Gà hấp lá trúc hương vị mộc mạc quê nhà An Giang
Miền đất An Giang không chỉ gợi du khách nhớ đến các đặc sản lạ tai như gỏi sầu đâu, tung lò mò… mà còn làm xao xuyến bao thực khách bởi món ăn đậm chất thôn quê như “ gà hấp lá trúc”.
Một lần về với An Giang, du khách không chỉ được thưởng ngoạn danh thắng núi non hùng vĩ mà còn được chiêu đãi món ngon đặc sản đậm chất hồn quê là gà hấp lá trúc.
Gà hấp lá trúc không chỉ là đặc sản ẩm thực mà còn là thương hiệu du lịch đất An Giang.
Trúc là một loại cây mọc hoang đặc trưng của vùng Thất Sơn, Bảy Núi, An Giang. Chúng có nhiều nhất ở hai huyện miền núi giáp Campuchia là Tịnh Biên và Tri Tôn. Cây trúc lớn bằng cây chanh, lá có vị the, cay nồng và gắt hơn lá chanh, mùi thơm đặc biệt. Trái trúc có vỏ xù xì hơi giống chanh, được vắt lấy nước để tạo gia vị cho các món ăn.
Đặc biệt, từ bao đời nay, cây trúc ở An Giang không chỉ góp phần làm nên hương vị độc đáo cho các món ăn, mà còn tạo nên một thương hiệu ẩm thực, nét đặc trưng vốn có để thu hút và phát triển du lịch.
Do mọc hoang ở rừng núi và khai thác nhiều để chế biến món ăn, hiện nay, cây trúc trở nên quý hiếm và chỉ được tìm thấy ở một số ít trên các phum sóc của các cộng đồng người dân tộc. Người ta phải băng rừng, leo núi vất vả mới có thể săn tìm những chiếc lá trúc xanh còn nguyên vẹn.
Để làm món gà hấp lá trúc thơm ngon, trước tiên phải chọn lựa gà cho kỹ lưỡng. Tốt nhất là gà ta, nặng khoảng 800g – 1kg. Gà làm sạch, dùng gừng chà lên mình để khử bớt mùi tanh, rửa sạch và để cho ráo nước. Ướp gà với tỏi bằm, tiêu xay nhuyễn, hạt nêm và một ít rượu trắng.
Video đang HOT
Ngâm nấm mèo, nấm hương nở đều rồi rửa sạch, thái rối. Hành lá để nguyên cây, bún tàu ngâm mềm, xắt khúc dài. Trộn nấm và bún lại với nhau, thêm một ít hạt nêm, đem phần trộn này cùng với hành lá nhét vào bụng gà rồi dùng chỉ may lại.
Trước khi đem gà đi hấp, hãy xếp một ít lá trúc đã rửa sạch dưới đáy tô rồi đặt gà lên trên. Đậy nắp cho kín, hấp khoảng 30 – 40 phút cho gà mềm. Đợi khi gà gần chín, rắc lá trúc xắt nhuyễn lên phía trên và khi hoàn thành thì dọn ra đĩa. Gà phải được chặt khúc hoặc xé nhỏ, rải đều lá trúc xắt nhuyễn lên thịt gà một lần nữa. Cùng với đó dọn đĩa bắp chuối bào, chén nước chấm muối ớt có pha nước vắt từ trái trúc.
Gắp miếng thịt gà chấm vào chén muối ớt vừa pha rồi nhai chầm chậm, cảm nhận vị ngọt dai của thịt, vị cay nồng của lá trúc, vị chua chua của nước trái trúc cùng vị cay của ớt tiêu. Mọi hương vị hòa quyện với nhau khiến bất cứ thực khách nào cũng phải xiêu lòng.
Mùi hương nồng nàn của lá trúc thẩm thấu qua từng thớ thịt gà, một hương vị đặc trưng vương vấn cổ họng, luôn đọng lại trong tâm trí du khách.
Theo VnE
Hương vị quê nhà: 1001 món nướng Nam Bộ
Nướng đã tạo ra những món ăn có mùi vị đặc trưng, rất khoái khẩu lại cũng vừa "đã" khứu giác nữa. Vì thế, mà từ cái thuở còn hồng hoang, khi vừa phát hiện ra lửa, con người đã bắt đầu "nghiện" món nướng.
Tuy nhiên, gần gũi với chúng ta hơn vẫn là các kiểu nướng của người Việt mà có lẽ đặc trưng và phong phú nhất là món nướng của người dân Nam Bộ.
Nướng từ đồng quê
- Từ buổi khai thiên lập địa, người nông dân đã có công rất lớn trong việc "sáng tác" ra những món ăn độc nhất vô nhị. Trong đó, nứơng chiếm vị trí quan trọng trong đời sống ẩm thực của họ. Chim, cá, ếch, nhái...đều trở thành những món nứơng ngon lành. Về miền sông nứơc Tây Nam Bộ, bạn sẽ không thể không thưởng thức món cá lóc nướng trui, ếch nướng đất sét, cu đất nứơng mọi, hoặc chim sẽ nướng sả ớt... đó là những kiểu nướng hết sức dân dã, rất đặc trưng, mà có người gọi đó là nướng khẩn hoang.
- Ở nông thôn, người ta không xỏ lụi con cá bằng thanh tre mà lấy rơm khô, lựa một bãi đất trống, lót một mớ rơm dưới đất, đặt con cá lên. Sau đó họ thui con cá cũng bằng rơm. Khi cá đã chín, cạo bớt lớp cháy bên ngoài, dọn ra với một đĩa bánh tráng mỏng, một mâm rau sống đủ loại, thêm một chén nước mắm nêm. Cá lóc nướng bằng rơm, ăn thơm cực kỳ. Ngồi trong căn lều dựng ở ngoài đồng ruộng, nhấm nháp từng miếng cá, tưởng thấm đượm cả hương đồng gió nội vào trong ruột gan.
- Gà nướng đất sét là để nguyên lông, không mổ bụng, rồi đắp một lớp đất sét nhão, dày bên ngoài, dùng một thanh tre xuyên suốt con gà dựng lên, rồi đốt bằng rơm. Đốt đến khi nào đất sét khô và nứt ra, coi như gà đã chín. Khi bóc lớp đất sét đi thì lông gà dính theo, chỉ còn lại phần thịt trắng nõn. Lúc này ngừơi ta mới mổ con gà để lấy bộ ruột. Phần thịt được xé từng miếng chấm với muối ớt, hoặc muối tiêu chanh, kèm rau răm gỏi bắp chuối. Đúng điệu hơn, ăn kèm với đọt sen non và ngó sen mới hái. Xin cam đoan rằng, thịt gà nướng đất sét không có một kiểu chế biến nào ngon hơn. Mọi chất "tinh túy" của con gà được giữ nguyên nên đưa vào vừa tới đầu lưỡi đã nghe ngọt lịm rồi!
Ở đồng quê, cao cấp hơn có món rùa nứơng. Con rùa có thể làm được ba món như cháo rùa, xé phay, nướng nhưng món nướng là món đặc sản. Trước khi nướng, rùa phải bị chém một nhát dao trên cổ để lấy tiết hòa với rượu. Khi rùa đã chết, đặt rùa lên lò than hồng, xoay vài lần cho đều lửa . Thịt rùa vừa chín tới, dùng dao bổ nhẹ vào cạnh mai rùa. Cái yếm rùa tách ra để lộ phần thịt bốc khói thơm phức. Chuẩn bị trước một chén hành mỡ để rưới chén hành đó lên thịt rùa. Mùi thơm thịt rùa nướng quyện với mùi mỡ hành, khiến bạn không thể cầm nước miếng.
Nướng lên thành phố
Hiện nay, những món nướng dân dã đâu chỉ chịu ở yên dưới miệt vườn. Nướng "tìm đường" lên thành phố. Nói đúng hơn là người dân thành phố nghe được "tiếng thơm" của nó mà rước nó lên. Quán nứơng mọc như nấm gặp mưa. Trên địa bàn thành phố có đến hàng trăm quán ăn uống trưng bày biển hiệu làng nướng, phố nướng hẳn hoi. Tên gọi "cạnh tranh" nhất là làng nướng Phương Nam. Có dăm bảy chục quán nướng mang tên gọi như vậy, hoặc na ná như vậy. Nhiều quán bán các món nướng khác nhau cũng mang những cái tên đậm đặc chất thôn dã như Hương đồng, Mái nhà tranh, Tràm chim, Láng nướng Hương Việt...Những tâm hồn ăn uống đâu phải nhọc công lặn lội xuống tận miền Tây để ăn dơi nứơng, cu đất nứơng, chuột nướng... nữa. Sướng nhé!
Mà món nướng nước ta không chỉ người Việt mà dân châu Âu, châu Mỹ... cũng mê tít thò lò. Nhiều nhà hàng ở các khách sạn cũng thường xuyên hàng tuần có bữa tiệc với thực đơn là những món nướng đồng quê. Vậy là nướng của vùng đất phương Nam này đã sống khoẻ mạnh, sống xinh tươi giữa lòng thành phố. Chắc bác Ba Phi, ông Tư Đờn Cò còn sống cũng vui lây.
Mừng chớ bộ! Nướng từ quê lên phố có mất gốc không? Dĩ nhiên là "hương đồng gió nội bay đi ít nhiều"
Nhiều món nướng không còn dùng rơm để nướng mà phải nướng bằng lò than, bếp ga, bằng cồn...Có nơi, không dùng đất sét để nướng gà nữa mà lại phải dùng giấy bạc bọc con gà lại rồi nướng..."Nướng khẩn hoang" chế biến ngay "thổ địa" của nó, mộc mạc đơn giản. Nhưng cũng món đó lên thành phố thường được chế biến cầu kỳ hơn. Có món đã đựơc "đồng hoá" cho hợp với khẩu vị ba miền. Lại có món cách điệu theo kiểu nướng châu Âu, gia vị ướp nhiều và thường ướp lâu mới nướng.
Muốn thu hút khách, nhiều quán nướng trong thành phố cũng có những món nướng độc chiêu riêng của mình. Chẳng hạn, cũng là gà nướng, nhưng Làng nướng Nam Bộ nổi tiếng với món gà nướng lu, Làng nướng 3-2 thì lại quyến rũ khách với món gà nướng siêu, Phố nướng Phương Nam trình làng với món gà nướng xôi chiên phồng. Hàng trăm món thịt của muôn thú trên rừng dưới biển là hàng trăm cách chế biến và khi đặt lên ngọn lửa hồng thì cũng có hàng trăm hương vị khác nhau. Món nướng của đồng quê một phần đã biến tấu đi.
Bên cạnh các món nướng đồng quê, trên thành phố còn có các món nướng du nhập từ các nước trên thế giới. Bạn có thể thưởng thức món nướng kiểu Úc tại phố nướng Cali. Hoặc bạn muốn ăn cừu nướng kiểu sa mạc Trung Đông? Sẳn sàng có ngay cho bạn ở quán Thuận Tuấn 284 Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Không sang châu Âu mà vẫn nếm được mùi các kiểu nướng châu lục này bạn có thể ghé thịt nướng Chiều Nay tại 30B Võ Văn Tần.
Nướng xuống vỉa hè
Cũng cần phải kể thêm kiểu nướng này để thấy món nướng hiện nay đã phổ biến đến mức nào. Nướng vỉa hè, tuy không phong phú về món, nhưng các món nướng vỉa hè vừa rẻ, vừa tiện. Rộ nhất hiện nay là gà ta nướng. Khắp nhiều ngả đường, khắp nhiều ngõ hẻm, gà ta nướng mỗi chiều bốc khói nghi ngút và thơm phức trên các bếp than đỏ rực. Gà nướng vỉa hè mỗi nơi chất lượng mỗi khác. Nó phụ thuôc vào tay nghề tẩm gia vị của chủ. Phần lớn chúng được tẩm các loại gia vị tổng hợp như đường, bột ngọt, tiêu, ớt, nước mắm...vào thịt trước khi nướng. Lúc nướng lại được thoa phết thêm bơ, hoặc dầu nên trông da con gà vàng ươm, khá bắt mắt.
Mới đây, có lẽ để câu khách, nhiều người bán gà nướng vỉa hè còn tung ra kiểu gà nướng lu. Kiểu nướng này vệ sinh hơn và ăn cảm thấy ngon ngọt hơn gà nướng lửa than. Ở vỉa hè món chân gà nướng là món bình dân khoái khẩu của nhiều người.
Bên cạnh gà, vỉa hè còn có món nướng khá phổ biến đó là bò nứong là lốt, hoặc mỡ chài. Chiều chiều đi ngang qua đường Tôn Đức Thắng, đoạn gần toà cao ốc 33 tầng, bạn sẽ thấy thơm ngát mùi bò nướng quyện với hương đặc trưng của lá lốt. Nghe chừng cũng muốn dừng làm vài cuốn. Vỉa hè còn có các món nướng thuộc thể loại bình dân. Đó là nghiêu, sò, ốc, hến. Đây là những món ăn chơi "đúng hệ" của chị em phụ nữ. Tuy nhiên, dân nhậu bình dân cũng khóai khẩu không kém.
Vậy là đâu đâu trong thành phố này cũng nướng. Món gì cũng nướng. Có lẽ chúng ta đã quá "thấm nhuần" câu tục ngữ rút ra từ kinh nghiệm ẩm thực lâu đời của cha ông "Nhất nứơng, nhì chiên, tam xào, tứ nấu".
Theo CATP
Quán cháo bò 20 năm ăn kèm với bún lạ lẫm ở An Giang Cháo không chỉ ăn kèm bánh mì mà thực khách còn được miễn phí một phần bún tươi đủ cho bạn một bữa sáng no nê. Quán cháo trước hiên nhà của cô Yến, huyện Tri Tôn, An Giang là địa chỉ ăn điểm tâm quen thuộc của người dân địa phương nơi đây. Bắt đầu từ 6h sáng, khá đông khách ruột...