Gái hư phạm tội tày đình
Chẳng biết từ khi nào, những bé gái đã trượt dài trên con đường tội lỗi. Thiếu tình yêu thương của bố mẹ, thiếu những ấm áp trong đời, chúng chống chếnh, bơ vơ rồi điên cuồng phá phách, thành gái hư phạm tội tày đình.
Đứa con “rạch giời rơi xuống”
Ngày bế đứa bé đỏ hỏn trên tay, chắc hẳn chẳng bà mẹ nào có thể ngờ, một ngày kia đứa con gái mà họ mang nặng đẻ đau lại trở thành gái hư phạm những tội tày đình.
Dù là đứa trẻ bị bỏ rơi từ khi mới lọt lòng nhưng Đặng Tú Anh (SN 1985, người từng được đăng ký hộ khẩu tại Chợ Đồn, Bắc Kạn) vẫn may mắn hơn nhiều đứa trẻ cùng cảnh ngộ khác khi được một đôi vợ chồng nhận nuôi, được có một cái tên khai sinh với hộ khẩu thường trú rõ ràng. Nhưng rồi, bất hạnh lại một lần nữa giáng xuống Tú Anh khi bố mẹ nuôi ly dị. Trong cơn khủng hoảng ấy, Tú Anh biết được mình chỉ là con nuôi nên càng trở nên chới với. 12 tuổi, cô bé tìm đến Hà Nội những mong kiếm đủ tiền để đi tìm cha nuôi. Cô bé non nớt ấy đã bị những cám dỗ, cạm bẫy đánh gục. Sau những lần thác loạn cùng nhóm bạn hư hỏng, Tú Anh trượt dài trong nghiện ngập. Bị bắt và bị đưa vào trại giáo dưỡng, Tú Anh vẫn tỏ ra bất cần và bất trị. Nhanh chóng, Tú Anh trở thành “đàn chị” máu mặt ở trường giáo dưỡng. Và trong một lần “dạy bảo” đàn em, Tú Anh đã khiến cho nạn nhân chết vì chấn thương sọ não. Từ trại giáo dưỡng, Tú Anh chuyển sang nhà tù trong 13 năm của cuộc đời.
Hai nữ Teen này đã từng phạm tội cướp giật
Không bất hạnh như Tú Anh, Nguyễn Thị Dung (SN 1996, quê Từ Sơn – Bắc Ninh) sinh ra và được cha mẹ thừa nhận. Nhưng rồi bố mẹ Dung cũng mỗi người một ngả. Sự chia ly ấy khiến cho Dung chán nản, thêm nữa là việc bố mẹ mải buôn bán, ít quan tâm đến con nên Dung đã thành gái hư từ lúc nào cũng chẳng ai biết. Sống vất vưởng, nay nhà bố, mai nhà mẹ nên Dung có nhiều thời gian đua đòi chúng bạn. Internet đã kết nối Dung với một nhóm giang hồ choai choai. Chúng kết thành một hội và thuê nhà nghỉ sống bầy đàn. Với ngoại hình bắt mắt, sự liều lĩnh và khá tinh ranh, Dung nhanh chóng đóng vai trò là “nữ tướng” của nhóm. Dưới sự dẫn dắt của Dung, nhóm này đã thực hiện hàng loạt phi vụ cướp táo tợn, gây hoang mang dư luận trong một thời gian. Chỉ đến khi công an Hưng Yên bắt gọn cả nhóm trong một nhà nghỉ, cơn ác mộng của những người đi đường ở khu vực giáp ranh giữa Hưng Yên – Hà Nội mới chấm dứt.
Nếu như Tú Anh ngờ nghệch nên bị dòng đời xô đẩy, Dung tinh ranh trong vai trò thủ lĩnh nhóm cướp thì Phạm Thị (ở Đông Triều, Quảng Ninh) thì lại khác. Là đứa con gái ngổ ngáo, ưa tốc độ từ nhỏ. Cuộc sống sau khi “dạt vòm” của Thị là xa lộ. Thị tập hợp dưới trướng của mình 10 đệ tử. Thị và đám đệ tử đều là dân nghiện game, thích chơi bời, tiêu xài phung phí. Nhà nghỉ và quán game là nhà của chúng. Không đi cướp thì chúng chơi game thâu đêm, ngày ngủ. Không chơi game thì chúng đi cướp. Thị được đám đệ tử phong làm “đại ca” bởi “đẳng cấp” chạy xe tốc độ. Thị dạy đám đệ tử “học việc” rất công phu. Thị cho chúng đi “săn mồi” cùng, dạy chúng cách quan sát, cách làm thế nào để cướp nhanh, rồi tẩu thoát nhanh mà không bị bắt.
Mỗi một “ca” đi cướp của Thị và đám đệ tử có thời gian từ 19 giờ tối đến 5 giờ sáng ngày hôm sau. Công việc của đám đệ tử, của Thị là ngồi trên xe máy, thong dong khắp phố phường Quảng Ninh, phát hiện thấy người đi đường hớ hênh, thì ra tay cướp, giật rất nhanh rồi rồ ga, lạng lách điệu nghệ như đám đua xe mô tô chuyên nghiệp. Đệ tử mới vào nghề, ngồi sau xe hoặc đi xe khác quan sát đều ngán cái sự liều của Thị. Nếu như Dung ăn nói nhẹ nhàng thì Thị lại rất cục cằn, thô lỗ. Thị to, cao, dáng người thô như đàn ông. Thị sống như vợ chồng với nam choai choai có sở thích: Không muốn lao động, thích tiêu tiền không cần nghĩ.
Và sẽ là thiếu sót nếu nói đến những gái hư mà không nhắc đến My “Sói”, tên thật là Đào Thu Hương, 14 tuổi. Do cần tiền ăn tiêu, Đào Thu Hương cùng người tình là Trịnh Thăng Long đã nảy ý định lừa phụ nữ đưa vào nhà nghỉ hiếp dâm và cướp tài sản. Chỉ trong vòng 5 ngày (từ 16 đến ngày 20/7/2010) Hương, Long cùng đồng bọn đã gây ra 5 vụ cướp tài sản có tổng trị giá hơn 30 triệu đồng, 2 vụ hiếp dâm và 1 vụ hiếp dâm trẻ em.
Để thực hiện hành vi phạm tội, Hương đã dùng thủ đoạn lên mạng Internet làm quen với các cô gái và rủ các cô đi ăn, đi chơi, mua sắm quần áo… Khi bị hại đến nơi đã hẹn, nhóm côn đồ trẻ xông vào cướp tiền, điện thoại, dây chuyền vàng, rồi dùng vũ lực ép nạn nhân đi vào nhà nghỉ để hiếp dâm tập thể. Có trường hợp, sau khi thực hiện hành vi phạm tội tại nhà nghỉ xong, khi đi về nhóm “quái teen” còn “tiện tay” cướp luôn dây chuyền của nữ lễ tân nhà nghỉ.
Cha mẹ đâu khiến con thành gái hư ?
Mới đang ở độ tuổi trăng rằm, cái tuổi đẹp nhất cuộc đời thì những gái hư đã kịp nếm trải đủ hỉ nộ ái ố. Hầu hết những tội phạm tuổi Teen này đều có hoàn cảnh gia đình đặc biệt.
My sói trong lần được đưa ra xét xử
Video đang HOT
Dù không nói ra nhưng sâu thẳm trong con người Tú Anh vẫn đau đáu một niềm mong ước cháy bỏng, đó là được biết bố mẹ đẻ ra mình là ai. Tú Anh từng chia sẻ, chẳng phải để được về sống cùng họ đâu, chỉ là để biết họ là ai và tại sao lại bỏ rơi đứa con gái bé bỏng giữa cuộc đời này.
Ngay cả khi đã bị công an bắt, trong phần khai nhận tội, Dung đã coi như bố mình đã chết. Còn mẹ của Dung, một người phụ nữ đã ly dị chồng, luôn mải miết với những lỗ lãi của cuộc bán buôn, bà ta không có thời gian để ý đến cô con gái đang tuổi trưởng thành, cần một người mẹ chia sẻ, động viên.
Bố mẹ My “sói” cũng đường ai nấy đi. Họ cũng mải miết với những hạnh phúc riêng và đôi khi quên mất đứa con gái đã được sinh ra ở đời. Những ngày My “sói” bị tạm giam chờ ngày xét xử, giám thị trại giam cho biết, số lần My “sói” nhận được quà thăm nuôi chỉ đếm trên đầu ngón tay. Sự thật phũ phàng này khiến nó đau khổ lắm, những vần thơ đầy tâm sự như vắt ra từ con tim nó. Chẳng có giấy bút làm thơ, My “sói” viết lên tường, khi không còn chỗ viết, nó học thuộc…Thế mới biết, chính người thân của My “sói” đã chẳng mấy mặn mà với sự tồn tại của nó trên đời. Ngay cả khi đến dự phiên Tòa xét xử My “sói”, người mẹ của bị cáo này cũng thoắt ẩn, thoắt hiện, khi buộc phải đứng trước nhiều người, bà ta lấy khăn che mặt và mặc chiếc áo rộng để che đi cái bụng lùm lùm.
Không phải đứa trẻ nào khi sống trong cảnh bố mẹ chia tay cũng trở thành gái hư, cũng phạm tội nhưng cái công thức: bố mẹ chia tay Sự vô trách nhiệm = con cái phạm pháp dường như vẫn cho những đáp số đúng với tỷ lệ khá cao.
Trước khi phán xét đứa này ngỗ ngược, đứa kia hư hỏng…những mong bậc làm cha làm mẹ hãy phán xét chính mình. Vẫn biết rằng ở đời, chẳng nên nói câu “Giá như…” nhưng khi gặp những mảnh đời, những số phận này, tôi vẫn ước: Giá như bố mẹ đẻ của Tú Anh đừng bỏ rơi nó, có thể giờ này nó đã thành một cô sơn nữ ngoan hiền. Giá như My “sói” được yêu thương, có thể nó sẽ không quậy phá và biết đâu với tâm hồn đa cảm của nó, nó sẽ trở thành một nhà thơ…
Theo VNMedia
Cô nàng 'ghét đứa nào là tẩn' trong trường giáo dưỡng
T. "còi" khá xinh nhưng lại sẵn sàng đánh bất kể bạn gái hay bạn trai cùng trường, thậm chí kéo hội sang cả trường khác đánh. "Tiền sự" đánh bạn của T. có lẽ còn nhiều hơn cả số tuổi.
Một lần, có nữ sinh lớp 12 lướt qua cổng trường lại dám cả gan chê: "Cả trường này chả có ai xinh bằng mình", tức thì cô bé nhận ngay một trận mưa đòn từ T. Chưa hả giận, T. dùng dao lam kẹp vào ngón tay tát làm rách mặt nữ sinh kia.
Nhưng đó chỉ là những đòn... vớ vẩn, theo lời T. thì cô nàng nào bị T. đánh, kiểu gì cũng được khuyến mãi thêm màn... uống nước cống kèm theo. Đến phi vụ cuối cùng, T. bị lập hồ sơ đưa vào Trường Giáo dưỡng.
Thích là chiến
T. "còi" khá xinh. T. lớn trước tuổi nên cái biệt danh "còi" trong "giang hồ" có lẽ để giễu một cách hài hước cái hình hài lớn đùng của T.. Tóc dài đen mướt, mắt T. khi không đánh bạn nhìn thật hiền, trò chuyện với tôi một điều "dạ", hai điều "vâng".
T. có cả em út và cũng có cả đám "anh xã hội". Hội của T. hơn chục đứa, đa số là bỏ học. T. cũng học tới lớp 9 rồi bỏ. Nguyên nhân đơn giản cực, vì thời gian T. dành cho việc cầm quân đi... đánh nhau, đi nhảy Au đã chiếm hết thời gian lên lớp của T.. Không theo được, thế là bỏ học.
"Cháu là con gái, sao lại suốt ngày đi đánh nhau, không sợ đau à?" - tôi hỏi T.
T. cười trừ: "Vào đây thì cháu mới biết đánh nhau là không hay, vớ vẩn còn phải đi tù, chứ ở ngoài kia, cháu ghét đứa nào là tẩn luôn. Nhìn thấy ngứa mắt là cháu không chịu được. Cô hỏi thế cháu cũng không biết trả lời thế nào, vì cháu đã bao giờ bị đánh lại đâu mà biết có đau hay không".
"À, thế hóa ra toàn đi bắt nạt bạn và chưa bao giờ bị đánh lại nên quen đúng không. Thế sao lại ngứa mắt?". "Vì bọn nó kênh kiệu, là ra vẻ ta đây, ôi giời, có nói cô cũng không hiểu đâu".
Cách đây vài năm, khi video clip nữ sinh đánh bạn đầu tiên được tung lên mạng, tôi đã từng đi tìm hiểu khá sâu về tình trạng nữ sinh đầu gấu ở trường học và cũng đã gặp không ít những cô nàng như T. "còi".
Và chợt nhận thấy đặc điểm chung ở những đứa trẻ này là chúng có suy nghĩ, quan niệm khá lệch lạc khi muốn chứng tỏ "cái tôi" của mình. Đa phần trong số ấy đều đua đòi, học dốt và có quan hệ với các thành phần đàn anh, đàn chị hư hỏng ngoài xã hội.
Một số ít sử dụng bạo lực để... làm ăn như trường hợp cô bé 14 tuổi My "sói" mới bị bắt cách đây không lâu, còn những đứa như T. "còi", đánh bạn chỉ để cho thỏa cái tâm lý đàn chị, không thích kẻ khác "hơn phân" mình và đôi khi để bảo vệ những đứa em của mình khỏi bị bắt nạt.
Khi còn ở nhà, trò giải trí mà T. "còi" thích nhất, ngoài việc đánh bạn, đó là T. cứ đứng trên ban công nhà mình, cầm cả bịch nilon đựng nước hoặc đổ nước vào quả bóng bay, chờ giờ tan trường, đến khi tìm được đứa "nhìn thấy ghét" là đổ ụp xuống, bất kể mùa đông hay mùa hè.
"Vui" hơn thì giằng cặp của các nữ sinh điệu đà ném vào thùng vôi mới tôi, có cô nàng khóc tức tưởi nhưng cũng đành bất lực trước điệu cười ngạo nghễ vì bắt nạt được người khác của T..
T. "còi" nổi tiếng cả trường và cả tỉnh Y. (theo lời T. nói) vì các phi vụ đánh nhau. Có lần, một chị con nhà bác (kém T. 4 tuổi) bị bắt nạt, T. lập tức ra bênh. Bọn kia đông gần chục đứa nhưng nhìn thấy T. "còi" là vội vàng lủi mất.
T. kể lại với tôi chuyện này bằng một giọng rất "tự hào": "Cháu có tiếng rồi nên bọn nó sợ. Cô cứ về quê cháu, hỏi T. "còi" thì ai cũng biết".
Cái máu giang hồ không biết ở đâu đã ngấm vào đứa trẻ này, tôi lặng ngắm T. một lúc lâu và thoáng liên tưởng đến một Phúc "bồ", một Dung "Hà" trong tương lai.
Thật may là T. đã giải tỏa giúp tôi băn khoăn toát mồ hôi ấy: "Vào đây, cháu được các thầy cô dạy bảo về pháp luật nên cũng hiểu ra nhiều điều. Nhiều lúc nghĩ lại thấy ân hận...".
"Tại cháu được nuông chiều quá"
T. bỏ học sớm, lang thang tụ tập với nhiều đối tượng phức tạp ngoài xã hội. T. nghiện game và là đồ đệ của món "nhảy Au". "Le vồ" (level - cấp độ) của T. là 24 - chưa phải là cao nhưng để luyện được đến cấp độ ấy, tức là cũng phải mất kha khá thời gian và cũng tốn khá nhiều tiền. Hình như chưa có một đứa trẻ nào vào trường Giáo dưỡng mà lại được sinh ra trong một gia đình hoàn thiện.
T. "còi" cũng vậy, T. kể rằng, bố mẹ T. bỏ nhau từ khi T. mới 5 tuổi, bố T. đi làm ăn xa, thỉnh thoảng mới về. Nhưng đến năm T. học lớp 5 thì bố mẹ T. lại quay về sống với nhau. Việc tái hôn này khiến cuộc sống của T. tốt hơn nhưng cả bố cả mẹ đều muốn bù đắp những năm tháng T. sống thiếu thốn tình cảm nên đã ra sức chiều chuộng. Mẹ cho T. tiền nộp học, T. mang đi chơi game hết. T. lại là con một nên đòi gì cũng được đáp ứng.
Bố mẹ không biết T. đã bắt đầu làm quen với những chốn ăn chơi không dành cho con nít. Bố mẹ cũng không kiểm soát được những mối quan hệ khác ngoài xã hội mà T. nhất mực tôn thờ.
T. biết đi theo những đàn anh, đàn chị này tới những quán karaoke và làm quen với thuốc lắc, dù với T. "chỉ mới là thử bay cho biết". Nếu như chưa bị đưa vào Trường Giáo dưỡng, có khi giờ này ở ngoài xã hội, T. "còi" đã trở thành một dân bay "pờ rồ" không biết chừng.
Tôi đem nghi ngờ ấy hỏi T., không ngờ T. "còi" gật đầu đồng tình. T. kể rằng, mấy "ông anh xã hội" của T. đi đâu cũng dắt theo... phớ (dao) ở gầm xe, để khi cần là chiến luôn. Một lần, T. vào lớp của một "con em" ở trường khác chơi, đã nghe "con em" này kể bị một chị lớp 12 xuống gây sự và kéo vào nhà vệ sinh đánh.
Cay cú vì "em" mình bị bắt nạt, giờ tan trường, T. đợi "chị lớp 12" ở cổng trường với con phớ trong tay. Nhưng nhìn "chị" này, T. nghĩ không cần phải sử dụng đến phớ, vì vừa nhác thấy T., "chị" đã tái mét mặt mày. T. xông tới đấm chảy máu mắt cô nữ sinh kia, chưa hả, T. túm cổ ấn đầu nữ sinh này xuống bắt uống nước cống. Bao nhiêu học sinh, trong đó có nhiều đứa từng học cùng lớp với T. hồi cấp 2 chỉ dám đứng nhìn, không dám can vì sợ cái chất đầu gấu côn đồ của T..
Lần khác, có cô bé mà theo lời T. thì "xích mích với cháu từ lâu rồi", cứ nhìn thấy T. là vênh mặt lên, giờ tan học lại còn dám đánh "em T.", T. "còi" mới điên tiết rút ngay cây mía trong quán nước vụt vào gáy cô bé rồi kẹp dao lam vào ngón tay tát, làm một vết dài trên mặt.
Bữa ấy, cô bé này phải nhờ anh trai tới can thiệp. Anh trai cô bé vốn biết tiếng T. "còi" nên đã nhờ người chú của T. nói hộ một tiếng bỏ qua. Buổi tối, bố mẹ cô bé xuống nhà T làm ầm lên, họ dọa viết đơn tố cáo tới cơ quan Công an, mẹ T. phải nói gãy lưỡi họ mới thông cảm. Nhưng dường như T. không để ý đến những chuyện đó, vài hôm sau, T. lại chặn đường đánh cô bé ấy lên bờ xuống ruộng.
Có lẽ, T. đã không ngông cuồng như thế nếu không có sự cổ vũ của đám em út và được sự chống lưng của đám đàn anh. Mỗi lần T. đánh người, bạn bè T. đều cầm điện thoại và quay lại, coi như một chiến tích để thỉnh thoảng mở ra xem khoe khoang với nhau. Có video clip đã được post lên mạng, thế nên T. bảo "cả tỉnh Y. biết cháu" cũng là không ngoa.
Đầu gấu thế nhưng thật lạ là T. đã có người yêu - một anh chàng ngoan ngoãn và học giỏi là khác. Anh chàng này cũng biết những phi vụ đánh bạn mà T. gây ra vì T. quá ư là nổi tiếng, nhưng anh ta vẫn yêu và luôn khuyên T. không nên hành xử kiểu thiếu nữ tính như thế.
Cho đến bây giờ, chàng trai ấy vẫn không biết người yêu mình đã vào Trường Giáo dưỡng, vẫn tưởng là T. đang ở nhà người bác trong Sài Gòn.
Bây giờ thì T. hiểu, một trong những nguyên nhân khiến T. hư, là do bố mẹ đã quá nuông chiều. Thật may là T. đã nhận ra sớm, khi mà hậu quả chưa đến nỗi tồi tệ.
Ngày trước ở nhà, mẹ T. bán hàng ăn nhưng T. chẳng bao giờ đỡ đần gì cho mẹ, suốt ngày chỉ biết la cà quán net. Còn bây giờ, T. đã biết tự giặt quần áo, biết trồng rau, tưới cây trong mỗi giờ lao động. Và T. tiếp tục được học lớp 9 trong trường, theo đúng chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Vào đây, T. còn được học múa, học hát.
Gì chứ mấy cái động tác múa hiện đại đang dàn dạt trên các sân khấu, T. cũng như nhiều đứa nhìn cái là làm theo được liền. Chúng giỏi là vì... đi lắc nhiều, thế nên nhiều khi cô giáo chủ nhiệm chỉ cần hướng dẫn qua là chúng làm theo đúng y chang, nói là sáng dạ cũng không sai.
Buổi tối hôm nay, tôi ngồi ngoài sân trò chuyện với T. "còi", T. chép miệng: "Giờ này không biết người yêu cháu đang làm gì", tôi hỏi T.: "Cháu có sợ cậu ấy biết mình bị đưa vào đây không". T. gật đầu: "Chắc là anh ấy bỏ cháu thôi". Tôi an ủi T.: "Nếu cháu ngoan, nếu cháu không còn đánh nhau nữa thì chắc là cậu ấy sẽ tha thứ cho cháu".
Một thoáng ngậm ngùi hiện lên trong mắt đứa con gái chưa đủ 18 tuổi. 1 năm nữa T. sẽ "tốt nghiệp" Trường Giáo dưỡng, hy vọng là T. sẽ đủ lớn để mà chán ghét mấy cái trò đánh bạn, một tệ nạn đang lan truyền trong rất nhiều trường học.
Những nữ sinh như T. đã thật sai lầm khi cho rằng, làm thế mới oách, mới là kẻ mạnh, mới thể hiện được cái tôi. Bao giờ chúng mới hiểu một điều, kẻ mạnh chỉ có thể là người nâng đỡ những kẻ yếu hơn trên đôi vai của mình...
Theo Cảnh sát toàn cầu
Những "My Sói" và tiếng kêu gia đình Còn đó bao câu chuyện gia đình tan vỡ vẫn được coi là những chiêu kể nghèo kể khổ của những "con cave", những "thằng nghiện" đã trở thành tội phạm mang gương mặt trẻ thơ... Nỗi niềm của những "My sói" 14 tuổi, cầm đầu nhóm 8 người (trong đó có 6 đứa tuổi dưới 18) đang chờ ngày xét xử cho...