Gác trọ mùa đông
Phố co mình trong cái lạnh rét buốt. Mùa đông đứng nhìn một người vội vã rời đi. Hạnh phúc buông lơi, tình yêu ở lại.
Ngọt bùi đắng cay rồi cũng theo cơn gió đông trôi xa, mất hút giữa ngàn trùng lãng quên. Có đôi lần em tự hỏi tại sao không buông bỏ dĩ vãng, để yêu một ai khác tốt hơn anh?
Bạn thân mến! Miền Bắc đang bước vào những ngày chớm đông, trời lạnh hơn khiến ai nấy đều thích thú. Mùa đông được coi là “mùa muốn sát bên nhau để ấm hơn”, thế nên có lẽ mùa đông không dành cho những kẻ cô đơn. Với những ai đã tìm thấy một nửa cho mình thì mùa đông là dịp thích hợp nhất để trao cho nhau những cái ôm ấm áp hay cái siết tay thật chặt. Còn với những kẻ đang cô đơn thì mùa đông đã lạnh lại càng lạnh thêm. Mở đầu chương trình hôm nay, mời bạn lắng nghe lá thư tâm sự được gửi đến từ bạn Quách Thái Di:
Lá thư: Rồi mùa đông sẽ thôi lạnh (Quách Thái Di)
Ngày không nắng.
Ngày buồn, sầu vương khóe mi.
Vạn vật khoác lên mình chiếc áo mùa đông. Mùa rét mướt về trên thị trấn nơi chúng ta từng ngọt ngào bên nhau. Anh hứa sẽ nắm tay em đi đến cuối đoạn đường, cùng nhau sưởi ấm trái tim trong những đêm mùa đông lạnh giá.
Lời hứa ngày ấy giờ trôi dạt về đâu, anh nhỉ?
Từ mùa đông tuổi hai mươi xanh ngời, anh và em bỗng dưng thành người xa lạ. Anh đến với người con gái khác chỉ vì cô ấy. Ngày anh đi, em không rơi nước mắt nhưng trong lòng lại dâng lên một nỗi xót xa vô bờ. Phố co mình trong cái lạnh rét buốt.
Con đường này anh đã từng chở em trên chiếc xe đạp cũ.
Góc phố này, dưới những cánh điệp vàng, anh kết chúng thành hình trái tim rồi tỏ tình với em. Tình đầu ngây ngô mà trong sáng, ấm áp lạ kỳ. Em có anh kề bên chia sẻ bao buồn vui trong đời.
Vì trái tim em yếu mềm chẳng đủ sức để chống lại những nỗi nhớ triền miên. Trong trái tim này, em giữ lấy một mùa đông vĩnh hằng dành riêng anh thôi. Mùa đông làm cho em nhớ anh nhiều hơn những gì em muốn nói. Ngước mắt về bầu trời phương xa và thầm hỏi anh giờ này đang làm gì, có khỏe không, có hạnh phúc không? Em ước gì mình có thể giữ lấy nụ cười anh trong tâm trí.
Ngày mai khi ánh dương ló dạng, anh sẽ ở nơi nào và nghĩ tới ai. Mùa đông hát lên những bài tình ca không tên. Chính anh là người dạy em cách yêu một người, quan tâm và sẻ chia. Cũng chính anh bỏ lại sau lưng khung trời xanh màu đẹp đẽ của chúng ta.
Thời gian trôi qua từng phút từng giây. Quên những điều không muốn quên là một việc làm vô cùng khó khăn. Vì anh luôn ở trong trái tim em. Em hy vọng em cũng có một nơi trong trái tim anh.
Mùa đông đứng nhìn một người vội vã rời đi. Hạnh phúc buông lơi, tình yêu ở lại. Ngọt bùi đắng cay rồi cũng theo cơn gió đông trôi xa, mất hút giữa ngàn trùng lãng quên. Có đôi lần em tự hỏi tại sao không buông bỏ dĩ vãng, để yêu một ai khác tốt hơn anh? Tình yêu chân thành đã trao đi làm sao có thể trao cho người thứ hai.
Radio phát lại chương trình ca nhạc vào lúc mười giờ khuya. Chị phát thanh viên đọc lá thư buồn của cô gái gửi cho người yêu của mình. Lá thư thật xúc động, ngay cả chính em cũng phải bật khóc khi nghe. “Em mơ về ngày ấy. Nuôi tình yêu bằng những mộng đẹp. Cổ tích có anh và em. Rồi sau bao cuộc vui, anh đi bỏ em lại đây. Giấc mộng vỡ đôi. Em tìm không ra chiếc giày cổ tích cho riêng mình…”
Bài hát “Nỗi nhớ mùa đông” cất lên da diết, đầy tâm trạng.
“Dường như ai đi ngang cửa
Gió mùa đông bắc se lòng
Chút lá thu vàng đã rụng
Chiều nay cũng bỏ ta đi”.
Em biết em phải quên anh để mà bước tiếp. Dẫu cho em không ngăn được dòng nước mắt, dẫu cho cuộc đời em sẽ khác đi. Em vẫn mong anh luôn bình yên.
Rồi mùa đông sẽ thôi lạnh, với em và với anh.
Bạn thân mến! Nếu như miền Bắc có cả bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thì miền Nam quanh năm chỉ có hai mùa mưa và nắng. Thế nên khi đọc truyện ngắn Gác trọ mùa đông của tác giả Hải Triều, ban biên tập Blog Radio ở Hà Nội đã băn khoăn không biết Sài Gòn có mùa đông không. Thực ra những ngày này trời Sài Gòn về đêm hơi se se lạnh một chút, không hẳn là mùa đông nhưng cũng cảm nhận được một chút cái lạnh của mùa đông Hà Nội. Nhưng có lẽ nơi lạnh nhất không phải là nơi có mùa đông mà là nơi không còn có tình yêu. Tiếp theo chương trình mời bạn lắng nghe truyện ngắn:
Gác trọ mùa đông (Hải Triều)
Tôi tiễn Linh ra cổng ngôi nhà trọ, đôi mắt em đỏ hoe, bàn tay thỉnh thoảng lại đưa lên miệng để kìm nén tiếng nức nở. Tôi cầm giúp em chiếc túi xách mà lúc này nó có vẻ quá nặng đối với em. Ra đến đường, Linh còn quay lại nhìn lên phía tầng lầu, nơi có hai phòng trọ của hai đứa sống hơn một năm qua. Tôi cầm tay an ủi nàng:
- Đừng buồn quá! Em về thăm ba rồi khi nào bác khỏe, em trở lên thành phố tiếp tục học. Chúng ta sẽ mau gặp lại nhau thôi em.
- Em linh cảm lần này xa anh sẽ…
Khi nàng chưa kịp nói hết câu thì taxi đến. Tôi mở cửa cho nàng lên xe, đứng nhìn theo đến lúc khuất tầm nhìn.
Tôi đóng chiếc cổng sắt, quay vào nhà, lòng nặng trĩu. Hai vợ chồng bác Tấn chủ nhà đón tôi tại chân cầu thang, bác gái nói:
- Không sao đâu con, người già thì hay đau ốm vặt. Cách đây hơn một năm khi con bé Linh đậu đại học, chính ba nó đến thuê nhà cho con gái mình, trông ông ấy khỏe và thương Linh nhiều lắm!
Tôi cúi đầu cảm ơn vợ chồng bác chủ nhà. Hai bác đều là nhân viên nhà nước đã nghỉ hưu. Gia đình bác ấy có hai người con gái nhưng đều đã lập gia đình ở riêng. Ngôi nhà một trệt một lầu trở nên rộng rãi nên hai bác chỉ xử dụng tầng trệt. Phía trên lầu chia thành ba phòng cho thuê đi bằng cầu thang riêng để mỗi tháng hai ông bà có thêm tiền mua quà bánh cho cháu ngoại.
Phòng đầu tiên phía cửa chính là một anh họa sĩ thuê, kế đến là phòng tôi và cuối cùng là phòng của Linh.Tôi vốn là người gốc Đà Lạt nhưng tốt nghiệp kỹ sư xây dựng, tôi ở lại Sài Gòn đi làm cho một công ty liên doanh nước ngoài mới được hai năm nay. Phòng trọ này tôi đã thuê từ thời còn là sinh viên nên thân thiết với bác Tấn như người nhà.
Tôi quen Linh lúc đầu như hai người bạn hàng xóm chung dãy nhà trọ. Mà nói thật lòng, tuy có ba người sống cùng một tầng nhưng anh Minh họa sĩ đã lớn tuổi và ít khi có mặt tại nhà trừ buổi tối. Bởi vậy chỉ có tôi quen thân với Linh. Có thể cùng là những người sống xa quê, xa người thân nên lúc nào rảnh rỗi, hai đứa lại đem ghế ra ban công ngồi trò chuyện rôm rả.
Tôi là một tay chơi đàn guitar cũng khá nên thỉnh thoảng tôi ôm đàn cho Linh hát. Phải công nhận cô bé quê Vĩnh Long có giọng hát thật ngọt ngào của người miền Tây sông nước. Khi đã tin cậy nhau, Linh bắt đầu nhận lời đi uống cà phê, xem phim, nghe ca nhạc vào ngày nghỉ với tôi. Vậy là tôi cũng bớt phải nằm nhà chủ nhật để gặm nhấm nỗi buồn độc thân của mình.
Sau một năm, chúng tôi thành người yêu của nhau. Tôi đã một lần đưa Linh lên Đà Lạt thăm gia đình tôi. Nàng say mê cảnh đẹp của thành phố cao nguyên mang danh “thành phố mộng mơ”. Chúng tôi đi dạo trên những con đường rực rỡ màu vàng hoa dã quỳ tháng 11. Linh dựa vai tôi ngồi ngắm máy bay trên đồi thông vi vu tiếng gió, tiếng chim. Nàng bảo nếu có anh họa sĩ Minh đi cùng, nàng sẽ nhờ vẽ cho hai đứa một bức tranh kỷ niệm. Chính tại nơi đây, chúng tôi ước hẹn với nhau khi Linh cầm bằng đại học xong là chúng tôi sẽ làm đám cưới.
Linh cũng đưa tôi về Vĩnh Long. Đó là những khoảng thời gian khó quên khi tôi được ba của nàng lái xuồng máy cho đi chợ họp trên sông, ăn đặc sản tôm cá mùa nước nổi và biết thế nào là sự hào sảng người miền Tây bên ly rượu đế. Khi ra về, ba mẹ của Linh còn bắt hai đứa đem mấy ký cá khô lên nhà trọ ăn dần.
Bây giờ chỉ còn một mình tôi trong căn phòng mà mỗi ngày em đều qua dọn dẹp giùm. Ra đứng ngoài hành lang, tôi lại nhớ hình ảnh Linh ngồi hát với mái tóc dài ngang vai bay theo gió chiều… Chao ôi! Chỉ mới một ngày thôi mà đã thấy nhớ! Các cuộc điện thoại từ Linh sau đó cho biết tình trạng sức khỏe của ba em không tốt, phải nhập viện. Tôi bảo:
- Hay anh xin phép nghỉ vài ngay về dưới quê thăm bác và gia đình.
Linh bỗng nhiên hốt hoảng, khuyên tôi đừng nghỉ làm gì vì đã có mẹ và nàng chăm sóc ba. Tôi thấy nàng nghĩ thế cũng đúng.
Một tháng trôi qua nhanh…
Tôi vẫn ngày hai buổi đi và về trong căn phòng trọ. Nhiều hôm đang nằm ngủ, tôi như nghe tiếng em mở cửa phòng bên cạnh vội mừng rỡ chạy ra. Nhưng tất cả chỉ là tưởng tượng.
Hôm qua bác gái chủ nhà có hỏi tôi đã hết một tháng trừ vào tiền đặt cọc, Linh có dặn tiếp tục giữ phòng cho cô ấy không hay bác cho người khác thuê. Tôi vội vàng đóng cho Linh thêm một tháng tiền nhà nữa mặc dù nàng chưa nói gì về chuyện này. Lý do tôi làm vậy bởi chẳng muốn nghĩ đến tình huống xấu nhất là Linh không trở lại thành phố này nữa!
Vắng em, tôi thành kẻ thừa thãi thời gian, tôi bắt đầu nhận lời đi chơi với đám bạn đồng nghiệp nam. Đứa nào cũng chọc ghẹo tôi có tình yêu nên bỏ quên bạn. Khi nghe tôi kể chuyện Linh về quê hơn một tháng nay chưa lên, một đứa đã mạnh miệng nói:
- Vậy là em về quê lấy chồng, bỏ mày rồi Khương ơi! Tao nghe nói dưới quê có phong trào thôn nữ lấy chồng ngoại nhiều lắm.
Tôi hơi bực bội, gắt lên:
- Mày chỉ giỏi đoán mò.Tụi tao yêu nhau lắm, làm sao xảy ra chuyện đó được.
Thế rồi cả bọn cười ha hả. Tôi cũng vui theo. Nhưng khi ra về, chỉ còn một mình nằm trong bóng tối, hình như tôi đang dao động. Đến hôm nay, Linh vắng mặt gần hai tháng. Với một sinh viên đang học năm thứ hai, điều này thật khó chấp nhận. Thậm chí một số trường còn không chấp nhận bảo lưu cho người học năm thứ hai.
Tôi không liên lạc được với nàng đã một tuần. Ban đầu có người ngắt máy khi điện thoại vừa đổ chuông nhưng sau đó không liên lạc được hoàn toàn. Không ổn rồi! Dù đang tháng 12 bộn bề công việc cuối năm, tôi vẫn xin nghỉ phép vài hôm để xuống Vĩnh Long thăm gia đình Linh. Nhưng tôi chưa kịp đi thì nhận được phong thư Linh gửi.
“…Khi anh nhận được thư này, em đã có mặt tại Đài Loan. Em trăm lần xin lỗi anh vì chọn cách bỏ đi như thế này, nhưng em không đủ can đảm gặp anh hoặc nói cho anh biết sự thật.
Ba em bệnh nặng, phải ra Hà Nội giải phẫu gan mới cứu được. Em phải lấy một người nói tiếng xa lạ, về làm dâu tại một phương trời xa lạ để có thêm tiền lo viện phí cho ba. Làm tròn chữ hiếu thì em phải mất anh!
Xin anh đừng buồn, hãy quên lời chúng ta đã hứa để anh đi tìm một người con gái khác xứng đáng hơn em. Riêng kỷ niệm của những ngày ta yêu nhau nơi gác trọ, xin anh cho em giữ lại và mang theo…”
***
Đã bốn năm trôi qua kể từ ngày tôi nhận được từ em lá thư cuối cùng. Linh lấy chồng được hai năm thì tôi lấy vợ. Vợ tôi là con một gia đình khá giả, chúng tôi cũng chăm chỉ làm việc nên cuộc sống vật chất khá đầy đủ. Chúng tôi có với nhau một cậu con trai kháu khỉnh khiến hạnh phúc càng viên mãn. Gia đình nhỏ của tôi sống trong một khu chung cư cao cấp, vào mỗi buổi sáng tôi thường ra ban công hít thở không khí trong lành ngày mới rồi mới lái xe đi làm.
Khoảng hai tháng gần đây, khi đứng trên bàn công nhìn xuống, tôi thấy ngoài bà Tư đã có thêm một nhân viên mới, hình như là một phụ nữ trẻ. Ban đầu tôi chỉ nhìn lướt qua nhưng về sau, vô tình vài lần cô gái này mở khẩu trang, tôi giật mình thấy gương mặt giống Linh quá.
Lý trí mách bảo tôi đã nhầm lẫn bởi vì lúc này Linh đang ở rất xa, bên chồng và những đứa con. Nhưng con tim cứ khiến tôi bán tín bán nghi về người nữ công nhân vệ sinh mới. Tôi tiếp tục đứng trên ban công để hai người phụ nữ làm việc quét đường buổi sáng. Bất chợt vài lần cô gái tóc dài ngước lên nhìn nơi tôi đang đứng rồi vội quay người tiếp tục công việc. Tôi không thể nhìn rõ mặt người ấy qua khẩu trang và chiếc nón, nhưng tôi vẫn không dứt được ý nghĩ đó là Linh.
Ba hôm nay không còn thấy cô gái đi làm cùng bà Tư, tôi bèn đi xuống chỗ bà Tư đang tỉa cây trên dải phân cách. Sau khi nói chuyện xã giao vu vơ, tôi hỏi thẳng sao không thấy cô gái hàng ngày cùng làm với bà nữa. Bà Tư ngừng tay, cười nói:
- Con bé Linh đó hả? Nó là nhân viên mới vào công ty môi trường cây xanh làm vài tháng. Ba hôm nay trên công ty báo sẽ điều người khác đến thay vì nó vừa xin nghỉ việc. Tội nghiệp con bé đẹp người đẹp nết mà lại truân chuyên. Nghe nó kể trước kia từng trọ ở bên cầu Kiệu để học đai học nhưng cha bệnh nặng phải đi lấy chồng Đài Loan. Sau bốn năm làm dâu xứ lạ, sinh một đứa con, nó bị gia đình chồng ngược đãi nên đã ly hôn và xin hồi hương. Cha mẹ nó mất hết nên nó lên thành phố mưu sinh, nếu có dư dả sẽ gửi tiền về quê nuôi các em.
Tôi đoán Linh đã về quê. Linh cảm mách bảo tôi tìm về căn phòng trọ nơi chúng tôi đã từng sống, từng yêu và rồi chia tay trong tiếc nuối, nơi đó lưu giữ quá nhiều kỷ niệm. Dừng xe trước căn nhà cũ, lòng tôi chợt bồi hồi. Mở cửa bước vào phòng khách, nhìn thấy hai di ảnh trên bàn thờ, vợ chồng bác Tấn không còn nữa. Chị Kim, con gái lớn bác Tấn nhận ra tôi. Hai chị em hàn huyên sau bốn năm không gặp. Tôi hỏi thăm:
- Chị ơi! Chị còn nhớ Linh không? Ngày xưa thuê phòng bên cạnh em đó. Em nghe nói cô ấy vừa lên Sài Gòn làm việc. Linh có đến nhà mình thuê trọ không chị?
Chị Kim gật đầu:
- Có đấy! Linh thuê khoảng hai tháng nhưng vừa trả phòng cách đây mấy ngày. Trước khi đi, nó có gửi chị một bức tranh do họa sĩ Minh vẽ, dặn khi em đến thì đưa cho em. Tại sao Linh biết em sẽ đến vậy? Bộ hai đứa còn quen nhau sao?
- Không chị ạ! Chuyện của tụi em buồn lắm.
…Tôi bước ra xe với nỗi buồn khó tả.
Bức tranh vẽ một đôi nam nữ ngồi bên nhau trên đôi thông nằm im lìm trên tay tôi, nhưng kỷ niệm về những ngày tôi yêu em nơi gác trọ mùa đông này đang sống lại một cách mãnh liệt. Có lẽ em đã không gặp lại tôi vì trân trọng hạnh phúc gia đình tôi đang có.
Tiếng chuông giáo đường từ xa vọng lại. Gió mùa đông về lạnh lẽo. Một đôi mắt đẫm nước núp sau cửa nhìn theo chiếc xe vừa phóng đi.
Theo blogradio.vn
Khi tôi còn bé
Ai mà chẳng có một "lúc nhỏ" hào hùng, ai mà chẳng có những chiến tích hào nhoáng khi còn nhỏ. Tôi cũng không ngoại lệ, nhiều khi còn hơn thế, tuổi thơ tôi "bá đạo" lắm.
Lúc nhỏ, tôi thường hay nghe radio lắm. Nhưng tôi chẳng có chiếc radio nào cho riêng mình. Tôi toàn nghe ké radio của cậu tôi vào những ngày cuối tuần lúc mẹ tôi chở tôi về ngoại. Tôi thường đón xem chương trình ca nhạc và chờ đến bài mình yêu thích rồi ngồi tập tành hát vu vơ theo. Mỗi khi có bài hát nào mới là y như rằng cả đám lôi viết, lôi tập ra để viết lời, rồi cùng nhau học nhưng đến khi viết không kịp lời thì tự nhủ với nhau, thôi thì hôm khác viết lại vậy. Thế mà lại vui. Đó là khoảnh khắc vui nhất, không còn tìm lại được. Bây giờ công nghệ tiến bộ hơn radio không còn phổ biến nữa. Máy cat set cũng không còn bán rộng rãi như trước đây nữa. Và cũng chẳng ai còn xài đến radio ò è khi dò đài nữa, tất cả được thay bằng smartphone, TV hiện đại.
Lúc nhỏ, tôi thường làm những chuyện ngu ngốc mà không thấy xấu hổ lắm. Tôi đã từng quấn mền cầm cây củi trong tay, đóng giả làm tề thiên chạy quanh khắp nhà. Hay đã từng chơi trò nặn đất thành hình thù nhiều con vật, nhiều đồ vật rồi đem phơi khô, sau đó là đem khoe với mấy đứa con nít hàng xóm. Hay là trò đánh trận giả cùng bọn hàng xóm vào mỗi tối trăng tròn. Vui cực. Nghĩ lại bản thân mình so với mấy đứa con nít bây giờ hạnh phúc chán vì có một tuổi thơ dữ dội như vậy.
Lúc nhỏ, ai cũng nhầm tưởng tôi là con trai. Vì khi ấy so với mấy đứa con trai cùng tuổi thì tôi lớn hơn tụi nó nhiều. Với làn da đen nhẻm, mái tóc bị mẹ tôi cắt ngắn ngang mép tai, vẻ mặt kênh kiệu, nhìn tôi khi ấy chẳng khác nào một thằng con trai. Tôi từng cầm đầu bọn con trai xóm giữa này đi ăn cắp dưa hấu, nghe thật buồn cười khi kẻ cầm đầu là một đứa con gái, nhưng bọn chúng đâu biết được tôi là con gái. Chúng tôi đụng độ phải bọn xóm trên và cả đám đã hỗn chiến giành địa bàn. Dù không máu chảy bê bết nhưng tôi đã bị bầm vài chỗ. Hôm ấy, trên tay khệ nệ vài trái dưa ngon nhất đem về nhà, tôi đã bị một trận no đòn của mẹ. Vì tội con gái mà đi đánh nhau với tụi con trai, lại là đứa dẫn đầu đi ăn cắp dưa nữa. Nghĩ những ngày ấy vui thật, muốn làm gì thì làm không cần nghĩ ngợi như bây giờ. Điều quan trọng hơn hết là không cần suy tính tiền bạc hay bất cứ khoản chi phí nào. Chỉ biết mỗi ngày đi học đều đều, không bị điểm kém, ngày đủ ăn ba bữa khi nào thịnh soạn thì có thêm vài miếng thịt là hạnh phúc rồi.
Lúc nhỏ, tôi nhiễm phim ghê gớm. Xem phim "Bao thanh thiên" thì đóng giả Bao Thanh Thiên khi thì đóng giả Triển Chiêu suốt ngày với tụi con nít gần nhà. Xem phim Hercules thì đóng giả làm Héc-quyn, rồi rủ thêm mấy đứa làm chiếc thuyền giả rồi chơi y như đóng phim thật. Rồi xem phim Thế giới bí mật của Alex thì suốt ngày cứ nhìn chằm chặp vào ly nước và tưởng tượng rằng nó sẽ di chuyển.
Lúc nhỏ, tôi có một cậu bạn thân. Nó thường hay qua nhà tôi chơi, rồi thường học bài chung. Mẹ tôi phụ đạo cả hai đứa. Nó cực kì nhớ dai và học thuộc bài nhanh lắm. Còn tôi ì ạch mãi mới học thuộc được. Mẹ tôi cứ mắng tôi dốt mãi. Nó viết chữ đẹp hơn tôi nhiều lắm, nhưng cái tội nó ẩu lắm nên không thể cùng tôi đi thi vở sạch chữ đẹp được. Tôi thường đứng ra bênh vực nó mỗi khi có người bắt nạt nó. Tôi xem nó như em trai, mặc dù cả hai bằng tuổi mà nó chỉ nhỏ hơn tôi chỉ mấy tháng. Khi chúng tôi lớn hơn một chút. Khi ấy ai cũng vỡ òa rằng tôi là con gái vì tôi đã để tóc dài. Chúng tôi vẫn là bạn thân như ngày nào, vẫn cùng nhau đi bộ trên con đường đến trường, cùng nhau học bài và cùng nhau lớn lên. Khi chúng tôi vào đại học thì mỗi đứa mỗi nơi, đi những con đường khác nhau và không còn liên lạc gì nữa. Nhưng với tôi cậu bạn này vẫn mãi là một phần kí ức đẹp đẽ của tuổi thơ ngây thơ và hồn nhiên ấy.
Lúc nhỏ, tôi được ông ngoại thương lắm. Mỗi khi tôi bệnh, út thường được lệnh của ngoại, lội đường đồng qua cõng tôi về. Lúc đó tôi nghĩ ngoại như ông bụt ấy, mỗi lần không vui là ngoại xuất hiện ngay tức khắc mà không cần phải khóc hay kêu ông bụt gì cả. Nhưng lớn lên tôi mới biết rằng vì ngoại nghe mẹ nói tôi bệnh nên mới đem tôi về vỗ béo. Bây giờ ngoại không còn nữa, mỗi khi tôi buồn hay thất vọng cũng chẳng còn ai vỗ về, chẳng còn ai để tôi nằm trên bụng để ngủ nữa.
Lúc nhỏ, tôi có nhiều mơ ước lắm. Khi thì muốn làm Giáo viên giống mẹ để dạy dỗ đám đầu bò trong xóm. Khi thì muốn làm Tiếp viên hàng không để được đi máy bay để được đi du lịch khắp nơi. Khi còn nhỏ luôn mong mình trưởng thành thật mau, để rồi khi lớn lên lại mong mình bé lại. Khi còn nhỏ nhiều hoài bão lắm, nhưng khi lớn lên con người tôi lại bị bó buộc vào khuôn khổ của xã hội, vào những quy tắc khô cứng của công ty. Sáng sáng đi làm, chiều tan ca, tối về làm thêm, tôi bị cuốn vào vòng xoáy của đồng tiền mà quên mất ước mơ, hoài bão của chính bản thân mình.
Lúc nhỏ, tôi thường viết nhật kí lắm. Khi đó tôi học lớp 5. Tôi từng chuyện nhỏ nhặt nhất của mình vào nhật kí. Chỉ có nhật kí mới ghi lại hết những gì mình làm hôm nay, chỉ có nhật kí ta mới không quên được ngày hôm qua. Và thói quen ấy kéo dài đến tận bây giờ, tôi xem nó là một thói quen tốt của mình.
Có những chuyện chúng ta đã làm không thể xóa được, có những chuyện đã xảy ra chúng ta không thể thay đổi được. Dù tuổi thơ dù ngây dại, khờ khạo đến như thế nào nữa thì đó cũng là một phần không thể thiếu và là thứ mà tôi không muốn đánh đổi với bất kì thứ gì.
Theo truyenngan.com.vn
Thích ai thì cứ tỏ tình đi, cùng lắm khỏi làm bạn nữa! Thích ai thì cứ bày tỏ, chỉ cần mình đủ chân thành, đủ nhẫn nại, đủ kiên trì thì bản thân đã là một sự cố gắng lớn, xứng đáng được hưởng hạnh phúc rồi. Đừng im lặng để mãi ngày sau nuối tiếc. Cứ ngầu một lần đi cho đời nhiều bất ngờ, nghen! Đôi khi tim chợt xao động vì một...