Ford sẽ thành hãng thuần xe điện tại châu Âu vào 2030
Ford đang rót một tỷ USD để hiện đại hóa một nhà máy ở Đức, một phần của kế hoạch chỉ bán xe điện tại châu Âu từ 2030.
Nhà máy ở Cologne, Đức, sẽ được đại tu lớn để sản xuất ôtô điện số lượng lớn và cũng là đầu tiên tại châu Âu của Ford. Thời gian sản xuất bắt đầu từ 2023.
Ford cho biết, từ giữa 2026, mọi xe con bán tại châu Âu sẽ là xe điện hoặc sạc điện (plug-in hybrid, kết hợp một động cơ đốt trong cùng một gói pin và một động cơ điện). Hãng đặt mục tiêu từ 2030 chỉ bán xe thuần điện tại châu Âu.
Mustang Mach-E – crossover điện đầu tiên của Ford. Ảnh: Ford
Stuart Rowley, Chủ tịch Ford châu Âu, nói: “Chúng tôi đã thành công trong việc tái cấu trúc Ford châu Âu và mang lại lợi nhuận trong quý IV/2020. Giờ đây chúng tôi đang gánh vác nhiệm vụ cho một tương lai toàn xe điện ở châu Âu”.
Rowley cũng cho biết, rằng khi các quy định ngày càng khắt khe là một phần của lý do chuyển đổi, thì khách hàng cũng đang tăng mức độ quan tâm tới dòng xe điện. “Người tiêu dùng đang di chuyển rất nhanh theo hướng đó”, vị chủ tịch phát biểu.
Hãng Mỹ từng thông báo hồi đầu tháng 2, rằng họ có thể đầu tư ít nhất 22 tỷ USD trên toàn thế giới tính đến 2025 để sản xuất xe điện, gần gấp đôi con số từng hứa hẹn. Khoản đầu tư này gồm cả 7 tỷ USD mà hãng đã chi trong thời gian 2016-2020.
Châu Âu đã áp đặt những mục tiêu đầy tham vọng nhằm giảm khí thải nhà kính từ xe cộ, và các hãng ôtô đối mặt với những khoản phạt khổng lồ nếu không đáp ứng các tiêu chuẩn đề ra. Điều này giúp châu lục già tiến nhanh hơn trong việc chấp thuận dòng xe điện.
Khoảng 10% doanh số của ngành công nghiệp ôtô tại châu Âu là xe thuần điện trong tháng 12/2020, theo Giám đốc điều hành của Ford, Jim Farley trong một buổi họp báo gần đây. Và xe điện từng chiếm 54% doanh số tại Na Uy trong 2020, cũng là quốc gia đầu tiên có xe điện bán chạy hơn xe động cơ đốt trong.
Video đang HOT
Ford cũng sẽ có được những bước tiến đó. Hãng Đức Volkswagen từng thông báo liên minh với Ford trong 2019 và hiện đi đầu trong phân khúc xe điện tại châu Âu. “Ông trùm” xe điện toàn cầu, Tesla, đang xây dựng nhà máy đầu tiên ở châu Âu, ngay bên ngoài thủ đô Berlin, Đức, nơi dự kiến mở cửa cuối năm nay.
E-Transit – xe van chạy điện. Ảnh: Ford
Ford vừa bắt đầu giao mẫu xe điện Mustang Mach-E tại Mỹ, và chưa bán ra bất cứ mẫu xe thuần điện nào ở châu Âu. Nhưng Mach-E sẽ sớm có mặt tại các showroom ở châu Âu và Ford sẽ có thêm những sản phẩm khác, gồm E-Transit – chiếc van chạy điện sẽ bán ở Mỹ cuối 2021 và ở châu Âu đầu 2022.
E-Transit sẽ là một phần đặc biệt quan trọng với Ford: dù chỉ chiếm 7% tổng doanh số của Ford tại châu Âu, E-Transit sẽ là “át chủ bài” trong phân khúc xe thương mại của hãng ở châu lục già.
Ngoài ra, Ford dự đoán chỉ khoảng 67% xe thương mại là thuần điện tính từ 2030, trong khi mục tiêu là 100% dòng xe con.
Trong toàn ngành, gần như mọi nhà sản xuất đều đang có những nỗ lực chuyển đổi từ động cơ đốt trong sang thuần điện. General Motors cũng thông báo rằng chỉ bán xe điện từ 2035.
Xe điện được cho là sẽ rẻ hơn so với việc sản xuất ôtô truyền thống, nhờ ít linh kiện hơn và cần ít nhân công hơn để lắp ráp. Ford từng ước tính vào năm 2017 rằng hãng có thể cần ít hơn 30% nhân công để sản xuất xe điện so với xe dùng động cơ đốt trong.
Xe điện 'phủ sóng' ngành công nghiệp ôtô 2020
Xu hướng điện khí hóa trên toàn cầu, Tesla thống trị phân khúc xe xanh, và tại một số quốc gia, ôtô bán chạy nhất là xe điện.
Một trong những xu hướng ảnh hưởng lớn nhất trong năm nay, là việc các hãng sản xuất ôtô thông báo về những kế hoạch về dòng xe điện trong tương lai cũng như mục tiêu doanh số. "Sẽ ngày càng có nhiều mẫu xe dùng động cơ điện" là một trong những cụm từ được nhắc tới nhiều nhất.
General Motors (GM) đẩy nhanh những kế hoạch đã đề ra, nhấn mạnh mục tiêu có 30 mẫu xe điện bán ra thị trường tính đến 2025. Hyundai nói sẽ cung cấp 23 mẫu tính đến cùng thời điểm. Bentley thông báo sẽ chỉ bán xe điện tính từ 2030. Sẽ có nhiều xe điện thuộc thương hiệu Porsche hơn chạy ngoài đường. Còn Jeep cho biết mọi mẫu xe của hãng đều sẽ có tùy chọn phiên bản điện kể từ 2022.
Mustang Mach-E - crossover điện đầu tiên của Ford. Ảnh: Ford
Năm 2017, Mercedes từng nói rằng sẽ có hơn 10 mẫu xe điện tính đến 2022, và người ngoài đang chờ đợi hãng xe Đức thực hiện kế hoạch ra sao. Trong 2018, Ford thông báo sẽ đưa ra 40 mẫu xe có động cơ điện - gồm cả xe hybrid và chạy điện hoàn toàn - cũng tính đến 2022. Trong số này, Mustang Mach-E đang chuẩn bị bán ra và bản hybrid của F-150 2021 sẽ đến tay khách hàng trong 2021.
Ngay trong tháng 12, Apple, gã khổng lồ công nghệ cho thấy đang dấn thân vào ngành công nghiệp ôtô với dự án sản xuất xe hơi tự lái có tên gọi Project Titan. Apple đặt mục tiêu sản xuất xe tự lái dùng pin với công nghệ độc quyền của hãng vào năm 2024.
Tesla thậm chí cung cấp pin cho tàu biển chở khách. Ngoài ra, bên cạnh việc bắt đầu sản xuất mẫu SUV Model Y, hãng có quý thứ 5 liên tiếp thu được lợi nhuận. Đáng chú ý nhất là quý thứ hai, trong khi nhiều hãng khác đều lỗ.
Doanh số ôtô điện trên toàn cầu đạt 2,1 triệu xe trong 2019 và tính đến hết 2019, số xe điện trên toàn thế giới khoảng 7,2 triệu xe.
Trung Quốc vẫn là thị trường xe điện lớn nhất thế giới. Tính đến 2019, quốc gia này đã có 2,58 xe điện dùng pin (BEV), so với 0,97 triệu xe ở châu Âu và 0,88 triệu xe ở Mỹ, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Trung Quốc còn là nhà sản xuất lithium lớn nhất thế giới, kiểm soát 51% lượng lithium toàn cầu từ 2020.
Volkswagen ID.3 - xe điện bán chạy nhất châu Âu trong tháng 10. Ảnh: Volkswagen
Tuy nhiên, nếu tính đến tỷ lệ cụ thể, châu Âu đang đi đầu. Trong khi chỉ 5,2% số ôtô ở Trung Quốc là xe điện, thì ở Na Uy là 56% tính trong 2019. Iceland và Hà Lan đứng ở hai vị trí tiếp theo, với các mức tương ứng là 25,5% và 15%.
Tính đến cuối 2019, có khoảng 7,3 triệu trạm sạc trên thế giới, nhiều hơn 2,1 triệu so với 2018. Trong đó, 6,5 triệu là các ổ sạc cá nhân và sạc chậm. Có nghĩa, sạc điện cho xe tại nhà và ở nơi làm việc với dạng sạc Type 1 và Type 2 (sạc chậm hơn) tiếp tục là cách thức phổ biến nhất đối với người sử dụng xe điện.
Tại châu Âu, 76% các điểm sạc tập trung chỉ ở 4 quốc gia: Hà Lan, Đức, Pháp và Anh.
Trong khi đó, các trạm sạc nhanh đang tăng chậm. Trong 2019, khoảng 598.000 điểm sạc nhanh trên thế giới, và 82% trong đó là ở Trung Quốc. Tại châu Âu và Mỹ, phần lớn các điểm sạc công cộng được lắp đặt trong 2019 là sạc chậm. Tuy nhiên, tình hình dường như đang thay đổi, với nhiều dự án tập trung vào hệ thống sạc siêu nhanh từng được thông báo tại châu Âu.
Một trạm sạc xe điện của Tesla. Ảnh: Wccftech
Nâng cấp thiết kế và công nghệ pin là một hành động khác trong xu hướng. Những yếu tố quan trọng như nguyên vật liệu sản xuất, tỷ trọng hay kích thước pin là mục đích của các nghiên cứu.
Trong năm, mẫu pin mới 4680 được Tesla giới thiệu. Loại pin mới có thể tăng mật độ năng lượng trong thỏi pin lên 5 lần, mạnh gấp 6 lần pin thông thường. Tuổi thọ pin có thể kéo dài thêm 16% thời gian, trong khi chi phí sản xuất lại giảm 14%.
Trong khi chờ pin 4680 hoàn thiện, Tesla tiếp tục hợp tác với Panasonic, LG và CATL để nâng hiệu suất các dòng pin hiện tại. Việc này bao gồm thay đổi nắp pin, bao đựng pin, các tab bên trong và có thể chuyển sang đóng gói dạng cuộn. Những thay đổi này sẽ giúp mật độ năng lượng tăng 50% so với truyền thống.
Hôm 24/11, Elon Musk, người đứng đầu Tesla công bố kế hoạch xây dựng một nhà máy sản xuất pin có công suất lên tới 250 GWh dành cho xe điện tại Đức.
Đầu tháng 12, công ty khởi nghiệp Aptera, Mỹ, phát triển mẫu xe điện có thể chạy tới 1.600 km mà không cần ghé vào trạm sạc. Xe trang bị pin 100 kWh, nóc xe gắn hàng loạt pin mặt trời, đủ cung cấp năng lượng cho phương tiện này chạy 72 km mỗi ngày.
Dự kiến đến 2030, số ôtô điện trên toàn cầu đạt gần 140 triệu xe và chiếm khoảng 7% tổng số phương tiện.
CEO Ford tiết lộ thông tin hãng đang xem xét tự sản xuất pin EV Hồi tháng 7/2020, cựu CEO Ford Jim Hackett từng nói rằng nếu Ford tự sản xuất pin sẽ "không có lợi ích gì". Và hiện nay, dường như hãng xe đã hoàn toàn thay đổi ý kiến về vấn đề này. CEO hiện tại của Ford Jim Farley xác nhận rằng Ford thực sự đang xem xét sản xuất pin cho riêng mình,...