Game online: Không vì mặt trái mà triệt tiêu phát triển
Sáng nay (4/11), các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt. Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đã đề nghị không đưa game online vào diện chịu loại thuế này vì làm như vậy sẽ triệt tiêu sự phát triển của ngành công nghiệp có khả năng mang lại nguồn thu lớn…
Đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son
Phát biểu tại đoàn Hà Nội, đại biểu Nguyễn Quốc Bình đánh giá, hiện nay, game online chủ yếu là nhập lậu, trong khi đó, quan điểm của thế giới về sản xuất trò chơi trực tuyến là khuyến khích phát triển phần mềm công nghệ thông tin. “Nếu Chính phủ tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với game online là ảnh hưởng đến sản xuất trong nước. Phần mềm trò chơi không những chơi trong nước mà còn xuất khẩu ngay, nếu tính thuế đặc biệt là sai.” đại biểu Nguyễn Quốc Bình khẳng định.
Trong khi đó, phân tích sâu về lĩnh vực này, đại biểu Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá, Game online có thể gây nghiện ví dụ như ở Hàn Quốc có người mải chơi game, không quan tâm đến con dẫn đến một trẻ bị tử vong. Hay như ở Việt Nam , nhiều học sinh mê chơi game, có gia đình bố chơi game, mẹ cũng chơi game…
“Nhưng không phải vì thế mà chúng ta cấm game và đưa vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.” – đại biểu Nguyễn Bắc Son khẳng định.
Đại biểu Nguyễn Bắc Son dẫn chứng, cách đây hơn 10 năm, Trung Quốc cũng nhập khẩu game từ nước ngoài vào, nhưng khi thấy nhu cầu chơi game của người Trung quốc và trên thế giới rất cao, họ đã xản xuất và có chính sách để phát triển game. Năm 2013, game của Trung Quốc có thu nhập 13,5 tỷ đô la, trở thành lĩnh vực kinh tế rất quan trọng ở Trung Quốc hiện nay.
Theo chính sách của Trung Quốc, năm 2003, game được đưa vào chương trình nghiên cứu phát triển công nghệ cao. Năm 2004, dự án phát triển 100 game trực tuyến trong 5 năm được hưởng thuế ưu đãi, vốn…
Tiếp đó, năm 2005, Trung Quốc xây dựng chính sách phát triển game trực tuyến với một số dự án như: thành lập 4 cơ sở quốc gia phát triển game trực tuyến và một doanh nghiệp game cốt lõi; thành lập học viện game và phát triển 100 trương trình đào tạo game trực tuyến ở các trường phổ thông và đại học. Đến năm 2009Trung Quốc đã hình thành công nghiệp game phát triển mạnh mẽ.
Đồng thời với chính sách phát triển game trong nước thì Trung Quốc cũng hạn chế game nước ngoài bằng cách quy định rất chặt chẽ. Game nước ngoài muốn vào Trung Quốc hoạt động thì phải liên kết với một công ty trong nước với điều kiện không được quá 50% và như vậy, công ty game trong nước vẫn làm chủ các công ty game này. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đưa ra lộ trình cấp phép game nước ngoài ít nhất kéo dài 4 tháng trở lên để giảm lợi nhuận cho game nước ngoài.
Đại biểu Nguyễn Bắc Son cũng cho biết, hiện nay các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Lào… chưa có nước nào đưa game online vào chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, thậm chí còn hỗ trợ phát triển. Riêng Lào chỉ đánh thuế tiêu thụ đặc biệt vào máy chơi game.
Còn ở Việt Nam, game bắt đầu xuất hiện từ năm 2005 và phát triển rất mạnh mẽ, nhưng công nghiệp trong nước lại phát triển rất hạn chế. Chúng ta chỉ mới có game flapy bird gần đây là một sự đột phá, trong khi nhiều nước đào tạo hàng nghìn người để sản xuất game.” – đại biểu Nguyễn Bắc Son nói và cho biết thêm, dù game đã vào Việt Nam từ năm 2005 nhưng chưa được sản xuất nhiều, chủ yếu vẫn là game nước ngoài. Tính đến tháng 8/2004 vừa qua, chúng ta đã cấp phép cho 126 game nhưng hiện có 60 game thị trường đã không dùng nữa.
Video đang HOT
“Hiện nay chúng ta có Nghị định 72 chế tài. Chúng ta cũng đang xây dựng thông tư để cấp phép trong thời gian tới, làm sao game đáp ứng nhu cầu giải trí của nhân dân nhưng đồng thời phải tuân thủ theo quy định của pháp luật để tránh tình trạng game bạo lực, chơi game quá thời gian ảnh hưởng đến sức khỏe, nghiện game… bị xã hội lên án.” Đại biểu Nguyễn Bắc Son cho biết.
Theo đại biểu Nguyễn Bắc Son, ngoài việc tìm biện pháp tránh tác hại của game thì các cơ quan quản lý cũng đang hướng tới phát triển game dần trở thành ngành kinh tế góp phần tuyên truyền giáo dục về lịch sử truyền thống.
“Trước đây có ý kiến đưa game vào là một yếu tố gây nghiện cũng giống như thuốc lá, rượu, bia nhưng sau này phân tích cụ thể ra, so sánh với thế giới vàhiện nay ở Việt Nam thì thấy rằng, không chỉ vì mặt trái mà cấm hoạt động game. Game cũng là một nhu cầu giải trí và chúng ta dùng chế tài để hạn chế mặt tiêu cực, đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện để phát triển phục vụ nhu cầu giải trí, nếu tốt thì còn góp phần tuyên truyền nâng cao truyền thống văn hóa, đạo lý con người Việt Nam qua hoạt động game.” – đại biểu Nguyễn Bắc Son phân tích.
Dẫn chứng từ nước láng giềng, đại biểu Nguyễn Bắc Son cho biết, nhà nước Trung Quốc cũng đưa ra yêu cầu tất cả game của Trung Quốc phải sản xuất theo thuần phong mỹ tục của Trung Quốc và để tuyên truyền lịch sử của Trung Quốc. Cho nên, họ khuyến khích game Trung Quốc phát triển ra nước ngoài với điều kiện tất cả những game này phải đảm bảo các yếu tố đó, đưa văn hóa của Trung Quốc ra nước ngoài.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, năm 2012, doanh thu từ game ở Việt Nam là khoảng 5.000 tỷ, năm 2013 xuống còn 4.000 tỷ, tạo việc làm cho khoảng 7.500 người. Mới đây, Chính phủ cũng ban hành một Nghị định, trong đó đưa game vào là một trong những dịch vụ nội dung số để khuyến khích góp phần phát triển công nghệ thông tin ở Việt Nam.
Tuệ Khanh
Theo_VnMedia
Quyết chống giặc ngoại xâm nhưng không quên "giặc" tham nhũng
Đấu tranh chống giặc ngoại xâm là nhiệm vụ cấp bách để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, song cũng không vì nhiệm vụ này mà bỏ quên cuộc chiến chống tham nhũng - một vấn nạn được xem như giặc nội xâm.
ĐBQH đoàn Hà Nội ghi nhận các ý kiến của cử tri
(Ảnh: Nguyễn Dũng)
Đó là thông điệp của cử tri phường Ngô Quyền, thị xã Sơn Tây khi tiếp xúc với đoàn ĐBQH TP Hà Nội chiều 27/6.
Cần một lời hiệu triệu
Đề cập đến tình hình Biển Đông, cử tri Nguyễn Tiến Ngọ nhắc lại lời phát biểu của Thủ tướng và Chủ tịch nước, khẳng định chủ quyền lãnh thổ là thiêng liêng và tỏ ra "rất tâm đắc" vì đó là ý chí, nguyện vọng của nhân dân.
Cử tri Ngọ cũng cho rằng, trong tình hình đất nước khó khăn thì lòng yêu nước lại trỗi dậy. Tuy nhiên ông cũng bày tỏ ý kiến "Nếu Quốc hội ra một nghị quyết chuyên đề hoặc một thông cáo đặc biệt như một lời hiệu triệu toàn dân về vấn đề Biển Đông thì có sức nặng hơn".
Đề cập đến những giải pháp trong vấn đề Biển Đông, cử tri Nguyễn Văn Tề cho rằng, lúc này Việt Nam phải hợp tác với tất cả các nước có lợi ích ở Biển Đông để ngăn chặn hành động sai trái nghiêm trọng của Trung Quốc.
Cử tri Hà Ngọc Lân thì tỏ rõ thái độ bức xúc sau những lời tuyên bố của ông Dương Khiết Trì khi sang Việt Nam. "Trung Quốc vừa cho xuất bản tấm bản đồ, mà toàn bộ biển đảo của ta lại nằm trong đó. Chúng tôi đề nghị Nhà nước cần có hành động cứng rắn hơn".
Cho rằng lẽ phải thuộc về chúng ta, và hành động của Trung Quốc hoàn toàn sai trái, nhưng Trung Quốc lại lu loa lớn tiếng, cử tri đề nghị cần chú trọng hơn đến công tác thông tin tuyên truyền để công tác này hiệu quả hơn.
Cử tri thị xã Sơn Tây nêu ý kiến về giải pháp của Việt Nam trước những hành động ngang ngược của Trung Quốc. (Ảnh: Nguyễn Dũng)
"Giặc nội xâm cũng nguy hiểm không kém"
Một trong những vấn đề khác được nhiều cử tri quan tâm, nêu ý kiến là vấn nạn tham nhũng - thứ "giặc nội xâm" đang trở nên nhức nhối trong xã hội hiện nay. Bởi tham nhũng không những không giảm mà có vẻ còn nghiêm trọng hơn, vụ sau lớn hơn vụ trước rất nhiều. Cử tri Ngô Quyền cho rằng "giặc tham nhũng cũng nguy hiểm không kém giặc ngoại xâm", vì thế cần phải tiêu diệt cả hai loại giặc này mới bảo vệ và giữ gìn được non sông đất nước.
Liên hệ đến phiên chất vấn vừa qua, cử tri phường Ngô Quyền cho rằng, các vị Bộ trưởng, trưởng ngành trả lời chất vấn còn vòng vo, chưa đi vào thực chất. Cử tri dẫn dụ trường hợp của Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh khi trả lời chất vấn về khối tài sản của ông Trần Văn Truyền. Theo cử tri, khi trả lời về việc này, ông Tranh đã "đá quả bóng trách nhiệm" sang cơ quan khác.
Một số vấn đề nổi cộm trong lĩnh vực bệnh y tế, điển hình là liên quan đến dịch sởi gây tử vong hơn 100 trẻ, hay chất lượng các công trình giao thông, đặc biệt sau sự cố sập cầu Chu Va 6 cũng được cử tri phường Ngô Quyền đề cập, đại biểu tỏ ra không hài lòng với cách xử lý của các Bộ trưởng về những vấn đề này.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son tiếp xúc cử tri thị xã Sơn Tây chiều 27/6
(Ảnh: Nguyễn Dũng)
Chính nghĩa sẽ giành thắng lợi
Chia sẻ với cử tri về vấn nạn tham nhũng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cho rằng, tham nhũng đang gây bức xúc trong xã hội và trong nhân dân. Tham nhũng đang trở thành quốc nạn nhưng việc chống tham nhũng chưa đạt kết quả như mong muốn. Tiếp thu ý kiến của cử tri, Bộ trưởng cho biết sẽ phản ánh tới các cơ quan chuyên môn, làm sao để thời gian tới phải nghiêm túc hơn, làm tốt hơn nữa trong cuộc chiến chống tham nhũng này.
Liên quan đến chất vấn và trả lời chất vấn trong Quốc hội, Bộ trưởng cho rằng, điều này đã tạo nên không khí dân chủ, sôi động trong Quốc hội. Các thành viên Chính phủ, qua mỗi phiên chất vấn đều đã có những chuyển biến nhất định, và đã nghiêm túc xem xét trách nhiệm của mình. Quốc hội cũng có nhiều đổi mới hơn khi thời lượng phát sóng trực tiếp để cử tri theo dõi ngày một nhiều hơn.
Về vấn đề Biển Đông, với những hành vi thô bạo của Trung Quốc khi đặt giàn khoan trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Bộ trưởng Son cho rằng, mỗi khi chủ quyền bị xâm hại, nhân dân lại đoàn kết một lòng, quyết tâm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Biển Đông là một trong số các biển quan trọng nhất thế giới. Biển đông cũng có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng về kinh tế, quốc phòng an ninh của Việt Nam. Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khẳng định, chủ quyền thì không bao giờ chúng ta nhân nhượng. Và khi Trung Quốc gây hấn, lòng dân trào dâng, chúng ta đã kịp thời đưa ra nhiều biện pháp đối phó.
Việt Nam luôn muốn có hòa bình, Việt Nam đã và sẽ đấu tranh bằng biện pháp hòa bình, tiếp tục đấu tranh ngoại giao, tuyên truyền để dư luận quốc tế ủng hộ Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng nhấn mạnh, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là việc làm lâu dài nên phải kiên trì và bền bỉ. Quan trọng hơn cả là chúng ta có chính nghĩa nên nhất định sẽ giành được thắng lợi.
Theo Infonet
Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông: Quy hoạch báo chí để nâng cao chất lượng Tại chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời ngày 15/6, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son nhận định, quy hoạch báo chí là đưa ra hành lang pháp lý để xây dựng đội ngũ báo chí hợp lý về số lượng và nâng cao chất lượng. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son....