Game lậu luồn lách về Việt Nam như thế nào (Phần 1)
Nhìn bên ngoài, tưởng chừng như thị trường game lậu tại Việt Nam chỉ mang tính tự phát của các cá nhân nhỏ lẻ, nhưng thực tế nó đang ngày càng lan rộng với quy mô lớn hơn cả về số lượng lẫn doanh thu.
Ngày nay, cụm từ game private (hay game lậu, không bản quyền) không còn xa lạ gì với cộng đồng game thủ nội địa. Thậm chí nói không ngoa thì ngay từ khi game online còn chân ướt chân ráo cập bến Việt Nam, loại hình này đã xuất hiện (điển hình như loạt game MU Trung Quốc, MU Trống Đồng hay Võ Lâm Truyền Kỳ private…).
Ban đầu, các hình thức làm game lậu như trên chỉ mang tính nhỏ lẻ, không chuyên và hầu như là tự phát. Thế nhưng khi mà thị trường trò chơi trực tuyến trong nước mở rộng và phổ cập hơn thì càng ngày số lượng các game private càng đông đảo, chúng được quảng cáo và vận hành ‘chuyên nghiệp’ không khác gì so với các game online có bản quyền đàng hoàng.
Càng ngày số lượng các game lậu càng đông đảo tại Việt Nam (Hình minh họa).
Hy vọng qua bài viết này, bạn đọc sẽ có được những cái nhìn trực diện hơn vào góc khuất đằng sau cái gọi là ‘thị trường game lậu’ tại Việt Nam hiện tại, để thấy được nó không còn mang tính tự phát nữa mà có nguy cơ trở nên chuyên nghiệp hơn nhiều.
Game lậu từ đâu mà ra?
Ai ai trong chúng ta cũng biết thế nào là game lậu, thậm chí nhiều người có kinh nghiệm còn dễ dàng nhận ra trò chơi mình đang chơi là không bản quyền, thế nhưng ‘game lậu từ đâu mà ra?’ thì không phải ai cũng biết được.
Để trả lời cho câu hỏi trên, đầu tiên chúng ta cần biết rằng hiện tại ở Việt Nam có không ít nhóm người vẫn được dân trong ngành gọi với biệt danh ‘dân dev’. Họ có thể là những cá nhân từng làm việc lâu trong lĩnh vực vận hành game, kỹ năng lập trình và am hiểu về hệ thống mạng tốt (thậm chí nhiều người từng trưởng thành từ việc viết auto cho game online, hay đơn giản là các hacker mũ trắng, mũ đen)….
Công việc của các nhóm ‘dev’ này rất đơn giản, họ sẽ có nhiệm vụ truy cập vào nhiều diễn đàn chuyên chia sẻ mã nguồn game online tại Trung Quốc để săn tìm trò chơi nào ‘ngon’ nhất. Theo nguồn tin riêng, hiện tại có khoảng 4 diễn đàn lớn mà chuyên cung cấp source code game tại Trung Quốc mà dân làm game lậu tại Việt Nam hay vào nhất, đơn cử như a..x.net (ảnh dưới).
Chân dung diễn đàn a…x.net chuyên chia sẻ mã nguồn game online Trung Quốc.
Video đang HOT
Tại đây, nếu nói một cách dân dã thì có đủ các thể loại game ‘từ thượng vàng hạ cám’ mà nếu ai biết tiếng Trung có thể dễ dàng tìm thấy nhiều mã nguồn game online từng phát hành tại Việt Nam. Chúng được chia sẻ một cách công khai và dĩ nhiên yêu cầu thành viên forum cần có tiền ảo để tải được về máy.
Theo tìm hiểu, không phải ngẫu nhiên mà mã nguồn game lại chia sẻ như ‘mớ rau’ như vậy. Chủ yếu vì hiện tại số lượng team phát triển game tại Trung Quốc là cực nhiều, các engine tương tự như nhau cũng tràn lan và một số nhóm quyết định chia sẻ lên mạng… cho vui. Số khác thì lại chia sẻ mã nguồn dưới dạng demo để chào hàng với những ai muốn mua bản đầy đủ về kinh doanh.
Dĩ nhiên một số game lớn thì source code không được chia sẻ dễ dàng như vậy, nhưng vẫn có thể bị tuồn ra bên ngoài vì lý do nội bộ lục đục hoặc có cá nhân trong team ‘ăn cắp’ rồi mang ra bán. Rất may là các trường hợp này không nhiều.
Một blog chia sẻ mã nguồn game online tại Việt Nam.
‘Đục’, ‘đẽo’ game trước khi làm lậu
Sau khi lân la trên các diễn đàn chuyên chia sẻ mã nguồn game như trên đã đề cập, các cá nhân làm lậu sẽ chọn ra được một trò chơi mà mình tâm đắc nhất, cảm thấy dễ kinh doanh thành công nhất rồi tải về. Từ đây bắt đầu tới một bước tiếp theo mang tên ‘đục’, ‘đẽo’.
‘Đục’ hay ‘đẽo’ là một thuật ngữ chuyên ngành trong giới làm game lậu, ám chỉ việc các lập trình viên tìm cách để bẻ khóa các bộ mã nguồn game. Nguyên nhân cần phải bẻ khóa là vì 99% các mã nguồn được chia sẻ đều đã bị mã hóa và nếu không giải mã được thì chúng chỉ có thể chơi được dưới dạng… offline (bạn đọc còn nhớ MU Offline ngày xưa chứ?).
Nhờ kinh nghiệm và kỹ năng bản thân, các ‘nhóm dev’ sẽ tìm mọi cách để chọc vào source code, cố gắng để có thể cài đặt nó lên máy chủ và vận hành được ổn định nhất có thể. Quá trình này được chia sẻ là ‘cực kỳ khó khăn’ vì thường mã nguồn game dưới dạng demo hoặc không hoàn chỉnh dẫn tới độ ổn định kém, cài lên server nhưng người chơi không truy cập được, hoặc bị đẩy ra ngoài…
Một hướng dẫn mày mò để bẻ khóa mã nguồn game.
Đó là chưa kể đến việc tự Việt hóa các file ngôn ngữ rồi lại mày mò ‘lắp ráp’ vào mã nguồn tiếng Trung mà nói một cách dân dã thì đúng kiểu ‘đắp chỗ này đập chỗ kia’. Có trường hợp nhiều ‘nhóm dev’ mất đến 2 tháng để giải mã source code một game online lậu nhưng rồi không thể khắc phục được lỗi phát sinh nên đành… bỏ đi.
Hiện tại, trên mạng có không ít các blog do chính những người chuyên làm công việc trên tạo nên để ‘chia sẻ kinh nghiệm’ hoặc thậm chí là… quảng cáo các mã nguồn game đã được họ bẻ khóa thành công và chỉ chờ có đơn vị tới mua về vận hành.
Dĩ nhiên, nhiều trường hợp các hãng game nhỏ lẻ cũng tự tìm kiếm và xây dựng lấy cho mình một đội ngũ ‘dev’ như thế để họ có toàn quyền kiểm soát và kinh doanh game online sau khi giải mã. Chẳng thế mà có trường hợp các thành viên trong nhóm tự tách ra ngoài làm riêng, ôm theo source code khiến tất cả dở khóc dở cười.
Quảng cáo source code đã được giải mã thành công và không bị lỗi.
Từ ‘đục’, ‘đẽo’ cho đến ‘vá’ event, hình ảnh
‘Đục đẽo’ mã nguồn game là một chuyện, thử thách tiếp theo là làm thế nào để tạo nên các event (sự kiện) trong nó. Bởi vì như đã nói ở trên, đa phần source code chia sẻ trên các diễn đàn Trung Quốc đều ở dạng demo hoặc không đầy đủ nên sẽ không có bản update hoặc event như bình thường nên các lập trình viên phải mày mò cách… tự tạo lấy.
Trao đổi với một người từng làm game private tại Việt Nam, thậm chí có trường hợp các nhóm dev lôi hình ảnh từ game này rồi… ‘vá’ sang game khác để thành bản cập nhật mở thêm môn phái hoặc bản đồ mới. Quá trình này dĩ nhiên không dễ nhưng đủ để chúng ta thấy sự chộp giật kinh hoàng trong thị trường game online lậu nước nhà.
Nếu rủi ro không thể ‘vá’ được game thì nó sẽ sớm bị đóng cửa, mặc cho hàng nghìn game thủ mất trắng tài khoản ảo mà không thể lấy lại được. Dĩ nhiên trường hợp này vẫn diễn ra thường xuyên và hiếm ai còn lạ gì chúng.
Một game bị chia sẻ mã nguồn và nhiều khả năng sẽ thành game lậu tại Việt Nam.
Bên trên là trường hợp các đơn vị hoặc các nhóm tự đi tìm mã nguồn game online, trong phần sau, chúng ta sẽ tìm hiểu thêm một loại hình ‘hợp tác’ để làm lậu cũng như sự xuất hiện của lực lượng trung gian chuyên môi giới, kế hoạch phát hành game lậu ra thị trường nước ngoài khi mà miếng bánh tại Việt Nam đã khó nhằn…
Theo Gamek
Xuất hiện 2 game online giống hệt nhau tại Việt Nam, gamer cần đề phòng
Thoạt nhìn ở phần trang chủ cũng như tên gọi thì ai cũng nghĩ rằng đây là 2 game online hoàn toàn khác nhau. Tuy nhiên khi xem qua các phần giới thiệu thì thực tế chúng đều là một.
Hiện nay làng game online Việt đang xuất hiện hiện tượng kỳ lạ khi có khá nhiều các sản phẩm có tên tuổi khác biệt song lại giống hệt nhau về nội dung cùng được tung ra thị trường. Điển hình có thể kể tới 2 webgame được giới thiệu gần đây là Ngự Linh Đạo và Vạn Linh Tầm Ký.
2 trang chủ hoàn toàn khác nhau.
Thoạt nhìn ở phần trang chủ cũng như tên gọi thì ai cũng nghĩ rằng đây là 2 game online hoàn toàn khác nhau. Tuy nhiên khi xem qua các phần giới thiệu tính năng trong thế giới ảo và những hình ảnh in-game của chúng thì tất cả mọi người đều có thể đưa ra kết luận rằng Ngự Linh Đạo và Vạn Linh Tầm Ký vốn chỉ là một sản phẩm được đặt tên khác đi mà thôi.
Giới thiệu của Ngự Linh Đạo
2 webgame này cùng được PR trên các diễn đàn về game tại Việt Nam với tên gọi khác nhau và đặc biệt là ngày giờ đăng bài cũng như thời điểm mở cửa lệch đi đôi chút. Do đó những game thủ không chú ý sẽ không biết tới sự hiện diện của phiên bản "khác tên cùng nội dung" cũng được quảng cáo nhan nhản.
Rất giống giới thiệu của Vạn Linh Tầm Ký
Theo ghi nhận của chúng tôi thì tại cả trang chủ của Ngự Linh Đạo và Vạn Linh Tầm Ký đều không hề có thông tin gì của đơn vị giữ bản quyền trò chơi hay công ty đứng tên vận hành, hơn nữa tên miền đều từ quốc tế với đuôi .com và .net. Khả năng rất lớn rằng cả 2 đều là các game phát hành lậu tại Việt Nam (server private).
Như vậy, cộng đồng game thủ nước nhà nên đề phòng các trường hợp webgame trôi nổi không có đơn vị phát hành và giống nhau kỳ lạ này. Rất có thể server sẽ vận hành một thời gian để thu tiền nạp thẻ rồi bỗng nhiên đóng cửa mà không hề báo trước... Khi đó người bị thiệt chính là những game thủ đã ngây thơ tham gia vào thế giới ảo.
Theo Gamek
Điểm lại tin hot làng game online Việt tuần cuối tháng 8 Điểm lại những thông tin mới trong làng game online hết sức thú vị và thu hút được sự quan tâm của game thủ trong tuần cuối cùng của tháng 8, từ 25/08 đến 31/08. Hot girl Miss Touch cởi áo dội đá lạnh lên đầu Cô nàng "hotgirl bán báo" Lâm Bảo Nhi hiện đang là một trong các thí sinh nổi...