FPT Software đặt mục tiêu phá vỡ kỷ lục về doanh thu
Sau khi đạt mức doanh thu kỷ lục của một công ty phần mềm Việt Nam là 100 triệu USD năm 2013, Công ty phần mềm FPT Software đã đặt mục tiêu phá vỡ kỷ lục này trong năm 2014 với con số 130 triệu USD.
Tại Lễ kỷ niệm 15 năm thành lập FPT Software, chiều 13/1, ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Software cho biết hiện đơn vị này có khoảng 5.100 nhân viên. Con số này sẽ được tăng thành 6.500 người trong năm 2014.
Ra đời từ năm 1999 với 13 nhân viên, tới nay FPT Software đã trở thành công ty phần mềm lớn nhất Việt Nam. Trong giai đoạn 2004-2013, mức tăng trưởng bình quân của đơn vị này là 49%/năm về doanh thu và 43%/năm về lợi nhuận. Hiện FPT Software có văn phòng, chi nhánh tại 8 quốc gia, là đối tác của 219 tập đoàn, công ty lớn thuộc 19 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Chỉ tính riêng trong 2013, FPT Software đã “thâu tóm” được những hợp đồng quan trọng như Tập đoàn Recruit Technologies (Nhật Bản), thỏa thuận hợp tác song phương với Vietnam Airlines trong việc hỗ trợ đơn vị này hoàn thiện, hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin…
Trong mảng công nghệ, dịch vụ mới, FPT Software đã thành công với nhiều dự án cung cấp phần mềm trên nền công nghệ điện toán đám mây, công nghệ di động cho các tập đoàn thuộc danh sách Forbes 1.000 của Mỹ, Liên minh các nhà sản xuất TV thông minh lớn nhất thế giới…
Để hiện thực hóa ước mơ đạt doanh thu 1 tỷ USD và hàng chục nghìn nhân viên, lãnh đạo FPT Software cho biết sẽ tập trung mọi nguồn lực để khai thác hiệu quả các cơ hội từ khách hàng truyền thống. Bên cạnh đó, FPT Software sẽ chớp cơ hội từ dịch vụ theo xu hướng công nghệ mới, đẩy mạnh đầu tư cho công nghệ điện toán đám mây, dữ liệu lớn, di động, đào tạo và tuyển chọn nhân lực…
Tuy mục tiêu 1 tỷ USD còn khá xa, nhưng trong một lần trao đổi, lãnh đạo FPT Software cho biết mục tiêu tới 2016 của đơn vị này là lớn gấp đôi so với hiện tại. Nghĩa là, FPT Software sẽ đạt 10.000 người và doanh thu là 200 triệu USD.
Những con số trên của FPT Software không phải là không có cơ sở, khi mà “miếng bánh” thị trường phần mềm thế giới còn khá lớn mà năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam chưa thể đáp ứng đủ.
Video đang HOT
Tuy nhiên, để cán được đích, chắc chắn những người chèo lái con thuyền FPT Software sẽ còn phải vượt qua rất nhiều vật cản, đặc biệt là nguồn nhân lực kỹ sư công nghệ thành thạo ngoại ngữ vốn đang là thách thức.Tại lễ kỷ niệm, FPT Software đã nhận được bằng khen của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ vì những đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của ngành công nghệ phần mềm Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Nguyễn Minh Hồng nhận định, những thành công vừa qua là minh chứng rõ nhất về năng lực của FPT trên thị trường quốc tế.
Ngoài ra, những cố gắng của FPT Software đã góp phần đưa Việt Nam hiện diện trên bản đồ phần mềm quốc tế.
Theo Vietnamplus
Phần mềm: Ước mơ hóa rồng.. chưa vượt ải vũ môn!
Trong Sử ký FPT 13 năm, ông Hoàng Minh Châu-một trong những "công thần" của FPT có kể lại vào những năm 1998, Chủ tịch hội đồng quản trị FPT Trương Gia Bình khi ấy cho rằng "đang đứng trước những thử thách mới và vận hội mới to lớn mà tiêu điểm là phát triển và xuất khẩu phần mềm."
Một phần mềm "Made in Việt Nam" đình đám toàn cầu hiện chỉ có trong giấc mơ của người yêu công nghệ Việt. (Ảnh: T.H/Vietnam )
Đó là ước mơ không hề viển vông, bởi trên thực tế thì đó là con đường hợp lý và có thể nói là "duy nhất" để đưa ngành công nghệ trong nước phát triển. FPT không hổ danh đứng vai con tàu lớn nhất luôn đi đầu đã lao ra biển lớn để thực hiện ước mơ đó. Và một kỳ vọng "đẻ" ra những phần mềm đình đám, có thể tô đậm tên tuổi Việt Nam nói chung và FPT nói riêng trên bản đồ công nghệ toàn cầu, được đẩy lên mức cao nhất.
Dễ đến 5 năm liên tiếp trở lại đây, khi đưa ra xu hướng dự báo cho năm sau, các chuyên gia công nghệ thông tin cũng như các nhà báo chuyên theo dõi mảng này đều chung nhận định là: năm sau phần mềm Việt Nam không có sự đột phá.
Và, thực tế thì cho tận đến đầu năm 2014, sự "đột phá" vẫn chỉ là mong ước ngậm ngùi của những người thiết tha với ngành công nghệ Việt.
Bài 1: Vỡ mộng sản xuất hàng "Made in Việt Nam"
FPT Software đến nay đã 15 tuổi, một quãng đường không hề ngắn với một doanh nghiệp khai phá một lĩnh vực mới. Không thể phủ nhận rằng, FPT Software đã từng bước chinh phục và chiếm lĩnh thị trường trong nước, cũng như bước chân ra thế giới với những kết quả không tồi.
Thế nhưng, 15 năm, vẫn chưa có một sản phẩm phần mềm in chữ "Made by FPT" hoặc "Made in Việt Nam" đình đám. Cũng có nghĩa là, chữ "sản xuất" ở lĩnh vực này còn rất mờ nhạt, phần mềm Việt Nam vẫn bằng lòng ở con số doanh thu khá ổn nhất là trong thời điểm kinh tế khó khăn này cùng tốc độ tăng trưởng 30%/năm về dịch vụ.
Với sự "bằng phẳng" của thế giới Internet, bùng nổ các thiết bị di động, ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam viết phần mềm, các ứng dụng cho di động. Thế nhưng, cái tên FPT vẫn "lẩn khuất" đâu đó và bản thân các phần mềm có sức ảnh hưởng "toàn cầu" vẫn đang là ước mơ.
Có chăng, các phần mềm được nhắc tới lại chính là các sản phẩm diệt virus của Bkav, CMC hay ứng dụng Zalo của VNG mà "ông lớn phần mềm FPT" lại chưa ghi danh dù một sản phẩm nhỏ, trong doanh số hơn 100 triệu USD của năm 2013.
Chia sẻ chiến lược toàn cầu của mình, một lãnh đạo của FPT thẳng thắn cho rằng sẽ "đầu tư sâu" vào một số lĩnh vực công nghệ trong thời gian tới. Đó chính là mạng xã hội, di động, bigdata và cloud.
Lý giải điều này, ông nói thời của Y2K (sự cố máy tính năm 2000) đã tạo ra cơ hội cho các công ty Ấn Độ. Nhưng hiện tại, bốn lĩnh vực kể trên cho phép FPT Software có cơ hội như thời Y2K.
Hiện nay, trong số 7 tỷ người trên toàn cầu thì có 3,5 tỷ dùng điện thoại và 50% trong số đó dùng smartphone. Điều này đồng nghĩa tất cả ứng dụng trên thế giới đều phải có ứng dụng di động. Khi đã dùng ứng dụng mobile, người ta không thể lưu dữ liệu ở máy tính được mà phải lưu trên cloud thì mới tiếp cận ở khắp nơi.
Và, khi lượng dữ liệu lớn như vậy thì Bigdata là lựa chọn. Tiếp đến, việc di động dẫn đến mọi người được kết nối nhau ở môi trường mạng xã hội, tiêu biểu như Facebook.
Cơ hội kinh doanh là ở đó. Cơ hội này rất hay ở chỗ, nếu nói đến các ứng dụng truyền thống như trong ngành viễn thông, ngân hàng, tài chính... chúng ta không có cửa cạnh tranh với Ấn Độ vì khoảng cách là 20 năm. Nhưng cũng trong ngành đấy mà phải cạnh tranh bằng cloud, mobility, bigdata... thì khoảng cách giữa doanh nghiệp Ấn Độ và FPT Software chỉ là 1-2 năm mà thôi.
Ngoài ra, chiến lược của FPT Software còn tập trung đầu tư sâu vào hệ thống tự động trên các thiết bị (ví dụ ôtô, máy bay...), các lĩnh vực hẹp...
Và tuyệt nhiên, Con chim đầu đàn của ngành phần mềm Việt - FPT Software không hề nhắc đến việc sản xuất ra phần mềm trong chiến lược của mình.
Khi được hỏi về điều này, vị lãnh đạo trên thẳng thắn nói, việc sản xuất ra phần mềm chưa phải là định hướng của doanh nghiệp.
Theo ông, trong nghề phần mềm có khái niệm niệm software service (dịch vụ phần mềm) và software product (sản phẩm phần mềm) và có rất ít quốc gia làm được cả hai.
"Tất cả các phần mềm đều xuất hiện từ Mỹ hoặc các kỹ sư đến từ Israel hay cả nước Đức chỉ có mỗi tập đoàn SAP. Nhưng, thị trường dịch vụ phần mềm thì lại mở. Tôi cho rằng đây là sự phân công lao động của thế giới và chúng ta phải nhận thấy mình đang phù hợp với việc làm dịch vụ phần mềm," ông chia sẻ.
Tuy nhiên, "ông cũng khẳng định Việt Nam luôn có những cá nhân xuất sắc và: "Rồi người Việt sẽ làm ra phần mềm cho cả thế giới dùng. Nhưng đây hiện chưa phải là định hướng của FPT."
Trên thực tế thì việc làm ra một phần mềm "made in Việt Nam" sẽ là rất khó, điều này lại còn khó hơn nữa khi rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam không giữ được nhân tài. Lãnh đạo của FPT Software từng thừa nhận, nhiều cử nhân của Đại học FPT không về đơn vị này làm việc và nhận lời mời của những doanh nghiệp Nhật Bản.
Và khi cả quyết tâm và nhân sự không có, thì hãy cứ lựa chọn con đường ở lĩnh vực dịch vụ phần mềm vì nó đang mang lại doanh thu lớn. Còn sản phẩm "made in Việt Nam" thì cứ để cho giấc mơ còn treo ở đó... Biết đâu, có một ngày...?!
Theo Vietnamplus
Xu hướng IT năm 2014 Bước sang năm 2014, thị trường công nghệ thông tin và truyền thông (IT) Việt Nam chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi. Sự nổi lên của nền tảng thứ 3 (Điện toán đám mây, dữ liệu lớn - Big Data, xu hướng di động và mạng xã hội) đòi hỏi các công ty cung cấp dịch vụ, giải pháp công nghệ và...