Formosa đứng đầu các sự cố môi trường nổi cộm năm 2016
Hiện tượng hải sản chết hàng loạt ở miền Trung do Fomorsa gây ra đứng đầu các sự cố môi trường nổi cộm 2016.
Báo cáo môi trường quốc gia 2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công bố đã nêu 7 vụ môi trường nổi cộm. Trong đó, đứng đầu là sự cố môi trường biển miền Trung do nước thải công nghiệp của Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh.
Sự cố này bắt đầu từ ngày 6/4/2016, khi cá chết hàng loạt trên vùng biển cảng Vũng Áng thuộc địa phận thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Sau đó, sự cố lan rộng các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế.
Theo báo cáo, sự việc trên gây thiệt hại nặng nề nhất là ngành thuỷ sản, tiếp đến là hoạt động kinh doanh, dịch vụ, du lịch và đời sống sinh hoạt của ngư dân; ngoài ra còn có thiệt hại về xã hội.
Rặng san hô chết trắng ở khu vực Thừa Thiên Huế trong đợt khảo sát trong khoảng tháng 5-6/2016 do độc tố thải ra từ Formosa. Ảnh: VAST.
Công ty Formosa đã nhận trách nhiệm, công khai xin lỗi Chính phủ, nhân dân và bồi thường 500 triệu USD, đồng thời nghiêm túc khắc phục các vi phạm.
Video đang HOT
Trong năm 2016, nhiều nơi khác cũng đã xảy ra các sự cố môi trường mà nguyên nhân đều từ các hoạt động phát triển công nghiệp, do việc bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh còn kém. Trong đó phải kể đến vụ gây ô nhiễm nước trên sông Bưởi (Thanh Hoá). Trong tháng 3-4/2016, nhà máy mía đường Hoà Bình đã xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, gây ô nhiễm hạ lưu sông Bưởi, làm cá sông và cá nuôi lồng bè chết hàng loạt ở huyện Thạch Thành (Thanh Hóa). Công ty đã nhận trách nhiệm và bồi thường 1,4 tỉ đồng cho người dân khu vực chịu thiệt hại.
Trong quá trình kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động dọc sông Bưởi, cơ quan môi trường còn phát hiện Nhà máy chế biến tinh bột sắn thuộc Công ty TNHH MTV Tân Hữu Hưng có đường ống xả ngầm trực tiếp ra môi trường.
Cá chết trên diện rộng ở hồ Tây (Hà Nội) cũng được đưa vào danh mục sự cố môi trường năm 2016. Sự việc diễn ra cuối tháng 9, đầu tháng 10 với khối lượng cá chết ước tính gần 200 tấn. Nguyên nhân do nước bị ô nhiễm chất hữu cơ.
Báo cáo môi trường cũng nêu ra các sự cố môi trường khác gồm: Ô nhiễm nước sông Cẩm Đàn, Sơn Động (Bắc Giang) do Công ty cổ phần tập đoàn khoáng sản Á Cường chưa xử lý nước thải đã cho vào sông. Tiếp đó là ô nhiễm môi trường do vỡ bể chứa bùn thải chì tại thị trấn Pác Miều (Cao Bằng) vào tháng 1/2016; ô nhiễm khu công nghiệp Tằng Loỏng (Lào Cai) làm cây trồng hoa màu của các hộ gia đình héo táp, cháy lá, cá nuôi chết hàng loạt.
Cuối cùng là ô nhiễm môi trường do vỡ hồ chứa nước và bùn thải từ khai thác titan của công ty Tân Quang Cường, huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) vào tháng 6/2016. Sự việc làm tràn một lượng bùn thải lớn ra môi trường, rồi tràn vào nhà dân, băng qua tuyến đường nhựa ven biển Tân Thành – Thuận Quý chạy ra biển. 2 km dọc bờ biển xã Thuận Quý bị nước bùn đỏ tràn xuống tạo thành dòng nước đỏ ven bờ.
Nguyên nhân là do hồ chứa nước khai thác titan có sức chứa khoảng 180.000 mét khối nhưng bờ hồ chỉ đắp bằng đất cát, không kiên cố.
Hà Trung
Theo VNE
Hoàn thành hỗ trợ thiệt hại cho người dân vùng biển trong tháng 6
Các bộ ngành và UBND 4 tỉnh miền Trung được giao đến hết tháng 6, hoàn thành dứt điểm việc chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường.
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình vừa yêu cầu các bộ ngành và 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế tập trung chi trả kinh phí bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường do Formosa gây ra; phấn đấu đến hết tháng 6 hoàn thành dứt điểm việc này.
Để thực hiện tốt mục tiêu đã đề ra, Phó thủ tướng giao các Bộ: Nông nghiệp, Tài chính, Công Thương, Văn phòng Chính phủ tổ chức 4 đoàn công tác liên ngành kiểm tra công tác chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ thiệt hại tại 4 tỉnh, do lãnh đạo Bộ làm trưởng đoàn. Thời gian thực hiện từ nay tới trước 10/4.
Người dân Huế nhận tiền bồi thường. Ảnh: Võ Thạnh
Phó thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp tiếp tục chỉ đạo lực lượng kiểm ngư hỗ trợ và phối hợp với UBND 4 tỉnh tăng cường tuần tra, vận động ngư dân không sử dụng các nghề khai thác hải sản tầng đáy ở vùng biển 20 hải lý trở vào bờ, cho đến khi có kết luận chính thức của Bộ Y tế về một số chỉ tiêu đối với hải sản tầng đáy đã an toàn.
Bộ Tài nguyên tiếp tục giám sát chặt chẽ, kịp thời đôn đốc Công ty Formosa Hà Tĩnh (FHS) hoàn thành việc khắc phục các vi phạm đúng tiến độ đề ra; cần đánh giá tác động môi trường, có biện pháp xử lý không cho phép đường ống thải ngầm ra biển của FHS đúng quy định của pháp luật.
Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên, Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, UBND 4 tỉnh theo dõi chất lượng môi trường biển, an toàn thực phẩm đối với hải sản khai thác tại 4 tỉnh miền Trung.
Bộ Y tế tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm hải sản khai thác ở tầng đáy trong vùng biển dưới 20 hải lý, xem xét công bố kết quả vào thời điểm phù hợp.
Đầu tháng 4/2016, hiện tượng cá chết hàng loạt khởi nguồn từ một số lồng nuôi cá bè gần khu công nghiệp Vũng Áng (Hà Tĩnh), sau đó lan đến Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Hơn hai tháng sau, Formosa Hà Tĩnh thừa nhận là nguyên nhân trực tiếp gây ra sự cố môi trường biển, cam kết bồi thường 500 triệu USD.
Hải Bình
Theo VNE
Phó thủ tướng: Formosa bảo đảm an toàn môi trường mới cho xả thải Cùng với việc giám sát chặt Formosa, 4 đoàn thanh tra sẽ được lập để kiểm tra việc bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển miền Trung. Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo khắc phục sự cố môi trường 4 tỉnh miền Trung sáng 8/3, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu tiếp tục giám sát để Formosa...