‘Flexing’ vui hay ‘độc hại’?
Gần đây, giới trẻ ‘phát sốt’ với trào lưu ‘flexing’ – hành động khoe thành tích cá nhân trên mạng xã hội.
‘Flexing’ có thể gây ra sự áp lực không cần thiết và so sánh không lành mạnh giữa các cá nhân. Ảnh: ITN .
Bên cạnh việc mang đến sự vui vẻ và ngưỡng mộ, xu hướng này cũng làm xuất hiện nỗi lo liệu có là nguyên do tạo ra sự so sánh “độc hại”?
Cách để yêu sự nỗ lực?
Trào lưu “flexing” xuất phát từ cụm từ “ flex” trong tiếng Anh, có nghĩa là khoe mẽ sự giàu có hoặc thành công khiến người khác cảm thấy khó chịu. Vốn “flex” không phải là khái niệm mới vì khá phổ biến trong những bài rap.
Thời gian gần đây, nó trở thành trào lưu tại Việt Nam khi một người nổi tiếng làm trong lĩnh vực truyền thông thường xuyên khoe về cuộc sống xa xỉ của mình trên mạng xã hội. Ban đầu, “flex” khiến cư dân mạng khó chịu, nhưng dần dà lại thấy hài hước và cùng tạo nên một xu hướng.
“Flexing” nổi lên vào khoảng cuối tháng 5/2023 và bắt đầu từ khi một nhóm Facebook có tên “Flex đến hơi thở cuối cùng” được thành lập. Tính đến nay, sau chưa đầy 2 tháng, nhóm này đã thu hút hơn 1,3 triệu thành viên và con số này vẫn đang tăng theo từng phút.
Đối tượng tham gia trào lưu này không giới hạn, nhưng chủ yếu là những cá nhân trẻ tuổi. Một vài ví dụ điển hình có thể kể đến như vận động viên thành danh, du học sinh chinh phục được học bổng toàn phần hoặc nghiên cứu sinh chuyên ngành về ung thư…
Và cả những nghệ sĩ nổi tiếng cũng không nằm ngoài “cơn sốt” khoe thành tích như: Hoa hậu Lương Thùy Linh, MC Khánh Vy, YouTuber Jenny Huỳnh, Hà Myo (Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2022), các nhà leo núi của gameshow Đường lên đỉnh Olympia, ca sĩ Hoàng Dũng,…
Nhạc sĩ Nguyễn Phúc Thiện, chủ nhân của loạt hit V-pop trăm triệu views trước khi liệt kê thành tích của mình có viết: “Tôi không hề giàu, chưa có nhà, cũng chẳng có xe, cũng như bao người khác thôi, rời bỏ nghề thầy giáo để giờ đây tôi có niềm tự hào của riêng mình”.
Hay như với MC Nguyễn Lâm Thảo Tâm, cô “flex” về việc được trở thành MC Đài Truyền hình Quốc gia và đã dẫn chương trình chuyên về tiếng Anh đến mùa thứ 10, nhưng trước đó cô viết: “Flex năm 7 tuổi theo má qua Úc vì má có học bổng thạc sĩ. Khi đi bập bẹ tiếng Anh, khi về nói tiếng Anh như gió vì ở bển thèm nói chuyện với các bạn mà không bạn nào biết tiếng Việt”.
Còn với Anh Thư (22 tuổi, Hà Nội), một thành viên thuộc nhóm “hóng hớt” đã tham gia nhóm “Flex đến hơi thở cuối cùng” từ những ngày đầu, chia sẻ: “Vào nhóm mới thấy nhiều bạn trẻ rất giỏi, khiến tôi cảm thấy ngưỡng mộ và từ đó có thêm động lực phấn đấu. Những chia sẻ của mọi người thường theo chiều hướng vui vẻ nên đọc cũng không thấy quá nặng nề hay khó chịu, dù biết rõ họ đang “khoe khoang”.
Trong nhóm cũng không hẳn chỉ gồm những người rất xuất sắc ở lĩnh vực nào đó mới có thể đăng bài mà còn có những bài kiểu như “flex ngón tay có 4 đốt” hay “flex danh sách bạn bè toàn người nổi tiếng”, đọc cũng thấy thư giãn và gần gũi”.
Video đang HOT
Thành lập chưa đầy 2 tháng, nhóm Facebook ‘Flex đến hơi thở cuối cùng’ thu hút đến hơn 1,3 triệu thành viên tham gia. Ảnh chụp màn hình.
Cảnh giác mối nguy
Dù nhận được những đánh giá và thực tế phản ánh khá tích cực song một số chuyên gia đưa ra cảnh báo khi nhận định phong trào “flexing” như một mối lo ngại tác động đến tâm lý của những người trẻ.
Nhận xét về thực trạng ngày càng trở nên phổ biến của trào lưu “flexing”, thạc sĩ Đặng Hoàng An – nguyên giảng viên Khoa Tâm lý học Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh cho rằng, vốn tinh thần ban đầu của “flexing” không xấu nhưng nếu không kiểm soát được bản thân mà nói quá sự thật vốn có sẽ làm cho người ta tự cao, tự đại và trở thành kiêu ngạo. Và với các bạn trẻ khi đọc những nội dung về “flex” có thể dễ áp lực hoặc tủi hổ, tự ti về bản thân trước thành tựu của người khác.
Lấy ví dụ như trường hợp YouTuber Jenny Huỳnh – người sở hữu 3,22 triệu người theo dõi trên YouTube, một cái tên có sức ảnh hưởng với giới trẻ. Cô đã có bài “flex” trên YouTube với nội dung “thấy mọi người flex quá là đỉnh còn mình chỉ có một shop slime nhỏ lúc 12 tuổi” để khoe về việc mình đã có một cửa hàng kinh doanh từ rất sớm. Đây là trường hợp “khởi nghiệp” không phổ biến, nhưng Jenny Huỳnh đã làm được nhờ sự năng động từ khi còn nhỏ và có sự hỗ trợ tích cực từ phía gia đình.
Dẫu vẫn biết rằng, có khi cả triệu người Việt Nam mới có một Jenny Huỳnh may mắn và thuận lợi trong việc khởi nghiệp như thế song cách chọn thông tin này để “flex” vẫn có thể khiến những bạn đồng trang lứa, thậm chí người lớn tuổi hơn cảm thấy mình thua kém, thất bại vì vẫn chưa có gì trong tay khi mang tâm lý so sánh chưa có “một cửa hàng”.
Nghệ sĩ cũng nhiệt tình ‘flex’. Ảnh chụp màn hình.
Hay như Phạm Trang – người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội với 2,1 triệu người theo dõi “flex” với nội dung: “21 tuổi bạn bè xung quanh ai cũng flex có biệt thự, siêu xe, nhìn lại mình chỉ có 5 chi nhánh cửa hàng, chuẩn bị khai trương chi nhánh thứ 6. Thật là tủi thân quá đi, hihi”.
Chia sẻ của Phạm Trang chỉ mang tính vui vẻ, nhưng có lẽ vẫn vô tình làm cho không ít người đọc, nhất là các bạn trẻ cảm thấy ngượng ngùng, lo lắng khi có những suy luận kiểu như: Bạn ấy 21 tuổi đã có tới 6 chi nhánh kinh doanh mà vẫn “tủi thân” vì bạn bè xung quanh đã có nhà có xe. Trong khi mình 21 tuổi và vẫn còn chưa tốt nghiệp đại học, chưa thể tự lực tài chính, vậy có phải mình quá yếu kém hay không?
Dù là “flex” một cách bông đùa, ngẫu hứng nhưng nếu chủ thể sử dụng từ ngữ, diễn đạt không khéo léo sẽ dễ gây áp lực, tự ti và so sánh độc hại với đối phương tiếp nhận thông tin. Nhất là với những người có sức ảnh hưởng rộng rãi, một bài đăng hay một lời của họ thường có tác động rất lớn tới cộng đồng người trẻ đang theo dõi họ.
Khi sức chi phối tâm lý của thế giới ảo rất mạnh với nhiều người thì điều cần ở đây là những cá nhân “flex” cần chú trọng về ngôn từ để không đi quá xa, không trở thành khoe mẽ và hạ thấp cá nhân khác.
Và với những bạn trẻ nói chung, hãy đón nhận trào lưu này bằng cái nhìn thoải mái, dành sự ngưỡng mộ tới người xuất sắc nhưng cũng lấy đó để làm “động lực” chứ không phải là “áp lực”.
“Flex” – “khoe khoang” từ trước đến nay vẫn được dùng để nói về cách ứng xử chưa tốt vì thiếu sự khiêm tốn và đề cao bản thân thái quá. Vậy mà, giờ đây nó lại nhận được làn sóng ủng hộ. Phải chăng, giới trẻ đang đi ngược lại với những phẩm chất đạo đức truyền thống?
Thực tế thì, khi “flex” một cách tích cực, hóm hỉnh, đủ liều lượng và như lời cảm ơn đến bản thân vì đã nỗ lực hết mình để đạt được thành tích nào đó; cũng như người tiếp nhận chẳng mấy quan tâm đến nếu nội dung thiếu tích cực mà dành sự chú ý những bài viết hữu ích cùng những đóng góp to lớn của cá nhân đó cho xã hội ở mọi lĩnh vực thì chưa khi nào là xấu xí.
Lối ứng xử này đã được chứng minh bởi Simone Kühn, nhà nghiên cứu tâm lý học tại Đại học Hamburg: “Việc khoe về thành công và tài sản có thể kích thích vùng não liên quan đến phân tích sự đánh giá bản thân”.
Flex là gì mà thành hot trend trên mạng xã hội
Trend flex bắt đầu dậy sóng từ cuối tháng tư trên các nền tảng mạng xã hội bởi các bạn trẻ Gen Z khi ban đầu họ dùng từ này châm biếm lối khoe mẽ tinh vi của một nhân vật nổi tiếng, sau đó thành trào lưu vui nhộn.
Đạt thành tích cao, học lực khủng, ngành nghề sang chảnh, đi làm từ thiện... đều được đưa lên mạng xã hội để flex.
Trend flex là gì?
Trong tiếng Anh, flex có nghĩa là sự biến chuyển linh hoạt, uốn cong của một phần cơ thể hoặc đồ vật; từ ngữ này thường bắt gặp trong lĩnh vực thể dục thể hình khi nói đến đến bài tập uốn dẻo cơ thể hoặc co đầu gối; ở ngữ cảnh khác, chỉ hành động thể hiện, phô trương cá nhân.
Những năm 90, flex bắt đầu gây chú ý khi được các ca sĩ nhạc rap Mỹ sử dụng và chèn vào ca khúc nhằm thể hiện độ giàu có của mình. Nhờ vào âm nhạc, flex trở nên thông dụng, vươn xa ra toàn thế giới và được hiểu như là hành động khoe khoang: khoe ô tô xịn, giày dép đắt tiền, quần áo độc lạ, hàng hiệu...cho đến khoe kiến thức cao siêu, hiểu biết, trải nghiệm...Chỉ cần hơn hẳn, vượt trội so với quy định thì đó là khoe!
Đến nay, đã có một nhóm tên Flex đến hơi thở cuối cùng được thành lập trên Facebook, thu hút hơn 1,3 triệu thành viên tham gia.
Trend flex thành tích đang gây sốt cộng đồng mạng thời gian vừa qua. Ảnh: CHỤP MÀN HÌNH.
Trong nhóm này, người tham gia đăng tải khối tài sản khủng, kết quả xuất sắc trong quá trình học tập, kinh doanh; biểu dương giá trị truyền thống hiếm có của gia đình, giới thiệu những chuyến đi đến vùng đất lạ đến hoặc đơn giản khoe về sự cống hiến, hi sinh thầm lặng cá nhân đến với cộng đồng.
Câu chuyện chia sẻ thường có tính hài hước, duyên dáng khiến mọi người "cười không nhặt được mồm", như tài khoản Nguyễn Thế Huy kể: "Đi học bay nói chung cũng nhàn, cứ nhấc được cái máy bay lên và hạ được cái máy bay xuống là được" thu hút hơn 2,2 ngàn lượt tương tác cảm xúc vui nhộn, 608 lượt bình luận.
Nickname Chuu Chu "làm màu" với số dư khủng hơn 110 tỷ VND trong tài khoản ngân hàng, khiến ai nấy cũng phải bình luận "xin vía" thần tài.
Nhóm Facebook Flex đến hơi thở cuối cùng thu hút hơn 1,3 triệu thành viên. Không chỉ có Gen Z, các nhãn hàng bán lẻ, doanh nghiệp lớn, ca sĩ, cầu thủ, nhân vật nổi tiếng cũng tranh thủ tham gia. Ảnh: CHỤP MÀN HÌNH.
"Chỉ cần cố gắng, sẽ thành công"
Bên cạnh nội dung hài hước, những màn flex đến từ những người có đóng góp cho xã hội cũng khiến thành viên bày tỏ sự ngưỡng mộ, trân trọng.
Câu chuyện đạt được thành công được chia sẻ rộng rãi trên các nền tảng mạng xã hội, có tác dụng động viên, khích lệ những ai còn tự ti về bản thân. Ảnh: CHỤP MÀN HÌNH.
Tài khoản "Trần Quang Hùng" viết: "Hôm nay tròn 22 ngày mình làm bếp ăn 0 đồng ở Bệnh viện Nhi đồng 2. 1 ngày 600 suất cháo. 22 ngày nghĩa là trao tay được 13.200 suất cháo rồi! Cái này Flex để lan tỏa điều tích cực có được không mọi người". Bài viết thu hút hơn 13 nghìn lượt tương tác, 320 lượt bình luận.
Hiện trend flex vẫn rần rần trên mạng xã hội nên nhận nhiều ý kiến cho rằng đó chỉ là cái cớ hợp thức hóa việc phô trương nhằm thể hiện tâm lý muốn là số 1, đặc biệt, giỏi giang hơn người.
Người dùng mạng "bị flex" bày tỏ sự ngưỡng mộ. Ảnh: CHỤP MÀN HÌNH.
Có trường hợp người flex may mắn sống trong môi trường tốt, nhận sự giáo dục bài bản, nên đích đến thành công của họ gần hơn. Tuy nhiên, cũng có người chỉ thành công sau quá trình nỗ lực gian nan. Vì vậy, tôn vinh, tự tuyên dương bản thân không có nghĩa là khoe mẽ, khinh thường mà là bằng chứng xác nhận hoàn thành mục tiêu đã đề ra.
Trào lưu flex có thể khiến một số người trẻ thiếu tự tin
Bên cạnh mặt tích cực của trào lưu này, flex cũng có mặt trái của nó. Nếu chạy theo trào lưu này không kiểm soát, các bạn trẻ có thể sẽ bị ảnh hưởng và sa vào việc khoe khoang ảo.
Bác sĩ Ngô Thị Phương Thảo, chuyên khoa Y học cổ truyền kiêm nhiệm tâm lý học trị liệu đang làm việc tại công ty TNHH Y Học Cổ Truyền Tâm An cho biết mặt trái của trào lưu flex có thể khiến người trẻ thiếu tự tin.
"Các bạn trẻ được gia đình chăm bẵm quá kỹ thường thiếu kỹ năng sống, sau này khi bước ra đời, va chạm với cuộc sống, thấy người khác thành công, các em sẽ có tâm lý rụt rè, sợ hãi. Điều đó sẽ khiến các bạn trẻ thiếu tự tin về bản thân khi trưởng thành." - bác sĩ cho biết.
Theo bác sĩ Thảo, để che lấp tâm lý này, họ sẽ chuyển qua một hình thức khác nhằm thể hiện bản thân là sống ảo, bằng cách đăng tải lên mạng xã hội những gì không thuộc về mình.
Muốn hạn chế điều này, phụ huynh, người thân cần nắm bắt tâm lý, chia sẻ với con em mình; người trẻ cần mạnh dạn hòa nhập với đời sống, đi trải nghiệm, tham gia các hoạt động xã hội, từ đó rèn luyện sự phấn đấu bằng chính thực lực, tránh những ức chế về mặt tinh thần khi thấy người khác thành công.