Formosa sắp chuyển 250 triệu USD tiền bồi thường còn lại
Ngày 28/8, Formosa sẽ chuyển 250 triệu USD tiền bồi thường thiệt hại trong sự cố môi trường biển miền Trung, cùng với 250 triệu đã chuyển trước đó để hoàn thành cam kết đền bù 500 triệu USD.
Sáng 26/8, Ủy ban trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam tổ chức hội nghị sơ kết chương trình phối hợp hành động hỗ trợ nhân dân khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng xâm nhập mặn, hạn hán, thủy hải sản chết hàng loạt.
Tại đây, Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Hữu Chí cho biết, Formosa đã chuyển vào kho bạc Nhà nước 250 triệu USD tiền bồi thường, 250 triệu USD còn lại Formosa cam kết sẽ chuyển trong ngày 28/8.
Cuộc sống của ngư dân một số tỉnh miền Trung đã bị ảnh hưởng nặng nề do sự cố môi trường biển. Ảnh: Hoàng Táo.
Theo ông Chí, trong 4 tỉnh miền Trung bị thiệt hại do sự cố môi trưởng biển, đến nay mới có tỉnh Thừa Thiên Huế báo cáo phương án hỗ trợ, 3 tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh chưa báo cáo. Khi các tỉnh báo cáo đầy đủ phương án và tiêu chí hỗ trợ, việc triển khai công việc liên quan đến số tiền 500 triệu USD sẽ được thực hiện theo quy định.
Video đang HOT
Thứ trưởng Tài nguyên và môi trường Võ Tuấn Nhân đề nghị MTTQ VN giám sát chặt chẽ ngay từ đầu việc triển khai 500 triệu USD bồi thường của Formosa, dành tối đa để hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại.
Chiều 29/7, báo cáo trước Quốc hội về sự cố biển miền Trung, Bộ trưởng Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà cho biết, tính đến ngày 28/7, phía Formosa đã cam kết chuyển số tiền bồi thường ban đầu 250 triệu USD.
Hiện tượng cá chết hàng loạt khởi nguồn từ một số lồng nuôi cá bè gần khu công nghiệp Vũng Áng (Hà Tĩnh), sau đó lan đến Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế. Cuối tháng 6, Formosa Hà Tĩnh đã thừa nhận là nguyên nhân trực tiếp gây ra sự cố môi trường biển, cam kết bồi thường 500 triệu USD.
Võ Hải
Theo VNE
Quảng Trị: Sự cố Formosa gây thiệt hại hơn siêu bão tràn vào
Quảng Trị cần 2.100 tỷ đồng để khôi phục sự cố môi trường biển, tái tạo nguồn lợi thủy sản, chuyển đổi sinh kế cho ngư dân, xây dựng cơ sở hạ tầng...
Ngư dân Quảng Trị ra bãi biển trồng khoai làm thức ăn cho heo sau sự cố môi trường biển. Ảnh: Hoàng Táo
Ngày 29/7, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Trị cho hay tỉnh vừa có báo cáo thiệt hại do sự cố môi trường biển và một số giải pháp để khôi phục, phát triển sản xuất cho người dân.
Theo đó sự cố do Công ty TNHH gang thép Hưng nghiệp Formosa gây ra làm thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh của người dân trên địa bàn. Hơn 8.000 hộ với 44.000 nhân khẩu và 2.800 tàu thuyền tại 16 xã, thị trấn bị ảnh hưởng. Hải sản khó tiêu thụ nên phần lớn tàu thuyền nằm bờ trong 4 tháng qua. Các hộ kinh doanh thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá đều không hoạt động. Ngư dân tự tìm việc làm khác để có thu nhập.
Lượng khách du lịch đến Quảng Trị chỉ đạt 1/10 so cùng kỳ 2015, công suất phòng các khu du lịch ven biển chỉ đạt 10-15%.
Ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND Quảng Trị ví hậu quả của sự cố này còn hơn một trận siêu bão.
Quảng Trị có chính sách hỗ trợ đến một tỷ đồng với tàu đóng mới trên CV, hoặc 2 triệu đồng với mỗi CV đối với tàu cải hoán. Ảnh: Hoàng Táo
Theo báo cáo, Quảng Trị cần 2.100 tỷ đồng để khắc phục sự cố từ nay đến năm 2020. Cụ thể, 1.100 tỷ đồng dành cho xây dựng cơ sở hạ tầng thủy lợi và thủy sản, 600 tỷ đồng điều tra nguồn lợi thủy sản và khắc phục ô nhiễm, 200 tỷ đồng chuyển đổi sinh kế cho người dân và 100 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất...
Nguồn vốn được lấy từ khoản bồi thường của Formosa, các chương trình khác của Chính phủ, vốn ngân sách tỉnh và huy động các nguồn khác.
Từ nguồn kinh phí trên, Quảng Trị dự kiến hỗ trợ một lần 50% giá trị tàu đóng mới nhưng không quá một tỷ đồng, hỗ trợ 2 triệu đồng với mỗi CV tăng thêm của tàu cải hoán, hỗ trợ kinh phí đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng.
Tỉnh cũng hỗ trợ mua giống, hóa chất xử lý môi trường, tiền điện hoặc lãi suất vay ngân hàng, đào tạo nghề, mua thẻ bảo hiểm y tế... cho người dân và các cơ sở kinh doanh hoặc kinh doanh du lịch. Hỗ trợ hoàn toàn các khoản đóng góp cho học sinh, sinh viên các hộ dân bị ảnh hưởng trong năm học 2016-2017. Một số chính sách hỗ trợ có thời hạn đến hết tháng 6/2019.
Hoàng Táo
Theo VNE
Không nên trông chờ biển miền Trung 'tự làm sạch' Tự làm sạch là cơ chế của tự nhiên, nhưng theo các chuyên gia điều quan trọng vẫn là tác động của con người trong việc khôi phục biển miền Trung. Kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế vừa được công bố khẳng định nước biển "đạt chuẩn" cho hoạt động bơi lội,...