“Game PC Việt không có gì phải buồn!”
Bên cạnh việc thẳng thắn nhận định về tương lai của ngành game Việt, giám đốc Emobi Games cũng chia sẻ thêm về hướng đi tiếp theo của 2112 Revolution.
Xin chào ông, mảng game PC của Việt Nam sau hơn 5 năm phát triển vẫn chưa có được thành công nào, là một trong các đơn vị tiên phong trong lĩnh vực này, ông có thể chia sẻ lí do vì sao?
Tôi nghĩ, chẳng có gì khó hiểu và cũng chưa có gì phải buồn cả, ngành sản xuất game Việt mới chỉ xuất hiện trong một thời gian ngắn, số lượng game PC lại càng ít. Chúng ta chẳng có cái gì thuận lợi trong tay để có thể đạt tới thành công ngay. Kinh nghiệm không, nhân lực không, công nghệ không…
Có người nói, chúng ta nên sáng tạo để thành công, điều này chắc chắn đúng. Nhưng mọi người quên, là ngay cả cách sáng tạo, người Việt Nam cũng rất ít được học, được đào tạo. Và muốn sáng tạo anh cũng phải bắt nguồn từ cơ sở của những tri thức vững chắc. Nếu một ý tưởng game “sáng tạo” nhưng không biết có làm nổi không, thì không có ý nghĩa.
Hoặc, đôi khi một ý tưởng hay nhưng không có người làm tốt, thì ý tưởng đó cũng chẳng hoàn thiện được. Game có một đặc thù, là một sản phẩm công nghệ nhưng chứa đứng nhiều yếu tố nghệ thuật, do đó nó càng khó hơn. Chúng ta cần thời gian để trả giá. Tổng số tiền mà tất cả các công ty Việt Nam đã đầu tư vào cho sản xuất Game, vẫn còn chưa bằng một game bom tấn của thế giới, thế nên, mọi chuyện cũng mới chỉ bắt đầu.
Ngành game Việt vẫn chưa nên buồn, vì chúng ta vẫn cần thời gian để trả giá – Ông Nguyễn Tuấn Huy nhận định.
Khó khăn với mảng PC như thế, vậy tới đây, EG có thay đổi chiến lược của mình không?
Theo đuổi mảng game PC, với EG nó là một đam mê, một ước mơ, hơn là một chiến lược.
Bởi vì, PC luôn là nền tảng tiên phong cho ngành game. Nếu muốn một game đẹp hơn, thật hơn, sống động hơn…với các nhân vật càng ngày càng thông minh hơn, đậm chất điện ảnh hơn…thì chỉ có PC mới đáp ứng được. PC Game thúc đẩy phần cứng phát triển, và ngược lại, phần cứng thúc đẩy PC Game phát triển. Ở nền tảng này, công nghệ về video game gần như gần không có điểm dừng.Nó hấp dẫn hơn hẳn các nền tảng khác, luôn tràn ngập thách thức để chinh phục, và sẵn sàng cho mọi sáng tạo.
Đối với riêng studio chúng tôi, chỉ PC GAME mới thực sự là “game”. Do đó, có thể có lúc trong ngắn hạn, EG sẽ chuyển qua làm trên một số nền tảng khác để tồn tại, nhưng PC sẽ luôn là đích đến. Ngoài ra, chúng tôi luôn quan niệm rằng, cái gì mà nhiều người làm được, hiển nhiên là cạnh tranh sẽ còn khốc liệt hơn. Làm game PC khó thành công, rủi ro cao, nhưng nếu thành công, sẽ có giá trị lâu dài hơn.
Video đang HOT
Cuối cùng, ai cũng biết, game thủ PC khắt khe hơn, nhưng trung thành hơn rất nhiều so với các nền tảng khác. Sẽ chẳng có gì tuyệt vời hơn việc bạn tạo ra được những sản phẩm có nhiều người gắn bó với nó lâu dài.
Ông Huy khẳng định Emobi Game chưa bao giờ ngừng ước mơ và đam mê làm game Việt trên PC.
Quay trở lại một chút, 2112 Revolution đã được kỳ vọng khá nhiều, nhưng hiện tại vẫn đang khó khăn. Theo ông những khó khăn hiện tại của 2112 Revolution là do đâu? Và Soha và Emobi có hướng tích cực nào cho 2112 Revolution để thoát khỏi tình trạng này?
Chúng tôi đã phạm phải một số sai lầm chính, những sai lầm này cũng bắt nguồn thì việc chưa có kinh nghiệm. Thứ nhất, chúng tôi đã quá chủ quan và tự tin về bối cảnh viễn tưởng của 2112 Revolution, trong khi, sự thật, với đa số game thủ Việt, nó không hấp dẫn. Thứ hai, chúng tôi cũng đã quá chủ quan và tự tin với những cái mới của 2112 Revolution, đôi khi, không phải cái mới nào cũng được đón nhận, và chưa chắc, cái mới đã là hay. Đáng ra, chúng tôi nên thử nghiệm sản phẩm sớm hơn.
Cuối cùng, việc lựa chọn mô hình có phân cấp bậc trong một tựa game chiến thuật là hoàn toàn không ổn. Game chiến thuật, là nơi thi đấu với nhau về kỹ năng và trí tuệ đơn thuần.
Do đó, tới đây, trong bản cập nhật mới nhất, Soha và EG sẽ thay đổi hoàn toàn điều này ở 2112 Revolution. Toàn bộ hệ thống cấp bậc sẽ biến mất. Không còn yếu tố cày kéo trong game. Mọi game thủ tham gia game, ngay từ trận đánh đầu tiên đã công bằng với các game thủ khác, không phân biệt về chỉ số quân. Chúng tôi sẽ thay đổi để hướng 2112 Revolution thành một game chiến thuật thuần chất. Chơi 2112 Revolution là để giải trí đúng nghĩa.
Ông Huy cho biết 2112 Revolution trong tương lai sẽ mang nhiều thay đổi chiến lược mang tính sống còn.
Có người nói, cuộc chiến đấu của game Việt không chỉ nằm ở các doanh nghiệp game mà còn ở một phần đóng góp lớn của game thủ Việt, ông có đồng ý và chia sẻ gì về điều này không?
Dĩ nhiên là tôi đồng ý. Tôi biết, khách hàng luôn yêu cầu và sử dụng những gì tốt nhất, phù hợp nhất với họ. Tiền của họ, thì quyền lựa chọn là của họ. Các studio trong nước cũng không bao giờ dám đổ lỗi cho game thủ về thất bại của mình.
Tuy nhiên, rõ ràng, trong câu chuyện game Việt(hàng Việt), vai trò của các game thủ(người dùng) là cực kỳ quan trọng. Sự ủng hộ trên tinh thần tôn trọng là động lực lớn để các studio game Việt tiếp tục cố gắng. Sự phê bình góp ý trên tinh thần xây dựng là góp phần để các game Việt tiến bộ.
Những bình phẩm chê bai nghiệt ngã, những hội chứng sợ Tây thì sẽ chẳng giúp gì được game Việt.
Theo GameK
Game thuần Việt sẽ đi về đâu?
Kể từ khi Thuận Thiên Kiếm của VNG ra đời đến nay, cụm từ "game thuần Việt" luôn giành được sự quan tâm lớn từ phía cộng đồng. Đặc biệt, sự xuất hiện của một loạt cái tên trong khoảng 2 năm trở lại đây như 7554, SQUAD, 2112 Revolution, G3... càng khiến nhiều người mơ về tương lai xán lạn cho ngành phát triển game nội địa.
Chẳng nói đâu xa, cách đây chừng chục năm ngành game Trung Quốc cũng đứng trước bờ vực khi cả thị trường bị MMO Hàn Quốc xâm chiếm. Tuy nhiên nhờ nhiều nỗ lực vượt bậc, chỉ trong vòng 2, 3 năm ngắn ngủi thì tới khoảng năm 2006-2007, quốc gia này về cơ bản đã thâu tóm trở lại mảnh đất quê nhà từ tay quốc gia láng giềng. Thậm chí hiện tại, cả Hàn Quốc, Nhật Bản và Phương Tây đều lo ngại thế lực quá mạnh của ngành game xứ Gấu trúc.
Về lý thuyết, Việt Nam cũng đang được kỳ vọng sẽ lặp lại thành tích phi thường trên. Thế nhưng thực tế thì sau hơn 2 năm phát triển ồ ạt, ngành phát triển game nước nhà lại đang đi dần vào ngõ cụt. Thậm chí nhìn về năm 2013, hiếm ai có thể có con mắt lạc quan.
Quá khó để đột phá
Nếu như thời kỳ mà ngành game Trung Quốc nở rộ có một phần hỗ trợ khá lớn từ việc vận dụng bối cảnh lịch sử phong phú cộng với nền võ học đã quá nổi tiếng của quốc gia này (liên tục tung ra các MMO về đề tài võ hiệp, tam quốc...), thì nhìn lại ở Việt Nam, sự tương đồng văn hóa lại đang khiến chúng ta tự gây khó cho mình.
Cảnh người chơi chen chúc tham gia event trong Thuận Thiên Kiếm.
Người Việt quá quen và quá say mê các tác phẩm lịch sử và văn học Trung Quốc đến nỗi họ cảm thấy gần gũi hơn hẳn với các MMO võ hiệp tới từ quốc gia phương Bắc. Trong khi đó, lịch sử Việt Nam cũng rất hào hùng nhưng lại ít được tìm hiểu, ít xuất hiện trên phim ảnh và lại càng khó để chọn một đề tài lớn vào game (đó là chưa kể tới các vấn đề tế nhị).
Đừng trước hoàn cảnh đó, hy vọng sử dụng cốt truyện Việt để tạo nên đột phá so với các MMO Trung Quốc là quá khó khăn. Còn nếu lấy cốt truyện thần thoại phương Tây hoặc khoa học viễn tưởng thì lại quá xa với thị hiếu của giới trẻ, đến nỗi bây giờ ngay cả các NPH nhiều vốn cũng không dám phát hành chúng chứ chưa nói đến bỏ tiền ra sản xuất.
Hy vọng còn lại đến từ khâu đồ họa và gameplay, đúng là thời gian qua với sự xuất hiện của SQUAD, 7554 và 2112 Revolution thì chúng ta không còn phải đặt dấu hỏi về khả năng dựng đồ họa trong game Việt. Thế nhưng thực tế thì tại Việt Nam, game đẹp không có nghĩa đã thành công, dù nó có thể được tung hô và ủng hộ nhiệt liệt.
Gamer Việt thường hướng tới các MMO có đồ họa bắt mắt nhưng phải yêu cầu cấu hình thật thấp, lối chơi không quá khó. Mà với các studio nội địa thì việc tối ưu đồ họa là không dễ dàng, đó là chưa kể đến việc lúc này ngành phát triển game Trung Quốc đã tiến quá xa và tốc độ "đẻ" game của họ thì khó ai sánh được.
Dĩ nhiên, vẫn còn một cơ hội là đánh vào khía cạnh gameplay hay và sâu sắc, nhưng mảnh đất này có lẽ chỉ còn thể loại chiến thuật để chúng ta khai thác. Đơn giản vì ở thể loại nhập vai, các MMO Trung Quốc đã tập hợp quá đầy đủ toàn bộ tính năng đặc trưng. Vấn đề là chọn làm chiến thuật thì một là còn quá non tay để làm được một tựa game cân bằng sâu sắc, hai là đối tượng chơi cũng không nhiều (lực lượng gamer esport tuy có đông thật nhưng họ chủ yếu chơi game phương Tây).
Vậy là nhìn đi nhìn lại, ngành phát triển game Việt phải đột phá ở đâu? Giải được bài toán này không hề dễ dàng, và nếu chúng ta không giải được thì có lẽ chỉ một thời gian ngắn nữa sẽ không còn ai muốn sản xuất game.
Cánh cửa hẹp
Thời gian gần đây, thay vì tập trung phát triển các MMO đồ sộ thì các studio tại Việt Nam đang chuyển dịch dần sang mảnh đất webgame nhỏ, nhẹ và chơi ngay trên MXH. Hướng đi này rõ ràng đang cho thấy một số hiệu quả tích cực, thậm chí một vài game còn được xuất khẩu sang nước ngoài. Nếu không có gì thay đổi thì đây sẽ là cánh cửa hẹp để game Việt lách qua.
Thế nhưng cánh cửa ấy chưa hẳn đã tối ưu. Thứ nhất, thành công của các game "made in VN" ở thể loại game MXH chủ yếu là vì người chơi không yêu cầu quá cao, chủ yếu chơi "for fun" và tính gắn bó cũng khó lâu dài được như các MMO chính thống. Thứ hai, phần lớn chúng đều cố học theo các game tương tự đã phát triển tại nước ngoài (mà phần nhiều là Trung Quốc), chính vì thế chúng chỉ có thể sống khỏe khi còn sản xuất dễ dàng, giá thành rẻ hơn game ngoại, còn một khi game ngoại bán giá rẻ hơn thì mối nguy mới rõ ràng.
Nói chung, với tình hình thị trường hiện tại thì nhìn rộng ra vài năm nữa, vẫn quá khó để các MMO "made in VN" đánh bật được game ngoại. Và nếu không có gì thay đổi thì 2013 sẽ là một nốt trầm sau 2 năm 2011 và 2012 nở rộ của chúng.
Theo GameK
Game online trên PC của Việt Nam đang đứng bên bờ vực? Các ứng dụng game mobile nở rộ, game MXH vẫn đều đặn ra mắt, nhưng ở mảng game PC, dường như các NSX Việt Nam đang đi vào ngõ cụt. Năm 2013 được đánh giá là năm khó khăn của các studio game Việt sau một năm tưởng như vô cùng rầm rộ với hàng loạt các tựa game khủng vừa ra mắt...