Gái phố khổ sở làm dâu quê
Vừa đón dâu về nhà, tôi đã phải thay vội quần áo để rửa 30 mâm bát đĩa mới dọn.
Tôi là con út trong nhà nên từ nhỏ đã quen được bố mẹ chiều chuộng, ít khi phải động chân động tay vào bất cứ việc gì. Bởi vậy, tôi hay rất ỷ lại việc nhà cho mẹ nên chẳng làm được trò trống gì. Tôi nấu ăn thì tệ, bát đũa, xoong nồi không rửa ẩu thì cũng sứt mẻ, vỡ là chuyện thường tình. Bố mẹ tôi vẫn thường mắng mỏ: “Sau này về nhà chồng chưa nổi ba hôm người ta đã lót tay lá chuối dắt ra khỏi cửa”. Tôi chỉ cười xòa trước câu nói đó bởi tôi luôn nghĩ rằng, cũng còn lâu lắm mới đến cái ngày ấy. Hơn nữa, con gái bây giờ hiện đại, bố mẹ chồng cũng trẻ, cũng hiện đại, chắc gì đã bắt con dâu làm việc nhà? Tôi cứ nghĩ mọi việc đơn giản và vô tư như những gì vẫn diễn ra hàng ngày, xung quanh cuộc sống không bị bó buộc của tôi.
Năm cuối đại học, tôi bắt đầu có cảm tình với một bạn nam khoa khác. Anh hơn tôi hai tuổi, chững chạc và tâm lý. Tôi thích mẫu người đàn ông biết lo cho gia đình bởi tôi vốn không phải là đứa con gái đảm đang, chăm chỉ. Duy chỉ có điều anh sinh ra và lớn lên ở quê, còn tôi gái “phố” nên có đôi chút khác nhau.
Từ nhỏ, tôi đã quen với lối sống phóng túng, ít bị gò bó từ phía gia đình. Còn anh sinh ra trong một gia đình có học, nề nếp với đủ những nguyên tắc sống. Nhưng “Ghét của nào trời trao của nấy”, tôi yêu ngay phải một anh trai làng với những yêu cầu chuẩn mực về người phụ nữ Việt Nam: con gái thì phải “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên”, phải biết “nữ công gia chánh”… Anh không bắt tôi phải làm theo khuôn mẫu đó nhưng vẫn thường ý tứ nhắc nhở tôi như vậy bởi, bố mẹ anh đều là những người có học thức, gia giáo.
Mặc dù ghét những lề thói nhưng tôi lại vô cùng yêu anh. Đã bao lần tôi quyết tâm học để thay đổi bản thân nhưng càng học lại càng tệ bởi nó đã ngấm vào máu, ăn sâu vào tôi tự bao giờ. Dù có ghi nhận những thay đổi tích cực của tôi nhưng anh cũng đành phải “bó tay” bởi không dễ gì đào tạo tôi trong một sớm một chiều. Nhưng cuối cùng, đám cưới của chúng tôi cũng diễn ra suôn sẻ thuận lợi bởi, những lần ra mắt bố mẹ anh, tôi đều cố gắng che giấu thật tốt những khiếm khuyết của bản thân mình.
Làm dâu quê quả là một khó khăn đối với cô gái phố như tôi (Ảnh minh họa)
Nhưng điều gì đến cũng sẽ phải đến. Những ngày đầu làm dâu tôi đã không lường trước được những công việc nhà. Ngay sau khi đón dâu về nhà chồng, tổ chức ăn cỗ xong, tiệc trà xong xuôi, tôi lập tức phải thay quần áo để rửa 30 mâm bát. Lần đầu tiên trong cuộc đời mình, tôi rửa nhiều bát đến như vậy. Sau khi rửa xong, vừa tủi thân vì phải xa bố mẹ gần một trăm cây số, vừa mệt mỏi vì phải rửa hàng đống bát đũa để chứng minh nàng dâu đảm đang, tôi khóc nức nở trước sự ngạc nhiên của mấy đứa em đang rửa bát cùng. Chắc ai cũng nghĩ rằng, tôi tủi thân vì đang nhớ nhà nhưng thực sự tôi thấy sốc khi lần đầu tiên mình phải dọn dẹp nhiều đến thế. Chưa kể trong lúc rửa bát, tôi đã nhỡ tay đánh vỡ tới gần chục cái bát con khiến đám em của tôi cũng phải trợn tròn mắt vì bất ngờ.
Hôm sau, tôi đã bị gọi dậy từ lúc mờ sáng để đi chợ cùng mẹ chồng, làm bữa cơm thân mật gọi là “lại mặt” với họ hàng. Ra chợ, cái gì tôi cũng thấy hay bởi chợ quê nhiều đồ lạ mắt hơn chợ phố. Tôi la cà hết hàng cháo trai, rồi sang hàng bánh đúc chấm tương…món gì tôi cũng muốn thử khiến mẹ chồng tôi cũng đành phải chiều cô dâu “phố”.
Cả buổi sáng hôm đấy, ngoài việc nhặt rau, rửa rau, tôi không phải lo bất cứ việc gì. Có lẽ sau buổi tối hôm trước, mọi người cũng đã bắt đầu nhận ra bản chất của dâu mới nên ai cũng bảo tôi cứ đi dạo cho khuây khỏa, việc bếp đã có người lớn làm hết rồi. Dù bớt lo một chút nhưng tự bản thân tôi cảm thấy mình có chút vô dụng, thừa thãi tay chân bởi vô tình tôi đã làm mất mặt nhà chồng trước họ hàng, làng xóm.
Lên Hà Nội, tôi quyết định đi học một lớp nữ công gia chánh để nâng cao kỹ năng, tay nghề quyết tâm nấu cho bố mẹ chồng một bữa cơm đàng hoàng tử tế, sửa đổi lại bản thân. Nghĩ lại mấy ngày làm dâu ở quê rửa bát thì bát vỡ, rán nem thì nem cháy khiến tôi vô cùng xấu hổ… Nhưng cũng chính vì điều đó khiến tôi có quyết tâm hơn để học nữ công gia chánh.
Sau ba tháng học nấu ăn, cuối cùng bố mẹ chồng tôi cũng đã có được một bữa cơm lành, canh ngọt do cô con dâu mới nấu. Tôi cảm thấy trong lòng phấn khởi, có chút thích thú và vô cùng hạnh phúc khi được mọi người trong gia đình thưởng thức và tấm tắc khen ngon.
Theo VNE