G20 đặt mục tiêu đạt được thỏa thuận vaccine toàn cầu
Tại Hội nghị Bộ trưởng Y tế Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới ( G20), đang diễn ra tại Rome.
Bộ trưởng các nước đã thảo luận việc phối hợp các chiến lược nhằm nhanh chóng chấm dứt đại dịch COVID-19, trong đó kế hoạch tăng cường phân phối vaccine cho các nước nghèo hơn có nhu cầu được coi là yếu tố rất quan trọng để đạt mục tiêu này.
Nhân viên bốc dỡ các thùng vaccine ngừa COVID-19 được viện trợ theo chương trình COVAX toàn cầu, tại Abidjan, Bờ Biển Ngà, ngày 26/2/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Rome, phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza bày tỏ hy vọng hội nghị sẽ đạt được “Hiệp ước Rome” về phân phối vaccine ngừa COVID-19 để tiêm cho toàn bộ người dân trên thế giới. Ông nói: “Các quốc gia giàu nhất và có tiềm lực nhất cam kết xây dựng một chiến dịch tiêm chủng mở rộng cho tất cả các nước. Chỉ bằng cách làm việc cùng nhau hành động, chúng ta mới có thể đảm bảo việc phân phối vaccine COVID-19 một cách công bằng hơn”, qua đó thu hẹp khoảng cách giữa các nước giàu và nghèo về tiếp cận vaccine phòng bệnh.
Bộ trưởng Speranza bày tỏ sự lạc quan rằng kết quả hội nghị sẽ bao gồm các cam kết đảm bảo tiếp cận vaccine COVID-19 là “quyền của tất cả mọi người, chứ không chỉ là đặc quyền của một số ít”. Theo ông, khó có thể chấm dứt đại dịch trước năm 2023 và điều này sẽ “phụ thuộc vào khả năng người dân tất cả các nước trên thế giới được tiêm chủng.”
Tại hội nghị, Bộ trưởng Y tế Speranza cũng kêu gọi cách tiếp cận “Một sức khỏe” để giảm thiểu nguy cơ xảy ra các cuộc khủng hoảng trong tương lai, ví dụ như một đại dịch khác. Chiến lược “Một sức khỏe” thừa nhận rằng con người, động vật và môi trường có mối liên hệ với nhau.
Italy, nước Chủ tịch G20 năm nay, cho biết mục tiêu của Hội nghị Rome là đưa ra “một thông điệp mạnh mẽ về hợp tác, đoàn kết và công lý, với niềm tin vững chắc rằng không ai bị bỏ lại phía sau”.
Thông điệp chính của Hội nghị Bộ trưởng Y tế G20
Theo phóng viên TTXVN tại Italy, Hội nghị Bộ trưởng Y tế Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), được tổ chức tại Rome (Italy) trong 2 ngày 5 - 6/9, với thông điệp chính là "xây dựng trở lại tốt hơn" và tăng cường hợp tác, đoàn kết và bình đẳng để "không để ai bị bỏ lại phía sau".
Xuất trình thẻ xanh COVID-19 tại Rome, Italy, ngày 6/8/2021. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Hội nghị Bộ trưởng Y tế G20 bao gồm 3 phiên họp. Phiên đầu tiên tập trung thảo luận tác động của đại dịch COVID-19 đến các mục tiêu phát triển bền vững (SDG). Tình trạng khẩn cấp y tế kéo dài hiện đang đe dọa sự tiến bộ trong việc đạt được các SDG. Do đó, thế giới cần phải theo đuổi sự phục hồi có tính đến những bài học kinh nghiệm trong đại dịch COVID-19, điều chỉnh chúng cho phù hợp với bối cảnh SDG.
Phiên thứ hai sẽ tập trung vào việc đưa ra hướng dẫn cụ thể cho những thay đổi này. Các nước G20 sẽ đi tìm lời giải cho câu hỏi là nên làm gì để ngăn chặn, chuẩn bị tốt hơn và ứng phó với các đại dịch trong tương lai.
Phiên thứ ba sẽ xem xét các công cụ cho phép cộng đồng quốc tế chống đại dịch COVID-19 một cách hiệu quả. Các nước thành viên G20 đề cập đến việc xác định những chiến lược toàn cầu tốt nhất có thể để hỗ trợ việc phát triển và tiếp cận công bằng vaccine, phương pháp điều trị và việc chẩn đoán.
Hội nghị bộ trưởng Y tế G20 tại Rome là bước tiến trên con đường mà Italy, nước đang giữ chức Chủ tịch G20 năm nay, đã thực hiện cùng với các thành viên G20, các quốc gia khách mời và các tổ chức quốc tế. Trong khi duy trì vai trò trung tâm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), G20 đặt mục tiêu cải thiện sự hợp tác giữa các tổ chức quốc tế hiện có và chính quyền các nước, chuẩn bị khả năng thành lập diễn đàn điều phối và ra quyết định chung của các Bộ trưởng Y tế và Tài chính G20, mở cửa cho các tổ chức quốc tế và các bên liên quan khác. Việc đảm bảo một hệ thống tài chính vững chắc và ổn định hơn là hệ quả thiết yếu cho mục tiêu này, vừa để vượt qua COVID-19, vừa để được trang bị tốt hơn cho việc đối phó với các đại dịch trong tương lai.
Người phụ nữ gốc Việt 'nắm trong tay sức khỏe thế giới' Aurélia Nguyen, nhà khoa học gốc Việt, chịu trách nhiệm điều phối và cung cấp vaccine Covid-19 cho 190 nền kinh tế thông qua chương trình COVAX. "Không quá lời khi nói rằng sức khỏe của cả thế giới đang nằm trong tay Aurélia Nguyen", tạp chí Time giới thiệu trong bài viết hôm 17/2 về người phụ nữ gốc Việt được bổ...