Gà rẻ như… rau, nông dân… thua đau vì thịt nhập
Giá gà công nghiệp lông trắng chỉ còn 12.000 – 13.000 đồng/kg, trong khi gà Lương Phượng cũng chỉ còn 32.000 – 33.000 đồng/kg, trong vòng 10 năm trở lại đây, chưa bao giờ những người chăn nuôi gà lại rơi vào cảnh thua lỗ nặng nề như vậy.
Ông Nguyễn Văn Ngọc – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ cho biết, chưa bao giờ những người chăn nuôi gà công nghiệp lại rơi vào tình cảnh bi đát như hiện nay, bởi giá gà lông trắng đang giảm xuống mức thấp kỷ lục trong vòng 10 năm trở lại đây.
“Hiện, giá gà lông trắng chỉ còn 12.000 – 13.000 đồng/kg, thậm chí gà quá size (trên 4kg) chỉ còn 10.000 – 11.000 đồng/kg, thậm chí còn rẻ hơn cả rau. Trong khi, giá gà lông màu (Lương Phượng) cũng chỉ đạt trên 30.000 đồng/kg. Với mức giá này, nông dân lỗ trên 50%” – ông Ngọc nói.
Khoảng 3 tuần trở lại đây, ông Nguyễn Tấn Tam – chủ một trang trại chăn nuôi gà công nghiệp quy mô 650.000 con ở thị xã Dĩ An (Bình Dương) lúc nào cũng như “ngồi trên đống lửa” vì giá gà cứ sụt giảm từng ngày mà chưa nhìn thấy có dấu hiệu tăng.
Giá gà lông trắng, gà lông màu sụt giảm thê thảm, nông dân lỗ nặng. Ảnh: I.T
“Cả tháng nay, giá gà cứ sụt giảm từng ngày, hiện chỉ còn 12.000 – 13.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất lên đến 24.000 – 25.000 đồng/kg, với mức giá này thì nông dân nào chịu nổi, đến phải bỏ nghề bán xới thôi” – ông Tam than thở.
Được biết, mỗi ngày trang trại của ông Tam cung cấp cho thị trường khoảng 10.000 con gà lông trắng, trọng lượng khoảng 2,7 – 2,8kg/con. Với mức giá như hiện nay, mỗi sáng mở mắt ra, ông chịu lỗ khoản tiền 200 – 270 triệu đồng.
“Nếu Chính phủ, ngành chức năng không có những can thiệp kịp thời, hạn chế gà nhập lậu giá rẻ tràn lan vào thị trường thì người chăn nuôi trong nước sẽ không thể chống chọi được” – ông Tam nói.
Theo ông Tam, có 2 nguyên nhân khiến giá các loại gia cầm trong nước đang tuột dốc không phanh, một là do lượng thịt nhập khẩu tăng đột biến, hai là do tổng đàn gia cầm cũng tăng mạnh do nhiều người chăn nuôi chuyển từ nuôi heo sang nuôi gia cầm để né dịch tả lợn châu Phi.
“Với thị trường các tỉnh miền Nam, mỗi tuần lượng gà cung ứng ra thị trường khoảng 1,5 – 1,8 triệu con thì không vấn đề gì, vẫn đảm bảo nông dân có lãi, nhưng hiện tại nguồn cung đã lên đến hơn 2 triệu con, cộng thêm nguồn gà nhập lậu giá rẻ, giá không giảm mới là chuyện lạ” – ông Tam nói thêm.
Video đang HOT
Ngay từ khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát mạnh ra nhiều tỉnh thành mà không có giải pháp hữu hiệu nào để ngăn chặn, tổng đàn lợn giảm mạnh, trước nguy cơ thiếu thịt đang hiện hữu, Bộ NNPTNT đã có chủ trương khuyến khích người dân chuyển sang nuôi gia cầm, thủy cầm, gia súc lớn (trâu, bò). Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến tổng đàn gia cầm tăng đột biến trong những tháng đầu năm 2019.
Theo thống kê của Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), tổng đàn gia cầm của cả nước trong 6 tháng đầu năm 2019 tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018. Ở những vùng chăn nuôi lớn, số lượng đàn gà tăng đột biến.
Theo ông Nguyễn Kim Đoán – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, hiện tổng đàn gà của tỉnh đạt 28 triệu con, tăng gần 6 triệu con so với cuối năm 2018. Đó là chưa kể đàn cút 6,6 triệu con, đàn vịt, ngan gần 1,2 triệu con.
“Tổng đàn gia cầm trên địa bàn tăng mạnh do thời gian qua người nuôi heo bỏ ghề chuyển sang nuôi gia cầm rất nhiều. Dự báo sẽ thiếu thịt heo trong thời gian tới do ảnh hưởng bởi dịch tả châu Phí đã khiến ngành chăn nuôi gia cầm hút thêm nhiều dự án đầu tư khiến tổng đàn tăng rất mạnh. Cộng với lượng thịt gà nhập khẩu tương đối lớn đã khiến giá gà rớt thê thảm” – ông Đoán nói.
Trong khi người chăn nuôi trong nước đang lao đao vì giá gà giảm thê thảm thì mỗi ngày lượng gà nhập với giá rẻ vẫn tung hoành khắp thị trường. Thống kê của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) cho thấy, từ năm 2016 – 2018, bình quân chúng ta nhập khoảng 85.000 – 128.000 tấn thịt gia cầm với kim ngạch nhập khẩu 80 – 116 triệu USD; nhưng chỉ tính riêng 7 tháng năm 2019, lượng thịt gia cầm nhập khẩu đã lên đến 87.800 tấn, với kim ngạch 78,6 triệu USD, bằng cả những năm trước cộng lại.
“Điều đáng buồn là, trong khi chăn nuôi trong nước luôn đòi hỏi phải có truy xuất nguồn gốc thì những loại gà nhập này lại chả đòi hỏi truy xuất nguồn gốc, giá vô cùng rẻ. Điều này là không công bằng cho người chăn nuôi” – ông Ngọc nói.
Trong khi đó, ông Tam kiến nghị, nếu Nhà nước, ngành chức năng không sớm có các biện pháp kiểm soát tốt lượng gà nhập khẩu với giá rẻ và chất lượng còn bỏ ngỏ thì ngành chăn nuôi gia cầm trong nước sẽ sớm lụi bại.
Theo Danviet
Cần cả ngàn tỷ đồng xử lý dịch tả heo châu Phi
Tính đến ngày 13-8, toàn tỉnh có 2.754 hộ chăn nuôi heo tại 371 ấp thuộc 118 xã của 11 huyện, thành phố xuất hiện dịch tả heo châu Phi (ASF) với trên 271 ngàn con heo bị tiêu hủy.
Dịch ASF lan nhanh với số lượng heo tiêu hủy tăng rất nhanh khiến các địa phương tại Đồng Nai cần nguồn kinh phí hàng trăm tỷ đồng để hỗ trợ cho người chăn nuôi bị thiệt hại và để xử lý các ổ dịch ASF.
Xử lý ổ heo dịch tại huyện Thống Nhất. Ảnh: Nguyễn Liên
Đồng Nai đang xin cấp bổ sung 800 tỷ đồng từ nguồn dự phòng của Trung ương để chi cho công tác phòng, chống dịch ASF. Công tác ngăn chặn dịch cũng lâm vào cảnh khó chồng khó, cần sự tham gia quyết liệt hơn của cả hệ thống chính trị.
* Khó khăn bủa vây
Gần nửa tháng qua, heo hơi liên tục tăng giá, hiện giá bán tại trại đang dao động từ 40-42 ngàn đồng/kg, tăng gần 10 ngàn đồng/kg so với tháng trước đó. Nguyên nhân heo sốt giá dù thị trường tiêu thụ ở giai đoạn thấp điểm vì đang vào tháng chay (tháng 7 âm lịch), học sinh chưa tựu trường, chủ yếu do nguồn cung thiếu hụt. Dự báo giá heo còn tiếp tục leo thang trong thời gian tới vì heo ngày càng khan hàng.
Hiện tổng đàn heo của Đồng Nai chỉ còn gần 1,9 triệu con, giảm hơn 600 ngàn con so với cách đây 4 tháng khi chưa xuất hiện dịch ASF do người chăn nuôi giảm đàn và lượng heo tiêu hủy tăng đột biến trong thời gian gần đây. Trong đó, tổng đàn nái hiện chỉ còn khoảng 230 ngàn con, giảm cả 100 ngàn con so với hồi đầu năm.
Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Kim Đoán nhận xét, trong các tháng 5-6 vừa qua, người dân đổ xô bán heo ra thị trường để chạy dịch. Rất nhiều trại thải ra hàng trăm con nái/ngày do dịch ASF lây lan trên đàn nái rất nhanh. "Đàn nái giảm mạnh, dịch ASF vẫn tiếp tục lan nhanh như hiện nay thì phải tính đến chuyện mất nhiều năm người chăn nuôi mới quay lại tái đàn, đầu tư. Cũng chính vì điều này nên hàng loạt công ty cám, thuốc thú y đã đóng cửa hoặc giảm công suất vì dự báo tổng đàn heo đang và sẽ tiếp tục giảm mạnh" - ông Đoán nói.
Trong vòng hơn 1 tháng trở lại đây, dịch ASF lan nhanh với tổng lượng heo bị tiêu hủy tăng theo cấp số nhân. Trong đó có nguyên nhân do ý thức kém của người chăn nuôi đã tiếp tay cho dịch ASF lây lan. Nguy hại nhất là tình trạng thả chất thải chăn nuôi heo, heo chết ra sông suối, môi trường gây nguy cơ lây lan dịch rất lớn.
Đồ họa thể hiện số lượng các địa phương xuất hiện dịch tả heo châu Phi, tổng số heo bị tiêu hủy và một số địa phương có số lượng heo bị tiêu hủy lớn vì dịch tả heo châu Phi; ước tính nguồn quỹ dự phòng hỗ trợ cho người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh. (Thông tin: Bình Nguyên - Đồ họa: Hải Quân)
Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Nguyễn Ngọc Liên cho biết: "Dịch ASF đang lan rất nhanh. Thời gian qua, tình trạng heo chết thả trôi theo suối Cầu Quang, từ xã Bắc Sơn (huyện Trảng Bom) về TP.Biên Hòa xảy ra thường xuyên, gây không ít khó khăn cho địa phương trong công tác tiêu hủy, xử lý môi trường và ngăn chặn dịch tả lây lan".
Dịch ASF xuất hiện tại huyện Thống Nhất chậm hơn địa phương đầu tiên của Đồng Nai bị dịch gần 2 tháng nhưng tốc độ lây lan lại rất nhanh, dịch tấn công mạnh vào các trang trại lớn. Hiện 10/10 xã của huyện Thống Nhất đều xuất hiện ổ dịch với gần 48,4 ngàn con bị tiêu hủy, tăng gấp đôi so với 2 tuần trước đó.
Chia sẻ những khó khăn trong công tác phòng, chống dịch, Phó chủ tịch UBND huyện Thống Nhất Nguyễn Đình Cương lo lắng: "Mật độ chăn nuôi dày đặc cũng có thể là nguyên nhân khiến dịch ASF lan nhanh trên địa bàn. Khó khăn không nhỏ của địa phương là rất khó bắt tận tay và xử lý tình trạng vứt heo chết, heo bệnh ra ngoài môi trường; trong đó nhiều trường hợp thương lái vứt heo chết trong quá trình vận chuyển đi tiêu thụ".
* Lo vỡ quỹ dự phòng
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Huỳnh Thành Vinh, kết quả khảo sát tại các địa phương cho thấy, nhiều trang trại nằm ngay trong vùng dịch ASF vẫn an toàn nhờ thực hiện nghiêm túc giải pháp an toàn sinh học. Cụ thể, họ giăng lưới không để một con ruồi, con muỗi vào trại; cách ly công nhân chăn nuôi ở trong trại theo kiểu "nội bất xuất, ngoại bất nhập". Nguồn thức ăn cho công nhân trong trại từ rau đến cá, thịt đều được kiểm soát kỹ, thậm chí được nấu chín trước khi đưa vào bên trong. Đặc biệt, xe vận chuyển cám trước khi vào trại đều được sát trùng, tiêu độc rất kỹ; thương lái và xe vận chuyển không được vào trại vì đây cũng là nguyên nhân lớn gây lây lan dịch thời gian qua.
Theo báo cáo của các địa phương, tính đến nay, toàn tỉnh cần khoảng 400 tỷ đồng để hỗ trợ cho người chăn nuôi bị thiệt hại và chi cho công tác xử lý dịch ASF. Trong khi đó, nguồn quỹ phòng, chống thiên tai của các địa phương chỉ có khoảng 130 tỷ đồng nên các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đều kiến nghị được tháo gỡ khó khăn về nguồn kinh phí.
Huyện Vĩnh Cửu hiện đang đứng đầu về tổng số heo bị tiêu hủy do dịch ASF, Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu Nguyễn Quang Phương cho biết: "Với 59,3 ngàn con heo bị tiêu hủy, ước tổng số tiền cần hỗ trợ cho người chăn nuôi tính đến cuối tháng 7 đã trên 95 tỷ đồng. Trong khi đó, nguồn quỹ dự phòng của cả cấp xã, cấp huyện chỉ khoảng 15 tỷ đồng nên nguồn chi đang bị âm rất lớn". Áp lực âm nguồn chi của huyện đang ngày càng lớn vì chỉ trong 2 tuần đầu tháng 8, huyện Vĩnh Cửu đã tăng thêm 4,3 ngàn con heo bị tiêu hủy vì dịch ASF.
Đến nay, huyện Định Quán đã hỗ trợ cho 53 hộ chăn nuôi có đàn heo bị tiêu hủy do dịch ASF với tổng số tiền gần 12 tỷ đồng. Nguồn quỹ dự phòng của các xã, huyện đều đã hết trong khi với số heo đã tiêu hủy, địa phương này cần thêm gần 66,4 tỷ đồng hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi. Với tốc độ dịch bệnh lây lan nhanh như hiện nay, Định Quán đang kiến nghị Sở Tài chính hỗ trợ thêm 200 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch ASF tại địa phương.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh chỉ ra: "Tình trạng lây lan dịch ASF rất nhanh và chưa biết điểm dừng, Sở Tài chính nên cân nhắc lại về con số xin cấp bổ sung 800 tỷ đồng từ nguồn dự phòng của Trung ương có thể chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của Đồng Nai. Trước mắt, các địa phương cũng cần cố gắng tìm nguồn ứng trước để hỗ trợ kịp thời cho người chăn nuôi bị thiệt hại".
Theo Phó chủ tịch UBND Võ Văn Chánh, trong việc ngăn chặn dịch ASF, các địa phương phải tập trung vào 2 giải pháp: công tác tiêu độc, khử trùng, đặc biệt là khu vực đầu nguồn các suối, ao hồ để hạn chế dịch lây lan do ô nhiễm nguồn nước từ hoạt động xả thải của các trang trại chăn nuôi. Bên cạnh đó, cần tập trung tuyên truyền để người chăn nuôi thực hiện nghiêm túc các giải pháp an toàn sinh học để bảo vệ trại nuôi. Việc thả heo chết ra suối, môi trường gây nguy cơ lây lan dịch rất lớn. Địa phương nào để xảy ra tình trạng vứt heo chết ra môi trường phải kiểm điểm nghiêm túc; quy rõ trách nhiệm của lãnh đạo xã, huyện về tình trạng này.
Bình Nguyên
Theo Dongnai
Trung Quốc hủy mua thịt lợn Mỹ: Người Việt sẽ ăn thịt lợn Mỹ giá rẻ 6 tháng đầu năm 2019, số lượng thịt lợn, thịt gia cầm nhập khẩu về Việt Nam tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2018. Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang căng thẳng, Trung Quốc vừa hủy mua lô thịt lợn Mỹ lớn nhất từ trước đến nay thì nguy cơ thịt giá rẻ tràn vào Việt Nam...