G20 có thể không đạt thỏa thuận bơm tiền hỗ trợ EU
Tại hội nghị trong hai ngày 24 và 25/2 ở thủ đô Mexico, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới ( G20) đã tập trung bàn thảo về các giải pháp nhằm tăng cường sự hỗ trợ tài chính giúp châu Âu đối phó với khủng hoảng nợ công.
Bộ trưởng Tài chính Mexico Jose Antonio. (Ảnh: Reuters)
Vấn đề tranh cãi chính tại hội nghị là việc huy động thêm các nguồn lực tài chính để giúp châu Âu kiểm soát khủng hoảng nợ. Châu Âu hy vọng Trung Quốc, Nhật Bản và các nước khác sẽ tăng thêm khoản đóng góp cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để quỹ này có đủ năng lực hỗ trợ các nước khu vực đồng euro ( Eurozone) đang gặp khó khăn. Trong khi đó, nhiều nước G20 cho rằng trước tiên châu Âu cần tạo ra các bức tường lửa vững chắc, nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan của khủng hoảng nợ tới các khu vực khác, trước khi nhận được sự giúp đỡ từ bên ngoài.
Bộ trưởng Tài chính Mexico, Jose Antonio nói hiện vẫn còn quá sớm để bàn đến những cách thức hay con số cụ thể mà các nước G20 sẽ cam kết để tăng nguồn lực cho IMF.
Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Đức, Jens Weidmann cho rằng sẽ không có quyết định nào về vấn đề này được đưa ra tại hội nghị. Ngay cả các nước G20 sẵn sàng giúp đỡ châu Âu cũng sẽ phải chờ cho đến khi các nhà lãnh đạo của khu vực chứng minh rằng họ đang nỗ lực hành động để giải quyết cuộc khủng hoảng. Rất có thể, những quyết định cụ thể sẽ phải chờ đến tháng 4, khi các quan chức tài chính G20 lại nhóm họp bên lề các hội nghị mùa Xuân của IMF và Ngân hàng Thế giới hoặc phải tới tháng 6, tại hội nghị thượng đỉnh của G20.
IMF hiện muốn huy động thêm 500 tỷ USD từ các nước thành viên để có thể bảo vệ các nước trước tác động của khủng hoảng nợ công. Tuy nhiên, điều này vấp phải sự miễn cưỡng từ một số nước, trong đó có Mỹ và Canada. Mỹ, nước có tiếng nói lớn nhất trong IMF, khẳng định sẽ không cấp thêm tiền mặt cho thiết chế này, nhất là khi cuộc bầu cử tại Mỹ trong năm nay sẽ khiến việc phê chuẩn của Quốc hội đối với một giải pháp như vậy trở nên khó khăn. Sự khước từ của Mỹ đối với ý tưởng trên đang đặt trách nhiệm lên vai các nước giàu châu Âu cũng như Trung Quốc và Nhật Bản cùng các nước khác. Nhật Bản nói có thể sẽ bơm thêm 50 tỷ USD cho IMF, song hiện vẫn chưa đưa ra cam kết chính thức.
Về vấn đề tăng cường quy mô của các quỹ cứu trợ khu vực, Đức đã lên tiếng phản đối, cho rằng sẽ không phải là khôn ngoan nếu cứ mãi bơm tiền vào các quỹ này. Theo các quan chức Berlin, này đang đóng góp nhiều tới mức thiếu hợp lý cho các nỗ lực cứu trợ và khẳng định việc tăng cường kỷ luật ngân sách là cần thiết để đảm bảo sự ổn định của liên minh tiền tệ. Nhiều nước cả trong và ngoài Eurozone đã đề nghị kết hợp quỹ cứu trợ tạm thời và quỹ cứu trợ thường trực của khu vực, sẽ đi vào hoạt động từ tháng 7 tới, để đưa năng lực cho vay lên khoảng 750 tỷ euro (1.000 tỷ USD).
Các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ bàn về vấn đề này tại hội nghị diễn ra vào ngày 1/3 tới.
Bên cạnh hai vấn đề trên, các đại biểu tham dự hội nghị đã kêu gọi G20 nỗ lực hơn nữa trong việc thúc đẩy tăng trưởng, khi khủng hoảng nợ ở Eurozone đang de dọa nền kinh tế toàn cầu. Các đại biểu cũng cho rằng các quy định tài chính khắt khe hơn nên được áp dụng chậm hơn để tránh gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới triển vọng tăng trưởng dài hạn của nhiều nước./.
Theo TTXVN
Giải quyết khủng hoảng nợ: Châu Âu sử dụng biện pháp ngoại lệ
Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) ngày 27-10 đã thông qua một thỏa thuận quan trọng nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng nợ công ngày càng nghiêm trọng tại khu vực này.
Các nhà lãnh đạo châu Âu cuối cùng cũng đạt được thỏa thuận xử lý khủng hoảng nợ
Trong cuộc họp thượng đỉnh bắt đầu chiều 26-10 và kết thúc vào sáng sớm 27-10 tại Brussels (Bỉ), các nhà lãnh đạo châu Âu đã đạt được thỏa thuận trong đó các ngân hàng chấp thuận xóa 50% trong khoản nợ 350 tỷ euro của Hy Lạp. Động thái này được kỳ vọng sẽ giúp Hy Lạp giảm nợ công xuống còn 120% GDP của nước này vào năm 2020.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy cho biết, Eurozone và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng đồng ý cho Hy Lạp vay thêm 100 tỷ euro (140 tỷ USD). "Đây là những biện pháp ngoại lệ cho những thời điểm ngoại lệ. Châu Âu phải tìm cách để không bao giờ rơi vào hoàn cảnh tương tự", Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso nói sau cuộc họp của các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu. Cũng theo thỏa thuận đạt được, các ngân hàng châu Âu sẽ phải tăng thêm vốn dự trữ để tự bảo vệ họ khỏi nguy cơ vỡ nợ chính phủ trong tương lai. Động thái này là một bước quan trọng hướng đến ổn định khu vực Eurozone.
Cùng với đó, các nhà lãnh đạo châu Âu có kế hoạch tăng Quỹ ổn định tài chính châu Âu lên khoảng 1 nghìn tỷ euro (1,4 tỷ USD) để bảo vệ các nền kinh tế lớn hơn như Italia và Tây Ban Nha và ngăn chặn cuộc khủng hoảng lan rộng. "Chúng tôi đã đạt được một thỏa thuận cho phép chúng tôi phản ứng đáng tin cậy và toàn diện đối với cuộc khủng hoảng nợ công Hy Lạp", Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy nói với các phóng viên.
Còn Thủ tướng Đức Angela Merkel đánh giá, thỏa thuận này sẽ tái khẳng định với thế giới về tương lai của Eurozone. "Chúng ta có thể hy vọng rằng đã có hành động đúng đắn cho Eurozone", bà Merkel nói, "Thỏa thuận này giúp chúng ta đạt được một bước tiến xa hơn trên con đường hướng tới một liên minh ổn định hơn". Hiện các nhà lãnh đạo châu Âu đang gây sức ép mạnh mẽ lên ông Silvio Berlusconi, Thủ tướng Italia - nước có nền kinh tế lớn thứ ba châu Âu - nhằm đưa ra các kế hoạch cải cách đúng đắn và rõ ràng.
Theo ANTD
"Trung Quốc không có khả năng mua châu Âu" Theo AFP, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo ngày 3/2 cho biết cường quốc châu Á này không có khả năng lẫn ý định "mua châu Âu," trong bối cảnh dư luận quan ngại về việc Trung Quốc gia tăng đầu tư vào các nền kinh tế thuộc khối sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang gặp khó khăn do...