Gác lại công việc, dành cả tháng đi phượt xuyên Việt
Năm 22 tuổi, Quang Minh từng rong ruổi dọc chiều dài đất nước. Ở tuổi 29, anh một lần nữa đi phượt xuyên Việt nhưng có thêm sự đồng hành của bạn gái.
Hai tuần sau câu hỏi vu vơ “Đi xuyên Việt không?”, Quang Minh, nhiếp ảnh gia ở Hà Nội, cùng bạn gái Thu Sam (32 tuổi), thợ trang điểm, lên đường đi phượt bằng xe máy.
Khác với Minh, đây là hành trình xuyên Việt đầu tiên của Sam.
“Thường 1-2 tháng, chúng mình sẽ đi một chuyến kết hợp du lịch và làm việc. Cả hai đều làm tự do nên có thể chủ động thu xếp công việc. Hơn nữa, chúng mình vẫn có thể làm việc trong lúc nghỉ ngơi trên đường đi”, Minh chia sẻ với Zing.
Chuyến đi của Minh và Sam kéo dài từ ngày 21/3 đến 13/4 với tổng quãng đường hơn 3.000 km, chi phí khoảng 20 triệu đồng/người. Sau lần này, họ cũng hoàn thành mục tiêu check-in 4 điểm cực của Tổ quốc.
Sau 7 năm, Quang Minh một lần nữa đi phượt xuyên Việt. Lần này, anh có bạn gái đồng hành trong hành trình kéo dài gần một tháng.
Không đi kiểu “hành xác”
Trước chuyến đi, Minh và Sam xác định đó sẽ là những ngày dài rong ruổi với mưa nắng lẫn bụi đường nên đặt sức khỏe lên hàng đầu. Họ chuẩn bị một số loại thuốc bổ, giảm đau, dị ứng, bỏng… để đề phòng tình huống khẩn cấp.
Minh cũng cho xe đi bảo dưỡng dầu, máy cẩn thận. Với tiêu chí đi thong dong và an toàn, hai người dừng lại nghỉ bất cứ khi nào thấy mệt.
Bên cạnh đó, theo Minh, trang phục và đồ dùng cá nhân chỉ nên mang đủ dùng để tránh xe quá tải dẫn đến dễ hỏng. Anh và bạn gái đem theo mỗi người 5 bộ quần áo mỏng, nhẹ, đơn giản, ưu tiên đồ thấm mồ hôi, thoải mái.
Về đồ ăn, Minh thường tìm hiểu trên mạng hoặc hỏi người quen. Nam nhiếp ảnh gia cũng không ngại thử các món mới như mắt cá ngừ hay thịt chuột. Anh thường book khách sạn, homestay để lưu trú trước một ngày, tránh phải hủy do lịch trình phát sinh.
“Tùy điều kiện của mỗi người, chi phí có thể điều chỉnh cho phù hợp. Mình thì tùy hứng, nơi nào muốn ở lại chơi, chill hay nghỉ ngơi để ’sạc pin’ sẽ book chỗ nghỉ giá cao hơn một chút”.
Đều làm tự do nên Minh và Sam có thể chủ động thu xếp công việc để đi phượt dài ngày.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất với Minh và Sam là 50 km cuối cùng để đến Đất Mũi Cà Mau.
“17h, hai đứa đến thành phố Cà Mau, thấy trời vẫn còn sáng và chỉ còn 100 km nữa là đến Đất Mũi nên quyết định đi cố để sáng hôm sau đón bình minh ở đây. Thế nhưng, sau 50 km đầu khá ổn, đoạn đường từ Năm Căn đi ra Đất Mũi toàn bùn đất, sỏi đá và không một bóng điện. Vượt qua những cánh đồng, rừng đước tối om, khi đến được xóm Đất Mũi, thấy ánh đèn và đông người, chúng mình mới thở phào nhẹ nhõm”, Minh kể.
Sau chuyến đi đáng nhớ, Minh cùng Sam lên kế hoạch hoàn thành nốt cung Đông – Tây Bắc, miền Tây và Tây Nguyên trong thời gian tới.
26 ngày phượt từ Bắc vào Nam
Ấp ủ chuyến đi từ Bắc vào Nam đã lâu nhưng đến giữa tháng 3, Phạm Long (28 tuổi, Hà Nội), làm việc trong ngành kiến trúc, mới có thể thực hiện.
Khi đó, Long có kế hoạch xin nghỉ ở công ty cũ. Tranh thủ thời gian trước khi bắt đầu công việc mới, anh quyết định lần đầu tiên đi xuyên Việt.
Video đang HOT
“Hàng năm, mình đều cố gắng đi du lịch 3-4 lần. Mỗi chuyến đi lâu chỉ khoảng 4-5 ngày, ngắn hơn là 2-3 hôm. Mình thường đi vào cuối tuần và xin nghỉ phép trước 2-3 tuần nên sắp xếp công việc không quá khó khăn”.
Trong gần một tháng rong ruổi, Long đi qua 25 tỉnh, thành với quãng đường 3.675 km. Anh chọn cung vòng qua Tây Nguyên vào TP.HCM rồi quay trở lại bằng các tỉnh ven biển.
Chi phí cho chuyến đi là 16 triệu đồng, thêm 3-4 triệu đồng bảo dưỡng xe và chuẩn bị đồ trước khi đi.
Long tranh thủ thời gian chuyển tiếp giữa 2 công việc để đi phượt xuyên Việt.
Long chọn thời điểm sau Tết để khởi hành nhằm tránh mùa mưa ở Tây Nguyên, miền Nam cũng như cái nắng nóng gay gắt mùa hè của các tỉnh miền Trung. Tuy nhiên, anh đi đúng đợt áp thấp, cả dải miền Trung không mưa thì trời cũng âm u, gió mạnh.
“Theo người dân địa phương, đây là thời tiết cực đoan năm nay mới có, còn thường tầm này thời tiết rất đẹp. Số ngày mưa hoặc biển động mình gặp là 12/26″, anh kể.
Tuy chưa phải là chuyến đi vào tận mũi Cà Mau, Long vẫn cảm thấy hài lòng. Kỷ niệm đáng nhớ với anh là đêm ngồi quây quần bên bếp lửa trại ở homestay Măng Đen (Kon Tum) với khí hậu, cảnh sắc khá giống Đà Lạt nhưng thanh bình hơn vì chưa bị hoạt động dịch vụ tác động nhiều. Hay khi đến với mảnh đất Ninh Thuận, anh gặp thời tiết xấu, vài lần gió to muốn quật đổ xe máy.
Chia sẻ kinh nghiệm phượt xuyên Việt, Long cho rằng mọi người nên viết dàn ý lịch trình trước chuyến đi và thay đổi phù hợp tùy tình hình. Theo anh, nên đánh dấu tất cả điểm check-in trên bản đồ để lọc ra đường đi thuận tiện nhất, tránh bị lỡ một cách đáng tiếc.
Về hành lý, Long khuyên mang quần áo mỏng nhẹ, đủ mặc trong 4-5 ngày và cách 3-4 hôm có thể mang đi giặt là. Tất cả được cho vào túi du lịch lớn và balo nhỏ để đồ thường dùng.
Bên cạnh đó, việc mang nhiều túi nylon đề phòng mưa nhiều và thuốc thang, kem chống nắng cũng là cần thiết.
“Hãy thử đi vào ngõ ngách xa lạ mà chưa hề được review hay xuất hiện trên bản đồ du lịch. Đôi khi, những khám phá hay hoặc tệ vẫn mang lại cảm xúc khó quên nhất”, Long chia sẻ.
Chuyến đi của tuổi trẻ
Tết Dương lịch năm nay, Đàm Hồng Thanh (26 tuổi, Hà Nội), nhà môi giới chứng khoán, có chuyến phượt đầu tiên trong đời. Kể từ đó, cô đặt mục tiêu đi khám phá hết vùng Tây – Đông Bắc.
Để thực hiện kế hoạch này, trong tháng 2 và 3, Thanh đi phượt mỗi tháng/lần cùng nhóm để tích lũy kinh nghiệm. Cuối cùng, khi sắp xếp được thời gian, cô lên đường vào đầu tháng 4.
Trong quá trình chuẩn bị, Thanh mất nhiều thời gian nhất cho việc tìm hiểu lộ trình, cung đường. Cô đọc nhiều bài viết, tham khảo lời khuyên và review của mọi người rồi sắp xếp lại cho phù hợp.
Một tháng trước khi khởi hành, Thanh tự lái xe 2 chuyến đi, về trong ngày 140-160 km để kiểm tra sức khỏe. Bên cạnh đó, cô tập gym 3-4 năm nay nên tự tin bản thân có thể lực tốt.
Trong 14 ngày phượt độc hành, Thanh khám phá 10 tỉnh, thành thuộc vùng Tây – Đông Bắc.
Được đồng nghiệp hỗ trợ và có thể làm việc online, Thanh xin không lên công ty nhưng vẫn đảm bảo công việc để thực hiện chuyến đi.
“Ban đầu, mình rủ thêm người đồng hành nhưng gần sát ngày bạn ấy bận nên nên mình vẫn quyết tâm độc hành. Mình thấy may vì chuyến đi này giúp mình có bài học về ý chí và niềm tin khi gặp khó khăn. Trong 14 ngày với tổng 2.834 km và 63 giờ lái xe, mình đi qua 10 tỉnh, thành, chinh phục 3/4 ‘tứ đại đỉnh đèo’. Chi phi khoảng 400.000-500.000 đồng/ngày”, cô cho hay.
Với Thanh, đèo Pha Đin, từ Điện Biên về Lai Châu – Lào Cai, là cung đường đáng nhớ nhất với cảnh sắc đẹp và những đoạn đổ đèo 5-6 km liên tục. Kinh nghiệm cô rút ra là khi lên đường đèo núi không có cây xăng nên đổ đầy bình ở chân đèo.
Bên cạnh đó, Thanh cho rằng nên xem trước thời tiết ở tất cả điểm đến để chuẩn bị quần áo, thuốc thang, phụ kiện… phù hợp; để sẵn chút đồ ăn và nước trong túi để tránh bị đói, tụt huyết áp giữa đường.
“Mình cảm thấy may mắn vì trên đường xe không có sự cố nào. Dù thời tiết có ngày nắng, có ngày mưa, có ngày mù, có ngày bụi kín lối nhưng mình vẫn hoàn thành chuyến đi. Tuổi trẻ này không còn gì hối tiếc”.
Du lịch sớm để né cảnh đông đúc dịp 30/4-1/5
Bản thân vốn không thích du lịch vào dịp lễ nên từ đầu, mình chủ đích sắp xếp cho chuyến đi chơi của nhà không rơi vào đợt nghỉ 4 ngày, Phương Ngân (25 tuổi, Hà Nội), nói.
Vừa trở về sau chuyến đi Quy Nhơn 3 ngày 2 đêm cùng hội bạn, Tuấn Phong (24 tuổi, Hà Nội) cho biết đây là kỳ nghỉ du lịch đầu tiên của anh sau nhiều tháng chôn chân ở nhà.
"Thông thường, cứ thích và đủ tiền, xếp được thời gian là mình đi chứ không nhất thiết phải chờ đến dịp lễ được nghỉ. Cả nhóm chọn đi vào ngày thường cũng vì muốn tránh cảnh đông đúc, còn bản thân mình hiếm khi du lịch vào dịp nghỉ lễ", Phong nói với Zing.
Chuyến đi được lên kế hoạch trước ngày xuất phát 3 tuần.
Tuấn Phong (ngoài cùng bên trái) chủ đích đi né kỳ nghỉ lễ từ đầu.
"Chuẩn bị từ sớm, cả hội có nhiều lựa chọn về chỗ ở cho nhóm đông người. Duy có mình đặt vé máy bay muộn hơn vì gần ngày mới chắc chắn đi nên chi phí di chuyển không tiết kiệm được mấy. Nhưng so với thời điểm lễ, mình thấy đây vẫn là mức giá 'mềm' hơn rất nhiều", Phong nói thêm.
Giống với Phong, nhiều bạn trẻ chọn đi du lịch sớm trước dịp 30/4-1/5 bởi nhiều lý do như công việc riêng bận rộn, tiết kiệm chi phí hoặc do muốn né cảnh tượng du khách đông đúc, chen lấn thường thấy vào dịp cao điểm nghỉ lễ.
Tránh cảnh đông đúc
Ngay từ đầu, Phương Ngân (25 tuổi, quận Hai Bà Trưng) chọn phương án du lịch tránh 4 ngày lễ. Cô chọn đi Quy Nhơn một tuần trước dịp 30/4-1/5.
Phương Ngân chọn Quy Nhơn làm nơi dẫn cả gia đình đi chơi bởi bớt xô bồ, đông đúc hơn các thành phố du lịch nổi tiếng.
"Lần này, mình dẫn bố mẹ và người thân nghỉ ngơi, tham quan cảnh biển với thưởng thức đồ ăn ngon địa phương là chính. Cả ba đều đã lớn tuổi nên thích đi chơi thong thả, thư thái. Bản thân mình không hợp kiểu du lịch bụi, không thích di chuyển nhiều. Mình chỉ chọn đến vài nơi đặc sắc nhất, chứ không cố chỗ nào cũng phải đi bằng được. Quy Nhơn do đó là lựa chọn hợp lý bởi bớt đông đúc hơn so với Đà Nẵng, Phú Quốc, các điểm tham quan không cách nhau quá xa", Ngân kể.
Theo Ngân, việc du lịch vào ngày thường có ưu điểm lớn là tiết kiệm được các khoản vốn chiếm nhiều tiền nhất trong chuyến đi.
"Các loại chi phí liên quan đến di chuyển, lưu trú ở mức phải chăng và có nhiều lựa chọn.
Mình 'book' được phòng view đẹp, vị trí trung tâm và ngay đối diện bãi biển. Nếu đi đúng dịp lễ, khả năng cao sẽ khó đặt bởi tình trạng 'cháy' phòng.
Đi sớm, tính ra tiền vé mình tiết kiệm được khoảng 2 triệu đồng/người, tiền khách sạn khoảng hơn 1 triệu đồng/người", Ngân cho hay.
Theo cô, chuyến đi thực tế khá giống với tưởng tượng và dự định ban đầu.
Phố xá Quy Nhơn đông vui nhưng ở mức vừa phải, đến các địa điểm du lịch nổi tiếng như Kỳ Co, Eo Gió, cả nhà vẫn dễ tham quan, thoải mái chụp ảnh check-in mà không phải chen lấn.
Đi chơi trước vì phải làm việc vào dịp lễ
Từng nhiều lần đến Đà Lạt, Phạm Ngọc Ánh (25 tuổi, quận Cầu Giấy) vẫn quyết định quay trở lại "thành phố ngàn hoa" cho chuyến du lịch đầu tiên sau khi các hạn chế đi lại trong nước không còn.
Vì công ty vẫn duy trì làm việc vào ngày lễ, Ánh không nghỉ lễ 30/4-1/5 theo lịch giống số đông.
"Những ngày đó, đồng nghiệp ai cũng có kế hoạch riêng, muốn nhờ người làm thay cũng khó. Do đó, du lịch sớm là lựa chọn thoải mái, bớt cập rập", Ánh chia sẻ.
Đổi lại, cô phải dùng đến số ngày phép trong năm.
"Mình bắt đầu đi từ cuối tuần và xin nghỉ 2 ngày đầu tuần. Khâu thu xếp công việc trước khi nghỉ cũng không vất vả lắm. Mình nhờ đồng nghiệp phụ trách thay ca của mình và về sẽ làm bù lại", Ánh cho biết.
Lần này, Ánh không lên kế hoạch cụ thể từng ngày đi chơi những đâu, chỉ đặt vé trước 2 tuần.
"Mình chọn đi Đà Lạt một phần vì vào thăm gia đình người yêu, một phần vì miền Bắc đang bước vào mùa hè nóng bức nên mình muốn đến nơi mát mẻ", Ánh kể.
Ngọc Ánh cho biết số lượng du khách đến Đà Lạt tuy vẫn đông nhưng chưa thể bằng thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh.
Cô chọn một resort ở xa trung tâm để nghỉ dưỡng, đến khi đi chơi mới di chuyển vào khu trung tâm.
Theo quan sát của Ánh, Đà Lạt gần như đã hồi sinh như trước khi xảy ra các đợt dịch. Các quán ăn nhà hàng nổi tiếng dần đông khách trở lại.
"Trước khi đi, mình không kỳ vọng Đà Lạt vắng vẻ, ít người du lịch. Thực tế, du khách đổ về vẫn tấp nập, huyên náo. Nhưng so với thời điểm cuối tuần bình thường, hiện tại lượng người vẫn đang vắng hơn rất nhiều", cô cho hay.
Còn trong kỳ nghỉ lễ sắp tới, Ánh dự tính dành 4 ngày cho gia đình hoặc tụ tập cà phê cùng bạn bè. "Nếu được nghỉ, mình cũng chỉ chọn địa điểm gần Hà Nội như các khu nghỉ dưỡng ngoại thành".
Du khách đông hơn tưởng tượng
Ấp ủ cho kỳ nghỉ đến Mộc Châu cùng bạn thân từ năm ngoái, song một tuần trước kỳ nghỉ lễ cuối tháng 4, Lê Đỗ Kiều Trang (24 tuổi, Cầu Giấy) mới thực hiện được.
"Mộc Châu cách Hà Nội không quá xa, mất khoảng 4 tiếng di chuyển, mình tận dụng 2 ngày cuối tuần nên không ảnh hưởng đến công việc", cô cho biết.
Thông thường, Kiều Trang rất hạn chế đi chơi xa đúng dịp lễ.
Nhờ đặt phòng sớm và chủ đích đi né dịp lễ, Kiều Trang không tốn quá nhiều tiền cho chuyến đi Mộc Châu.
"Bản thân mình không thích cảnh tượng đông nghẹt người đổ tới một địa điểm hay phải chờ đợi lâu ở sân bay, khách sạn. Bên cạnh đó là nỗi lo các dịch vụ sẽ quá tải, không tốt như ngày thường.
Ngoài ra, giá cả cũng là một vấn đề đáng cân nhắc. Mình từng du lịch đúng dịp 30/4-1/5 một lần vì được nghỉ dài ngày nhưng giá phòng, tiền vé máy bay đều tăng gấp 1,5 lần", Trang chia sẻ.
Ví dụ, ở Mộc Châu, Trang mất khoảng hơn 2 triệu đồng tiền khách sạn cho 2 ngày 1 đêm, đã kèm với tiền thuê xe limousine di chuyển 2 chiều.
Mức giá này được cô đánh giá là rẻ, có được nhờ "book" phòng sớm, cách ngày đi khoảng 2-3 tuần.
Với cùng hạng mục phòng ốc và tiện nghi đó, số tiền phải trả khi đặt vào kỳ nghỉ lễ đã tăng lên mức 3-4 triệu đồng cho một đêm và rất nhanh hết chỗ.
"Hiện tại, dù đã tránh dịp lễ, các điểm đến nổi bật nhất tại Mộc Châu vẫn đông người tham quan hơn so với mình nghĩ ban đầu. Mình nghĩ do giờ số đông có tâm lý vui chơi bù khi các địa phương phục hồi lại du lịch", cô nói.
Giống với Ngọc Ánh, Kiều Trang dành phần lớn thời gian trong đợt nghỉ 4 ngày sắp tới để ở nhà hoặc đến một số khu vui chơi trong thành phố như sở thú, trung tâm thương mại.
22 ngày, cô gái Hà Nội 23 tuổi đi qua 24 tỉnh thành Việt Nam để 'ăn mừng' tốt nghiệp ĐH Bản thân 9X đã ấp ủ thực hiện một chuyến đi hết Việt Nam để chiêm ngưỡng vẻ đẹp trời phú của quê hương mình. "Chuyến đi xuyên Việt lần này, mình đã ấp ủ từ rất lâu. Vào năm 2017, khi còn là năm nhất đại học, lần đầu tiên được đi tới Tà Xùa, mình đã mong muốn một ngày nào...