Formosa xả thải độc: Nông dân sản xuất giỏi méo mặt
Sau vụ Formosa xả thải độc gây cá chết hàng loạt, nông, ngư dân thuộc diện hộ nghèo nay càng nghèo hơn. Còn những nông dân sản xuất giỏi các cấp cũng đang điêu đứng, méo mặt vì nợ nần, hàng hải sản tồn kho.
Sáng 20.9, PV Dân Việt có mặt tại nhà cũng là nơi chế biến sản phẩm Sứa Cửa Việt của vợ chồng ông Hoàng Đới và bà Nguyễn Thị Thiếc (thôn Xuân Lộc, xã Gio Việt, Gio Linh, Quảng Trị). Với vẻ mặt méo xạch, ông Đới cho biết, Sứa Cửa Việt đã được công nhận là sản phẩm tiểu biểu cấp quốc gia năm 2014 và nhiều giải thương cao quý khác. Vợ chồng ông bà thay nhau nhận danh hiệu nông dân sản xuất giỏi từ cấp xã đến cấp tỉnh liên tục nhiều năm liền.
Từ ngày Formosa xả thải độc, cơ sở chế biến Sứa Cửa Việt của ông Hoàng Đới ngừng hoạt động. Hiện nay, cơ sở còn tồn động 20 tấn sứa đang hư hỏng, hôi thối cần tiêu hủy gấp (ảnh: Ngọc Vũ).
Ông Đới cho hay, trước khi sự cố môi trường cá chết xảy ra, mỗi năm cơ sở xuất ra thị trường từ 35-40 tấn sứa mang thương hiệu Cửa Việt, sau khi trừ chi phí lãi 400 triệu đồng. Thế nhưng, từ ngày xảy ra sự cố môi trường cá chết đến nay, sản phẩm Sứa Cửa Việt không thể tiêu thụ, cơ sở ngừng hoạt động kéo theo hàng chục nhân công thất nghiệp. Từ tháng 4 đến nay cơ sở của ông Đới tồn kho 20 tấn sứa trị giá 600 triệu đồng nay đang hư hỏng, bốc mùi hôi thối. “Gia đình tôi đã nhiều lần kiến nghị chính quyền hỗ trợ tiêu hủy 20 tấn sứa bị hư hỏng để tránh ô nhiễm môi trường nhưng đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời. Người ta cứ về kiểm tra rồi ậm ừ thế thôi” – ông Đới cho hay.
Nóng ruột vì sợ mất khách hàng, ngày 18.9 vừa qua, ông Đới mua 1 tấn sứa từ Thanh Hóa vào chế biến, đóng gói để cung cấp cho thị trường Huế, Quảng Trị. “Sản phẩm của mình có thương hiệu quốc gia nhưng nếu để quá lâu không tung sản phẩm ra thị trường thì sẽ mất khách ngay. Nếu tình hình kéo dài thế này chắc gia đình tôi kiệt quệ, bởi vì nợ ngân hàng còn 300 triệu đồng từ năm ngoái để mua sứa đến giờ vẫn chưa có trả” – ông Đới lo lắng.
Video đang HOT
Cũng là hộ nông dân sản xuất giỏi, anh Lê Hảo (trú thôn Xuân Tiến, xã Gio Việt, Gio Linh) – chủ cơ sở chế biến cá Hảo Non đứng ngồi không yên khi mỗi tháng phải bỏ ra gần 10 triệu đồng để bảo quản 15 tấn cá nục, cá ngừ cấp đông trị giá hơn 350 triệu đồng tồn kho. “Từ tháng 5 đến nay có 3 phái đoàn về kiểm tra rồi nhưng họ không trả lời cá có ăn được không, an toàn không khiến dân tôi lo lắng. Chúng tôi mong cấp trên cho vay ít tiền để trả tiền điện, hỗ trợ cho tôi bảo quản cá thêm thời gian nữa” – anh Hải nói.
Mới đây, Sở TNMT tỉnh Quảng Trị vừa trình UBND tỉnh này phương án tiêu hủy 70 tấn cá tại các kho đông lạnh trên địa bàn vì không tiêu thụ được. Phương pháp tiêu hủy là sau khi cá được vận chuyển tập kết tại bãi rác huyện Gio Linh sẽ được chôn trong hố tiêu hủy có thể tích ít nhất là 160 m3, sâu 1,2 m, rộng 12mx12m, được lót bạt chống thấm, lắp ống thoát nước rỉ rác dẫn đến hệ thống xử lý nước rác. Cá khi được chôn sẽ được trộn với vôi bột. Sau khi lấp mặt hố, Cloramin B được phun trên lớp đất bề mặt và khu vực xung quanh.
Theo Danviet
Hé lộ nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt ở Nghệ An
Sau khi nhận được thông tin phản ánh của người dân về việc cá trong lồng và cá tự nhiên nổi chết hàng loạt trên sông Bùng, huyện Diễn Châu (Nghệ An), Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An đã tiến hành thu thập thông tin, lấy mẫu phân tích nhanh. Kết quả khẳng định sông Bùng bị ô nhiễm, nồng độ ôxy hòa tan trong nước thấp.
Ngày 18.9, sau khi nhận được thông tin phản ánh của người dân, Chi cục Bảo vệ Môi trường, thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An đã phối hợp với UBND huyện Diễn Châu, Công an huyện Diễn Châu kiểm tra hiện trường, thu thập thông tin, tiến hành lấy mẫu, phân tích nhanh.
Trước đó, theo phản ánh của người dân, trong 2 ngày 17 và 18.9, cá lồng của các hộ dân ở các xã Diễn Hạnh, Diễn Nguyên, Diễn Quảng, Diễn Kỷ thuộc huyện Diễn Châu (Nghệ An) nằm trên con sông Bùng đã xảy ra tình trạng cá chết bất thường và liên tục; tình trạng cá chết kéo dài trên khúc sông gần 10 km.
Lồng nuôi cá của gia đình ông Thành hiện vẫn xuất hiện tình trạng cá chết.
Đoàn kiểm tra phát hiện nước sông Bùng có màu đỏ đục, nhiều cặn và có mùi tanh. Trên sông có hiện tượng cá chết bị cuốn theo dòng nước chảy, các loại cá chết là cá chép, cá diếc (sống ở tầng đáy), cá rô phi và một số loại cá sông khác... Riêng tại lồng nuôi cá của ông Chu Văn Thanh (xóm 6, xã Diễn Hạnh), hầu như lượng cá trong lồng đã chết hết và được vớt lên bờ. Lượng cá còn lại vẫn còn hiện tượng nổi đầu lên mặt nước để thở...
Sau khi lấy mẫu nước và phân tích nhanh, chỉ số nồng độ ôxy hòa tan trong nước (DO) tại lồng bè nuôi cá của ông Chu Văn Thanh là 0,2 (mg/l) thấp hơn nhiều so với giá trị giới hạn tối thiểu cho phép. Chỉ số DO đo được tại một số điểm khác ở vùng cá chết trên sông Bùng kết quả là 0,3 (mg/l), cũng rất thấp so với giá trị giới hạn tối thiểu cho phép.
Cá chết kéo dài dọc khúc sông dài gần 10 km.
Qua đó, Chi cục Bảo vệ Môi trường xác định, nước mặt tại sông Bùng tại thời điểm xác minh đã bị ô nhiễm, không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt dùng cho mục đích tưới tiêu, thủy lợi. Nguyên nhân cá chết hàng loạt theo nhận định ban đầu là do nồng độ ôxy hòa tan trong nước giảm, thấp hơn so với giới hạn.
Nguyên nhân được xác định là do trong quá trình gặt lúa hai bên bờ sông Bùng có rất nhiều gốc rơm rạ ngập úng trong nước. Sau khi có trận mưa lớn thì toàn bộ nước từ các đồng ruộng đã chảy xuống sông và có màu đỏ đục cuốn theo lượng phân gia súc, gia cầm và nhiều chất hữu cơ đang trong quá trình phân hủy gây nên hiện tượng nước sông chuyển thành màu đỏ, nhiều cặn. Mưa lớn trong giai đoạn vừa qua cùng với nước chứa nhiều chất hữu cơ đang phân hủy đã làm giảm nồng độ ôxy hòa tan trong nước.
Cá nuôi trong lồng của các hộ dân lẫn cá ngoài tự nhiên bỗng dưng chết khiến nhiều người lo lắng.
Riêng trường hợp một số người dân phản ánh hiện tượng cá chết hàng loạt kể trên là do nhà máy sắn Yên Thành xả thải, qua kiểm tra, lấy mẫu nước tại điểm xả của nhà máy sắn Yên Thành để phân tích thì có kết của chỉ số DO là 16 (mg/l). Chỉ số này đạt yêu cầu tối thiểu so với QCVN 08:2015 (quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt, cột B1 là 4 (mg/l)).
Đặc biệt, qua xác minh giai đoạn này nhà máy không hoạt động, không xả nước thải sản xuất ra môi trường. Do đó, chưa có đủ thông in, cơ sở để xác định nguyên nhân cá chết do nhà máy sắn Yên Thành xả thải.
Theo Danviet
Bộ Y tế: Hải sản miền Trung sống tầng đáy trong 20 hải lý chưa an toàn Người dân có thể ăn hải sản sống ở tầng nổi, không sử dụng hải sản tầng đáy trong vòng 20 hải lý. Ngày 20/9, các Bộ Tài nguyên môi trường, Y tế, Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã thông tin về môi trường biển và việc khai thác, sử dụng hải sản tại vùng biển Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng...