‘Game không phải là nguyên nhân chính của bạo lực’
Đó là ý kiến của đa số cộng đồng trên Game Thủ.net tại một biểu quyết mới đây.
Vụ án cướp tiệm vàng gây chấn động của Lê Văn Luyện đã trôi qua cách đây hơn một tháng, tuy nhiên những dư âm của nó vẫn còn vang vọng trong lòng nhiều người dân Việt Nam. Cộng đồng game thủ cũng không thể đứng ngoài cuộc khi nguyên nhân của vụ án, dù ít hay nhiều, đã liên đới trực tiếp đến họ. Việc một số tờ báo liên tục đưa ra những luồng dư luận xấu quy kết trò chơi điện tử là nguyên nhân chính dẫn đến hành vi phạm tội của Luyện đã làm nảy sinh vô số ý kiến trái chiều của cộng đồng.
Bài viết phân tích về quan niệm có sự liên hệ giữa một số vụ án gấy chấn động dư luận gần đây tại VN và thế giới với game online của độc giả Cao Trần Nghĩa trên cơ sở thực tiễn và khoa học đã nhận được nhiều sự ủng hộ. Trong đó, tác giả nhấn mạnh rằng game có yếu tố bạo lực không có mối liên hệ nào với các hành vi xấu, nếu có thì cũng không đáng kể. Qua cuộc khảo sát gần đây của Game Thủ.net, phần lớn độc giả đều cho rằng, game chỉ là một phần nguyên nhân của hành vi bạo lực.
Kết quả biểu quyết về mối liên hệ giữa game với các hành vi bạo lực của một bộ phận giới trẻ.
Độc giả Nguyễn Trường nhận xét, các vụ án gần đây do thanh thiếu niên có trường hợp ít nhiều liên quan đến game online, tuy nhiên đây không phải là nguyên nhân chính. Người này lý giải: “Ở thời đại Internet phổ biến và game tràn lan như hiện nay thì sẽ xuất hiện nhiều thanh niên thừa thời gian, rủng rỉnh tiền bạc. Mấy kẻ gây án vừa qua, trong đó có Luyện, đa phần là lêu lông, vậy nên có bóng dáng của game là chuyện không có gì ngạc nhiên. Tội phạm tuổi teen phần lớn đều thiếu sự giám sát của gia đình, không nghề nghiệp, học hành, vì vậy cho dù không chơi game thì cũng dính vào thứ khác như ma túy mà phạm tội. Bên cạnh đó, bản chất của con người là khó đổi, những kẻ có máu côn đồ thì dù có chơi một game nhẹ nhàng như Mario vẫn sẽ gây án như thường”.
Game thủ Sinx thừa nhận, một số trường hợp gây án vì thiếu tiền chơi game là có thực. Tuy nhiên, anh này kịch liệt lên án kiểu chụp mũ của một bộ phận truyền thông khi cho rằng, trò chơi trực tuyến là nguyên nhân chính dẫn đến hành vi phạm tội. “Có những tờ báo nói rằng, hành vi của tên Luyện giống với nhân vật trong Kiếm thế. Vậy xin hỏi là nó giống ở chỗ nào? Chả nhẽ hắn lại sử dụng Hàng Long Thập Bát Chưởng (một chiêu thức trong game) để tấn công gia đình nạn nhân? Hơn nữa, những nội dung này đã xuất hiện trên phim ảnh và các phương tiện truyền thông khác trước game từ lâu”.
Game bị một bộ phận truyền thông quy kết là nguyên nhân gây ra hành vi dã man của Lê Văn Luyện.
Một bộ phận không nhỏ trong số độc giả Game Thủ.net lại khẳng định, game hoàn toàn không liên quan gì đến bạo lực. Người chơi Gackt1 bức xúc trước việc game online bị quy kết là động cơ gây án của Luyện: “Nếu nói như thế thì bất cứ ai chơi các trò chơi trực tuyến đó đều đi cướp giật giết người hết chăng? Nếu điều này là đúng thì chắc tôi đã sát hại không biết bao nhiêu người rồi”.
Đồng tình với Gackt1, game thủ Alan phân tích thêm: “Chuyện game bạo lực có là động cơ gây án hay không thì hoàn toàn tùy thuộc vào người chơi. Nếu họ là một người bình thường biết suy nghĩ, họ sẽ coi chơi game chỉ đơn thuần là hình thức giải trí. Trên thực tế, không hề thiếu những trò chơi có nội dung sâu sắc, giúp người chơi nhận ra được giá trị đích thực của cuộc sống, từ đó có cuộc sống tốt hơn”.
Bên cạnh đó, nhiều người khác cho rằng, môi trường sống và cách giáo dục của gia đình, xã hội mới là yếu tố tiên quyết cấu thành nên hành vi của con người chứ không phải game. “Nếu người ta được cha mẹ người thân quan tâm chỉ bảo về lề thói nếp sống, đến trường có giáo viên uốn nắn về kiến thức và đạo đức thì dù bản chất xấu xa đến mấy, họ vẫn có thể tốt lên. Còn những kẻ thiếu sự yêu thương và quan tâm của gia đình hay sống trong một môi trường có yếu tố xấu thì mới đáng lo ngại”.
Chỉ có rất ít độc giả khẳng định game là nguyên nhân chính của bạo lực. Họ cho rằng, nhiều trò chơi hiện nay chứa quá nhiều yếu tố nhạy cảm khiến những người chơi yếu tâm lý có nguy cơ bị ảnh hưởng. Dẫu vậy, số ít độc giả này cũng thừa nhận Việt Nam cần có chính sách kiểm duyệt nội dung cũng như giới hạn độ tuổi chơi game cụ thể hơn nhằm giảm thiểu tối đa rủi ro nói trên.
Theo Bưu Điện Việt Nam