Formosa vận hành thử 6 ống khói: Lo ngại ô nhiễm bao trùm khu vực
Theo Bộ Tài TN&MT, Công ty Formosa đã hoàn thành xây dựng 6/23 ống khói và chuẩn bị vận hành thử nghiệm. Nhiều chuyên gia quan ngại việc phát tán khí thải độc hại sẽ gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường không khí, ảnh hưởng sức khỏe người dân, nếu việc giám sát không chặt chẽ và nghiêm túc.
Những cột ống khói phun khói liên tục tại Formosa. Ảnh: Minh Thùy
Gặp sự cố, bụi và ô nhiễm có thể lan rộng 10km
Theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh giai đoạn 1-1 (gọi tắt ĐTM), dự án Formosa thải ra một lượng bụi và khí thải lớn từ rất nhiều nguồn khác nhau như khâu chuẩn bị nguyên liệu, quá trình thiêu kết, từ lò cốc, lò nung vôi, luyện gang, thép, nhà máy cán, từ nhà máy gia công sau cán đến nhà máy điện và các nhà máy phụ trợ. Ngoài ra, còn có bụi, khí thải phát sinh từ các phương tiện giao thông, các hoạt động sinh hoạt, vệ sinh nhà máy.
Do Formosa là một dự án sản xuất thép khổng lồ, công suất dự kiến giai đoạn 1 là 7,5 triệu tấn thép một năm nên lượng bụi phát sinh là cực lớn. ĐTM của dự án ghi tác động của bụi: “Nếu không có hệ thống xử lý, bụi sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe công nhân làm việc trong nhà máy và khu dân cư lân cận. Các hạt bụi nhỏ có kích thước nhỏ thâm nhập vào người qua đường hô hấp, gây viêm phế quản mãn tính, ung thư phổi, viêm giác mạc”.
Đáng lưu ý, khí thải phát tán từ một số khâu trong quá trình sản xuất của nhà máy cực kỳ độc hại như: bụi, Fe, Mn, Cr, Ni, Si, Ca và Mg từ quá trình đúc liên tục. Hàm lượng bụi trong khí thải của quá trình này rất cao, cao hơn TCVN 5939-2005 khoảng 12 lần. Khí thải từ nhà máy thiêu kết chứa bụi, SO2, NO2 .
Từ lò cao, khí thải chứa CO2, CO, nước, H2, N2. Đáng lưu ý, các khí SO2, NO2, CO… đều là những khí rất độc. Nếu lượng CO hít phải lớn, sẽ có cảm giác đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi. Nếu hít CO nhiều, có thể bất tỉnh hoặc chết ngạt rất nhanh. Với SO2, khi nồng độ đạt đến 5 phần triệu thì các hội chứng bệnh lý ở người tiếp xúc bắt đầu xuất hiện.
NO2 là khí độc nhất trong các khí NOx, chỉ tiếp xúc trong vài phút với nồng độ NO2 trong không khí 5 phần triệu đã có thể gây ảnh hưởng xấu đến phổi, tiếp xúc vài giờ với không khí có nồng độ NO2 khoảng 15-20 phần triệu có thể gây nguy hiểm cho phổi, tim, gan. Nồng độ NO2 trong không khí 1% có thể gây tử vong trong vài phút.
Ngoài các thành phần bụi, khí độc hại trên, ĐTM cũng lưu ý, thành phần khí thải sẽ dựa vào nguyên liệu và phụ gia sử dụng đầu vào. Tức là ngoài các chất kể trên, khí thải còn có thể chứa những tạp chất khác, dựa vào chất lượng quặng sắt nhập vào và hóa chất, phụ gia trong quá trình sử dụng.
Video đang HOT
ĐTM của dự án cũng chỉ ra, trong trường hợp các hệ thống xử lý khí thải gặp sự cố thì tất cả các thông số môi trường do các ống khói của dự án thải ra sẽ ảnh hưởng đến môi trường. Hàm lượng bụi có thể vượt 5 lần mức cho phép, SO2 có thể vượt 30 lần mức cho phép. Phạm vi ảnh hưởng của bụi và khí ô nhiễm có thể bao trùm một khu vực rộng 10km2.
Quan trắc online là chưa đủ
Theo ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TN-MT khí thải của Formosa sẽ được thải ra từ 23 ống khói tại các lò cao. Hiện Công ty Formosa đã xây dựng hoàn thành 6 ống khói và chuẩn bị vận hành thử nghiệm.
Về giám sát, ông Thức cho biết, theo lộ trình cả 23 ống khói này phải được kiểm soát nghiêm ngặt, được lắp đặt trạm quan trắc online tự động để quan trắc các thông số khí thải theo quy định. Trạm quan trắc này sẽ được kết nối dữ liệu trực tiếp về Tổng cục Môi trường và Sở TN&MT Hà Tĩnh để giám sát, theo dõi.
Ngoài ra, Công ty Formosa có lò luyện cốc đang sử dụng công nghệ dập cốc ướt. Bộ Tài TN&MT đã yêu cầu trong 3 năm Công ty phải chuyển đổi sang công nghệ dập cốc khô. Trong thời gian đó, Công ty Formosa phải lắp đặt hệ thống để giảm tối đa lượng hơi nước kèm theo một số khí độc có thể phát tán vào không khí ra môi trường xung quanh.
Một góc nhà máy Formosa. Ảnh: Minh Thùy
Theo GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, việc lắp đặt quan trắc khí thải tự động là rất cần thiết nhưng chưa đủ.
Việc giám sát tự động 24/24h sẽ giúp theo dõi liên tục chất lượng khí thải từ các ống khói của Formosa. Hiện, thế giới có nhiều thiết bị đo được nhiều loại khí thải khác nhau.
Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là việc lựa chọn thiết bị có tốt không và việc giám sát có thực sự nghiêm túc không vì khi xảy ra sự cố môi trường biển miền Trung, Formosa cũng đã lắp đặt hệ thống quan trắc tự động nước thải.
Ngoài ra, theo GS Đăng, các thiết bị quan trắc tự động chỉ giúp ghi nhận chất lượng không khí từ ống khói của nhà máy mà không ghi nhận được chất lượng không khí vùng xung quanh. Vì vậy, bên cạnh hệ thống quan trắc tự động, phải quan trắc định kỳ chất lượng không khí khu vực xung quanh nhà máy.
Khí thải luyện gang thép độc như nào? Trong một bài viết của tác giả Hảo Võ (NCS Đại học Arizona, Mỹ) với sự phản biện của TS Đặng Đức Huy (TS, Đại học University, Ontario, Canada) và Hùng Phan (NCS Đại Học UC Santa Barbara, California) hơi và sản phẩm phụ từ quá trình luyện cốc, nung kết và làm sạch kim loại gây ô nhiễm nặng môi trường không khí. Cụ thể các loại khí sinh ra từ quá trình này là oxit lưu huỳnh (SOx), oxit nitơ (NOx), và oxit các bon (CO, CO2) và các hạt lơ lửng. Với 1 tấn thép được sản xuất thì lượng phát thải trung bình 1,5kg Sox, 1,2kg Nox, 20 kg bụi trong quá trình nung kết, 15 kg bụi trong quá trình cán thép. Tại Ấn Độ, qua số liệu thu thập từ 5 nhà máy luyện gang thép năm 2009-2010, trung bình để luyện 1 tấn thép thành phẩm thì phát thải 1,4 đến 4,2 tấn CO2.
Tổng lực giám át Formosa Theo báo cáo của UBND tỉnh Hà Tĩnh, đến chiều 11/8, hai trạm quan trắc nước thải của Formosa gồm trạm số 1 đã hoàn thành lắp đặt và tiến hành kết nối và truyền dữ liệu về Sở TN&MT và Bộ TN&MT gồm 6 thông số: Nhiệt độ, pH, COD, Tổng Nitơ, SS (chất rắn lơ lửng) và lưu lượng xả thải. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, ông Dương Tất Thắng cho biết, theo cam kết của Formosa với UBND tỉnh Hà Tĩnh, ngày 10/8 sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành trạm quan trắc nước thải tự động thứ 2 với 6 thông số gồm: Tổng dầu mỡ khoáng, tổng phenol, tổng xyanua, Crom VI, Cadimi và Thuỷ ngân. “Tuy nhiên đến ngày 11/8, Formosa mới lắp đặt được thiết bị đo 4 thông số gồm: Tổng dầu mỡ khoáng, tổng phenol, tổng xyanua, Crom VI. Còn thiết bị đo 2 thông số Cadimi và Thủy ngân chưa lắp đặt (hai thông số này là tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu bổ sung thêm vào chỉ tiêu phải quan trắc)”, ông Thắng nói. Dự kiến đến ngày 15/9 mới hoàn thiện việc lắp đặt để đo 2 thông số còn lại. Ngày 20/9 mới vận hành trạm quan trắc số 2. Trả lời PV Tiền Phong vì sao Formosa chưa thực hiện hai thông số Cadimi và Thủy ngân, ông Thắng cho biết, thiết bị đang phải kiểm định trước khi xuất xưởng. Hóa chất để sử dụng cho các thiết bị này phải qua kiểm duyệt của Hải quan Việt Nam. “Hiện hai xe quan trắc tự động môi trường của Bộ TN&MT đang ở xưởng xử lý nước thải công nghiệp để giám sát”, ông Thắng cho biết.
Theo Minh Thùy (Tiền Phong)
Mẫu bùn thải chôn lấp trái phép từ Formosa chứa xyanua
Bộ TN-MT ngày 2-8 cho biết trong chất thải chôn lấp trái phép có một số mẫu bùn thải từ nhà máy Formosa có chứa thông số xyanua (CN-) vượt ngưỡng chất thải nguy hại.
Lực lượng chức năng tiến hành cất bốc di dời số chất thải tại trang trại của ông Lê Quang Hòa, Giám đốc công ty Kỳ Anh - Ảnh: Dũng Nguyễn
Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) ngày 2-8 đã thông tin về việc chôn lấp bùn thải của Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng quản lý môi trường đô thị Kỳ Anh (Công ty Kỳ Anh).
Cụ thể, sau khi phát hiện vụ việc Công ty Kỳ Anh chôn lấp chất từ nhà máy của Công ty Forrmosa Hà Tĩnh (Forrmosa), ngày 11-7, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chủ động thành lập Đoàn kiểm tra để tiến hành kiểm tra làm rõ vụ việc và xử lý theo thẩm quyền. Trong quá trình kiểm tra, các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh đã tiến hành lấy mẫu chất thải. Bộ TN-MT cũng đã cử Đoàn công tác vào phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh để kiểm tra, hướng dẫn xử lý, giải quyết vụ việc.
Đoàn công tác của Bộ TN-MT cũng đã tiến hành lấy mẫu bùn thải, mẫu đất và mẫu nước mặt, nước ngầm tại các khu vực chôn lấp chất thải nêu trên (bao gồm 38 mẫu bùn thải , 30 mẫu đất tại vị trí chôn lấp và khu vực đất xung quanh, 1 mẫu nước giếng khoan và 3 mẫu nước suối trong khu vực). Bộ cho biết việc phân tích mẫu được giao cho 3 Phòng thí nghiệm đủ tiêu chuẩn xử lý, phân tích và đối chứng.
"Đến ngày 1-8, Bộ sau khi tiến hành tổng hợp kết quả, so sánh, đối chứng, đánh giá kết quả phân tích từ các phòng thí nghiệm cho thấy: trong chất thải chôn lấp trái phép có một số mẫu bùn thải có chứa thông số xyanua (CN-) vượt ngưỡng chất thải nguy hại" - Bộ TN-MT khẳng định.
Theo Bộ TN-MT, quy định tại Khoản 2 Điều 85 của Luật Bảo vệ môi trường nêu rõ: "chất thải thông thường có lẫn chất thải nguy hại vượt ngưỡng quy định mà không thể phân loại được thì phải quản lý theo quy định của pháp luật về chất thải nguy hại"; và Khoản 1 Điều 29 của Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24-4-2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu: "chất thải rắn công nghiệp thông thường phải được phân định, phân loại riêng với chất thải nguy hại, trường hợp không thể phân loại được thì phải quản lý theo quy định về chất thải nguy hại".
Vì vậy, Bộ TN-MT kết luận: bùn thải bị chôn lấp trái phép đã được bốc xúc, lưu giữ với khối lượng là 390,72 tấn (bao gồm cả đất đá bị lẫn) là chất thải công nghiệp có lẫn chất thải nguy hại; phải được quản lý theo quy định về chất thải nguy hại và phải được chuyển giao cho đơn vị có chức năng, được cấp phép xử lý theo quy định của pháp luật.
"Kết quả khảo sát môi trường đất, môi trường nước cho thấy nước mặt, nước ngầm và đất tại vị trí chôn lấp bùn thải và khu vực xung quanh chưa bị ô nhiễm do việc chôn lấp trái phép bùn thải nêu trên gây ra" - Bộ TN-MT thông tin thêm.
Về trách nhiệm các bên liên quan, Bộ TN-MT cho rằng kết quả phân tích mẫu bùn thải nêu trên cho thấy Công ty Formosa Hà Tĩnh đã có hành vi vi phạm là không phân định, phân loại, xác định đúng số lượng, khối lượng chất thải nguy hại phải đăng ký và quản lý theo quy định tại khoản 5 Điều 21 của Nghị định số 179 của Chính phủ. Công ty cũng cũng đã chuyển giao chất thải nguy hại cho tổ chức, cá nhân không có giấy phép xử lý chất thải nguy hại theo quy định đối với trường hợp chuyển giao từ 5.000 kg trở lên chất thải nguy hại có thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại, quy định tại Điểm h, Khoản 7 Điều 21 của Nghị định số 179.
Bộ TN-MT cho biết sẽ xử phạt các vi phạm hành chính nêu trên theo quy định của Nghị định số 179 và yêu cầu Công ty Formosa Hà Tĩnh phải khắc phục ngay hậu quả do việc chuyển giao bùn thải không đúng quy định.
Cụ thể, Công ty Formosa chịu hoàn toàn trách nhiệm phối hợp với Công ty Kỳ Anh tiến hành ký hợp đồng với đơn vị có chức năng vận chuyển xử lý chất thải nguy hại để xử lý ngay 390,72 tấn bùn thải lẫn đất đá nêu trên theo quy định và chịu toàn bộ chi phí cho việc xử lý này; quá trình vận chuyển, xử lý giao Sở TN-MT tỉnh Hà Tĩnh có trách nhiệm chủ trì và phối hợp giám sát, kiểm tra.
Ngoài ra, phải tiến hành đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại đối với các loại bùn thải nguy hại phát sinh theo quy định tại Nghị định số 38 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu; xây dựng kế hoạch xử lý chất thải cho toàn bộ Dự án và phải hoàn thành, trình cấp có thẩm quyền trước ngày 30-8.
Với Công ty Kỳ Anh, việc chôn lấp trái phép bùn thải nguy hại có dấu hiệu tội phạm về môi trường theo quy định Bộ luật hình sự. Do vậy, Bộ TN-MT sẽ bàn giao toàn bộ hồ sơ vụ vi phạm của Công ty Kỳ Anh cho Công an tỉnh Hà Tĩnh để điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật..
Theo Phương Nhung (Người lao động)
Formosa xả thải gây chết cá: Ngư dân đề nghị được khám sức khỏe Nhiều ngư dân tỉnh Quảng Bình đã đề nghị lãnh đạo xã tô chưc hôi nghi đê nhân dân bay to y kiên, mong muốn được khám chữa bệnh để biết họ có bị nhiễm độc, ảnh hưởng gì đến sức khỏe hay không. Ngày 6.7, ông Nguyễn Trung Thành, Bí thư Đảng ủy xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình)...