Game online và những danh hiệu hài hước trên thế giới
Những tựa game đứng đầu các bảng xếp hạng trên thế giới. Đừng bỏ lỡ bất kỳ một chi tiết nào, có nhiều điều sẽ làm cho bạn bất ngờ đấy.
Second Life – Game online tai tiếng nhất
Mặc dù giành nhiều thành công vang dội ở tầm quốc tế và gần như thống trị thị trường trò chơi trực tuyến những năm trước đây, nhưng đi kèm với Second Life là rất nhiều tai tiếng cũng như sự cố ngoài ý muốn.
Đầu tiên phải kể tới là vụ việc game bị tố chứa đựng quá nhiều cảnh bạo lực hoặc khiêu gợi có liên quan tới trẻ vị thành niên, ảnh hưởng không tốt tới xã hội. Ngay sau đó, chính phủ Úc cấm cửa Second Life tại quốc gia này.
Không lâu sau đó, chiến dịch tranh cử tổng thống Hoa Kỳ được tổ chức ngay trong trò chơi cũng bị đình chỉ vì theo luật mới, chính trị gia không được quảng bá mình trong thế giới ảo. Chưa kịp hoàn hồn, vụ việc một game thủ nữ Second Life dụ dỗ nam thanh niên trẻ kéo theo kết luận của cảnh sát rằng sản phẩm này chỉ mang đến bạo lực, tội phạm và đồi trụy.
EverQuest – Game online đáng nhớ nhất
Là một trong những đại diện đầu tiên của làng MMORPG thế giới, EverQuest từ lâu vẫn được coi là hình mẫu cho các sản phẩm nổi tiếng sau này mà điển hình là World of WarCraft.
So với hiện tại, có vẻ như đồ họa trong trò chơi không còn thu hút được game thủ nữa, nhưng bất kỳ ai từng dõi theo chặng đường phát triển của game online trước nay đều cảm thấy như được sống lại thời trai trẻ khi chiêm ngưỡng những tấm screenshot của EverQuest.
3Feel – Game online sexy nhất.
Chắc hẳn các bạn đều đã từng nghe danh game online “dành cho người lớn” này. Cho tới hiện tại, 3Feel vẫn xứng đáng với vương miện sexy nhất làng trò chơi trực tuyến trên thế giới.
3Feel đã bị tẩy chay tại chính quê hương mình là Hàn Quốc do có nội dung quá khiêu dâm. Sau một thời gian ngắn phát hành game đã bị đóng cửa. Theo một số thống kê, có tới 80% tài khoản tham gia tựa game này là nam giới và 90% nhân vật nữ thực chất do đấng mày râu điều khiển.
Aion – Game online gây tranh cãi nhiều nhất
Siêu phẩm của NCsoft này được giới game thủ cũng như những nhà phê bình tranh cãi rất nhiều trên các diễn đàn về khả năng đánh bại World of WarCraft – game online đang giữ vị trí số một cả về lượng người chơi lẫn lợi nhuận mang lại.
Video đang HOT
Aion có đồ hoạ cực kỳ ấn tượng do được phát triển dựa trên CryEngine nổi tiếng. Ngoài ra cốt truyện cũng như gameplay của game cũng rất hoàn hảo.
Tại quê hương Hàn Quốc cũng như trên thị trường châu Á, có vẻ như NCsoft đang chiếm ưu thế trước đối thủ Blizzard. Tuy nhiên, nơi World of WarCraft có lượng người chơi đông đảo nhất là tại châu Âu và Bắc Mỹ – vùng đất mà Aion đang dò dẫm những bước chân đầu tiên.
Hiện tại, cuộc chiến đã ngã ngũ từ lâu và những cuộc tranh cãi, so sánh giữa 2 sản phẩm trên cũng dần mất đi theo năm tháng.
All Points Bullentin – Game online bạo lực nhất
Được phát triển dựa trên dòng game Grand Theft Auto nổi tiếng thế giới, All Points Bullentin chắc chắn cũng sẽ thừa hưởng nội dung bạo lực mang tính truyền thống.
Những cuộc đấu súng diễn ra ngay giữa thành phố, chiến tranh giữa các băng đảng xã hội đen luôn căng thẳng và đẫm máu. Ngay cả các loại vũ khí hạng nặng như AK47, M4A1, Shotgun… đều được đem ra sử dụng.
World of WarCraft – Game online đáng… thương nhất
Hẳn bạn còn nhớ sự kiện đứa con cưng của Blizzard trở lại Trung Quốc một cách đầy khó nhọc hồi cuối tháng 07/2009 cùng với máu xanh và một đống valy hòm xiểng, bia mộ.
Xác người biến thành… bia mộ.
Sự cắt gọt không thương tiếc của GAPP (Cục quản lý Báo chí và Xuất bản Trung Quốc) đã khiến cho World of WarCraft mang một dáng vẻ “ma chê quỷ hờn”, nhiều người thậm chí còn không nhận ra game online số một hành tinh nữa.
WoW bị quy kết là chứa nhiều hình ảnh… gây ám ảnh cho người chơi.
Mới đây, Hiệp hội thanh niên trực tuyến Trung Quốc (CYIA) đã chính thức đưa WoW vào danh sách những trò chơi “chỉ dành cho người lớn” (18 ), điều “không thể hiểu nổi” với đa phần game thủ quốc tế.
ACE Online – Game có nhiều hãng phân phối nhất
Tựa game này được phát hành ở Việt Nam bởi VTC Game với cái tên Phi Đội.
Hiện tại đây là sản phẩm nhiều nhà phát hành nhất và đa ngôn ngữ nhất lên tới con số kỷ lục là 10 hãng giữ bản quyền. Cụ thể như sau :
Masang Soft: là hãng phát triển game Yedang Online: sở hữu bản quyền gốc, phát hành phiên bản tiếng Hàn Quốc và Quốc tế YeTime Network Technology: Trung Quốc VTC Game: Việt Nam Arario: Nhật Bản GameForge: Châu Âu Wicked Interative: Bắc Mỹ Winner Online: Thái Lan Gamon: Đài Loan Innova Inc: Nga.
4story – Hàng nhái giống thật nhất
Hình ảnh WoW (trái) và 4Story (phải).
Nếu đã từng chơi World of WarCraft, chắc hẳn bạn sẽ không khỏi ngỡ ngàng khi bắt gặp 4story. Thực sự thì tựa game này có tạo hình nhân vật, gameplay, hệ thống skill… ngay cả giao diện cũng giống hệt siêu phẩm của Blizzard.
Quá giống World of WarCraft!
Thật khó có thể tìm kiếm được một bản sao nào của game online số một hành tinh hoàn hảo như 4story.
Theo Gamek
Luật cấm chơi GO quá 3h/ngày sắp được thông qua tại Việt Nam
Ngày 7/4, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã họp Ban soạn thảo xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Quản lý trò chơi trực tuyến.
Các quy định về chơi, giờ đóng mở cửa cung cấp dịch vụ game của đại lý Internet và khoảng cách từ đại lý đến trường học trong dự thảo vẫn áp dụng theo các quy định hiện hành.
Nghị định 97/2008/NÐ-CP đã giao trách nhiệm cho UBND các tỉnh, thành phố quy định giờ đóng mở cửa đại lý Internet. Nếu địa phương nào chưa ban hành quy định cụ thể thì các đại lý Internet không được cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến sau 22 giờ đêm.
Trưởng Ban soạn thảo, Cục trưởng cục Quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Lưu Vũ Hải cho biết, quy định về giờ đóng cửa đại lý đối với dịch vụ trò chơi trực tuyến nhằm hạn chế người chơi thâu đêm suốt sáng tại đại lý Internet.
Chơi không quá 3 giờ/ngày
Theo dự thảo, trò chơi trực tuyến là trò chơi điện tử trên mạng Internet có sự tương tác giữa những người chơi thông qua thiết bị đầu cuối với hệ thống máy chủ của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi. Với trò chơi này, người chơi không được vượt quá 3 giờ/một trò chơi trong vòng 24 giờ.
Luật cấm chơi 5h/ngày đã được rút xuống còn 3h.
Trò chơi trực tuyến đơn giản là trò chơi trực tuyến có sự giới hạn số lượng người chơi tham gia đồng thời một trò chơi, trong đó sự tương tác giữa các người chơi chỉ ở mức độ đơn giản, có nội dung kịch bản và theo các quy tắc đơn giản, không gây tác động tâm lý căng thẳng tới người chơi.
Ví dụ như trò cờ tướng, ô ăn quan... Với những trò chơi này, doanh nghiệp được cung cấp 24/24h.
Riêng những trò chơi văn hoá, giáo dục được khuyến khích hơn bằng việc cho chơi 4-5 giờ/trò chơi.
Minigame online sẽ được kinh doanh 24/24h.
Trước thực tế thời gian qua, trong xã hội có nhiều bức xúc về mặt trái do trò chơi trực tuyến gây ra, một số ý kiến đề xuất nên xem xét kinh nghiệm quản đại lý Internet của Trung Quốc để quản lý chặt chẽ người chơi và đại lý nhằm phát huy mặt mạnh của trò chơi trực tuyến, hạn chế tối đa mặt trái.
Chẳng hạn, nếu đại lý Internet cho trẻ em vào lần 1 sẽ bị phạt tiền, lần 2 bị thu hồi giấy phép và lần 3 sẽ bị đóng cửa. Hay như Malaysia và Singapore cũng cấm học sinh mặc đồng phục vào đại lý Internet trong giờ học.
Siết chặt nhà phát hành game
Để hạn chế những doanh nghiệp nhỏ, yếu kém về tài chính và kỹ thuật cũng phát hành game làm manh mún thị trường, Bộ TT&TT và Bộ Tài chính sẽ ban hành lệ phí cấp phép. Đồng thời, dự thảo quy định cụ thể việc thu hồi giấy phép trong thời hạn một năm đối với doanh nghiệp vi phạm.
Sẽ hạn chế nhập khẩu game online, tập trung cho sản xuất game.
Dự thảo cũng khuyến khích phát triển trò chơi sản xuất trong nước, hạn chế trò chơi nhập khẩu bằng cách quy định doanh nghiệp phải đăng ký trước 1 năm những trò chơi dự kiến phát hành hoặc nhập khẩu hàng năm.
Để tránh tình trạng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trốn phép, trốn thuế, sẽ cấm doanh nghiệp không xin cấp phép ở Việt Nam nhưng cung cấp dịch vụ vào Việt Nam và cấm doanh nghiệp Việt Nam cấu kết với doanh nghiệp nước ngoài không được cấp phép cung cấp dịch vụ ở Việt Nam.
Tài sản ảo không được quy thành tiền
Vấn đề tài sản ảo trong Thông tư 60 vốn còn tranh cãi lâu nay được thay mới bằng khái niệm vật phẩm ảo. Theo dự thảo, vật phẩm ảo chỉ được sử dụng trong phạm vi trò chơi và theo đúng mục đích quy định trong nội dung kịch bản đã cấp phép. Vật phẩm ảo không phải là tài sản, không có giá trị quy đổi ngược lại thành tiền hoặc tài sản dưới bất kỳ hình thức nào.
Tài sản ảo không được công nhận là tài sản thực ngoài đời.
Ông Hải cho biết, chưa có nước nào trên thế giới công nhận vật phẩm trong game là tài sản và việc xử lý tranh chấp chỉ giải quyết trong nội bộ trò chơi giữa người chơi và doanh nghiệp, không liên quan đến tranh chấp dân sự.
Ngoài ra, một đại diện đến từ Thanh tra Bộ TT&TT đề xuất nên đưa thêm yêu cầu doanh nghiệp phải đảm bảo sự trong sáng của tiếng Việt vào game bởi hiện nay, ngôn ngữ trong game bị biến thế, rất khó hiểu.
Cũng có ý kiến đề xuất cấm quảng cáo game online trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các pano ngoài trời hay chạy road show trên đường phố tương tự như cấm quảng cáo rượu và thuốc lá.
Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn đã yêu cầu ban soạn thảo tiếp thu các ý kiến đóng góp để hoàn chỉnh dự thảo, để đưa lên website lấy ý kiến và tổ chức hội thảo trong quý II.
Theo Gamek