Formosa chuyển 250 triệu đô bồi thường ban đầu
Bộ Tài nguyên và môi trường đã tiến hành xử lý 53 sai phạm hành chính của Formosa, triển khai kế hoạch toàn diện để khắc phục vi phạm của Công ty này.
Chiều 29/7, báo cáo trước Quốc hội về sự cố biển miền Trung, Bộ trưởng Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà cho biết, tính đến ngày 28/7, phía Formosa đã cam kết chuyển số tiền bồi thường ban đầu 250 triệu đô la Mỹ. Các công việc bồi thường hỗ trợ người dân hiện đã được Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành triển khai quyết liệt.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà. Ảnh: Bá Đô
Về phía Bộ Tài nguyên – môi trường đã tiến hành xử lý 53 sai phạm hành chính của Formosa, triển khai kế hoạch toàn diện để khắc phục vi phạm của Công ty này, từ chuyển đổi công nghệ, hoàn thiện hệ thống xử lý chất thải, nước thải, khí thải, cho đến hệ thống quan trắc trực tuyến… Việc đánh giá mức độ ô nhiễm sinh thái môi trường biển cũng đang được cơ quan chức năng tiến hành bài bản.
Ngày 15/8, những kết quả ban đầu về đánh giá mức độ ô nhiễm sẽ được Hội đồng các nhà khoa học xem xét thông qua, trên cơ sở đó để bàn giải pháp cụ thể khắc phục ô nhiễm, phục hồi hệ sinh thái môi trường.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho biết Bộ Tài nguyên đang xây dựng dự án giám sát, quan trắc chất lượng môi trường biển trên toàn bộ các tỉnh miền Trung, mở rộng ra Thanh Hoá và Đà Nẵng.
“Sau sự cố Formosa, chúng tôi rút được nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lý về tài nguyên môi trường, tiêu chuẩu, đánh giá báo cáo tác động môi trường (ĐTM), thanh tra, kiểm tra… đối với các dự án đầu tư có mức độ ảnh hưởng tới môi trường”, Bộ trưởng Hà nói.
Video đang HOT
Về phía Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết đã sớm đề xuất Chính phủ có chính sách hỗ trợ trước mắt cho người dân 4 tỉnh miền Trung và bổ sung sau đó. Hiện Thủ tướng giao Bộ này thực hiện 2 đề án về hỗ trợ thiệt hại và phục hồi, tái tạo nguồn lợi thuỷ sản.
Tại kỳ họp lần này, báo cáo của Chính phủ gửi đến các vị đại biểu Quốc hội về sự cố môi trường biển đã khẳng định nguyên nhân là do các độc tố Phenol, Xyanua từ nguồn thải của Công ty Formosa Hà Tĩnh.
Về đánh giá tồn lưu ô nhiễm, kết quả khảo sát bằng hình ảnh cho thấy, vẫn tồn tại lớp huyền phù, màng bám keo tụ tại các khu vực san hô, nền đá cứng và một số khu vực trầm tích dưới đáy biển. Mức độ ô nhiễm và tính chất của hợp chất ô nhiễm sẽ được đánh giá chính xác sau khi có kết quả phân tích mẫu trong tháng 8/2016.
Hiện tượng cá chết hàng loạt khởi nguồn từ một số lồng nuôi cá bè gần khu công nghiệp Vũng Áng (Hà Tĩnh), sau đó lan đến Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế. Cuối tháng 6, Formosa Hà Tĩnh đã thừa nhận là nguyên nhân trực tiếp gây ra sự cố môi trường biển, cam kết bồi thường 500 triệu USD.
Nguyễn Hoài
Theo VNE
Phó thủ tướng: 'Sớm công bố biển miền Trung bao giờ an toàn'
Để ổn định sản xuất, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Tài nguyên cùng các nhà khoa học đánh giá để sớm công bố biển miền Trung bao giờ an toàn.
Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phó Tổng cục trưởng Môi trường Nguyễn Văn Tài đánh giá hiện tượng hải sản chết hàng loạt ở miền Trung là sự cố lớn, lần đầu xảy ra ở Việt Nam. Ông thừa nhận ban đầu "có chút lúng túng" nhưng sau đó các đơn vị đã phối hợp đồng bộ và cơ bản đã giải quyết được sự cố.
Thời gian tới, đơn vị sẽ tập trung triển khai các vấn đề hậu Formosa, cũng như sử dụng các công cụ quản lý nhà nước trong rà soát, đánh giá thanh tra diện rộng nguồn thải lớn để nắm bắt và kiểm soát chặt các đối tượng, tránh xảy ra trường hợp tương tự Formosa. Bên cạnh đó, theo ông Tài, Việt Nam cần xây dựng quy chế về ứng phó sự cố môi trường, trong đó nêu rõ huy động nguồn lực thế nào, cách thức ra sao để ứng phó kịp thời và tránh sự cố lan rộng.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng (phải) và Bộ trưởng Tài nguyên chủ trì cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm. Ảnh: Báo tainguyenmoitruong.
Đánh giá cao kết quả đạt được trong các lĩnh vực của Bộ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng biểu dương toàn ngành trong việc tìm ra thủ phạm gây sự cố môi trường biển miền Trung. Ngành tài nguyên cùng các đơn vị liên quan đã buộc thủ phạm phải nhận sai, xin lỗi, đền bù và hỗ trợ người dân, đồng thời phục hồi vùng biển bị ảnh hưởng.
Bên cạnh việc kiểm soát chặt chẽ Formosa, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên sớm đánh giá chính xác môi trường biển 4 tỉnh miền Trung. "Công bố môi trường biển bao giờ an toàn để nhân dân và doanh nghiệp biết, từ đó sớm ổn định sản xuất, sinh hoạt và kinh doanh dịch vụ", Phó thủ tướng nói và đề nghị Bộ cần mời các nhà khoa học để có chứng cứ chặt chẽ chính xác.
Về vấn đề môi trường, Phó thủ tướng đánh giá tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt là xả thải trực tiếp chưa được xử lý ra ao hồ, sông ngòi, biển của các cơ sở sản xuất, dịch vụ ... gây bức xúc trong xã hội.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ cần tăng cường kiểm soát các cơ sở sản xuất công nghiệp, hộ dân xả thải ra môi trường ở tất cả các khâu như đánh giá tác động môi trường đến khi khai thác sử dụng. Các cơ sở và địa phương cần có hệ thống quan trắc 24/24 để kiểm soát.
San hô chết ở Hà Tĩnh do độc tố từ nhà máy Formosa thải ra biển không qua xử lý. Ảnh: VAST.
"Chỉ cấp phép cho các cơ sở hoạt động dịch vụ khi có hoạt động xả thải ra môi trường qua xử lý và đảm bảo vệ sinh môi trường theo quy chuẩn, tiêu chuẩn Việt Nam. Mọi vi phạm đều phải bị xử lý nghiêm, không trừ bất kỳ tổ chức cá nhân nào, cần thiết thì chuyển cơ quan điều tra", Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Trước đó, tiến sĩ Vũ Đức Lợi - Phó chủ tịch Hội đồng khoa học quốc gia tìm nguyên nhân cá chết hàng loạt ở miền Trung cho biết, khoảng cuối tháng 7 Hội đồng sẽ công bố kết quả khảo sát và đo đạc ở các tỉnh miền Trung. Đây sẽ là cơ sở để trả lời khi nào biển an toàn và đưa ra các phương án khắc phục môi trường biển.
Liên quan đến việc chôn lấp chất thải Formosa, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Tổng cục Môi trường đã lấy mẫu và giao cho một số phòng thí nghiệm nhưng đến giờ chưa đưa ra kết quả cuối cùng. Việc đưa ra kết quả phân tích mẫu phải có đối chứng. Kết quả Hà Tĩnh công bố vừa rồi được thực hiện ở Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam.
"Có nhiều loại đất đai khác nhau nên số mẫu phải lấy nhiều hơn, trong khu vực này không có nguy hại thì phải lấy mẫu làm sao để có tính đại diện, trên quan điểm là phải làm kỹ lưỡng", Bộ trưởng Hà nói.
Phạm Hương
Theo VNE
Hơn 100 tấn chất thải của Formosa được chôn trong trang trại Giám đốc Công ty Môi trường đô thị thị xã Kỳ Anh (chủ cũ của trang trại), khẳng định chất thải được chôn là bùn đen thông thường, có thể sử dụng làm phân bón. Sáng 12/7, ông Lê Nam Sơn, Chánh thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh cho biết, đơn vị vừa phối hợp với lực lượng liên...