Gái nhà nghèo học đòi làm hotgirl
‘Bây giờ 10 đứa con gái có nhan sắc thì 9 đứa nuôi mộng làm hotgirl. Em cũng thế thôi’, cô sinh viên Nguyễn Thị Lan, đến từ một làng quê nghèo, phân bua.
Mẹ osin, con hotgirl
Hồi mới lên Hà Nội học, trông Nguyễn Thị Lan cũng giản dị, rụt rè như những cô gái xuất thân nông thôn khác. Dù vậy, bạn bè vẫn nhận ra cô xinh đẹp. Nhưng đó dường như không hẳn là điều hay.
Lan thường nhận được những lời khen như thế này: “Nhìn cái H. kia, trông nó lúc nào cũng kênh kiệu như công chúa, ra vẻ ta đây hoa khôi, chẳng qua có tiền chải chuốt thôi chứ thực ra chẳng bằng một góc của cậu”. Hay: “Cậu có dáng người ngon quá, mặt lại xinh nữa. Cậu mà ăn diện vào thì đảm bảo cả khóa này không đứa nào theo kịp”…
Niềm tự hào kín đáo của một cô gái quê dần biến thành nỗi ấm ức, ghen tỵ và cay đắng khi Lan nghĩ rằng, lẽ ra mình phải là người nổi bật nhất, nhận nhiều ánh mắt ngưỡng mộ, được nhiều chàng công tử thành phố theo đuổi nhất chứ không phải mấy đứa con gái nhan sắc nhạt nhòa nhưng lại may mắn nhiều tiền hơn cô kia.
Lan cảm thấy nếu cứ ẩn mình thô mộc trong những bộ đồ quê mùa và chìm lấp giữa biển gái đẹp ăn mặc, điểm trang lộng lẫy này thì thật oan uổng cho nhan sắc và tuổi xuân của cô quá. Cô nghĩ mình phải làm cuộc cách mạng về vẻ ngoài. Cô dồn hết tiền bố mẹ cho vào mua sắm quần áo, phấn son, làm tóc, sẵn sàng nhịn ăn, không mua sách vở.
Dù váy áo và mỹ phẩm của cô toàn hàng rẻ tiền nhưng sự thay đổi phong cách, kiểu dáng đã đủ khiến Lan như lột xác, dần dần trút đi vẻ quê mùa. Sự sành điệu tăng theo thời gian giúp Lan thường xuyên nhận ra rằng, những bộ đồ mình mua trước đây tưởng đã ăn chơi lắm rồi nhưng hóa ra lại quê đến phát sợ. Và để áp dụng kịp thời những “giác ngộ” mới về làm đẹp đẳng cấp, Lan sáng tác ra hàng trăm lý do để bố mẹ gửi thêm tiền.
Lan cảm thấy nếu cứ ẩn mình thô mộc trong những bộ đồ quê mùa và chìm lấp giữa biển gái đẹp ăn mặc, điểm trang lộng lẫy này thì thật oan uổng cho nhan sắc và tuổi xuân của cô quá. (ảnh minh họa)
Ở quê, mẹ Lan vốn cũng làm việc ở cơ quan nhà nước, nhưng về nghỉ mất sức đã lâu. Bố cô vừa làm ruộng vừa làm phụ hồ và bất cứ việc gì được thuê mướn, thu nhập bữa đực bữa cái. Vì thế, trước những khoản “phí cho sự học” tăng theo cấp số nhân của con gái, họ chỉ biết ngẩn người nhìn nhau. Rồi quyết không để cho tương lai của con hỏng vì cái sự nghèo, mẹ cô quyết định lên Hà Nội làm giúp việc.
Video đang HOT
Từ đó, mỗi tháng Lan có thêm 2 triệu đồng cho việc nâng cấp nhan sắc. Cô ngày càng trở nên lộng lẫy, không chỉ nhờ gương mặt đẹp được trang điểm khéo, thân hình gợi cảm trong trang phục đúng mốt, mà còn ở dáng điệu, phong thái không còn vương nét quê mùa nào. Cái tên Nguyễn Thị Lan cũng chỉ còn trên giấy tờ. Với mọi người, cô là Bảo Lan Nguyễn. Cô thực sự được coi là hotgirl trong trường.
Nhưng rồi không hiểu bằng cách nào, bạn bè biết được mẹ Lan làm osin, dù cô hạn chế tối đa việc gặp gỡ bà. Một chuyện giật gân như thế dĩ nhiên sẽ truyền nhanh như điện, dù không phải ai cũng tin. Lan điếng người vì xấu hổ. Nhưng điều làm cô thấy đáng tiếc nhất không phải chuyện làm khổ mẹ cha, mà là xuất thân nghèo khó của mình, là sự thật vỡ lở khiến cô không còn được coi là cùng đẳng cấp với mấy cô hotgirl có mẹ làm nghề khác.
Hố nặng vì ham lên báo
Mai Thủy 19 tuổi, học một trường đại học dân lập ở Hà Nội. Với hai viên chức nghèo sống ở một thị xã tỉnh lẻ như bố mẹ cô, việc cho cô con gái trượt đại học tiếp tục giấc mơ cử nhân ở một trường dân lập đã là sự cố gắng hết mức rồi. Họ không thể chu cấp cho nhu cầu ăn diện của Thủy, dù cũng thấy thương con tuy nhan sắc chẳng thua ai mà ăn mặc không được bằng bạn bằng bè.
Biết vậy nên ngay từ khi xuống Hà Nội, Mai Thủy đã kiếm việc làm thêm. Bao nhiêu tiền kiếm được, cô đều dốc hết vào làm đẹp. Thủy nghĩ rằng, trong cái thời nhan sắc là tất cả này, nếu không đẹp, coi như không có tương lai; đẹp mà ăn mặc xấu xí, đầu tóc quê mùa cũng đừng mong ai coi trọng. Đã xinh, lại còn nhanh nhẹn và biết cách trau chuốt, chẳng mấy chốc cô đã trở thành hotgirl trong mắt mọi người. Mọi xu hướng thời trang mới nhất luôn được phản ánh ngay lập tức trên con người cô, từ đỉnh đầu đến móng chân.
Hằng ngày ngắm ảnh các hotgirl trên mạng, Mai Thủy thầm nhủ họ chẳng xinh hơn mình, nhưng đã lên báo, lên các trang mạng giải trí thì ai cũng biết, thế là nổi tiếng, được bao nhiêu người comment, khen ngợi, ngưỡng mộ. “Soi” kỹ, cô nhận thấy các nàng kia cũng chẳng có tài năng gì, chẳng qua là bà con của một người nổi tiếng, hoặc có xì căng đan liên quan đến ai đó nổi tiếng, hoặc chỉ đơn giản là làm mẫu cho một bộ sưu tập váy áo của ai đó không nhất thiết nổi tiếng. Cái chính là được lên báo, lên vì cái gì không quan trọng.
Hằng ngày ngắm ảnh các hotgirl trên mạng, Mai Thủy thầm nhủ họ chẳng xinh hơn mình, nhưng đã lên báo, lên các trang mạng giải trí thì ai cũng biết, thế là nổi tiếng, được bao nhiêu người comment, khen ngợi, ngưỡng mộ. (ảnh minh họa)
Nắm được bí quyết, Mai Thủy quyết tâm lăng xê mình lên báo mạng, dù chỉ là một vài bộ ảnh thôi cũng đủ nâng đẳng cấp của cô trước rừng gái đẹp trong trường rồi. Cô bắt đầu thăm dò để làm quen với những người làm việc ở các tòa báo điện tử, và rồi cũng quen được một anh. Hai người nhanh chóng thân nhau.
Khi Thủy thú thật tâm nguyện của mình, chàng bảo có khó gì chuyện ấy, có tiền là được, mất dăm chục triệu chứ mấy. Thấy Mai Thủy hết hồn, mặt xịu xuống ra chiều thất vọng, anh bạn bảo để anh mặc cả giúp, xem người ta có bớt được chút nào không. Mấy ngày sau, anh ta nói giảm giá kịch trần 40%, chi phí bao gồm cả trang điểm, stylish, chụp hình và tiền đóng cho tòa soạn. Vừa gom hết tiền dành dụm vừa vay thêm, cô chồng đủ cho anh ta, mong chóng thành “người của công chúng”.
Ảnh chụp ở studio, Mai Thủy không ưng ý lắm nhưng anh bạn kia bảo đẹp lắm rồi, trông em rất cá tính. Thế là cô yên tâm. Nhưng chờ mãi không thấy hình lên báo, cô giục mỏi mồm thì anh chàng kia bảo báo anh giờ đắt hàng quá nên đâm ra chảnh, không đăng ảnh người chưa nổi tiếng nữa, trừ khi có cả trăm triệu đồng, thôi để anh gửi sang các báo khác, bạn anh đầy.
Lại chờ, đến mấy tháng trời săm soi kỹ các trang mạng mỗi ngày vẫn chưa thấy cái mặt mình đâu, Thủy sốt ruột quá hỏi người nọ người kia mới hay anh chàng đó chả công tác ở tòa báo nào cả, chỉ thỉnh thoảng đến chơi với người bạn làm ở một tờ báo điện tử.
Thủy tìm chàng nhà báo dởm mắng đòi tiền, anh ta bảo: “Đừng xúc phạm anh. Anh không làm chính thức ở đó đâu có nghĩa anh không phải nhà báo. Yên tâm, ảnh của em kiểu gì cũng đăng. Tiền anh đã chi cho họ rồi, đòi lại sao được”. Mấy ngày sau, anh chàng gọi điện bảo check mail đi, ảnh đăng rồi, anh đã gửi link.
Cô mở ra xem, thấy cả bộ vừa lên mạng, có điều chả phải báo hay trang thông tin nào cả, mà trong một diễn đàn, ai thích post thì post. Điên tiết, Thủy tìm anh chàng kia chất vấn, nhưng anh ta cứ trơ ra, rốt cục cũng chỉ cãi nhau một chập rồi về. Cô bạn Thủy an ủi: “Thôi cũng may, mày mới bị nó lừa tiền chứ chưa bị lừa tình”.
“Nhà đầu tư” của hotgirl
Trong những cô gái tóc uốn bồng bềnh, mặc váy thướt tha, xách túi hàng hiệu (hoặc giả hàng hiệu nhưng giá vẫn chát ngòm), đi spa tắm trắng mỗi tuần, có không ít cô cha mẹ nghèo rớt và bản thân cũng còn lâu mới làm ra tiền. Bố mẹ đã nghèo thì dù có tin con đến độ bán ruộng đi cũng chẳng đủ cho các cô làm đẹp kiểu ấy.
Vì vậy, gái nghèo muốn thành hotgirl để mở mặt với đời thì phải có nhà đầu tư. Dĩ nhiên đầu tư thì phải sinh lợi, mà cái lợi đó, các cô chẳng ngại trao cho người ta theo kiểu có đi có lại. Dù sao, được mang danh là người yêu của một người đàn ông giàu có chẳng phải thiệt thòi gì, thậm chí còn nâng tầm của mình lên.
Khánh Chi đã nghĩ thế khi gật đầu làm người yêu của một chàng kiến trúc sư tuổi ngoài 30 hào hoa phong nhã. Cô rất tự hào, vì được cả tiền lẫn tình, cho đến ngày bị một phụ nữ túm tóc tát cho mấy cái cháy má. Hóa ra đó là vợ chưa cưới của chàng kiến trúc sư, đi du học vừa về. Nghe cô nàng “chính chủ” kia dọa thuê đầu gấu xử mình, Khánh Chi sợ quá, không dám gặp “người yêu” nữa.
Còn Diệu Thúy thì chả bị ai đánh ghen cả, dù “nhà đầu tư” của cô đã có vợ và không chỉ một bồ. Ông này cai quản “hậu cung” rất nghiêm nên nước sông với nước giếng ai giữ phận nấy, không hoạnh họe gì nhau. Có điều, sau ít tháng, Thúy thấy ông bồ ngày càng bận đến mức chẳng có thời gian qua lại với cô, cũng chẳng nhớ đưa tiền hay mua sắm cho cô cái gì, gọi điện thì chỉ nói được vài câu nhạt nhẽo là bận họp.
Vừa bức bối vì không hiểu ra sao, vừa túng bấn, Diệu Thúy tìm cách gặp ông bồ bằng được. Ông ta bảo dạo này mệt mỏi quá, thôi để anh giới thiệu cho em thằng bạn anh, nó cũng thoáng tính, em không phải lo.
Thúy thấy da mặt cô như dày lên cả tấc vì nhục. Nhưng cô vẫn cầm cái danh thiếp ông ta đưa. Nói cho cùng, đã là nhà đầu tư thì có thể thay người này bằng người khác thôi.
Theo Eva
Vì tôi nghèo nên mất tình đầu
Nhớ đến anh, tình yêu xưa không còn nữa nhưng cái làm nên nỗi nhớ ấy là một niềm đau thương buốt giá. Ai cũng có mối tình đầu của riêng mình, có người yêu và chỉ lấy một người, nhưng rất nhiều người phải trải qua vài ba mối tình mới tìm được bến đỗ. Mười năm trôi qua, tôi không bao giờ quên nổi mối tình đầu dù tôi đã tìm được hạnh phúc cho riêng mình. Nhớ đến anh, tình yêu xưa không còn nữa nhưng cái làm nên nỗi nhớ ấy là một niềm đau thương buốt giá.
Mười năm trước, tôi là một nữ sinh xuất sắc của trường nội trú một huyện miền núi. Bố mẹ tôi đã nghỉ hưu và làm ít sào ruộng, chăn nuôi thêm để nuôi mấy anh em tôi ăn học. Biết hoàn cảnh khó khăn nên mấy anh em không phụ lòng cha mẹ, đều học hành chăm ngoan. Trong ba anh em, tôi là người học hành chỉn chu và giỏi nhất. Tôi được bạn bè thầy cô ngưỡng mộ và giúp đỡ tôi rất nhiều. Vừa làm cán bộ lớp, cán bộ đoàn trường nhưng tôi vẫn luôn gắng công học tập.
Qua người bạn thân của anh, anh đã đến với tôi như một cơn gió nhẹ. Anh nhờ bạn thân của tôi xuống đưa tôi đi dự một bữa tiệc sinh nhật. Đó cũng là sinh nhật của anh và cũng là lần đầu tiên tôi đi dự sinh nhật một người mà tôi không hề quen biết. Những người dự sinh nhật hôm đó toàn là thầy cô dạy trong trường cấp II với anh. Biết sự ngạc nhiên của tôi, bạn thân của tôi mới cho hay: anh ấy nhờ tớ đưa bạn tới đây. Bất ngờ hơn, anh từ từ tiến lại tôi và nói trước mọi người: Hôm nay là sinh nhật tôi, cảm ơn cô gái này đã làm cho bữa tiệc sinh nhật của tôi trọn vẹn. Cô ấy là người trong trái tim tôi. Mọi người vỗ tay râm ran còn tôi mắt chữ O miệng chữ A và không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Anh nhẹ nhàng kéo ghế ngồi cạnh tôi và giới thiệu: Anh là H, là giáo viên dạy Toán Tin trường cấp II X, xin lỗi vì anh không xin phép em, nhưng nghe T (bạn thân của tôi cũng là em họ của anh) kể về em từ lâu anh đã yêu em.
Qua người bạn thân của anh, anh đã đến với tôi như một cơn gió nhẹ.
(ảnh minh họa)
Tôi quá bàng hoàng và rất sợ. Một nữ sinh cấp III như tôi hồi đó đâu nhạy cảm như bây giờ, ăn rồi chỉ biết học hành chứ chưa nghĩ tới chuyện đó...Theo thời gian của năm cuối cấp, anh cứ đến bên tôi điềm đạm và yên lành, tôi không biết mình yêu anh từ lúc nào nữa. Dù nhiều người để ý tới tôi và nhiều cô giáo cũng ước mơ được sánh bước cùng anh, nhưng chúng tôi chỉ biết có nhau. Chúng tôi yêu nhau và quyết tâm tới với nhau.
Tình yêu chúng tôi sáng trong như trang giấy học trò và tinh khôi như sương núi vào buổi bình minh. Anh vẫn là thầy giáo dạy giỏi nơi anh công tác, tôi vẫn là nữ sinh Việt Nam truyền thống: Học giỏi, chăm ngoan và năng động. Mỗi tuần chúng tôi gặp nhau hai lần và thư từ thì nhiều vô kể chứ không biết tới điện thoại như bây giờ. Hai đứa chỉ trao nhau anh mắt và nụ cười, đi xa hơn là cái nắm tay đầy xúc cảm. Với niềm tin sắt đá, dù có vật đổi sao dời không chia lìa đôi ngả.
Thế nhưng, đã là cuộc đời thì không như trang giấy tuổi học trò, chúng tôi cũng phải lặn ngụp trong cuộc đời như một quy luật. Năm đó, 35 bạn học trò xuất sắc của trường chỉ có hai bạn đỗ Đại học, trong số những người trượt có tôi. Tôi đau đớn với học tài thi phận, nỗi buồn giăng kín cả tâm hồn cô nữ sinh đa cảm như tôi. Tôi tốt nghiệp cấp III và xa rời ngôi trường gắn bao kỷ niệm và ước mơ trở về gia đình (Vì trường học cách nhà 20 Km). Tôi và anh cũng xa nhau về không gian từ đấy. Mỗi tuần anh cũng tranh thủ sau giờ dạy xuống xin phép ba mẹ gặp tôi một lần. Bao nhiêu nhớ nhung dồn vào đôi mắt và đôi tay gắn chặt...Rồi một hôm, anh không tới như mọi ngày, một tuần rồi hai tuần không thấy anh, nỗi nhớ anh đã thúc đẩy tôi vượt đường năm cây số xe đạp để tới Bưu điện văn hóa xã điện thoại cho anh. Nhưng chỉ gặp mẹ anh với giọng nói sắc lạnh: Cháu hãy buông tha cho P nhà bác!
Tôi bật khóc, từ đó về nhà sao xa quá, bước chân nặng trĩu. Tôi ốm mê man mấy ngày. Và anh tới, anh ôm tôi vào lòng và khóc, không nói gì ngoài câu: Hãy đợi anh!
Tôi vẫn đợi anh, vẫn tự học để thi lại và cũng không hiểu chuyện gì đã và đang xảy ra với chúng tôi. Và một ngày người bạn thân nhất của tôi ghé thăm tôi với ánh mắt trĩu nặng: Mẹ anh không cho anh và tôi đến với nhau vì nhiều lí do, vì gia đình tôi không môn đăng hộ đối với gia đình anh (bố mẹ anh làm cơ quan Huyện ủy), học thức cũng quá chênh lệch...nhiều nữa, không nên cố gắng mồi chài để được vào mâm son...
Một lần tình cờ, tôi đi công tác, lên chùa thắp hương và gặp người đã sinh ra mối tình đầu của tôi. (ảnh minh họa)
Anh bị mẹ đặt vào lựa chọn: Nếu tiếp tục đến gặp nó (tức là tôi) thì mẹ sẽ chết. Anh không biết phải làm gì, anh chỉ rủ bạn tôi ra chiếc cầu nơi chúng tôi hò hẹn dưới đêm trăng sơn cước vằng vặc để uống rượu và khóc.
Mười năm qua đi thật nhanh, tôi giờ đã tìm thấy hạnh phúc của mình. Thật ra tôi cảm ơn mẹ anh nhiều lắm, chính câu nói của mẹ anh đã làm tôi quyết tâm hơn. Tôi đỗ đạt và giờ có công việc ổn định, một người chồng tuyệt vời. Tuy cuộc sống đang nhiều bộn bề, nhưng chính sự vấp ngã của mối tình đầu đã giúp tôi biết sống vị tha hơn. Tôi đã trả anh về là người con hiếu thảo cho mẹ anh. Nghe đâu, anh lấy người cũng giàu có sau một năm chia tay nhưng tới nay anh vẫn chưa có cháu cho bà bồng bế.
Một lần tình cờ, tôi đi công tác, lên chùa thắp hương và gặp người đã sinh ra mối tình đầu của tôi. Bà đã ôm tôi vào lòng và khóc. Tôi không giận bà vì thật ra, mỗi chúng ta ai cũng có số phận của riêng mình, ai cũng có quyền chọn cho mình một lối đi riêng. Tôi cầu chúc cho bà sớm được làm một người bà đúng nghĩa. Tiền bạc và danh vọng, ai không thích nhưng có những cái thiêng liêng mà không phải tiền bạc nào cũng mua được, đúng không các bạn?
Theo Eva
Cuộc "say" tình và tiền của người đàn bà cô độc Không con, không một người chồng đúng nghĩa, tiền bạc dư thừa, chị giờ cũng đã xuống sắc ít nhiều, song lòng tham và sự cuồng tình vẫn khiến người đàn bà không dừng lại. Hai lần kết hôn với một người chồng Việt Nam và một người chồng Mỹ đã cho chị một cậu con trai kháu khỉnh và một gia tài...