Formosa xin xả thải ra biển để tránh ô nhiễm… sông
Phó Bí thư Hà Tĩnh cho biết: Formosa xin xả ra biển vì xả ra sông Quyền không đảm bảo môi trường.
Một góc dự án Formosa Hà Tĩnh
Chiều 8/9, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã làm việc với tỉnh Hà Tĩnh về công tác đảm bảo môi trường các dự án trên địa bàn.
Sau khi thảo luận về vấn đề xả thải của Formosa gây ra hậu quả nghiêm trọng trong thời gian qua, các đại biểu đã quan tâm đến việc Formosa xả thải ra biển bằng ống ngầm sẽ khó kiểm soát hơn. Do đó, cần nghiên cứu và xem xét kỹ vấn đề này do dự án Formosa có thời gian hoạt động dài tới 70 năm.
Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh, Trần Nam Hồng cho biết: “Trước năm 2008, khi tôi làm Trưởng BQL Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh), thì quy hoạch tất cả các dự án ở Vũng Áng đều xả vào sông Quyền, sau đó mới đổ ra biển. Nói là sông Quyền nhưng thực ra đó là một cái hồ rất lớn, rộng hàng trăm héc-ta. Chứ giờ mà cứ mỗi nhà máy nào cũng xả ra biển thế này thì sẽ như thế nào? Xả ra sông Quyền thì chúng ta sẽ dễ giám sát hơn. Thời điểm chuyển xả thải từ sông ra biển thì chính Formosa đã có văn bản ghi nguyên văn “Xin xả ra biển vì xả ra sông Quyền không đảm bảo môi trường”.
Phó Bí thư thường trực Hà Tĩnh Trần Nam Hồng phát biểu tại hội nghị
Video đang HOT
Cũng theo ông Hồng, các sở, ngành thời đó và UBND tỉnh cũng ký văn bản cho Formosa làm. Thậm chí, Bộ TN&MT lúc đó phê duyệt dự án này (chuyển từ sông ra biển_PV) là “sau khi việc đã rồi”. Dù trên thực tế, việc xả ra biển hay ra sông Quyền cũng đều xả ra môi trường tự nhiên, thì phải đảm bảo môi trường là được. Nhưng ở đây, họ (Formosa_PV) khẳng định xả ra sông Quyền không đảm bảo môi trường nên xin xả ra biển, rõ ràng là có ý.
Trước sự cố đã diễn ra, lãnh đạo Tỉnh uỷ Hà Tĩnh cho rằng: Bộ TN&MT cần tiếp tục nghiên cứu thêm theo hướng nên chọn phương án tối ưu nhất vì dự án triển khai trong 70 năm, nếu tiếp tục xả thải trực tiếp ra biển như vậy thì liệu sẽ có bao nhiêu lần tiếp tục gây hậu quả khôn lường.
Phó Bí thư tỉnh Hà Tĩnh Trần Nam Hồng cũng cho rằng nên để nhà máy này (Formosa _PV) công suất ở mức 7,5 triệu tấn/năm thay vì 15 triệu tấn hay 22 triệu tấn/năm và cần chú trọng việc đảm bảo môi trường.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Thị Nữ Y chia sẻ: Bài học Formosa là bài học đắt giá. Đối với quy hoạch điện thì công suất lên tới 6.300 MW đều tập trung tại Vũng Áng, lại toàn là nhiệt điện vậy có đảm bảo không và đừng vì quy hoạch rồi mà chúng ta không thay đổi được.
Trước đó, sáng 8/9, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà đã vào dự án Formosa Hà Tĩnh để kiểm tra các cam kết của Formosa về thực hiện bảo vệ môi trường… Tại dự án Formosa, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã tới thị sát kho chứa rác thải của Formosa. Tại đây, Bộ trưởng đã trao đổi những vấn đề liên quan đến việc thu gom, tập kết, xử lý rác thải của nhà máy. Bộ trưởng nhấn mạnh, sự cố môi trường xảy ra vừa qua là hết sức nghiêm trọng, do đó, việc xử lý rác thải cần phải thận trọng, an toàn, dù là bất cứ công ty nào đảm nhận việc xử lý rác thải cũng cần phải kiểm tra kỹ năng lực của họ, đảm bảo đúng quy trình, trách nhiệm.
Theo Trần Lộc (Báo Giao thông)
Formosa sẽ phát sinh hơn 700 tấn chất thải mỗi ngày khi vận hành chính thức
Hiện chất thải rắn mỗi ngày của Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh khoảng 200-220 tấn, khi đi vào hoạt động chính thức sẽ tăng lên 650-710 tấn, trong đó có gần trăm tấn chất thải nguy hại.
Chiều 8/9, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà có buổi làm việc với UBND tỉnh Hà Tĩnh để nghe báo cáo kết quả khắc phục vi phạm và cam kết bảo vệ môi trường của Công ty Formosa Hà Tĩnh.
Ông Dương Tất Thắng, Phó chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh cho biết, ngày 23/8, lãnh đạo tỉnh đã tổ chức làm việc với Formosa để nghe báo cáo tình hình quan trắc và cam kết xử lý môi trường tại dự án.
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo Hà Tĩnh tại buổi làm việc chiều 8/9. Ảnh: Đức Hùng
Formosa thông tin, hiện chất thải rắn phát sinh mỗi ngày của công ty khoảng 200 đến 220 tấn các loại. Khi đi vào hoạt động chính thức, khối lượng chất thải phát sinh khoảng 650 đến 710 tấn mỗi ngày. Trong đó chất thải sinh hoạt khoảng 2,5-3 tấn; chất thải công nghiệp, bùn thải khoảng 5-6 tấn; tro bay 500-550 tấn; thạch cao 100 tấn; tro đáy 35-40 tấn; chất thải nguy hại 96 tấn.
Hiện tại, Hà Tĩnh yêu cầu Formosa khẩn trương khắc phục 21 hạng mục vi phạm còn tồn tại, thực hiện nội dung đã cam kết về bảo vệ môi trường. Formosa vận hành thử nghiệm các hạng mục công trình của dự án phải được Bộ Tài nguyên và Môi trường chấp thuận. Khi vận hành chính thức phải được Bộ cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường.
Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh trình bày một số khó khăn trong quá trình quản lý chất thải của Formosa. Hiện chất thải tồn đọng tại dự án khá lớn, trong khi các nhà máy phụ trợ phục vụ xử lý chất thải còn ít và chưa đáp ứng được yêu cầu.
Nhà chức trách kiểm tra việc xử lý bùn thải tại dự án Formosa. Ảnh: Đức Hùng
Tỉnh chỉ có một nhà máy xử lý chất thải công nghiệp của Công ty TNHH MTV chế biến rác thải công nghiệp Hà Tĩnh tại xã Kỳ Tân (Kỳ Anh) đang vận hành thử nghiệm và chuẩn bị đi vào hoạt động, công suất xử lý khoảng 1.000 tấn mỗi ngày. Tuy nhiên nhà máy chưa được Bộ Tài nguyên cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường và cấp giấy phép xử lý chất thải nguy hại.
Tỉnh Hà Tĩnh đã yêu cầu Formosa cần có phương án ký hợp đồng với các đơn vị đủ tư cách pháp nhân xử lý chất thải, đặc biệt là chất nguy hại. Trường hợp chưa làm được thì phải phân loại, đóng gói, quản lý bảo quản theo đúng quy định, nghiên cứu phương án xây dựng nhà máy xử lý riêng phục vụ dự án Formosa.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh cần giải quyết những vấn đề cấp bách trong 21 hạng mục vi phạm của Formosa thì mới được vận hành sản xuất. "Bên cạnh xây dựng các hồ xử lý sự cố, phải kiểm soát được nguồn nước thải trước khi xả ra. Cần tính được bài toán chịu tải của môi trường để đảm bảo phát triển bền vững", ông Hà nói.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã đi thị sát, kiểm tra quá trình xử lý chất thải và xem xét cam kết bảo vệ môi trường của Công ty Formosa Hà Tĩnh. Ông Hà yêu cầu tổ giám sát hoạt động của Formosa Hà Tĩnh phải theo dõi chặt chẽ việc xả thải từ công ty này, đảm bảo chất thải trước khi xả ra biển được xử lý tại bể sinh học, trong bể sinh học nuôi các loại cá sống khỏe mạnh.
Tổ giám sát Formosa hoạt động "dở dơi dở chuột"
Tại buổi làm việc, ông Phan Lam Sơn, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh cho hay hiện tại tổ giám sát các hoạt động của Formosa gồm 12 người do ông làm tổ trưởng, được thành lập ngày 19/7 hoạt động chưa hiệu quả. Điều bất cập là nhiệm vụ trùng nhau, mọi hoạt động đều do Bộ điều hành nên các thành viên đều lúng túng dẫn tới việc sử dụng con người trong nhóm không phát huy được hiệu quả.
"Cách điều hành con người trong tổ hiện nay 'dở dơi, dở chuột'. Nếu chuyên trách thì để họ chuyên trách, không dính dáng gì tới việc cơ quan. Đằng này đây vừa chuyên trách vừa kiêm nhiệm", ông Sơn nói và đề nghị tỉnh với Bộ nên thống nhất lại làm một tổ giám sát, tuyển những người có chuyên môn. Tổ trưởng sẽ do người của Bộ đứng đầu.
Đức Hùng
Theo VNE
Bộ trưởng Trần Hồng Hà yêu cầu Formosa nuôi cá tại bể xử lý nước thải Lãnh đạo Bộ Tài nguyên yêu cầu bể sinh học xử lý nước thải của Formosa Hà Tĩnh phải nuôi được cá sống khỏe mạnh, đồng thời chỉ đạo kiểm tra năng lực của các công ty nhận xử lý rác cho Formosa. Sáng 8/9, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đi thị...