Ford và cuộc chơi toàn xe gầm cao tại Việt Nam
Thế mạnh của Ford về SUV và bán tải được thể hiện rõ trong Vietnam Motor Show 2018, nơi hãng không trưng bày chiếc sedan nào.
Ford không trưng bày sedan tại Triển lãm ôtô Việt Nam 2018 (24-28/10, SECC, Sài Gòn). Hãng này mang tới Ranger Raptor, Ranger, Everest, Explorer, EcoSport và Focus bản hatchback. Hãng xe Mỹ tập trung vào xe gầm cao, nhập khẩu, ngầm thể hiện cho hướng đi trong tương lai.
Ông Phạm Văn Dũng, Tổng giám đốc cho biết các xe lắp ráp cỡ nhỏ như Fiesta, Focus có doanh số tăng trưởng. Tuy vậy, so với các đối thủ cùng phân khúc trong VAMA, các sản phẩm này chiếm thị phần rất nhỏ. Hết tháng 9, Focus (cả sedan và hatchback) bán 1.379 chiếc, chỉ cao hơn Cruze (988 chiếc) và ít hơn nhiều so với Altis, Civic và hai mẫu xe bán chạy nhất phân khúc là Cerato và Mazda3 (gần 10.000 xe).
Thực tế các chuyên gia trong ngành đánh giá, Focus hay Fiesta là những chiếc xe tốt nhưng doanh số thấp lại phụ thuộc nhiều yếu tố. Ví như xe Focus chạy rất đầm nhưng cũng vì thế xác nặng, nội thất cho cảm giác chật hơn những xe khác. Văn hóa lái xe của người Việt không thường xuyên chạy nhanh trên cao tốc như ở Âu, Mỹ, bởi vậy Focus ít được chuộng, chưa kể tới các yếu tố khác như thiết kế, trang bị.
Ranger Raptor 2019 ra mắt tại triển lãm ôtô Việt Nam 2018. Ảnh: Nguyễn Linh.
Ngược lại, ở phân khúc xe gầm cao, Ford lại tỏ ra “mát tay”. Ranger, EcoSport vẫn đứng đầu phân khúc, trong khi Explorer chưa có đối thủ trong tầm tiền. Truyền thống làm xe tải giúp hãng này hiểu khách hàng và nắm thế mạnh.
Sự chênh lệch giữa doanh số xe gầm cao và xe nhỏ, thấp (sedan, hatchback) tại Mỹ cũng tương tự Việt Nam. Tờ USA Today hồi tháng 4 đưa tin, Ford đang thực hiện kế hoạch ưu tiên dòng xe cỡ lớn, với việc khai tử Fiesta, Fusion và Taurus cùng dòng van C-Max tại Mỹ. Bên cạnh đó, Focus sedan và hatchbak cũng sẽ không còn mà biến thành crossover.
Một hãng xe Mỹ khác trên thị trường Việt là Chevrolet cũng không mấy thành công với Cruze. Sau khi bán hệ thống phân phối và nhà máy cho VinFast, hãng cũng đã ngừng lắp ráp và bán Cruze. Dòng sedan Mỹ chỉ còn lại Focus cho khách lựa chọn.
Trước mục tiêu ưu đãi lắp ráp, hạn chế xe nhập khẩu, các dòng gầm cao của Ford hay các hãng khác sẽ gặp nhiều khó khăn. 8 tháng 2018, hãng đã không thể nhập xe Ranger, Everest, Explorer về bán, doanh số trông chờ vào EcoSport lắp ráp trong nước.
Tới đây, nếu đề xuất miễn phí thuế TTĐB cho phần giá trị tạo ra trong nước được phê duyệt, xe nhập khẩu càng khó cạnh tranh với xe lắp ráp. Lúc ấy, theo các chuyên gia, khoảng giá của xe bán tải như Ranger sẽ bị ảnh hưởng lớn từ các dòng crossover tương ứng. Nếu xe bán tải sớm chịu phí trước bạ như xe con thì khó khăn càng chồng chất.
Nếu không thể cạnh tranh, không loại trừ khả năng các hãng như Ford phải nghĩ tới tình huống lắp ráp xe bán tải. Nhưng để lắp ráp lại không dễ, việc này phụ thuộc vào dung lượng thị trường, ý kiến của hãng mẹ bởi hiện nay Thái Lan đang là trung tâm lắp ráp xe bán tải cho cả thế giới.
Video đang HOT
Theo VNE
Siêu xe bán tải Ford Ranger Raptor về Việt Nam với giá 1,2 tỷ đồng
Mẫu xe bán tải hiệu năng cao Ford Ranger Raptor đã xuất hiện tại VMS 2018 với giá bán bất ngờ 1,198 tỷ đồng.
Nhìn vào thiết kế ngoại thất của Ranger Raptor sẽ dễ dàng nhận ra đây là chiếc xe hiệu năng cao. Lấy cảm hứng từ đàn anh F-150 Raptor, Ranger Raptor thừa hưởng thiết kế đặc trưng DNA Performance của Ford như lưới tản nhiệt, cản trước sau, bộ lốp hầm hố tương thích mọi địa hình.
Ford Ranger Raptor sản xuất tại Thái Lan, xe dài 5.398 mm, rộng 2.180 mm và cao 1.873 mm, khoảng sáng gầm 283 mm. La-zăng hợp kim 17 inch kèm lốp đa địa hình để có thể dễ dàng vượt qua các môi trường khác nhau dù là trong điều kiến trơn trượt, bùn lầy, tuyết, đá hộc hay sa mạc.
Với thiết kế đặc trưng của dòng sản phẩm Ford hiệu năng cao, khoang nội thất của Ranger Raptor sở hữu nhiều chi tiết nổi bật, bao gồm các đường chỉ thêu màu xanh, các mảng ốp da và bảng điều khiển trung tâm cực kỳ bắt mắt. Ghế thể thao được thiết kế riêng và tạo khối để ôm khít vào người lái, mang đến cảm giác thoải mái và an toàn cho dù lái địa hình ở tốc độ cao hay như khi lái trên đường đô thị.
Ford Ranger Raptor được trang bị động cơ Diesel tăng áp kép (Bi-Turbo) 2.0L, mang đến công suất cực đại 213 mã lực cùng mô men xoắn cực đại 500Nm. Hộp số tự động 10 cấp, dẫn động bốn bánh tương tự đàn anh F-150 Raptor. Xe có hệ thống quản lý đa địa hình TMS điều chỉnh 6 chế độ lái khác nhau: Normal và Sport khi xe vận hành trên đường trường. Chế độ off-road cho địa hình cỏ/sỏi/tuyết, bùn/cát, đá và Baja - trạng thái kích hoạt khả năng vận hành mạnh mẽ nhất.
Một trong những điểm mạnh của Ranger Raptor đến từ công nghệ tăng áp. Nhờ vào sự kết hợp giữa một turbo cỡ nhỏ áp suất cao và một turbo lớn hơn hoạt động với áp suất thấp, công nghệ tiên tiến này đã mang đến sự cân bằng giữa cả hai yếu tố là khả năng vận hành mạnh mẽ và tiết kiệm nhiên liệu.
Phần bên ngoài cụm turbo được tạo ra từ hợp kim có độ bền cao có thể chịu được nhiệt độ tối đa lên đến 860 độ C, trong khi đó cổ turbo và turbo áp suất thấp liên tục được làm mát bằng nước để tránh tình trạng quá nhiệt cũng như bảo vệ các chi tiết dẫn khí khác.
Hộp số 10 cấp của Ranger Raptor sử dụng thép độ bền cao, hợp kim nhôm và vật liệu composite giống như hộp số sử dụng trên người đàn anh F-150 Raptor.
Hộp số mới cũng cho phép các kỹ sư tối ưu hóa thời điểm chuyển số để người lái chuyển số nhanh và chính xác hơn. Bên cạnh đó là các thuật toán để xe có thể tự tối ưu hóa thời gian chuyển số theo nhu cầu vận hành ở thời gian thực.
Ford Ranger Raptor được trang bị và tích hợp thêm các công nghệ mới để phù hợp với đặc trưng của một chiếc xe bán tải off-road tốc độ cao trong đó phải kể đến chế độ chạy đường địa hình với tốc độ cao Baja trong Hệ thống quản lý địa hình (TMS), được lấy cảm hứng từ giải đua sa mạc nổi tiếng cùng tên tại Mexico.
Các tính năng an toàn và tiện nghi để phù hợp với cả điều kiện đường bằng phẳng và địa hình như hệ thống kiểm soát ổn định thân xe; hệ thống kiểm soát chống lật xe với các cảm biến thông minh có thể phát hiện và giảm thiểu ảnh hưởng của những cú đánh lái thừa/thiếu và hạn chế nguy cơ lật xe.
Ngoài ra, hệ thống định vị vệ tinh của Ranger Raptor có thể định vị vị trí xe và dẫn đường để xe tìm đến đích - đây là một tính năng rất hữu ích cho những người đam mê khám phá những vùng đất mới, kể cả khi không có thông tin về đường xá trên bản đồ.
Ranger Raptor được nhập khẩu từ Thái Lan và sẽ được giao cho khách hàng tại Việt Nam qua hệ thống đại lý ủy quyền của Ford Việt Nam từ tháng 11/2018 với mức giá bán lẻ là 1,198 tỷ đồng đã bao gồm 10% VAT. Đây được cho là mức giá hấp dẫn ngoài mong đợi. Tuy nhiên tin không vui là số lượng xe rất hạn chế nên đặt xe thời điểm này có thể phải sang quý 1 năm 2019 mới có xe, đi cùng với khả năng phải chịu chi phí đăng ký như xe con.
Tại thị trường Việt Nam, Ford Ranger Raptor nằm trong phân khúc cạnh tranh với hai mẫu bán tải Chevrolet Colorado ZR2 và Toyota Tacoma TRD Pro. Tuy nhiên, do sử dụng động cơ có dung tích nhỏ nên Ranger Raptor có công suất thấp hơn hai mẫu xe địa hình trên. Đáng chú ý, mẫu này sẽ được sử dụng và đóng các loại thuế, phí như xe con.
Theo autobikes
VMS 2018 - Chi tiết Ford Ranger Raptor tại Việt Nam giá 1,2 tỷ đồng Tại VMS 2018, Ford đã chính thức ra mắt mẫu xe bán tải hiệu suất tầm trung Ranger Raptor với giá bán được đánh giá là khá hợp lý 1,2 tỷ đồng. Hãy cùng Hùng Lâm khám phá chiếc xe siêu hot sẽ tạo cơn sốt trong giới đam mê offroad tại Việt Nam. Hình ảnh được cắt ra từ video Video VMS...