Gái quê – mười bảy – chửa hoang
Cách đây mấy ngày, tôi đã làm một công việc mà tôi không nên làm: Bỏ chiếc bào thai vừa mới hình thành trong bụng.
Ảnh minh họa
Năm 17 tuổi, trái tim tôi đã rung động bởi một người đàn ông lớn hơn tôi một giáp. Đó là cái thuở những đứa con gái bằng tuổi tôi còn phải đợi mẹ kêu thức dậy trong buổi sáng trời rét đậm. Thời ấy, nhiều bạn bè tôi còn tung tăng cắp sách đến trường, hồn nhiên nũng nịu đòi ba mẹ sắm cho một chiếc váy xinh xinh khi mùa xuân sắp đến. Nhưng với tôi, cuộc đời đã không ưu ái để cho tôi một gia đình êm ấm. Tôi bước chân vào đời bằng đôi chân khẳng khiu của một đứa trẻ. Tôi lăn lộn giữa thành phố thênh thang những con đường rộng, chẳng thiếu những căn nhà mà dẫu có ngước hết tầm nhìn tôi cũng không thể nào nhìn được đến tầng cuối cùng.
Nhà tôi ở một miền quê buồn. Ban ngày buồn khi nhìn những con nước trôi cuộn về từ thượng nguồn xa lắc. Buồn muốn khóc khi nhìn thấp thoáng bóng người thành phố ở trên những chiếc thuyền chở hàng đi qua. Dường như chẳng có một chiếc thuyền nào dừng lại nơi tôi ở. Ban đêm còn buồn hơn khi nghe những câu vọng cổ được phát ra từ những chiếc máy hát của nhà nào đó. Tôi không hiểu tại sao ở làng quê của tôi mọi nguời lại rất thích cải lương. Mà cải lương thì luôn luôn kể lể những cuộc tình chia lìa. Vì buồn đến thế mà nhiều người đã bỏ quê ra đi, đến một thành phố nào đó kiếm sống. Ánh sáng đô thị như có một sức mạnh khiến tôi cũng nôn nao tìm mộtchuyến ly hương.
Dung là cô bạn hàng xóm, cách nhà tôi chừng vài trăm mét. Dung đã bỏ quê lên thành phố học nghề làm tóc nữ. Bẵng đi một năm trời, Dung trở về nhà với dáng vóc bên ngoài giống như đã được gột rửa bụi bặm làng quê. Dung đến nhà tôi chơi, tặng cho tôi một thỏi son môi. Đó là lần đầu tiên trong cuộc đời tôi mới nhìn thấy thỏi son môi. Tôi đã tô son lên đôi môi của mình, ngắm nhìn đôi môi mình trước gương. Còn Dung thì cười hồn nhiên: “Tuần sau tao lên thành phố rồi. Hay là mày lên đó học nghề làm tóc đi. Học xong bà chủ nhận việc, lương cũng khá”. Không chần chừ suy nghĩ, tôi đã cùng Dung đón xe lên thành phố sau đó. Bởi dù sao thì tôi cũng đang muốn thoát cảnh buồn của làng quê mình.
Đúng như lời Dung nói, bà chủ tiệm uốn tóc nơi nó làm đã vui vẻ nhận tôi. Bà ngắm nhìn tôi mà cười: “Em chỉ cần chưng diện lên một tí là bao nhiêu chàng trai thành phố phải đau tim”. Thật ra thì tôi chẳng chú ý đến việc mình đẹp hay xấu. Tôi chỉ mong học cho xong nghề, đi làm kiếm tiền gởi về nhà phụ ba má tôi nuôi mấy đứa em ăn học. Nhờ chăm chỉ, tôi được bà chủ thương cho nên chỉ sau hai tháng là tôi đã được bà cho lương thử việc.
Video đang HOT
Ngày đầu tiên cầm đồng lương do chính mình làm ra, tôi rủ nhỏ Dung đi ăn bánh xèo chảo ở quán nằm ngay một đầu hẻm gần chỗ hai đứa tôi ở trọ. Tôi và Dung chen mãi vẫn chưa có chỗ ngồi thì có tiếng gọi: “Dung và Hà vào đây. Còn một chỗ trống đây này”. Người gọi hai đứa tôi là Minh. Thật ra, lúc đó, tôi chỉ biết Minh qua lời giới thiệu của Hà: “Anh Minh ở cửa hàng bán hoa vải bên kia đường. Hà không biết à?”. Hàng hoa vải bên kia đường thì tôi biết, nhưng quả thật tôi chẳng hề chú ý tới ai là chủ cửa hàng, tôi cũng chẳng ngờ là Minh vẫn thường đứng bên ô cửa kính bên đó mà quan sát tôi bên này. Minh đã tranh trả tiền bánh xèo hôm đó. Sau đó anh rủ hai đứa tôi đi xem ca nhạc. Đó cũng là lần đầu tiên tôi bước chân đến một sân khấu ca nhạc.
Tôi không tin vào định mệnh, thậm chí tôi không nghĩ rằng trái tim của mình vội vã mềm lòng trước một người đàn ông. Tôi chỉ vừa 17 tuổi. Mẹ tôi vẫn thường viết thư lên dặn dò: “Đừng tin con trai thành phố, có ngày sẽ khổ cả đời!”. Tôi viết thư trả lời mẹ: “Con còn nhỏ, má cứ yên tâm…”. Tôi đã từ chối bao nhiêu lời hẹn hò của những chàng trai bao quanh, thế mà với Minh thì khác. Minh khoan thai chinh phục tôi theo cách của một người lớn tuổi. Anh mang tới nơi tôi ở những món ăn tôi thích, chọn cho tôi đĩa nhạc của những ca sĩ tôi mến mộ, có khi anh chủ động mua cho tôi một tấm thẻ điện thoại để tôi gọi về nhà cho tiện.
Người đàn ông đó đã gây cho trái tim tôi một tình yêu thật âm thầm. Một lúc nào không biết, những cuộc đi chơi, đi xem kịch, xem ca nhạc chỉ còn tôi và anh. Anh cũng chẳng hấp tấp choàng vòng tay qua vòng lưng tôi, không vội vàng đặt môi lên đôi môi tôi. Anh tạo cho tôi một cảm giác tin cậy. Tôi mù quáng yêu anh, để rồi tôi mù quáng hiến dâng mà không biết rằng mình đang bước vào một con đường cụt, không lối thoát.
Mẹ ngạc nhiên khi tôi gọi điện báo rằng tôi sẽ về. Qua máy điện thoại, mẹ hỏi: “Có chuyện gì với con phải không Hà?”. Tôi trả lời: “Chắc con về nhà luôn quá. Tự dưng con thèm nghe tiếng dòng sông chảy”. Cách đây mấy ngày, tôi đã làm một công việc mà tôi không nên làm: Bỏ chiếc bào thai vừa mới tượng hình trong bụng. Dung đưa tôi đi đến trung tâm, mấy lần tôi nhớm chân bước ra. Tôi sợ khi nhìn thấy trong đám đông lô xô trước mặt tôi cũng có quá nhiều cô gái rất trẻ. Nó gằn giọng: “Mày mới 17 tuổi, còn cha Minh thì đã biệt tăm rồi, sinh nó ra mày lấy gì nuôi nó?”.
Minh đã bỏ tôi không một chút đắn đo. Hàng hoa vải đối diện nơi tôi làm việc đã thay chủ. Số điện thoại di động của anh chỉ vang lên âm thanh quen thuộc của tổng dài: “Số máy này tạm thời không liên lạc được. Xin quý khách gọi lại sau”. Tôi đã thầm thì với Dung: “Chắc tao phải bới tung cả thành phố này lên quá. Phải tìm ra Minh”. Hà cười giống như bị thọt lét: “Tìm ra gã sở khanh đó rồi mày quỳ gối xin nhận đứa con trong bụng mày à? Mà chắc gì nó để cho mày gặp nó?”. Tôi đã khóc vùi một ngày, khóc như chưa bao giờ được khóc. Hà vẫn ở bên tôi, dịu dàng đưa khăn cho tôi lau nước mắt.
Xe đã ra vùng ngoại ô. Vầng trăng sớm treo trên đầu tạo ra một màu kem phủ lên những ngôi nhà, những bóng cây xa xa một vẻ gì huyền hoặc. Tôi đưa mắt nhìn những ngọn đèn trong những ngôi nhà rất xa. Tôi tưởng tượng sau ngọn đèn kia có một mâm cơm vừa dọn lên, quây quần bên cạnh đó là một gia đình. Tôi đang làm cuộc hành trình trở về nhà năm tôi 18 tuổi. Mẹ đang đợi tôi về như đợi một đứa con khờ khạo ngày nào. Mẹ sẽ không bao giờ biết trái tim tôi đã một lần tan vỡ.
Theo VNE
Về quê...
... Chị chẳng ngại gì ngoài việc nhận được lời hỏi han chi tiết từ những con người chân chất, thật thà ấy. Họ gọi đó là tình làng nghĩa xóm, quan tâm thân tình đến nhau bất kể người kia có cần, có thích hay không.
Hình minh họa: Dân Việt
Không đáp lại thì họ sẽ có chuyện để kể rằng dâu nhà ấy khinh khỉnh lạnh nhạt với bà con lối xóm, trong khi khéo vừa hỏi chuyện mình lúc trước, chỉ lát sau gần như toàn bộ những người có mặt ở đó biết nội dung. Đến giúp đám, thì chỉ có việc nhặt hành, nhặt tỏi, nhặt rau lau bát, rất thích hợp cho việc túm tụm thì thào.
Câu chuyện nào cũng được các bà các chị săm soi từ đầu đến chân, rồi đem ra mổ xẻ bàn luận sau khi "khổ chủ" đã rời quê cả tuần. Vấn đề các bà quan tâm quá, chuyện nhà ai cũng tường tỏ từng chân tơ kẽ tóc, từng nội tình ngoại vụ chuyện gì cũng biết.
"Nhà bà Hoan có gần trăm cây vàng nhưng giấu kỹ lắm. Nhà thím Thuấn đầy tiền, thím ấy dậy thêm rồi tham gia công tác ở trường kiếm bộn, chẳng qua cứ giả nghèo giả khổ thôi, đã ai thèm xin đâu". "Thằng ấy nó đi buôn, tiền chất hàng núi. Thằng kia làm cho công ty nước ngoài, lương hàng trăm triệu một tháng".
Chị cười thầm, chắc họ toàn vống lên theo kiểu "gà mẹ rụng lông", chứ giờ người khôn của khó, làm gì mà dễ thế, ai mà được "quan tâm" thì cũng mếu dở. Sau đến chính chị là chủ thể của câu chuyện.
Ra là mẹ chồng lúc nào cũng tự hào con trai mình giỏi giang tài ba, một có khi thêm thắt thành hai, đi khoe trong mọi câu chuyện rằng chúng nó tự mua đất, tự làm nhà. Bà kể những "kỳ tích" ấy nhưng lại "quên" không kể những vất vả, những nợ nần, những lần hai vợ chồng bị lừa tiền, góp vốn làm ăn thua lỗ, những vụ giúp đứa em gặp khó khăn, vì kể ra như thế thì lại xấu đứa em.
Là bà tự hào kể vậy thôi cứ cũng đã được cái gì đâu, vậy là mọi người bắt đầu đặt những câu cắc cớ, hỏi trực tiếp chị: "Vợ chồng mày giàu thế sao không cho bố mẹ tiền xây nhà đi". Chị ngạc nhiên: "Nhà bố mẹ cháu năm gian to đẹp, chắc chắn như thế, lại mới xây thêm dãy nhà ngang, có buồng để không. Sao phải xây mới ạ?". Song họ cứ thích tham gia, rằng phải xây nhà tỉ bạc mới là xây, là cho. Có người lại quát: "Sao không thay cho bố mày cái xe máy mới". Họ nói "Giờ chúng mày còn trẻ mà đã thế, là giỏi là tài, báo hiếu cho bố mẹ đi chứ còn gì?".
Chị đến xây xẩm mặt mày, tính chị vốn không hay kể lể, vì kể ra cũng có bớt túng thiếu đi được đâu, thành ra không kể khổ nghĩa là người đó rất sướng. Và nếu sướng, nhiều tiền thì phải biết chia sẻ, chị cười và buồn cho suy nghĩ ấy quá.
Người quê nhìn thấy có đôi đứa "giàu non", cùng vài kẻ hay "chém gió" nên kính nể những người đi làm ở thành phố lắm, luôn nghĩ rằng người phố tiêu tiền như rác, ở đó tiền rơi khắp đường chịu khó nhặt tí là đầy.
Nỗi tủi khổ vì chẳng có sự trợ giúp còn chưa nguôi thì việc buồn lại đến khi có những người không hiểu, nói vợ chồng chị ích kỷ, tham lam chỉ biết nghĩ cho bản thân... Mẹ chồng cũng chẳng thể nói đỡ cho câu nào vì như thế khác gì "đốp" vào những gì bà từng khoe khoang trước kia.
Sự quan tâm thái quá ấy khiến cho gia đình nhỏ lục đục không ít sau mỗi lần về quê. Cũng bởi một lời nói chân tình đúng lúc khiến cho người ta nhớ mãi, bên cạnh đó những lời đơm đặt cay nghiệt vô tình hay hữu ý có thể làm ai đó ám ảnh suốt đời không quên.
Theo Danviet
"Cô ấy ngoại tình với bạn thân của tôi" Do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, lại phải nuôi 2 con nhỏ nên cách đây 2 năm vợ chồng tôi quyết định để tôi đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Hình chỉ có tính chất minh họa. Vậy mà, trong khi tôi đang vất vả nơi xứ người để kiếm tiền chăm lo cho gia đình thì cô...