Game kiếm hiệp liệu có hết thời
Game kiếm hiệp đang gặp phải sự cạnh tranh gay gắt từ những xu hướng game online mới tại làng game Việt.
Có lẽ không cần phải nhắc lại, thời kỳ vàng son của làng game Việt chính là khoảng thời gian những tựa game kiếm hiệp lấy bối cảnh phương Đông, mà cụ thể hơn chính là những MMORPG đến từ Trung Quốc chiếm được cảm tình của vô số những game thủ Việt. Một trong những lý do khiến cho những tựa game như thế phát huy được thành công tại thị trường trong nước chính là nhờ sự quen thuộc, gần gũi với đa phần game thủ chúng ta.
Một lý do khác mà tôi đã có dịp phân tích trong một bài viết trước đây, đó chính là thói quen chơi game theo phong trào của người Việt. Một game thủ thấy bạn bè cùng đắm chìm trong một MMO, họ sẽ tò mò chơi thử, sau đó sẽ cùng đồng đội “vào sinh ra tử” với tựa game trong một khoảng thời gian dài sau đó.
Thế nhưng đó là câu chuyện của quá khứ. Làng game Việt của năm 2013 đã rất khác so với vài năm trước đây. Giờ đây, game thủ Việt có vô vàn lựa chọn về game online, từ những game nhập vai cổ điển, đến casual, thể thao, bắn súng, MOBA, và một trong những trào lưu mới xuất hiện trong thời gian ngắn trở lại đây chính là những tựa game thẻ tướng trên nền tảng di động hoặc những game đa nền với nội dung tương tự.
Nhìn chung, khoảng thời gian mà game thủ Việt dành cho game đã không còn được như trước đây. Việc cắm chuột hay bật auto cày cuốc cả ngày trời ngoài quán internet trong quá khứ là chuyện chẳng có gì lạ lùng. Một câu chuyện vui khi tôi còn đi học, đó là vào những ngày cuối cùng của năm học, lớp bỗng vắng vẻ một cách lạ thường, khi đó giáo viên chủ nhiệm quyết định tới những quán internet lân cận để tìm học sinh. Ngày hôm đó trong quán game, khoảng 20 cậu bạn của tôi vẫn đang ngồi say sưa cày kéo nhân vật của mình khi cô giáo bước vào. Hậu quả ra sao chắc các bạn đã biết.
Đó là một câu chuyện vui trong quá khứ mà mỗi lần có dịp gặp nhau, chúng tôi lại nhắc lại. Giờ đây, khi mỗi người có một công việc và vấn đề lo toan riêng, khoảng thời gian chơi game lại trở nên ngắn đi. Từ đó, nhu cầu tìm kiếm một tựa game không yêu cầu phải bỏ nhiều thời gian cũng hình thành. Những game nhập vai kiếm hiệp cần nhiều sự đầu tư về thời gian và công sức cũng vì thế mà bị loại bỏ khỏi danh sách những thú vui mà một phần lớn game thủ đã trưởng thành tại nước ta hiện nay.
Video đang HOT
Thay vào đó, những khoảng thời gian nghỉ ngơi sẽ được dành cho những tựa game không tốn quá nhiều thời gian. Một trận DotA, vài ván Counter Strike, hay đăng nhập vào một game online trên di động để thưởng thức trong giờ rảnh rỗi là đủ để game thủ lớn tuổi có những giờ phút giải trí thoải mái.
Quay trở lại những tựa game nhập vai kiếm hiệp phương Đông mới ra mắt thời gian gần đây. Chúng ta có thể thấy tuy rằng sức hút của những cái tên mới là không thể chối cãi, thế nhưng sức hút trước khi game ra mắt, và số lượng người chơi sau khi game chính thức mở cửa đôi khi không liên quan cho lắm. Thực tế khá phũ phàng là, số lượng người chơi trong những game nhập vai như vậy đã và đang ngày một hẻo dần vì nhiều lý do khác nhau. Trong đó thời gian là một trong những lý do đáng quan tâm nhất.
Vậy game thủ Việt giờ này chơi gì nếu không phải là game nhập vai? Chủ yếu là webgame. Không ít những webgame có cách chơi cũng như nền đồ họa chỉ dừng lại ở mức trung bình lại đang ăn nên làm ra từ số lượng người chơi không hề ít ỏi. Điều này chứng minh được một điều, một số lượng lớn game thủ Việt đã và đang tìm đến game như một phương pháp giải trí sau giờ học, giờ làm căng thẳng, chứ không còn toàn tâm toàn ý vào nhân vật trong game của mình đến mức bỏ bê nhiều thứ như trước đây. Rõ ràng về khía cạnh cuộc sống, đó là một điều tốt, thế nhưng nó vô tình trở thành một thách thức cho các nhà phát hành game online Việt Nam.
Đó là chưa kể những thể loại game mới ra mắt thời gian gần đây những cũng kịp có được sức hút không hề nhỏ. Đó là những game MOBA, game chiến thuật nền mobile và những tựa game thẻ tướng. Với MOBA, mỗi trận đấu thường diễn ra trong phạm vi 1 tiếng đồng hồ, trong khi những game chiến thuật hay thẻ tướng trên nền di động lại có được sức hút riêng khi không đòi hỏi nhiều công sức cày kéo nhưng lại rất có xu hướng… gây nghiện.
Sự tấn công của những xu hướng game online mới, như đã đề cập ở phần trên, đang trở thành những mối đe dọa trực tiếp tới thị phần của những tựa game nhập vai kiếm hiệp tại Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên một điều khá chắc chắn, đó là những game kiếm hiệp sẽ không thể bị gạt bỏ hoàn toàn. Thay vào đó, bên cạnh việc chăm chút cho sản phẩm MMORPG, các nhà phát hành game online Việt đang đầu tư công sức khai thác những thị trường game online mới. Tất cả đã và đang tạo nên một làng game Việt đa sắc màu và vô cùng lôi cuốn.
Theo VNE
Dòng game mobile nào đang lên ngôi tại thị trường Châu Á
Sau thời gian dài, làng game mobile thế giới nói chung và tại Châu Á nói riêng một lần nữa chứng kiến sự hoán ngôi ngoạn mục trên bảng xếp hạng. Thể loại game chiến thuật liên tục đứng Top 1 các bảng xếp hạng với đại diện tiêu biểu là Clash of Clans dần mất vị trí của mình vào tay "ngôi sao mới": card battle - dòng game thẻ tướng.
Card battle - game thẻ tướng là dòng game nhập vai trong đó "nhân vật chính", thậm chí cả pet và trang bị đều được thể hiện dưới dạng các thẻ bài. Có thể nói, dòng game thẻ tướng giống như một món cocktail pha trộn khéo léo giữa thể loại đánh bài ma thuật (như Yu-Oh) với các game nhập vai truyền thống.
Thể loại thẻ tướng - ngôi sao mới nổi trên thị trường game mobile thế giới
Ở Việt Nam, dòng game thẻ tướng còn tương đối mới lạ. Hiện chỉ có 3 game mang tính thăm dò thị trường ở thể loại này là Mộng Tiên, Chiến Binh Huyền Thoại (SohaGame) và Ma Pháp Online (5 Stars Mobile Game) được ra mắt. Tuy nhiên, ở Trung Quốc và đặc biệt là tại Nhật Bản, Hàn Quốc, dòng game thẻ tướng đang được giới trẻ ưa chuộng, xếp vị trí số 1 tại hầu hết các bảng xếp hạng game mobile lớn như App Store, Google Play, App91.... Những cái tên nổi bật nhất của thể loại game thẻ tướng có thể kể tới như I Am MT Online, Puzzle & Dragons, Đại Chưởng Môn, Manh Giang Hồ....
Puzzle & Dragons thống trị mọi bảng xếp hạng game mobile tại Nhật Bản từ cuối 2012
Tại Nhật Bản - một trong những thị trường luôn đi trước đón đầu các xu thế mới, thể loại thẻ tướng chiếm tới hơn 90% doanh thu của cả ngành game mobile. Thể loại này gần như áp đảo hoàn toàn các dòng game khác. Tính đến 19/5/2013, tựa game thẻ tướng Puzzle & Dragons của Gungho đã có 14 triệu người chơi, đem về hàng chục triệu USD mỗi tháng dù chỉ mở ở hai thị trường Nhật Bản và Mỹ.
I Am MT Online dẫn đầu bảng xếp hạng game mobile tại Trung Quốc
Cũng giống như Nhật Bản, tại Trung Quốc - một trong các thị trường game smartphone phát triển bậc nhất trên thế giới, game thẻ tướng đang là 1 trào lưu. Sự thành công rực rỡ của I Am MT Online, Đại Chưởng Môn, Manh Giang Hồ trong giai đoạn từ 2012 đến nay là minh chứng rõ ràng nhất cho dòng game thẻ tướng. Với I Am MT Online, trong thời gian đầu vận hành đã đem lại doanh thu lên tới 30 triệu RMB (4.8 triệu USD)/tháng, hay Đại Chưởng Môn là 25 triệu RMB/tháng và Manh Giang Hồ thậm chí còn cao hơn nữa.
Cả ba tựa game này đều đã mở trên dưới 200 server tại tất cả các cổng dịch vụ. Sự thành công đó đã kích thích các Nhà làm game mobile khác ở Trung Quốc "copy" lại lối chơi của những game này. Có thể nói game thẻ tướng đang thống trị thị trường game mobile Trung Quốc.
Dòng game thẻ tướng hứa hẹn lập Hit tại Việt Nam vào nửa cuối 2013
Bên cạnh Nhật Bản và Trung Quốc, thể loại game thẻ tướng cũng đang gây sốt tại thị trường Hàn Quốc. Sự bùng nổ của thể loại game mobile này tại Việt Nam sẽ chỉ là chuyện sớm muộn bởi thị trường trong nước có những nét tương đồng khá lớn với Trung Quốc và Nhật Bản. Tuy nhiên, Nhà phát hành nào sẽ tiên phong đưa những cái tên nổi bật như I Am MT Online, Manh Giang Hồ, Đại Chưởng Môn, Puzzle & Dragons... về Việt Nam vẫn còn là một câu hỏi chưa lời giải đáp.
Theo VNE