Forbes gọi tên Ninh Bình là nơi đáng đến nhất thế giới
Tạp chí danh tiếng Forbes đã gọi Ninh Bình là ‘một viên ngọc ẩn của châu Á’ và không tiếc lời ca ngợi cảnh quan tuyệt đẹp với hàng trăm tảng đá vôi cao chọc trời, cánh đồng lúa bát ngát và ẩm thực độc đáo của nơi đây.
Forbes gọi tên Ninh Bình là nơi đáng đến nhất thế giới. (Nguồn: Vietnamnet)
Theo Catarina Mello, cây bút chuyên về du lịch của Forbes, Ninh Bình đang ngày càng phổ biến trên khắp các nền tảng mạng xã hội nên ngày mà điểm đến này trở nên nổi tiếng hơn không còn xa. Đây cũng được coi là nơi giúp du khách nước ngoài trải nghiệm nét văn hóa Bắc Bộ một cách chân thực nhất.
Bên cạnh đó, Ninh Bình của Việt Nam còn thu hút du khách khi từng là bối cảnh xuất hiện trong bom tấn Hollywood, Kong: Đảo Đầu Lâu (Kong: Skull Island), có kinh phí sản xuất lên tới 190 triệu USD vào năm 2016.
Cùng với một số địa danh nổi tiếng khác như vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), hang Tú Làn và hang Chuột (Quảng Bình), Ninh Bình góp mặt trong phim với các điểm Tràng An, đầm Vân Long, Tam Cốc.
“Chỉ cách thủ đô Hà Nội sầm uất khoảng hai giờ đi xe, Ninh Bình là một điểm đến hấp dẫn được biết đến với hàng trăm tảng đá vôi cao chọc trời, cánh đồng lúa bát ngát và những dòng sông uốn lượn. Nơi đây đẹp đến nỗi bạn sẽ yêu nó ngay lập tức”, Mello ca ngợi.
Ngoài ra, cô còn gợi ý mọi người nên dành cả ngày để đạp xe qua những cánh đồng lúa, leo núi đá vôi để có tầm nhìn tuyệt vời, thăm chùa, du ngoạn dọc theo vùng nông thôn tuyệt đẹp hay tham quan các hang động bằng thuyền.
Video đang HOT
Đồng thời, tác giả cũng gợi ý du khách đừng bỏ qua đặc sản Ninh Bình là thịt dê núi. “Các món ăn nổi tiếng nhất là tiết canh dê, thịt dê nướng ngũ vị và thịt dê hấp gừng”, Mello chia sẻ.
Đây không phải lần đầu tiên Ninh Bình được truyền thông quốc tế ca ngợi và vinh danh. Vào tháng 2 năm nay, Ninh Bình là đại diện duy nhất của châu Á nằm trong top 10 điểm đến thân thiện với du khách thế giới, một hạng mục của Giải thưởng Traveler Review Awards 2023 hàng năm do Booking.com- một ứng dụng đặt phòng khách sạn có mặt tại 228 quốc gia và vùng lãnh thổ, công bố.
Trước đó, chuyên trang du lịch Time Out đã đưa Ninh Bình vào danh sách những điểm đến có vẻ đẹp ‘hoang sơ như viên đá quý’.
Năm ngoái, Travel Leisure (Mỹ) cũng xếp Ninh Bình vào danh sách 12 địa điểm quay phim đẹp nhất châu Á.
Trips to Discover (Mỹ) điền tên Ninh Bình vào danh sách 14 điểm đến hấp dẫn nhất châu Á trong năm 2020.
Qua mùa lúa chín, Tam Cốc đẹp dịu dàng, mướt mắt lạ kỳ
Nếu mùa lúa chín, Tam Cốc đẹp như nữ hoàng với ngút ngàn sắc vàng rực rỡ thì khi lúa thu hoạch hết, dòng sông Ngô Đồng lại đẹp mềm mại, e thẹn như cô thôn nữ.
Tam Cốc (Ninh Bình) vốn nổi tiếng với mùa lúa chín, tức là thời điểm từ tháng 5 đến đầu tháng 6 hàng năm. Vẫn biết cánh đồng lúa chín ở đâu cũng đẹp nhưng có lẽ chỉ ở Tam Cốc, hình ảnh này mới nên thơ và riêng biệt như thế. Bởi không ở đâu cánh đồng lúa chín lại mềm mại, uốn lượn theo đường cong của dòng sông như ở Tam Cốc. Hai bên sông Ngô Đồng, lúa chín trải dài như bất tận, vẽ nên hình ảnh cánh diều vàng bay lượn, dập dờn trong gió. Giữa hai bên sắc vàng là dòng sông xanh thẳm, như điểm nhấn khiến bức tranh thêm sinh động.
Đúng là vẻ đẹp mùa lúa chín trên sông của Tam Cốc đã quá nổi tiếng, hút hồn biết bao du khách. Nhưng không vì thế mà người ta quên đi một Tam Cốc bình yên, dịu nhẹ song cũng không kém phần say đắm lòng người khi không còn cánh đồng lúa chín. Nếu vào mùa lúa chín, Tam Cốc đẹp rực rỡ như nữ hoàng thì qua thời điểm này, Tam Cốc lại đẹp hiền dịu như cô thôn nữ, mà vẫn mướt mắt lạ kỳ.
Qua mùa lúa chín, Tam Cốc đẹp nhẹ nhàng như cô thôn nữ.
Cuối tháng 5, trởi xanh thăm thẳm, không một gợn mây. Chúng tôi đi thuyền trên sông Ngô Đồng từ sáng sớm, phần vì tránh nắng nóng, phần vì muốn đón nắng lên dần trên dòng sông hiền hòa này. Cố "né" thời điểm lúa vàng chín rực để "săn" được nét hữu tình bên hai bờ sông, xem Tam Cốc thế nào khi không còn lúa chín. Quả thật, Tam Cốc cuối tháng 5 khác thật, so với trước đó chỉ 1, 2 tuần, nó như có diện mạo hoàn toàn khác. Nếu trước đó là vẻ đẹp kiêu sa thì bây giờ lại là vẻ đẹp thùy mị, có phần e lệ, khiêm nhường. Nhưng lạ thay, Tam Cốc vẫn đẹp đến nao lòng.
Bóng núi, dòng sông hòa quyện, khiến không gian trên sông thật lắng đọng.
Thuyền lướt nhẹ trên sông, gió vờn nhẹ mặt nước. Ánh nắng cuối tháng 5 tuy khá gay gắt nhưng không thể xua đi hơi mát từ đá, từ sông, từ cây cối um tùm dội lại. Sông Ngô Đồng như một thung lũng, được bao bọc bởi những rặng núi đồ sộ, những lùm cây xanh mướt, khiến nó trở nên e ấp hơn. Du khách đi trên sông chỉ việc thả mình xuôi dòng, để ngắm những rặng núi đá hình thù kỳ dị: mỏ đại bàng, núi hình cô gái ngóng chồng...Thi thoảng, từng đàn cò trắng dập dờn bay lượn hai bên bờ, đậu cả xuống mặt sông trắng muốt một vùng. Xa xa, trên nhiều khe núi, du khách ồ lên thích thú trước cảnh từng bầy dê thong thả ăn lá. Tất cả đều hoang sơ đến lạ kỳ.
Cò trắng đậu từng đàn trên vách đá, lùm cây và dưới cả mặt nước.
Dòng sông Ngô Đồng quả thật hiền dịu, không dữ tợn như những dòng sông khác. Bác lái đò cho biết, sông chỉ có chiều sâu khoảng hơn một mét nên du khách khá an tâm khi du ngoạn. Nước ở đây cũng êm đềm trôi, không trồi lên sụt xuống hay có những đợt sóng xoáy như ở nhiều nơi. Nhờ nước trong và độ sâu vừa phải nên ai cũng có thể nhìn thấy đám rong rêu ở dưới lòng sông, cảnh tượng thực sự thú vị.
Nhưng điều làm cho Tam Cốc cũng như sông Ngô Đồng khác biệt thực sự chính là hai bên bờ - nơi mà trước đó không lâu là những thảm vàng trải dài bất tận. Giờ lúa chín đã được gặt xong, Tam Cốc được trả lại màu xanh mát mắt vốn có. Hai bên cánh đồng ven sông, chỉ còn phần gốc lúa nhưng không vì thế mà nó trở nên hoang sơ, tan tác. Thay vào đó, màu xanh còn vương lại của lúa lại hòa quyện ăn ý với lau sậy, với cây cối, đá núi, làm hút tầm mắt du khách. Màu xanh trong trẻo, phơi phới của cảnh vật xóa tan đi sự nóng bức của mùa hè, xua đi sự ồn ào của cuộc sống đô thị. Tất cả như bị bỏ lại đằng sau, chỉ còn lại sự êm ả, dịu nhẹ đến bất tận của mùa xanh Tam Cốc.
Nếu vào mùa lúa chín vàng, cây cối, bóng nước, đá núi, thậm chí cả những hang động của Tam Cốc bị che mờ bởi vẻ đẹp quá rực rỡ của cánh đồng vàng thì thời điểm này, tất cả lại được phô ra trọn vẹn, khiến nhiều người phải ngạc nhiên thốt lên rằng: Tam Cốc đẹp và hữu tình quá.
Hang Cả dài 127 m, cách đó gần một km là hang Hai dài 60 m, Hang Ba dài 50 m lần lượt hiện ra, soi bóng xuống dòng sông. Cả ba hang đều được tạo thành bởi dòng chảy của sông bào mòn vì núi đá vùng này là núi đá vôi. Trong hang khí hậu mát ẩm và có nhiều nhũ đá rủ xuống với rất nhiều hình dạng. Hang Ba tuy là hang nhỏ nhất, chỉ dài 50m nhưng lại được xem là hang động đẹp nhất so với hai hang còn lại. Nơi đây, bạn tưởng tượng giống như một vòm đá được thiên nhiên ưu ái, mài dũa khéo léo với những chi tiết tinh xảo, tạo nên vẻ đẹp độc đáo, tuyệt vời cho hang Ba.
Vẻ đẹp hoang sơ của Hang Cả.
Thuyền nhẹ trôi vào động, du khách cảm thấy như lắng đọng, nghe được hơi thở của chính mình. Ở phía sau, dòng sông vẫn tĩnh lặng, chỉ lao xao tiếng gió thổi, mang đến du khách không gian yên bình của một miền quê đồng bằng Bắc bộ.
Có người từng nói, nếu đi ngắm Tam Cốc vào mùa lúa chín, hẳn ai cũng sẽ lao xao vì ngạc nhiên, trầm trồ, thích thú, nhưng ngắm Tam Cốc khi không còn lúa chín thì ai cũng chỉ muốn tĩnh lặng, thả hồn trôi sông để dịu yên cùng vẻ đẹp đơn sơ, bình dị ở đây. Điều này quả thật đúng. Đến Tam Cốc thời điểm này mới hiểu được thế nào là vẻ thanh bình, tĩnh lặng mà không phải dòng sông nào cũng có.
Khám phá đảo Thanh Lân 'Viên ngọc ẩn' của Quảng Ninh Vùng biển quanh đảo Thanh Lân có sự đa dạng sinh học với nhiều hệ sinh thái điển hình của vùng biển nhiệt đới, trong đó có hệ sinh thái rạn san hô phong phú. Đảo Thanh Lân có sự đa dạng sinh học với hệ sinh thái biển và rừng nhiệt đới. Thanh Lân là xã đảo thuộc quần đảo Cô Tô...