Gạch đá ngổn ngang sau 2 tuần Hà Nội đập bậc tam cấp
Nhiều ngày sau chiến dịch phá bỏ bậc tam cấp, gạch vữa chưa thu dọn chất đầy vỉa hè khiến người đi bộ vẫn phải xuống lòng đường.
Sau hơn 10 ngày “tổng ra quân” lập lại trật tự đô thị ở Hà Nội, lòng đường và vỉa hè nhiều tuyến phố như Hào Nam, Xã Đàn, Chùa Bộc… trở nên ngổn ngang như công trường xây dựng với gạch đá, bê tông, phế thải chất đống.
Tại phố Xã Đàn (quận Đống Đa), những hạng mục lấn chiếm vỉa hè đã bị đập bỏ nhiều ngày qua, tuy nhiên vẫn còn lại đó là những đống gạch đá ảnh hưởng mỹ quan đô thị.
Bậc tam cấp bị phá bỏ nên một số hộ dân ở Xã Đàn đã đặt bậc lên xuống một cách tạm bợ, nhếch nhác.
Một hộ dân trên phố Chùa Bộc (Đống Đa) cho biết, sau khi lực lượng chức năng đi phá dỡ các phần lấn chiếm vỉa hè, gia đình đã thu dọn và đổ phế thải ra cạnh gốc cây nhưng mấy ngày trôi qua vẫn chưa có người đi thu dọn.
Video đang HOT
Những tảng bê tông để trên vỉa hè, lòng đường tiềm ẩn nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Vỉa hè phố Chùa Bộc vốn đã hẹp, nay lại ngổn ngang gạch đá nên người đi bộ chỉ còn cách xuống lòng đường.
Một “công trường” trên vỉa hè phố Vương Thừa Vũ (quận Thanh Xuân). Một người dân sống gần đây cho biết, tuyến phố này có một số nhà hiện không có người ở nên sau khi bị phá dỡ vẫn chưa có ai đến thu dọn.
“Người đi bộ bị đẩy xuống lòng đường, còn gia đình tôi ở đây cũng khổ sở không kém, vật lộn với đống ngổn ngang này cả ngày”, một hộ dân trên phố Vương Thừa Vũ nói.
Phế liệu xây dựng tràn xuống lòng đường trên phố Hoàng Văn Thái.
Từ cuối tháng 2, lực lượng chức năng trên địa bàn nhiều quận của Hà Nội đã ra quân lập lại trật tự đô thị. Đến ngày 10/3, các quận huyện của Thủ đô đồng loạt xuống đường giành lại vỉa hè theo 3 bước: Tuyên truyền vận động cho thời gian thực hiện; thông báo, nhắc nhở sai phạm và cho thời gian khắc phục; tổ chức kiểm tra, xử phạt cưỡng chế và duy trì trật tự công cộng. Để giành lại vỉa hè, lãnh đạo thành phố nhiều lần khẳng định, Hà Nội không thể “ra quân rầm rộ, làm ồn ào” mà phải tiến hành bài bản, kiên trì.
Theo Vnexpress
Lãnh đạo quận Tân Phú đi vận động, đòi vỉa hè
Ông Nguyễn Quốc Thái, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Phú trực tiếp xuống chỉ đạo tổ công tác liên ngành đòi vỉa hè cho người đi bộ bằng cách phát phiếu vận động.
Sáng 28-2, ông Nguyễn Quốc Thái cùng đoàn công tác gồm Đội Quản lý trật tự đô thị, Cảnh sát cơ động, chủ tịch UBND phường Phú Thọ Hòa, phường Phú Thạnh kiểm tra tình trạng lấn chiếm vỉa hè trên đường Nguyễn Sơn.
Ông Nguyễn Quốc Thái, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Phú (trái) cùng lực lượng chức năng kiểm tra tình hình lấn chiếm lòng lề đường Nguyễn Sơn, sáng 28-2.
Lực lượng chức năng đã phát phiếu cam kết vận động các hộ dân tháo dời các bục, công trình xây dựng lấn chiếm trên vỉa hè, nếu đến ngày 2-3 chủ nhà không tháo dỡ sẽ cưỡng chế.
Một số hộ dân kinh doanh ở chợ Tân Phú nhận thấy người tối hôm trước đến gặp nhắc nhở là phó chủ tịch UBND quận nên đã ra bắt tay và hưởng ứng phong trào, dọn dẹp hàng quán, trả lại vỉa hè.
Một hộ kinh doanh kể: "Tối qua, anh Nguyễn Quốc Thái đi xe máy tới nhắc nhở phải kinh doanh đúng quy định. Tôi và mọi người cứ nghĩ chắc đây là cán bộ đô thị phường nhưng sáng nay nhận ra anh là phó chủ tịch quận nên rất cảm kích. UBND quận hứa sẽ tạo điều kiện cho chúng tôi kinh doanh với cam kết phải dời vào sâu vào bên trong chợ, thay vì xử phạt. Chúng tôi rất hoan nghênh giải pháp đó".
Một trường hợp để xe dưới lòng đường đã bị lực lượng chức năng lập biên bản xử lý.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Quốc Thái cho biết từ lâu quận đã thực hiện chiến dịch dọn dẹp vỉa hè. Riêng những tháng đầu năm 2017 đến nay, tập trung xử lý trên 5 tuyến đường trọng điểm cấp quận như Nguyễn Sơn, Lê Trọng Tấn, Vườn Lài và sau đó thực hiện ở các tuyến còn lại.
Đội Quản lý trật tự đô thị quận Tân Phú phát phiếu cam kết đến từng hộ dân và cho thời gian tự phá bỏ bục lấn chiếm. Đến ngày 2-3 tình trạng này còn xảy ra sẽ tiến hành cưỡng chế.
"Bản thân tôi từ tuần trước cũng đã trực tiếp tham gia tuyên truyền, vận động, xử lý cùng với các lực lượng để tạo chuyển động mới trong việc đảm bảo trật tự lòng lề đường, "giành" lại vỉa hè cho người đi bộ"- ông Thái nói và nhận định đã giao trách nhiệm cho chủ tịch các phường, nếu nơi nào không có sự chuyển động sẽ xử lý từng cá nhân.
Theo phó chủ tịch quận Tân Phú, đa số những người kinh doanh lấn chiếm là dân nhập cư, buôn bán nhỏ. Vì vậy, chủ trương của quận là dẹp lòng đường nhưng không triệt tiêu nguồn sống của những người lao động nghèo.
Ông Thái trăn trở: "Đằng sau gánh hàng rong là cả một gia đình nên chúng tôi đang tìm nhiều giải pháp hỗ trợ đồng thời vận động các nhà có công trình lấn chiếm tự tháo dỡ". Bà Hứa Thị Hồng Đang, Chủ tịch UBND quận Tân Phú, nhận định: "Chúng tôi chưa chọn giải pháp cưỡng chế, đập bỏ và xử phạt đối với các trường hợp lấn chiếm lòng lề đường vì như vậy tạo sẽ ra tâm lý áp đặt, ức chế khiến họ bằng mặt nhưng không bằng lòng. Trước mắt, lượng chức năng quận Tân Phú liên tục tuyên truyền, nhắc nhở các hộ dân để nhận thức của họ được nâng lên. Nhiều lần như vậy họ không thực hiện mới thực hiện việc phá dỡ. Hiện quận đã đã vận động được một hộ dân ở phường Tây Thạnh về việc dành bãi đất trống sắp xếp cho hàng rong vào đó kinh doanh và cho phép thu phí bãi, phí vệ sinh".
Theo Người Lao Động