Flappy Bird: May mắn đóng vai trò lớn
Theo ông Nguyễn Khánh Trình, Tổng giám đốc Clever Ads, thành công của Nguyễn Hà Đông và Flappy Bird chắc chắn sẽ tạo động lực cho các nhà phát triển ứng dụng di động ở Việt Nam phát triển nhiều ứng dụng và trò chơi mới. Trong thành công này may mắn đóng vai trò lớn!
Những ngày gần đây, rất nhiều người tỏ ý nghi ngờ thông tin game trên di động Flappy Bird của Việt Nam thu được tới 50.000 USD/ngày (tương đương 1 tỷ đồng/ngày) chỉ từ quảng cáo. ICTnews đã có cuộc phỏng vấn nhanh với ông Nguyễn Khánh Trình, Tổng Giám đốc của CleverAds, công ty sở hữu mạng quảng cáo trên ứng dụng di động đầu tiên ở Việt Nam CleverNet, để có thêm cái nhìn từ người trong ngành.
Theo ông, doanh thu 50.000 USD/ngày từ quảng cáo của game Flappy Bird có cơ sở hay không?
Tôi nghĩ là hoàn toàn có khả năng, thậm chí còn cao hơn. Theo những thông tin mà lập trình viên Nguyễn Hà Đông công bố thì game đã có 50 triệu lượt tải (download), và mỗi ngày có thêm khoảng 3 triệu lượt tải mới từ kho ứng dụng Apple AppStore và Google Play. Nếu 20% số người dùng cũ tiếp tục chơi, cộng thêm với số người chơi mới, sẽ có khoảng hơn 10 triệu người chơi mỗi ngày (active user). Mỗi người chơi trong khoảng 15 – 30 phút/ngày sẽ nhìn thấy hơn 10 – 20 lượt quảng cáo (impressions). Như vậy số lượng quảng cáo được xem lên tới hàng trăm triệu mỗi ngày. Với doanh thu trên 1.000 lượt quảng cáo (eCPM) trên mobile trung bình nằm trong khoảng 0,1 – 1 USD, thì con số tính ra là từ vài chục ngàn tới vài trăm ngàn USD/ngày. Tất nhiên đây chỉ là ước đoán, vì có quá nhiều biến số trong công thức.
Ông nghĩ sao về thông tin công ty .GEARS của Nguyễn Hà Đông được định giá tới 600 triệu USD?
Theo tôi biết thì con số này được đưa ra trên một bài review của Dean Takahashi về Flappy Bird trên tờ VentureBeat (tạp chí về công nghệ và đầu tư của Mỹ). Tác giả đưa ra con số này có ý đùa, so sánh với việc Zynga mới mua lại công ty NaturalMotion với giá 527 triệu USD (NaturalMotion cũng là nhà sản xuất game trên di động với 2 game nổi tiếng là CSR Racing và Clumsy Ninja). Năm ngoái, Zynga cũng đã từng có thương vụ đình đám khi nhanh chóng mua lại công ty OMGPOP (cha đẻ của ứng dụng DrawSomething) với giá 200 triệu USD khi sản phẩm đó chiếm lĩnh các bảng xếp hạng trên AppStore và đạt được 50 triệu downloads. Tuy nhiên, đó đều là các công ty game của Anh và Mỹ, nơi các thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) được thực hiện dễ dàng hơn, và họ đều đã có hàng chục nhân viên đang làm việc, các sản phẩm của họ có chiều sâu (có thể chơi đi chơi lại vài tháng không chán).
Nếu .GEARS được mua lại, dù chỉ với giá 100 triệu USD, cũng đã là một thành công rất lớn cho bạn Đông nói riêng và cho ngành công nghiệp phần mềm ở Việt Nam nói chung, vì nó tương đương với doanh số làm xuất khẩu phần mềm cả năm 2013 của FSOFT với hơn 2.000 lập trình viên.
Video đang HOT
Ông Nguyễn Khánh Trình, Tổng Giám đốc CleverAds. Ảnh: Internet.
Từ thành công của Flappy Bird, ông có lời khuyên gì cho các nhà phát triển ứng dụng trên di động ở Việt Nam?
Thành công của Nguyễn Hà Đông và Flappy Bird chắc chắn sẽ tạo động lực cho các nhà phát triển ứng dụng di động ở Việt Nam phát triển nhiều ứng dụng và trò chơi mới. Tuy nhiên, cần tỉnh táo phân biệt rõ ràng giữa may mắn và công thức. Mọi người cố gắng công thức hóa thành công của Đông (ví dụ như đồ họa đơn giản, cách chơi đơn giản, game khó chơi tạo ức chế cho người dùng), nhưng theo tôi thì may mắn đóng vai trò lớn trong thành công của game. Đó là may mắn khi được người dùng phát hiện ra và chơi thử. Ngoài ra phải kể đến sự “tiếp tay” lan truyền của các mạng xã hội như Facebook, Twitter, YouTube,… Dù game của bạn hay đến đâu, khi đưa vào AppStore mà không có các chiến dịch marketing đi kèm, thì người chơi rất khó biết đến bạn hoặc tìm ra bạn. Mỗi ngày trên AppStore có hàng nghìn game mới, nên 99% khả năng là game của bạn sẽ bị mất tích giữa những game này. Những hãng game lớn như Zynga, Rovio mỗi khi đưa ra trò chơi mới thường chi rất nhiều tiền để quảng cáo game, đẩy game lên đầu bảng xếp hạng, từ đó người dùng mới biết và chơi. Sau đó, nhà sản xuất mới tìm cách thu lại tiền thông qua bán đồ trong game, quảng cáo hay các hình thức khác. Ngay cả phần mềm Zalo của VNG cũng phải mạnh tay chi tiền quảng cáo (hàng tỉ đồng mỗi tháng) trong suốt năm 2013 để có thể đạt mốc 5 triệu người dùng. Các nhà ứng dụng Việt Nam nếu viết ứng dụng phục vụ nhu cầu trong nước có thể sử dụng các kênh quảng cáo như CleverNET, hoặc các kênh phân phối ứng dụng như CleverStore, AppStore.vn để người dùng trong nước có thể nhận biết và tải về dùng thử.
Ông đánh giá thế nào về sự phát triển của lĩnh vực quảng cáo trên di động ở Việt Nam?
Trên thực tế, thị trường quảng cáo trên di động ở Việt Nam vẫn còn rất mới mẻ. Mạng quảng cáo trên di động CleverNET ra đời vào tháng 11/2012 sau một năm nghiên cứu và phát triển và là người đi tiên phong ở Việt Nam trong lĩnh vực này. Trước khi có CleverNET, các nhà phát triển phần mềm di động ở Việt Nam (publisher) chỉ có các lựa chọn là các mạng ở ngoài nước (phổ biến nhất là Admob). Tuy nhiên, với các ứng dụng nhắm vào thị trường trong nước thì doanh thu từ các mạng quảng cáo nước ngoài rất thấp, vì các nhà quảng cáo (advertiser) trong nước ít khi chạy quảng cáo trên đó. Nhận ra cơ hội và thách thức như vậy, chúng tôi đã tập trung vào nghiên cứu và phát triển mạng CleverNET để kết nối các nhà phát triển ứng dụng với các nhà quảng cáo trong nước, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho các nhà sản xuất ứng dụng trong nước, để từ đó họ có thể tái đầu tư và tạo ra thêm nhiều ứng dụng có ích khác. Doanh thu từ quảng cáo có thể lên tới vài trăm triệu đồng mỗi tháng cho nhà sản xuất của các ứng dụng phổ biến trong nước.
Cảm ơn ông!
Theo ICTnews
Flappy Bird đi ngược lại các nguyên lí về thiết kế trò chơi
Trò chuyện với VnExpress, Nguyễn Hà Đông, người tạo ra con chim nhỏ đang làm "điên đầu" hàng triệu người chơi toàn cầu và đem về cho anh nguồn doanh thu lớn, tỏ ra khá bình thản trước sự nổi tiếng bất ngờ.
Những ngày đầu năm mới, cái tên "Dong Nguyen" và Flappy Bird liên tục xuất hiện trên các tờ báo danh tiếng thế giới từ Forbes, CNN, The Guardian cho đến CNET, Mashable... Người ta đi tìm câu trả lời cho thắc mắc: tại sao một game đơn giản cả về đồ họa lẫn nội dung lại có thể leo lên đỉnh cao của hai kho ứng dụng lớn nhất thế giới là App Store và Google Play tại 187 nước. Đặc biệt hơn, tác giả của nó lại là một chuyên gia phát triển người Việt mới 29 tuổi với nguồn kinh phí hạn hẹp.
Nhiều người so sánh Flappy Bird với các game đã có trên thị trường, tuy nhiên, khi trải nghiệm thực tế, họ sẽ thấy trò chơi này tạo cảm giác hoàn toàn khác biệt. Đó là cảm giác khó chịu vì quá khó để đạt điểm cao, cảm giác bị "trừng phạt" khi chỉ cần mắc một lỗi nhỏ là trò chơi kết thúc và họ phải quay lại từ đầu. Người chơi chỉ cần chạm ngón tay vào màn hình điều khiển con chim đi qua các ống để ghi điểm nhưng họ phải chạm làm sao "không quá mạnh và cũng không quá nhanh" để chim tránh bị va vào ống. Nguyễn Hà Đông cho hay, số điểm cao nhất mà người chơi đạt được mới là hơn 300 và bản thân anh cũng chỉ được 150 điểm. Tất cả những số điểm lên đến hàng nghìn hay hàng triệu mà người dùng chia sẻ đều là nhờ "hack" máy chủ.
"Flappy Bird là một trong số các trò chơi tôi tạo theo một phong cách thiết kế hơi kì quặc, có phần hơi ngông khi đi hầu như ngược lại những nguyên lí về thiết kế trò chơi. Sự thành công của nó đã phần nào giải đáp được câu hỏi của tôi là liệu những gì mình làm có đúng", Đông cho hay. "'Flappy Bird dẫn đầu bảng xếp hạng thực sự là nằm ngoài dự đoán của bản thân. Tất nhiên là tôi cảm thấy vui và tự hào về trò chơi của mình, cũng như rất cảm kích cộng đồng đã đưa Flappy Bird trở thành một trong những trò chơi kinh điển trên điện thoại".
Ngông, mạnh mẽ, cá tính và không muốn bị truyền thông quan tâm quá mức cũng là cảm nhận của người viết về chàng trai mới 29 tuổi này. Đông cho hay hòm thư của anh luôn ngập tràn e-mail tiêu cực nhưng anh "đủ mạnh để chịu đựng trước những nhận xét như thế". Trong khi đó, nhiều người cho rằng một lập trình viên của Việt Nam không có sự hậu thuẫn nào có thể tạo ra không chỉ một mà tới 3 trò chơi nằm trong bảng xếp hạng 10 ứng dụng phổ biến của App Store (ngoài Flappy Bird, Super Ball Juggling và Shuriken Block của Đông còn đứng ở vị trí thứ hai và thứ sáu) là một kì tích mà bất cứ công ty game hay chuyên gia phát triển độc lập nào cũng phải mơ ước, do đó "hãy ngừng nói về việc Đông may mắn, trò chơi nhàm chán, sao chép... Tất cả những điều đó không còn quan trọng, hãy tận hưởng khoảnh khắc chiến thắng này".
Flappy Bird cũng phản ánh chính con người của tác giả. Trò chơi chỉ có một mục tiêu và một cách chơi duy nhất: gõ vào màn hình để điều khiển con chim bay qua các ống, giống như Đông luôn kiên trì theo đuổi niềm đam mê của mình. Anh đã viết hàng chục game trong thời gian rảnh rỗi trước khi có được thành công hiện nay.
"Flappy Bird là một thiết kế dựa trên một nguyên mẫu gameplay kinh điển có mặt trong rất nhiều các trò chơi nổi tiếng. Các trò chơi của .GEARS (studio do Đông thành lập từ năm 2012) đều theo một triết lí thiết kế tối giản với lượng nội dung rất ít, buộc phải tăng độ khó để kéo dài vòng đời của sản phẩm và nâng cao tính cạnh tranh của người chơi. Để dành được dù chỉ một điểm cũng là rất khó nên việc so sánh giữa hai người chơi với nhau sẽ rất dễ dàng", Đông giải thích.
Flappy Bird đơn giản, được tác giả viết trong thời gian rảnh rỗi khoảng 2 - 3 ngày nhưng đem lại doanh thu hàng tỉ đồng từ quảng cáo.
CNET nhận định Flappy Bird thể hiện sự thôi thúc đạt được thành công, muốn vượt qua kỉ lục của chính mình của mỗi người chơi. Còn tạp chí Forbes tin rằng Flappy Bird là minh chứng cho sức mạnh của sự đơn giản.
"Danh tiếng bất ngờ tất nhiên sẽ làm đảo lộn cuộc sống của bất kì ai, đó là chuyện hết sức bình thường. Một nhà phát triển nhỏ bé có thể có 3 ứng dụng nằm trong top 10 của App Store Mỹ là điều dường như không tưởng. Truyền thông Mỹ rất thích những câu chuyện như vậy và họ sẽ tìm cách lái câu chuyện theo nhiều hướng khác nhau để thu hút dư luận. Mặc dù đã có sự chuẩn bị trước nhưng thực sự tôi vẫn bị bối rối và có phần cẩu thả trước giới truyền thông", Đông chia sẻ với VnExpress.
Ra mắt từ tháng 5/2013 và bắt đầu phổ biến ngay sau sinh nhật Nguyễn Hà Đông vào tháng 11/2013, hiện số lượt tải của Flappy Bird là hơn 50 triệu trên iOS và Android, chủ yếu đến từ Mỹ. Trò chơi này vẫn đang dẫn đầu App Store Mỹ suốt 20 ngày qua và là ứng dụng được download nhiều nhất tháng 1/2014. Đông từ chối tiết lộ doanh thu của ứng dụng trên báo chí, nhưng đưa ra mức so sánh tương đương. Đó là trò Paper Toss năm 2010 với 47 triệu lượt tải đã thu về 500.000 USD mỗi tháng nhờ quảng cáo.
Trước thông tin rằng các đại gia game như Zynga có thể mua lại .GEARS với giá lên đến hàng trăm triệu USD, Đông khẳng định anh không bao giờ bán Flappy Bird và những gì game mang lại là đủ cho anh theo đuổi những mục tiêu mới. Trong năm 2014, .GEARS sẽ tiếp tục đưa các trò chơi nhỏ mới và iOS vẫn là nền tảng được chú trọng nhất. Đông đang tính đến việc thuê ngoài đối với nền tảng khác.
Theo VnExpress
Tác giả game Flappy Bird không ngờ về sức hút của trò chơi Nhờ trò chơi miễn phí này, Đông kiếm được khoảng 50.000 USD (tức khoảng 1 tỉ đồng) mỗi ngày. Flappy Bird đang trở thành ứng dụng miễn phí số một được người dùng di động ở nhiều quốc gia ưa chuộng. Trên các mạng xã hội, game nói trên trở thành hiện tượng, thu hút nhiều bình luận. Trên App Store, tính đến...