G-7 ưu tiên thảo luận về Ukraine và Hy Lạp trong ngày đầu tiên
Trong ngày họp đầu tiên (7/6) của Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G-7) tại lâu đài Elmau, miền Nam nước Đức, các nhà lãnh đạo G-7 đã tiến hành thảo luận một số chủ đề bao gồm kinh tế; thương mại và các tiêu chuẩn; chính sách an ninh và đối ngoại.
Các nhà lãnh đạo G7 thảo luận tại Hội nghị ngày 7/6. Ảnh: TTXVN
Phóng viên TTXVN đưa tin từ Trung tâm báo chí quốc tế Hội nghị G-7 cho biết, các nhà lãnh đạo G-7 đã đạt được nhất trí về việc thúc đẩy tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP). Việc đàm phán sẽ được đẩy mạnh trong những tháng tới để có thể đạt được một kết quả cụ thể vào cuối năm nay.
Về cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker kêu gọi Hy Lạp nhanh chóng đưa ra những đề xuất cải cách mới, đồng thời cho biết ông sẽ gặp Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras vào giữa tuần tới để thảo luận về khủng hoảng nợ của Athens.
Liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine và quan hệ với Nga, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Mỹ Obama cho biết sẽ nới lỏng các biện pháp trừng phạt Moskva nếu Thoả thuận hoà bình Minsk được triển khai theo đúng kế hoạch. Ngược lại, Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu Donald Tusk ám chỉ có thể siết chặt thêm các biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga.
Một sự kiện bên lề nhưng thu hút được nhiều chú ý là cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Anh David Cameron thảo luận về quan hệ song phương cũng như các vấn đề cùng quan tâm.
Video đang HOT
Tại cuộc gặp, người đứng đầu Nhà Trắng đã đề nghị Anh tiếp tục ở lại Liên minh châu Âu (EU), bởi điều đó sẽ có tác động tích cực tới EU cũng như cả thế giới. Cũng tại cuộc gặp, Thủ tướng Cameron cho biết Anh sẽ cử thêm 125 chuyên gia huấn luyện quân sự tới Iraq, nâng tổng số quân nhân Anh tại nước này lên 900 người. Phần lớn các chuyên gia mới sẽ tham gia huấn luyện cho quân đội Iraq, hướng dẫn việc phát hiện và rà phá bom, chất nổ do các tay súng thuộc “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng cài đặt. Theo kế hoạch tại Elmau, Tổng thống Obama và Thủ tướng Cameron sẽ gặp Tổng thống Iraq Haider al-Abadi để thảo luận việc tiếp tục hỗ trợ Baghdad chống IS.
Trước khi khai mạc hội nghị, Tổng thống Mỹ Obama cũng đã hội đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel. Chủ đề bao trùm cuộc gặp là quan hệ song phương và chính sách với Nga liên quan cuộc khủng hoảng Ukraine, cũng như các chủ đề sẽ được các nhà lãnh đạo G-7 bàn thảo trong hai ngày làm việc ở Elmau.
Dự kiến, trong ngày họp thứ hai 8/6, Hội nghị sẽ đề cập vấn đề chống biến đổi khí hậu. Sau đó, các nhà lãnh đạo G-7 sẽ tiến hành đối thoại mở rộng với các đại diện đến từ châu Phi và Arab, trong đó có nội dung về y tế và chống khủng bố.
Trong ngày, lãnh đạo G-7 đã nhất trí phối hợp chặt chẽ trong việc xử lý các vấn đề liên quan tới Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng dự kiến sẽ triển khai hoạt động vào cuối năm nay.
Phát biểu trong ngày đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh kéo dài 2 ngày tại Đức, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết ông “không có ý chỉ trích” một số thành viên G-7 đã ký tham gia làm thành viên sáng lập ngân hàng này mà kêu gọi các lãnh đạo khác của nhóm “xem xét vấn đề với cùng một ý chí” và “đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ trong G-7″.
Theo Phó Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hiroshige Seko, ông Abe cũng kêu gọi sự minh bạch trong quản lý và tiêu chuẩn cho vay của AIIB. Ngoài ra, Thủ tướng Abe cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết các vấn đề như tham nhũng. Theo người phát ngôn của Thủ tướng Abe, Nhật Bản sẽ không nói liệu có gia nhập ngân hàng này hay không cho tới khi Trung Quốc giải quyết được các quan ngại về vấn đề nhân quyền, khả năng đối phó với vấn đề nợ, bảo vệ môi trường và quản trị.
Hội nghị sẽ bế mạc chiều 8/6 với một tuyên bố chung.
Theo Báo Tin tức
Hàng ngàn người biểu tình phản đối Hội nghị G7 tại Đức
Khoảng 4.000 người xuống đường biểu tình ngày 6.6 trước thềm Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) tại Đức.
Người biểu tình tập trung trên một con đường ở thành phố Garmisch-Partenkirche, Đức ngày 6.6 để phản đối hội nghị thượng đỉnh G7 - Ảnh: Reuters
Lực lượng cảnh sát hùng hậu được điều động để đảm bảo an ninh khu vực quanh nơi diễn ra thượng đỉnh G7 tại thành phố Garmisch-Partenkirchen, Đức, theo AFP. Trên 22.000 cảnh sát đã được triển khai, theo Reuters.
Chính quyền thành phố Garmisch-Partenkirchen cho biết có 7 cảnh sát và khoảng 30 người biểu tình bị thương trong một số vụ đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình. Ngoài ra, có một trường hợp cảnh sát dùng đến hơi cay để giải tán người biểu tình.
Những người biểu tình biểu tình phản đối Hội nghị thượng đỉnh G7 tập trung trên các con đường gần khách sạn xa xỉ Schloss Elmau ở thành phố ở Garmisch-Partenkirchen, nơi tổ chức Hội nghị thượng đỉnh. Lực lượng cảnh sát chống bạo động được triển khai để theo dõi sát sao những người này.
Cảnh sát ước tính có 3.500 - 4.000 người biểu tình, trong khi những người tổ chức biểu tình cho biết có đến 7.500 người, theo Reuters.
Không khí biểu tình được ghi nhận là ồn ào với tiếng trống, lục lặc, trang phục và "đạo cụ" nhiều màu sắc... Người biểu tình hô to những khẩu hiệu phản đối G7, mang theo biểu ngữ như "cách mạng chống G7" và "G7 xuống địa ngục đi! Tôi thích Putin".
Người biểu tình phản đối thượng đỉnh G7 đụng độ với cảnh sát tại thành phố thành phố Garmisch-Partenkirche, Đức ngày 6.6 - Ảnh: Reuters
"Tôi biểu tình bởi vì những tập đoàn tài chính lớn chi phối chính trị. Vấn đề nghèo đói không được đem ra thảo luận giải quyết. Như vậy không công bằng", ông Thomas Schmidbauer, một người đàn ông 50 tuổi tham gia biểu tình, cho biết.
Ở tuổi 73, bà Margit Landgraf đứng đầu một nhóm người giơ biểu ngữ kêu gọi "biểu tình ôn hòa". "Tôi chỉ muốn mọi thứ diễn ra trong ôn hòa. Những gì người biểu tình kêu gọi là không sai. Nhưng đối với tôi quan trọng nhất là biểu tình ôn hòa", bà Landgraf nói với AFP.
Một phụ nữ 23 tuổi tham gia biểu tình, đề nghị không nêu tên, cho AFP biết: "Chúng tôi có mặt tại đây để lên án chủ nghĩa tư bản. G7 chỉ là sự thể hiện quyền lực và không còn phù hợp với dân chủ".
Phúc Duy
Theo Thanhnien
Lộ kế hoạch lớn trong chính sách quốc phòng Nhật Bản Sau khi đạt được nhiều bước tiến quan trọng trong chính sách quốc phòng an ninh, Nhật Bản tiếp tục lộ kế hoạch xây căn cứ quân sự tại châu Phi. Xây căn cứ quân sự tại châu Phi Ngày 19/5, tờ Văn Hối (Hồng Kông, Trung Quốc) dẫn thông tin từ truyền thông Nhật Bản cho biết, Chính phủ Nhật Bản có...