Gái mại dâm được thả: Chênh vênh ngày về
Việc trả gái mại dâm về cộng đồng bắt đầu từ ngày 1/7/2012 theo Nghị quyết 24 của Quốc hội. Thế nhưng, nẻo về của họ còn lắm chông chênh.
“Đã dấn thân vào nghề làm gái bán dâm rồi, khó mà bỏ được”. Đó là chia sẻ của chị Trương Thị Hồng Tâm – một đồng đẳng viên của nhóm Nụ cười thầy Hùng, có hơn 20 năm tiếp xúc với những phụ nữ hành nghề mại dâm.
Bán dâm lấy tiền chơi game, hàng đá
Tối 20/10, đường phố Sài Gòn tấp nấp dòng người qua lại. Mai 21 tuổi, nhà ở huyện Bến Cát, Bình Dương vẫn ngồi đón khách như mọi đêm. Hễ cứ thấy khách nào chạy xe chầm chậm qua, Mai lại nhớn người đứng dậy chào mời khách. Mỗi lần như vậy Mai lại cầm lủng lẳng bọc bánh cam trên tay chạy theo khách. Thấy tôi nhìn, Mai cười nói: “Bữa tối của em đó, em mua từ hồi chiều để dành tối đi khách đói rồi ăn”.
Thấy tôi lạ, ngồi nói chuyện với Mai, ma cô xúm lại hỏi: “Ai vậy Mai?”. Tôi nhìn lơ đi chỗ khác. Thủy ma cô đá vào chân tôi nói: “Đói quá à, cho xin 10 ngàn ăn cơm đi”. Ánh mắt Thủy cứ nhằm thẳng vào mình, tôi trả lời: “Em là sinh viên nghèo lắm chị ơi, trong túi cũng còn có mấy ngàn lẻ để lát em đi ăn cơm”.
Nhưng trước ánh mắt dữ tợn của Thủy buộc tôi cũng phải móc túi vơ vội nắm tiền lẻ đưa cho Thủy. Ngồi bên cạnh, bé Mai lấy tay cào nhẹ vào chân tôi ra ý là đừng cho.
Gái mại dâm bị các cơ quan liên ngành bắt quả tang
Chờ Thủy ma cô đi khuất Mai nói: “Bà này, đêm nào bà ta đi khách cũng được bảy tám trăm ngàn, có khi cả triệu bạc mà cứ qua một đêm đập đá (ma túy tổng hợp) là hết trơn à. Giờ chắc tăng đô rồi, làm một đêm không kiếm đủ tiền phê thuốc. Nhiều khi em cũng rất bực mình, tối thấy đi khách nhiều hơn em mà sáng ra hễ thấy mặt em lại xin tiền ăn sáng. Lúc đầu em còn cho, về sau xin riết em chẳng cho. Mấy năm trời sống ngoài này, mỗi khi thấy dáng điệu bà ta sắp phê thuốc là em tránh, không là bị bà rượt đánh”.
Mai kể: “Bốn năm trước em theo bạn trai bỏ nhà đi lang thang. Được một thời gian, thằng người yêu “chơi” chán em rồi thì biến đi đâu mất. Không có tiền mua đồ ăn, đói khát em ra công viên 23/9 theo mấy chị đi làm gái.
Lúc đầu cũng ngại, mọi người xung quanh cứ nhòm ngó nhưng riết rồi quen. Không đi khách lấy tiền đâu mà sống. Cũng từ đó ngày nào cũng như ngày nào, cứ 5 giờ sáng em ra vỉa hè công viên ngồi đón khách.
Ngày nào nhiều em cũng đi được 3 dù (3 lượt đi khách), trung bình mỗi dù cũng được trăm rưỡi, hai trăm trừ tiền thuê phòng mất bốn mươi ngàn, bèo cũng còn được bốn, năm trăm ngàn/ngày. Có hôm ngồi trơ trơ cả ngày chẳng được dù nào.
Thôi thì cái nghề nó vậy, lai rai ngày nọ bù ngày kia. Hôm nào đi làm có tiền thì em vào quán net ngủ, chơi game, chat với bạn bè, không có tiền em ra chòi công viên ngủ.
Hồi mới đầu ngủ ngoài chòi cũng hay bị ma cô tới sờ soạng. Em cũng la, may thì có bảo vệ nghe thấy chạy tới rượt, còn không thì em cũng phải đành nhắm mắt buông xuôi vậy…
Cách đây cũng gần 2 năm, em bị bắt đưa vào trung tâm giáo dục và dạy nghề Bình Triệu, vào đó em mới biết mình mang thai. Ở được 7 tháng, mẹ em bảo lãnh cho về nhà để sinh em bé. Nhưng do sức khỏe yếu, em sinh non, em bé chết. Ở nhà được vài ba hôm lại bị anh Ba hắt hủi, đánh đập. Chán nản em lại dạt về đây kiếm sống”.
Sau nhiều ngày, lân la tiếp cận với những phụ nữ đang hành nghề mại dâm ở công viên 23/9, ai cũng kể về hoàn cảnh éo le.
Thảo (19 tuổi) ở Bình Thạnh kể: “Hồi có thai, em không biết, khi thai lớn rồi mới biết, cũng chẳng biết cha nó là ai, thai to đâu có bỏ được, đành phải giữ lại. Giờ thằng bé cũng được hơn 1 tuổi rồi. Mỗi ngày đi gửi vú chăm con cho em đi làm cũng tốn 200 ngàn, tiền công tiền sữa”.
Tiếp xúc với 3 trẻ vị thành niên bán dâm đang bị Công an quận 9 lập hồ sơ quản lý. Cả 3 đều phục vụ cho quán cà phê mỗi tháng được 1,2 triệu đồng.
Video đang HOT
“Thấy không đủ tiền ăn chơi, chủ quán cà phê gạ gẫm, “tao dắt khách tới cho tụi mày bán, mỗi lần được 400 -500 ngàn/khách tụi mày phải trả công tao 50-100 ngàn”.
Tụi em mới đi trót lọt được 3 dù thì bị công an ập vào bắt giữ. Ở nhà mỗi lần xin 5-10 ngàn đi chơi game mà ông bà già cứ cằn nhằn nên em mới đi làm kiếm tiền chơi, khỏi bị cằn nhằn nhức đầu”, Nguyễn Thị Th. P. (16 tuổi) – 1 trong 3 gái bán dâm nói.
Mong manh nẻo thiện
Được sự hỗ trợ của Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội và Hội Phụ nữ TPHCM, chúng tôi tiếp cận được với Đoàn Thị Ng. A. (27 tuổi, ngụ tại phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TPHCM) – một phụ nữ bán dâm mới ra khỏi Trung tâm Giáo dục lao động xã hội Phú Nghĩa (huyện Bù Gia Mập, Bình Phước) ngày 1/6 vừa qua.
Gái mại dâm ở tụ điểm Tân Hoàng Phát – TPHCM được giải cứu. Ảnh: Hữu Vinh.
Là chị cả trong một gia đình có 4 chị em gái, cha bị mất sớm, mẹ bị tai biến nằm liệt giường, năm 18 tuổi, Ng. A. lấy chồng. Nhưng gia đình nhà chồng cũng nghèo nên dắt Ng. A. về Cà Mau sống.
Cũng khi ấy Ng. A. mới phát hiện ra chồng mình ngày nào cũng sáng say, chiều xỉn. Dù mới sinh con chưa được một tháng Ng. A. bế con bỏ về thành phố ở với mẹ.
Thấy gia cảnh Ng. A. nghèo khó, một người phụ nữ ở chung dãy trọ rủ Ng. A. ra công viên Phú Lâm (quận 6) đón khách kiếm tiền mua thuốc chữa bệnh cho mẹ, lấy tiền nuôi con.
Mới đi khách được 2, 3 dù Ng. A. bị dân phòng giả làm khách mua dâm bắt về giao cho Công an phường 13, quận 6 đưa về Trung tâm Giáo dục lao động xã hội Phú Nghĩa (huyện Bù Gia Mập, Bình Phước) 20/11/2010.
Ng. A. kể ở trong trung tâm cũng được học nghề may, nhưng do thời gian ở trong trung tâm Ng. A. đi làm tạp vụ kiếm thêm mỗi tháng được một trăm ngàn, tối về mệt cũng không còn sức để lên lớp học may nữa.
Sau 18 tháng ở trong trung tâm, Ng. A. được trở về đoàn tụ với gia đình. Vì đi ở trọ nên hàng xóm không ai biết Ng. A. là gái bán dâm mới được thả về. Không gặp phải rào cản dư luận nhưng lại khó khăn trong việc học nghề.
Sau 2 tháng trở về, Ng. A. lên Hội Phụ nữ phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân trình bày hoàn cảnh gia đình khó khăn và được Hội Phụ nữ tặng cho một chiếc xe đạp, hỗ trợ tiền cho đi học nghề uốn tóc.
Nhưng sau đó, bao khó khăn, tai ương ập tới dồn dập, Ng. A. đã có lúc đưa con nhỏ ra công viên rao bán 15 triệu đồng.
“Mình thấy học nghề uốn tóc tốn thời gian quá không biết khi nào mới học xong. Bây giờ mình ước có được 2 triệu đồng mình sẽ mua lại một chiếc xe đạp cũ, sắm thêm chiếc thùng, mâm, xoong, chảo làm bún xào đi bán ở trước cổng mấy công ty cho công nhân kiếm tiền thuốc thang cho mẹ, nuôi con. Chứ ở hoàn cảnh khó khăn như thế này mình dám không chắc là sẽ không quay lại nghề cũ.
2 đứa bạn ở trong trung tâm ra cùng đợt với mình hồi tháng 6 thì cả 2 đã quay lại đón khách ở công viên rồi. Giờ Nguyễn Thanh Th. Tr. thì đang hành nghề ở bến xe An Sương còn Tô Thị H. thì chuyển sang nghề đá xế (ăn trộm xe máy) tối vào bệnh viện móc túi, trộm đồ của người nhà bệnh nhân nằm ở ngoài hành lang”. Ng. A. tâm sự.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Hạnh – đồng đẳng viên Ủy ban phòng chống AIDS TPHCM chia sẻ sau hơn hai mươi năm hoàn lương: “Hồi xưa mình cũng đi làm gái, múa cột khỏa thân cho chủ quán bán bia, lợi nhuận ăn chia để lấy tiền nuôi mẹ già, con dại. Được một thời gian rồi cũng bị bắt vào Chí Hòa.
Ngày mới ở tù ra mình được Hội Phụ nữ, Công an khu vực phường Cô Giang, quận 1 tới tiếp cận để tái hòa nhập cộng đồng. Ban đầu mình vẫn cứng đầu không chịu nghe.
Mỗi lần, người của Hội Phụ nữ, Công an khu vực tới khuyên nhủ kêu mình đi học, mình nói “Tôi đi học lấy ai đi kiếm tiền nuôi mẹ, nuôi con tôi”. Trong thời gian được khuyên nhủ, tối tối mình vẫn đi làm. Sáng vẫn nằm ngủ.
Không thấy mình đến lớp, anh cảnh sát khu vực hồi đó, vào tận phòng đánh thức dậy động viên, nói: “Em cứ đi học đi, rồi tiền thuê phòng trọ, tiền mua gạo, nuôi mẹ nuôi con ở trên phường sẽ có quỹ hỗ trợ em. Đúng như những gì đã hứa, suốt thời gian mình đi học, tập huấn phường lo cho mẹ già, con dại đâu vào đấy”.
(Còn nữa)
Chuyển đổi mục đích các trung tâm chữa bệnh
Theo Cục phòng chống tệ nạn xã hội, hiện cả nước có 123 trung tâm giáo dục chữa bệnh xã hội. Trong đó, có 82 cơ sở thuộc ngành lao động quản lý 7 cơ sở thuộc lực lượng thanh niên xung phong quản lý 34 cơ sở thuộc quận, huyện quản lý.
Trong số 82 cơ sở thuộc ngành lao động quản lý, có 35 cơ sở vừa chữa trị và giáo dục gái mại dâm. Hiện, có ba trung tâm chuyên biệt chữa trị gái mại dâm.
Với trung tâm chuyên biệt thì xem xét chuyển đổi mục đích thành cơ sở hỗ trợ để chị em chữa bệnh tự nguyện, nương náu tạm thời một thời gian, tư vấn việc làm, sức khoẻ cho chị em còn các trung tâm khác có thể sẽ xây dựng thành các trung tâm cai nghiện tự nguyện.
Theo 24h
Gái mại dâm về cộng đồng: Thả gà ra đuổi
Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính, trong thời gian tới đây sẽ không áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và đưa vào cơ sở chữa bệnh đối với những người bán dâm. Người có hành vi bán dâm sẽ chỉ bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật. Nhiều người nhìn nhận rằng đây là một quy định mang tính nhân văn, tuy nhiên cũng có không ít ý kiến lo ngại khi điều luật này đi vào cuộc sống hoạt động mại dâm sẽ có nguy cơ bùng phát.
Khó quản lý người bán dâm
Theo thống kê của Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, sau khi Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực (từ ngày 1/7/2013) sẽ có khoảng gần 1.000 phụ nữ bán dâm đang được chữa trị tại các trung tâm chữa bệnh - giáo dục - lao động xã hội trên toàn quốc sẽ được trả tự do.
Chỉ tính riêng tại Hà Nội, một trong những địa phương có số lượng người bán dâm lớn nhất cả nước, hiện tại, Trung tâm Chữa bệnh giáo dục lao động xã hội (Trung tâm 2 - Ba Vì) hiện đang quản lý, giáo dưỡng 208 gái bán dâm, trong đó có 165 đối tượng tái phạm nhiều lần phải thực thi giáo dưỡng 18 tháng, 40 đối tượng phải thi hành giáo dưỡng 12 tháng, chỉ có 3 đối tượng vi phạm lần đầu có thời gian phải thực thi giáo dưỡng 9 tháng.
Gái mại dâm được trả tự do, số người quay trở lại con đường cũ rất cao
Tuy nhiên, điều đáng chú ý, hầu hết gái mại dâm ở Hà Nội đều đến từ các tỉnh, thành khác, cụ thể có 142 người đến từ 33 tỉnh/ thành khác nhau, chỉ có 9 gái mại dâm hộ khẩu Hà Nội. Điều này đặt ra một thách thức đối với vấn đề quản lý người bán dâm sau khi được thả ra.
Ông Nguyễn Kim Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống Tệ nạn xã hội - Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho biết, trước khi thả, Trung tâm giáo dưỡng sẽ mời người nhà của họ đến làm cam kết sẽ quản lý và tiếp tục giáo dưỡng họ, đồng thời có thông báo về chính quyền địa phương yêu cầu hỗ trợ, giúp đỡ và quản lý những đối tượng này.
Thế nhưng, còn rất nhiều gái bán dâm không có gia đình hoặc bị gia đình ruồng bỏ, không chịu đến tiếp nhận. Với những trường hợp này theo Luật vẫn phải thả họ về, nhưng trong Luật lại không hề quy định việc di lý các đối tượng này về địa phương thế nào, cơ quan nào và ai là người trực tiếp đưa họ về. Khi về, cách thức phối hợp để giáo dục họ sẽ như thế nào, lý do gì để bàn giao đối tượng này cho địa phương và bàn giao cho ai, tất cả còn cần phải chờ Nghị định hướng dẫn của Bộ LĐ-TB&XH cũng như chỉ đạo của thành phố.
Trong khi đó, về phía Bộ LĐ-TB&XH, trả lời câu hỏi khi quy định mới thực hiện, cơ quan quản lý sẽ tiếp cận và quản lý đối tượng bán dâm như thế nào, ông Lê Đức Hiền - Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội - Bộ LĐ-TB&XH cho rằng mạng lưới dịch vụ hỗ trợ cho gái bán dâm tại cộng đồng thời điểm này mới chỉ dừng ở bước thí điểm, chưa được nhân rộng nên không thể đáp ứng được nhu cầu.
Mặt khác, một khi gái mại dâm được trả tự do, số người quay trở lại con đường cũ rất cao nguyên nhân là bởi họ phải chịu nhiều áp lực từ phía cộng đồng và xã hội. Bên cạnh đó, một thực trạng rất đáng quan tâm là tỷ lệ mắc các bệnh xã hội trong các đối tượng tại các trung tâm rất cao. Chỉ tính riêng số 208 gái bán dâm được giáo dưỡng ở Hà Nội có tới 142 người bị mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục và khoảng 8-10% bị nhiễm HIV. Những đối tượng này khi thả ra nếu không được quản lý chặt chẽ sẽ là nguồn lây truyền bệnh rất nguy hiểm cho cộng đồng.
Hoạt động mại dâm sẽ tăng lên?
Kết quả điều tra gần đây của Cục Phòng chống tệ nạn xã hội cho thấy, thu nhập của gái bán dâm rất cao, nếu tính bình quân, mỗi tháng có thể hơn 10 triệu đồng. Còn với những người mẫu, hoa khôi, diễn viên bán dâm, thu nhập còn cao hơn rất nhiều, có thể lên tới vài nghìn USD mỗi lần bán dâm.
Hoạt động mại dâm có tổ chức ngày càng gia tăng, đặc biệt có hiện tượng thông qua môi giới điều hành, sử dụng internet, phương tiện liên lạc để tiếp thị, mại dâm theo tour du lịch. Trong bối cảnh như vậy, Luật Xử lý vi phạm hành chính không áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và đưa vào cơ sở chữa bệnh đối với những người bán dâm có thể sẽ tạo ra kẽ hở để hoạt động mại dâm có điều kiện phát triển.
Thả gái bám dâm sẽ làm tăng hoạt động mại dâm
Theo một cán bộ của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội - Công an Hà Nội, thông thường lợi nhuận thu được từ việc bán dâm là khá cao trong khi đó, theo quy định mới, khi bị phát hiện lần đầu, người bán dâm sẽ chỉ bị phạt 300.000 đồng, nếu vi phạm tiếp mức phạt lần 2 là 5 triệu đồng. Đây là mức phạt này còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe.
Vì vậy, việc xử phạt hành chính mới chỉ mang tính chất thủ tục chứ không thể giảm bớt hay thắt chặt quản lý trong công tác bài trừ tệ nạn mại dâm. Bên cạnh đó, khi quy định có hiệu lực, nếu cơ quan chức năng không kịp thời có các biện pháp hỗ trợ, rất có thể nhiều hệ quả khác như nạn bảo kê, chăn dắt gái mại dâm sẽ lợi dụng sư nhẹ tay của pháp luật để bành trướng hoạt động và dẫn theo đó là số gái mại dâm tăng lên.
Theo nhận định của ông ông Nguyễn Kim Hùng, Chi Cục trưởng Chi cục Phòng chống Tệ nạn xã hội - Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, khó khăn hiện nay là những biện pháp hỗ trợ cho họ vẫn chưa đến nơi đến chốn, Nhà nước chỉ cấp chi phí hỗ trợ cho họ một khóa đào tạo nghề là 650.000 đồng, giới thiệu việc làm là 1 triệu đồng (được hỗ trợ duy nhất một lần)...
Với số tiền này thì rất khó để học nghề cho ra nghề, càng khó để tìm được một việc làm phù hợp và đáp ứng được cuộc sống sau khi trở về xã hội. Trong khi đó, mạng lưới dịch vụ hỗ trợ tại cộng đồng thời điểm này mới chỉ dừng ở bước thí điểm, chưa được nhân rộng nên sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu.
Trên cả nước mới chỉ xây dựng được hơn 50 mô hình tại hơn 50 xã, phường, con số này còn quá ít so với thực tế do phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nguồn vốn, nhân lực... Việc sẽ này sẽ dẫn tỷ lệ gái bán dâm sau khi được thả quay lại hành nghề rất cao, làm tăng nguy cơ làm bùng phát lại tệ nạn mại dâm vốn đã được các cơ quan chức năng truy quét trong những năm qua.
Phải triệt tiêu nguyên nhân và điều kiện
Theo Thượng tá - Tiến sĩ Nguyễn Minh Đức, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và phòng ngừa tội phạm - Học viện Cảnh sát nhân dân, mục đích của các nhà làm luật trong Luật xử lý vi phạm hành chính đó là muốn đặt ra trách nhiệm cho xã hội, làm sao cho mọi ngành, mọi cấp, mọi mắt xích và chủ thể phòng ngừa phải triệt tiêu được những nguyên nhân và điều kiện làm phát sinh tệ nạn mại dâm. V
iệc đưa gái mại dâm vào cơ sở giáo dục như trước đây chỉ là hình thức quản lý chứ không triệt tiêu được các nguyên nhân, điều kiện phát sinh ra tệ nạn này. Chính vì vậy, Thượng tá Nguyễn Minh Đức cho rằng, sau khi Nghị định này có hiệu lực để hạn chế được hoạt động mại dâm, lực lượng công an cũng như những lực lượng chức năng khác cần phải làm tốt công tác phòng ngừa xã hội, đồng thời phải giải quyết được có hiệu quả các nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh vấn đề của tệ nạn mại dâm.
Quan trọng nhất vẫn là chính sách của Nhà nước phải đủ mạnh. Trước hết phải làm tốt công tác phòng ngừa xã hội, tuyên truyền giáo dục cho tất cả người dân để họ không đi mua dâm. Phải có các chế tài xử phạt rất nặng các đối tượng mua dâm, thậm chí xử phạt cao hơn rất nhiều lần so với đối tượng bán dâm.
Nếu còn người đi mua dâm thì gái mại dâm vẫn có cơ hội hành nghề. Bên cạnh đó, các dịch vụ khách sạn, quán trọ, nhà nghỉ bắt buộc phải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện về ANTT, đồng thời phải xử lý thật mạnh các hành vi tổ chức, môi giới mại dâm. Một nguyên nhân nữa, gái bán dâm đa số xuất phát từ những gia đình có hoàn cảnh nghèo khó. Triệt tiêu nguyên nhân điều kiện của người đi bán dâm là phải giáo dục tư duy cho họ và đồng thời tạo công ăn việc làm cho họ tốt nhất để cho họ có thể làm được.
Về phía Bộ LĐ-TB&XH, ông Lê Đức Hiền, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội cho rằng: Mạng lưới dịch vụ hỗ trợ cần phải thay đổi cách hoạt động mang tính thiết thực, có mục đích rõ ràng về từng chuyên môn như: chăm sóc sức khỏe, tư vấn tâm lý, hỗ trợ dạy nghề, chứ không phải chỉ thành lập để cho có.
Có thể thấy, Luật Xử lý vi phạm hành chính là một sự thay đổi lớn về mặt quan điểm trong việc xử lý vấn đề mại dâm ở nước ta. Từ cách thức áp chế, bắt buộc đã chuyển theo hướng thúc đẩy, triển khai các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong cộng đồng và nhóm người bán dâm đồng thời giúp họ có được điều kiện tiếp cận dễ dàng và tự nguyện với các chế độ, chính sách và dịch vụ...
Tuy nhiên, với những bất cập còn tồn tại như đã nói trên, dư luận đang tỏ ra hết sức lo lắng về hiệu quả thi hành pháp luật. Để Luật đạt được hiệu quả như mong muốn rất cần phải có sự vào cuộc đồng bộ một cách nghiêm túc của tất cả các cơ quan chức năng, đồng thời phải có sự chuẩn bị đầy đủ về mọi mặt từ việc quản lý gái mại dâm tại địa phương cho đến các dịch vụ hỗ trợ về y tế và dạy nghề để tránh quay lại con đường cũ nếu không sẽ chẳng khác nào "thả gà ra đuổi".
Theo 24h
Thả gái mại dâm: Ngày về của... phấn son Tháng 6/2012, Quốc hội thông qua Luật Xử lý vi phạm hành chính. Theo đó, không quy định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh đối với người có hành vi bán dâm. Bắt đầu từ ngày 1/7/2013, Luật này sẽ được áp dụng vào thực tế. Điều này có nghĩa, tất cả những người có hành vi bán dâm...