Forbes: Việt Nam ngập tràn cơ hội cho quảng cáo trên di động
Việt Nam là nước có kết nối internet rộng rãi và với sự hiện diện ngày một dày của smartphone, những nhà tiếp thị trên điện thoại di động ngày càng có nhiều cơ hội hơn, theo Forbes.
Gần như mỗi quán cà phê hay nhà hàng đều trở thành một điểm truy cập internet ở Việt Nam – Ảnh: AFP
Tờ Forbes mới đây có bài viết nhận định về cơ hội tiếp thị trên nền tảng di động ở Việt Nam khi điện thoại thông minh (smartphone) xuất hiện ngày càng nhiều trong đời sống người dân.
Tờ báo đánh giá một trong những điều tuyệt vời về cuộc sống ở Việt Nam là mọi người luôn có thể dễ dàng lên mạng dù họ đang ở đâu. Việt Nam có lợi thế khi tiếp nhận công nghệ internet muộn hơn. Các thiết bị như router không dây và khả năng truy cập mạng giá rẻ đồng nghĩa với việc không chỉ có nhà riêng, mà gần như mỗi quán cà phê hay nhà hàng đều trở thành một điểm truy cập internet.
Video đang HOT
Cùng với đó, 36% dân số Việt Nam hiện sở hữu điện thoại thông minh và tỷ lệ này cao hơn nhiều ở các khu vực đô thị. Theo nghiên cứu từ hãng DI Marketing, 9/10 người dùng smartphone cho hay điện thoại là phương tiện truy cập internet duy nhất của họ. 80% người lên mạng qua smartphone cho biết truy cập mạng xã hội là hoạt động chính.
Hai yếu tố trên đồng nghĩa với cơ hội to lớn dành cho các thương hiệu muốn tiếp cận người tiêu dùng thông qua thiết bị di động. Song giữa hàng loạt thông tin trực tuyến, loại hình quảng cáo nào thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng Việt? Báo cáo của Omnicom Media và hãng nghiên cứu Epinion xem xét các kênh và nội dung có hiệu quả nhất ở thị trường Việt Nam để trả lời câu hỏi này.
Như đã đề cập ở trên, các phương tiện truyền thông xã hội, đặc biệt là Facebook và Instagram, cực kỳ phổ biến ở Việt Nam. Khảo sát đưa ra kết quả 60% người được hỏi cho hay họ cảm thấy vô cùng khó chịu nếu không cầm smartphone và 44% không thể rời mắt khỏi điện thoại di động hơn 1 giờ đồng hồ. Rất nhiều thời gian sử dụng smartphone là dành cho mạng xã hội.
Khi nói đến nội dung, khẩu vị người Việt khá khác biệt so với các nước láng giềng Đông Nam Á. Nội dung gây cười hoặc hữu ích, chẳng hạn như hướng dẫn trang điểm hay tính năng lập bản đồ, là phổ biến nhất với người Việt. Nếu nội dung trên được truyền tải dưới dạng video thì càng hiệu quả hơn.
Giám đốc điều hành công ty sáng tạo Dinosaur Sumesh Peringeth ở TP.HCM cho hay một đoạn phim ngắn, truyền tải ý tưởng đơn giản, dễ dàng và đôi khi kỳ quặc có thể đặc biệt hiệu quả. “Trong những tình huống trên, hài hước đem lại kết quả cao nhất. Ai lại không thích một câu chuyện vui?”, ông Peringeth nói.
Khi smartphone đang ở trên tay hàng chục triệu người Việt, những nhà tiếp thị thông minh, có hiểu biết có thể tận dụng cơ hội này để gặt hái nhiều thành công.
Thu Thảo
Theo Thanhnien
Đồ chơi biết nói có giúp trẻ phát triển ngôn ngữ?
Mọi loại đồ chơi biết nói đều quảng cáo rằng sản phẩm mang tính giáo dục cao. Điều đó có đáng tin?
Đây chính là kết quả thu được từ một nghiên cứu mới được đăng trên tờ JAMA Pediatrics. Nghiên cứu cho thấy một vài sản phẩm đồ chơi được quảng cáo là giúp kích thích phát triển ngôn ngữ ở trẻ thưc chất chưa được khoa học chứng minh về tính hiệu quả.
Nghiên cứu trên đã chỉ ra rằng để giúp trẻ hiểu được, nói được và từ đó đọc hoặc viết được một ngôn ngữ thì trước hết chúng cần nghe rất nhiều. Và không bao giờ là quá sớm để trẻ bắt đầu nghe cả. Điều đó giải thích lý do vì sao ngành công nghiệp đồ chơi biết nói, được cho là có thể giúp trẻ học ngôn ngữ, bùng nổ trong thời gian gần đây.
Nghiên cứu trên tập trung vào một nhóm hơn 24 trẻ em trong độ tuổi từ 10 đến 16 tháng tuổi. Các chuyên gia cho các bé đeo một chiếc micro nhỏ được gắn vào áo để ghi âm khi các em ở nhà chơi với bố mẹ.
Ảnh minh họa
Giáo sư Anna Sosa, thuộc đại học Bắc Arizona, là người đứng đầu dự án nghiên cứu này. Bà cho biết mỗi gia đình sẽ được cung cấp ba loại đồ chơi khác nhau: sách, đồ chơi truyền thống như trò lắp ghép xếp hình, và cuối cùng là đồ chơi điện tử. "Chúng tôi có bộ trò chơi nông trại biết nói - giúp các bé học cách gọi tên các con vật," Sosa cho biết về loại đồ chơi điện tử. "Chúng tôi cũng có một chiếc điện thoại di động và một chiếc laptop cho trẻ em. Và bạn chỉ cần mở nắp ra, bấm nút và chúng sẽ nói cho bạn nghe." Sosa cho biết bà chọn các sản phẩm trên "là do chúng được quảng cáo là giúp kích thích sự phát triển ngôn ngữ ở trẻ trong độ tuổi này". Mỗi cặp phụ huynh được yêu cầu dùng mỗi món đồ chơi riêng biệt để chơi với trẻ trong vòng ba ngày. Để hiểu được những gì các nhà nghiên cứu nghe được, chúng ta cần biết họ đang lắng nghe điều gì. Như đã trình bày ở trên, trẻ nhỏ tiếp thu ngôn ngữ bằng cách lắng nghe. Và nghiên cứu đã cho thấy sự tương tác - chính là sự trao đổi thông tin giữa bố mẹ và trẻ - là yếu tố quan trọng nhất cho sự tiếp thu ngôn ngữ ở trẻ, bởi vì ở giai đoạn này trẻ tiếp thu từ môi trường xung quanh. "Khi có một thứ khác đảm nhận vai trò nói, các bậc phụ huynh hầu như chỉ ngồi một bên, để đồ chơi trò chuyện với các bé và đáp lại lời các bé," Sosa cho biết. Điều này không tốt bởi vì đồ chơi chỉ có thể giúp phát triển ngôn ngữ ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ khi chúng kích thích sự tương tác giữa bố mẹ và trẻ. Chưa có chứng minh nào cho thấy một đứa trẻ có thể tiếp thu ngôn ngữ trực tiếp từ một món đồ chơi cả. Bởi vì đồ chơi không có đủ khả năng làm điều này và cũng không giúp trẻ tiếp thu từ môi trường xung quanh. Đối với hai loại đồ chơi còn lại, trò lắp ghép và xếp hình giúp kích thích khả năng giao tiếp nhiều hơn đồ chơi điện tử, và dẫn đầu là sách truyện. Sách chiếm ưu thế về lượng tương tác, tuy nhiên đồ chơi truyền thống lại có lợi hơn về chất lượng tương tác. Nghiên cứu trên vẫn còn vài hạn chế: do chỉ tập trung vào một nhóm nhỏ các gia đình. Và trong số 26 cặp phụ huynh tham gia, hầu hết các gia đình chỉ có mẹ, là người da trắng và tốt nghiệp đại học. Tuy nhiên kết quả đồ chơi điện tử không tốt như đã quảng cáo là đáng tin cậy. Heather Kirkorian, nhà nghiên cứu về sự phát triển ở trẻ em tại đại học Wisconsin, Madison chia sẻ công nghệ có thể giúp ích cho những trẻ lớn hơn, còn trẻ nhỏ cần được học nói thông qua giao tiếp với con người.
Diễm Sương (Theo npr.org)
Theo_PLO
Forbes ca ngợi Việt Nam là câu chuyện kinh tế thành công ở châu Á Trang Forbes, tạp chí danh tiếng của Mỹ, vừa đăng một bài viết ca ngợi kinh tế Việt Nam của tác giá Brett Davis. Minh chứng cho điều này là sự phát triển của nhiều tòa cao ốc và sự tăng nhanh về thu nhập bình quân đầu người. Theo Brett Davis, các dấu hiệu phát triển kinh tế của Việt Nam được...