trung Quốc dễ được lòng người chơi Việt Nam. Sự phổ biến của văn hóa phương Bắc trong xã hội nước ta chắc chắn không thể phủ nhận, thậm chí nhiều người còn nói đùa rằng giới trẻ ngày nay biết sử Trung Quốc hơn cả sử Việt.
Các bộ phim kiếm hiệp (hoặc kể cả các thể loại khác như dã sử) được trình chiếu hằng ngày trên truyền hình với số lượng quá nhiều đóng góp phần lớn vào hậu quả trên. Chỉ cần nghe thấy những cụm từ như "võ hiệp", "tam quốc", "thiếu lâm", "võ đang"... là giới trẻ Việt đã cảm thấy rạo rực trong người.
Không phải ngẫu nhiên mà gamer Việt chỉ thích MMO Trung Quốc.
Đây là điều không thể tránh khỏi vì nó gắn liền với lịch sử quốc gia, nếu bảo rằng người Việt không còn quan tâm tới văn hóa Trung Quốc thì còn khó hơn... lên trời. Game cũng vậy, chỉ có thể bảo game thủ ngừng chơi game Tàu nếu họ không còn ham thích các mẩu truyện kiếm hiệp hoặc lịch sử, mà điều đó dĩ nhiên là bất khả thi.
Các NPH không dám và cũng không thể mạo hiểm
Dễ dàng nhận thấy việc MMO Trung Quốc về Việt Nam nhiều là do các NPH chỉ chăm chăm chọn loại mặt hàng này. Nguyên nhân dẫn đến điều ấy là vì chúng dễ ăn khách và cũng có doanh thu cao, nhưng trên thực tế mọi chuyện không đơn giản như vậy.
Thứ nhất, thông thường với các NPH cỡ nhỏ hoặc ít tiếng tăm thì việc giao dịch với đối tác Hàn Quốc hoặc phương Tây khá khó khăn. Một số NPH còn tâm sự rằng họ gần như không có cơ hội mua game từ Hàn Quốc vì NSX tại đó rất khó tính, họ phải chắc chắn đối tác của mình làm ăn tốt thì mới gửi gắm "con cưng".
Đối tác tới từ xứ Gấu trúc bao giờ cũng "dễ làm ăn" hơn.
Trong khi đó, các công ty Trung Quốc lại khác, họ tương đối dễ tính trong vấn đề trên và sẵn sàng làm việc với cả những NPH không tên tuổi hoặc mới thành lập, miễn là "thuận mua vừa bán". Điều đó giải thích vì sao số lượng game Hàn, Nhật về Việt Nam thì ít mà Trung Quốc thì nhiều.
Thứ hai, với các NPH lớn thì mối quan hệ khăng khít của họ với các đối tác Trung Quốc lại khiến quá trình đàm phán dễ hơn. Ngay cả hợp đồng "ăn chia" cũng nhẹ nhàng hơn (thí dụ VNG với đối tác KingSoft chẳng hạn). Vì thế họ chẳng dại gì bỏ qua "người thân" để chơi với "kẻ lạ mặt" chưa biết tính cách ra sao.
Game nội còn chập chững
Game thuần Việt là một trong những niềm hy vọng sẽ chiếm lĩnh thị phần của game Trung Quốc trong tương lai, chúng ta đã từng chứng kiến chính Trung Quốc đánh bật các đối thủ Hàn khỏi quốc gia mình như thế nào. Vì thế nhiều người cũng hy vọng Việt Nam sẽ lặp lại được kỳ tích ấy.
Game thuần Việt còn quá non cơ trước đối thủ "Tàu".
Nhưng sự thật là hy vọng ấy quá mong manh, các sản phẩm "made in Việt Nam" lúc này còn chập chững, lại chưa có được bản sắc riêng. Ngay cả các NSX cũng bí bách trong khâu tìm đề tài hấp dẫn người chơi nội địa. Sự gần gũi về mặt văn hóa khiến đề tài văn hóa thuần Việt không gây được mấy thiện cảm hơn so với văn hóa Trung Quốc.
Thời gian qua chứng kiến hàng loạt dự án được đầu tư bài bản như SQUAD, G3, Jay Online, The King... nhưng xét về bản chất chúng vẫn có gì đó học tập theo những MMO ngoại quá nhiều, ngay cả SQUAD còn chấp nhận thay đổi góc nhìn súng kiểu Đột Kích thì đủ hiểu rằng các NSX chưa dám tạo nên sự độc đáo riêng.
Các game phương Tây và Hàn Quốc, Nhật Bản đã không cạnh tranh được với game "Tàu" thì dĩ nhiên mọi sự trông đợi chỉ còn dồn vào game thuần Việt. Có điều như phân tích bên trên thì cũng đủ hiểu chặng đường "tẩy chay" nan giải đến thế nào.
Không có quy chế bảo hộ
Một nguyên nhân nữa tuy không quá quan trọng nhưng cũng khiến khả năng loại bỏ game Trung Quốc khó hơn, đó chính là chúng ta chưa có một chế tài nào với mục đích thắt chặt nhập khẩu các sản phẩm tới từ quốc gia này. Nên biết rằng Trung Quốc chiếm lĩnh được thị trường nước họ là nhờ chính phủ quyết tâm "bế quan tỏa cảng".
Khó có được cơ chế siết chặt nhập game tại Việt Nam lúc này.
Ngay như các MMO nổi tiếng tầm cỡ World of WarCraft tuy miễn cưỡng được phép phát hành tại xứ Gấu trúc, thế nhưng bù lại nó bị cắt bỏ hàng loạt yếu tố đến mức tàn tạ, các bản cập nhật thì đợi kiểm duyệt cả năm trời. Mục đích việc này chỉ là để hạn chế tối đa người chơi ham thích nó.
Tuy nhiên nói đi cũng phải nói lại, Trung Quốc thực hiện "bế quan tỏa cảng" mà không bị chính gamer nước họ phản đối là vì chất lượng các MMO nội địa đã phần nào ổn định, trong khi đó ở Việt Nam thì khác. Sự khó khăn này dẫn đến cái vòng luẩn quẩn không thoát ra nổi.
Có thực sự phải loại bỏ?
Với những phân tích bên trên, chắc hẳn mọi người đều hiểu rằng chặng đường tẩy chay game "Tàu" tại Việt Nam là bất khả thi, ít nhất là trong vòng 10 năm nữa. Thế nhưng chúng ta có thực sự phải nói không với dòng sản phẩm này? Câu trả lời xin nhường lại cho bạn đọc tự suy nghĩ.
Theo Bưu Điện Việt Nam
Bàn tay Trung Quốc vẫn bao trùm làng game Việt Suốt nửa năm vừa qua, số lượng MMO tới từ phương Bắc vẫn chiếm tới 90% các sản phẩm cập bến nước nhà. Bước vào năm 2011, không đơn giản là bước qua một năm mới, mà còn là bước đến một thập kỷ mới. Năm đầu tiên sẽ đánh dấu một bước chuyển mình, hoặc một đường hướng mới cho cả giai...