G7 không đồng thuận về lệnh cấm vận nhằm vào lĩnh vực dầu mỏ của Nga
Ngày 10/3, Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7, gồm Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Mỹ, Anh và Canada) đã thúc giục những nước sản xuất dầu khí chủ chốt tăng lượng giao hàng để giảm thiểu các tác động đối với thị trường năng lượng liên quan tới các lệnh trừng phạt của nhiều nước nhằm vào Nga sau khi nước này mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Giếng lọc dầu ở gần sông Irtysh ở Omsk, Tây Nam Siberia, Nga. Ảnh: Nsenergy Business/TTXVN
Trong một tuyên bố chung, các bộ trưởng năng lượng G7 nhấn mạnh: “Chúng tôi kêu gọi các nước sản xuất dầu hành động có trách nhiệm và xem xét tăng giao hàng cho các thị trường quốc tế, nhất là với những nước chưa khai thác hết sản lượng”. G7 đánh giá cao vai trò của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu (OPEC) và khẳng định sự cần thiết của việc “xem xét những biện pháp hiệu quả nhằm ngăn chặn giá khí đốt gia tăng”.
Tuy nhiên, G7 đã không đạt được đồng thuận về bất kỳ lệnh cấm vận nào đối với các nguồn cung dầu mỏ của Nga. Họ lưu ý rằng một số quốc gia đã công bố biện pháp này, trong khi các nước khác đang nỗ lực để củng cố khả năng tự chủ nguồn năng lượng.
Tuyên bố trên được đưa ra sau cuộc họp trực tuyến trước đó cùng ngày, trong đó các bộ trưởng G7 nhất trí đẩy mạnh các nỗ lực nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Nga. Các bộ trưởng cũng chung quan điểm rằng cần phải đa dạng hóa các nguồn năng lượng, trong đó có năng lượng điện hạt nhân.
Bộ trưởng Năng lượng các nước G7 cũng bày tỏ quan ngại về gánh nặng tài chính của các hộ gia đình và doanh nghiệp khi giá cả đột biến, “đặc biệt là ở các nước châu Âu” và thừa nhận rằng tình hình có thể tồi tệ hơn tại các nước đang phát triển. Các bộ trưởng cam kết nỗ lực phối hợp để đảm bảo đa dạng hóa các nguồn năng lượng, nguồn cung cấp, tuyến đường và phương tiện vận tải.”
Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và Ukraine đã đẩy giá dầu thô lên mức cao nhất trong hơn một thập kỷ qua và gây lo ngại về nguồn cung trên toàn thế giới. Đầu tuần này, hai nước thành viên G7 là Mỹ và Anh đã tuyên bố ngừng nhập khẩu năng lượng của Nga. Quyết định này là một trong những nguyên nhân gây ra một đợt tăng giá nhiên liệu trên thị trường thế giới.
Nga khẳng định tiếp tục xuất khẩu năng lượng
Ngày 10/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định nước này vẫn đang tuân thủ các nghĩa vụ về cung cấp năng lượng, thông qua việc tiếp tục xuất khẩu dầu và khí đốt đồng thời nhấn mạnh Moskva sẽ bình tĩnh giải quyết các vấn đề.
Tổng thống Nga Vladimir Putin chủ trì cuộc họp Hội đồng an ninh Nga tại Moskva, ngày 3/3/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu tại một cuộc họp chính phủ được truyền hình trực tiếp, Tổng thống Putin cho rằng những biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Moskva là không hợp pháp. Dù vậy, ông Putin nhấn mạnh Moskva vẫn đang tôn trọng tất cả những nghĩa vụ cung cấp năng lượng, thậm chí cả hệ thống đường ống vận chuyển khí đốt qua Ukraine cũng vận hành 100% công suất như hợp đồng.
Tổng thống Nga nhận định các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga đang ảnh hưởng tới chính những nước này, trong đó có Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Theo ông Putin, giá cả leo thang nhưng không phải do Nga mà là do các nước đã sai lầm trong tính toán các biện pháp. Tổng thống Putin cảnh báo rằng giá lương thực toàn cầu sẽ còn cao hơn nữa nếu phương Tây tiếp tục gia tăng sức ép kinh tế thông qua các biện pháp cô lập về tài chính và hậu cần với Nga và Belarus, những nước xuất khẩu phân bón hàng đầu thế giới.
Cũng trong cuộc họp này, Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov cho biết Nga đã tiến hành các biện pháp hạn chế dòng vốn đổ ra nước ngoài đồng thời khẳng định Moskva sẽ thanh toán những khoản nợ nước ngoài bằng đồng ruble. Về phần mình, Bộ trưởng Nông nghiệp Dmitry Patrushev nhấn mạnh an ninh lương thực của Nga được đảm bảo và Moskva sẽ tiếp tục thực hiện những nghĩa vụ xuất khẩu đối với các thị trường nông nghiệp toàn cầu.
Trước đó, hồi đầu tuần này, Mỹ và Anh đã thông báo cấm nhập khẩu năng lượng từ Nga như một biện pháp trừng phạt kinh tế sau khi Moskva triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine từ cuối tháng 2. Ngày 9/3, các nước EU cũng nhất trí bổ sung các biện pháp trừng phạt Nga và Belarus. Sau đó cùng ngày, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố Moskva đã lường trước và có sự chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với những biện pháp trừng phạt của phương Tây. Chính phủ Nga khẳng định có đủ nguồn lực để đảm bảo hệ thống tài chính ổn định trong bối cảnh hứng chịu các lệnh trừng phạt và các mối đe dọa từ bên ngoài.
Iran có thể đạt công suất dầu mỏ tối đa chỉ 2 tháng sau thỏa thuận hạt nhân Hãng thông tấn Shana của Iran ngày 3/3 dẫn lời Bộ trưởng Dầu mỏ nước này, ông Javad Owji cho biết công suất dầu mỏ của Iran có thể đạt mức tối đa chỉ khoảng 2 tháng sau khi đạt được thỏa thuận hạt nhân. Toàn cảnh vòng đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran tại Vienna, Áo ngày 9/12/2021....