FIFA điều tra vụ “Thánh rắc muối” xuống sân ăn mừng chức vô địch World Cup
FIFA đang mở cuộc điều tra vụ “ Thánh rắc muối” Nusret Gokce xuống sân trái phép và chen vào ăn mừng chức vô địch World Cup 2022 của ĐT Argentina.
“Thánh rắc muối” Nusret Gokce ngang nhiên ăn mừng chức vô địch World Cup 2022 dù không liên quan. (Ảnh: Express)
“Thánh rắc muối” Nusret Gokce đã gây tranh cãi khi xuống sân ăn mừng chức vô địch World Cup 2022 cùng ĐT Argentina dù không được phép. Đầu bếp người Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ chụp ảnh cùng Lionel Messi và đồng đội, mà còn nâng cúp vàng như thể mình là cầu thủ.
Theo những đoạn clip ghi lại, Lionel Messi tỏ ra không thoải mái và đã cố lờ Nusret Gokce đi nhưng đầu bếp này quyết chụp ảnh bằng được với siêu sao 35 tuổi. Ngoài ra, Nusret Gokce cũng cắn lên tấm huy chương vàng đang đeo trên cổ thủ môn Franco Armani.
Sự việc đã tạo ra làn sóng chỉ trích dữ dội và FIFA cuối cùng đã lên tiếng sau thời gian im lặng. Người phát ngôn của FIFA cho biết, hành động của đầu bếp Nusret Gokce là trái phép. Theo quy định, chỉ có những cầu thủ vô địch World Cup hoặc nguyên thủ quốc gia mới được phép chạm vào chiếc cúp vàng.
FIFA cũng đang điều tra cách “Thánh rắc muối” lọt xuống sân và ngang nhiên chen vào màn ăn mừng của ĐT Argentina. Người phát ngôn của FIFA khẳng định, tổ chức này không có mối quan hệ thương mại nào với Nusret Gokce và đầu bếp này cũng không có mối quan hệ nào với Chủ tịch FIFA Gianni Infantino.
Trước đó, “Thánh rắc muối” là 1 trong số 303 tài khoản Instagram được ông Gianni Infantino bấm nút theo dõi. Tuy nhiên, Chủ tịch FIFA đã hủy theo dõi đầu bếp người Thổ Nhĩ Kỳ sau khi xảy ra vụ scandal trên sân Lusail.
Nusret Gokce là đầu bếp người Thổ Nhĩ Kỳ sinh năm 1983 và từng đến Argentina để học nghề vào năm 2007. Nusret Gokce bắt đầu nổi tiếng trên mạng xã hội từ năm 2017 với những clip rắc muối điệu nghệ lên miếng thịt và được đặt biệt danh “Thánh rắc muối”./.
FIFA thắng lớn ở World Cup 2022
FIFA cho biết World Cup 2022 mang lại 7,5 tỷ USD tiền bản quyền và doanh thu tài trợ, nhưng những tranh cãi ngoài sân cỏ khiến cơ quan bóng đá dần mất đi lòng tin của người hâm mộ.
Trước khi Lionel Messi và đội tuyển Argentina giành chiến thắng trong trận chung kết bùng nổ, Chủ tịch FIFA Gianni Infantino đã gọi đây là "kỳ World Cup tuyệt vời nhất từ trước đến nay" tại Qatar.
Vai trò cơ bản của FIFA là giám sát luật bóng đá toàn cầu và đảm bảo World Cup diễn ra đúng kế hoạch: Đạt được mục tiêu, kiếm được hàng tỷ USD hợp lệ.
Thế nhưng, tại ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh, rất nhiều thứ khác cũng diễn ra. World Cup 2022 ghi lại một trang đặc biệt trong lịch sử bóng đá về các "cơn địa chấn" lạ lùng, hay những tranh cãi trong khâu chuẩn bị và cả mối bận tâm chính trị.
Những "cơn địa chấn"
Video đang HOT
Ngay trước ngày khai mạc World Cup 2022, những tranh cãi về giải đấu này vẫn diễn ra không ngừng ở khắp mọi nơi trên thế giới.
Nhưng khi trái bóng bắt đầu lăn, sự chú ý chuyển dần sang các sân cỏ. FIFA đã nhận ra điều đó sớm vào ngày thứ 3 khi Messi và Argentina thua Saudi Arabia 2-1 trong một trận đấu khó chịu.
Một ngày sau, Đức thua Nhật Bản, rồi Brazil làm nức lòng người hâm mộ thế giới trong trận đầu tiên gặp Serbia. Morocco giành quyền đi tiếp và là quốc gia châu Phi đầu tiên thi đấu trong tuần cuối cùng của kỳ World Cup.
Các cầu thủ Morocco ăn mừng sau khi Achraf Hakimi ghi bàn quyết định trong loạt sút luân lưu với Tây Đào Nha. Ảnh: Reuters.
Theo AP, các trận đấu luôn hấp dẫn khi có những "cơn địa chấn". Và đây không phải là mùa World Cup những"gã khổng lồ" Tây Ban Nha, Hà Lan, hay thậm chí là cả Brazil.
Kịch tính tăng lên khi chiến thắng tại các trận đấu vòng bảng tiếp tục đưa Nhật Bản, Hàn Quốc và Croatia vào vòng 16 đội, trong khi Đức cùng Bỉ phải về nước.
Việc đại diện tất cả châu lục đều xuất hiện trong vòng loại trực tiếp giúp ông Infantino lặp lại tuyên bố của mình về việc bóng đá "lần đầu tiên trở nên thực sự toàn cầu".
Và khi "trận chung kết hay nhất lịch sử" kết thúc với chiến thắng dành cho Argentina sau loạt sút luân lưu, điều đó khiến tất cả người hâm mộ, ngoại trừ Pháp, cảm thấy như họ đã thắng.
Sóng ngầm tại World Cup
World Cup năm nay cũng là giải đấu mang đầy yếu tố chính trị. Trước khi giải đấu diễn ra, Qatar đối mặt một số vấn đề liên quan tới người nhập cư và sự tẩy chay kéo dài nhiều năm từ các quốc gia láng giềng.
Trên thực tế, vào năm 2018, ý tưởng tăng số đội tham gia World Cup 2022 tại Qatar lên 48 đội đã thất bại. Vào thời điểm đó, Qatar đang xây dựng 8 sân vận động để tổ chức World Cup đầu tiên của Trung Đông, nhưng sẽ cần tới 12-14 địa điểm để đáp ứng giải đấu 48 đội.
Điều đó chỉ có thể xảy ra nếu Qatar chia sẻ nhiệm vụ đăng cai với các nước khu vực vùng Vịnh. Nhưng nó đặt ra vấn đề vì một số nước láng giềng Trung Đông đã cắt đứt quan hệ với Qatar do tranh chấp ngoại giao. Lệnh cấm vận trên không, trên bộ và trên biển chỉ mới được dỡ bỏ vào tháng 1/2021.
Dù vậy, trong những tuần chuẩn bị cuối cùng, Qatar tự tin hơn trước những lời chỉ trích.
Bài phát biểu nổi tiếng của chủ tịch FIFA Infantino vào ngày 19/11 dường như đã nói lên "tiếng lòng" của nước chủ nhà, cáo buộc phương Tây đạo đức giả và phân biệt chủng tộc.
"Tôi là người châu Âu", ông Infantino nói. "Tôi nghĩ với những gì người châu Âu đã làm trên khắp thế giới trong 3.000 năm qua, chúng ta cần xin lỗi trong 3.000 năm tới".
"Những lời rao giảng đạo đức một chiều chỉ là điều đạo đức giả", Al Jazeera dẫn lời ông.
Thành viên Nghị viện Anh Stuart Andrew đeo băng đội trưởng OneLove trên khán đài. Ảnh: Reuters.
FIFA sau đó cũng đưa ra những đảm bảo cá nhân, như các đội châu Âu được đeo băng đội trưởng chống phân biệt đối xử, người hâm mộ được phép mang theo vật phẩm cầu vồng, nhà tài trợ World Cup AB InBev được bán bia Budweiser với rượu tại khu vực nhất định.
Thế nhưng, những điều đó không mấy suôn sẻ trong suốt giải đấu. Và đó cũng là lúc lòng tin vào FIFA bị thách thức nghiêm trọng.
Khi các nhà lập pháp châu Âu đeo băng đội trưởng "OneLove" đến tham dự trận đấu, quan chức Trung Đông cũng bắt đầu đeo băng của người Palestine.
Khi cổ động viên người Italy chạy vào sân cỏ giơ cao thông điệp của các nhà hoạt động châu Âu, vài ngày sau, một người đàn ông Tunisia cũng làm tương tự với lá cờ Palestine.
Tại World Cup Qatar, việc truyền tải thông tin chi tiết về hoạt động cơ bản trong suốt giải đấu cũng là vấn đề. Các cuộc họp giao ban và họp báo, hoạt động thường lệ tại các kỳ World Cup trước đây, đã không diễn ra.
Đối với nhà tổ chức World Cup năm nay, nguyên tắc chỉ đạo dường như là "không phàn nàn, không giải thích".
Thắng lợi về mặt kinh tế
World Cup 2022 rõ ràng là một chiến thắng về mặt kinh tế dành cho FIFA, mặc dù có khả năng cơ quan này phải giải quyết vấn đề vi phạm hợp đồng với AB InBev.
Tháng 11, FIFA cho biết World Cup tại Qatar đã mang lại 7,5 tỷ USD tiền bản quyền và doanh thu tài trợ, cao hơn một tỷ so với vòng chung kết năm 2018 tại Nga.
Trên thực tế, World Cup dường như đang trở nên khó thu hút nhà tổ chức hơn trong hai thập kỷ qua, khi các công tố viên ở Mỹ, Thụy Sĩ và Pháp điều tra tham nhũng nhắm vào quan chức bóng đá.
Trong kỳ World Cup này, một số hợp đồng tài trợ "đến muộn" từ các công ty du lịch ở Saudi Arabia và Las Vegas, cùng với công ty trong lĩnh vực cờ bạc trực tuyến và dịch vụ tài chính tiền điện tử.
Tuy nhiên, hầu hết thỏa thuận đã hết hạn và FIFA có kế hoạch kiếm tiền từ việc tổ chức kỳ World Cup 2026 lớn hơn ở Mỹ, Canada và Mexico. Giải đấu siêu lớn với nhiều trận cầu và đội tuyển tham dự hơn, khác với giải đấu "nhỏ gọn" ở Qatar, sẽ cung cấp cho các nhà tài trợ thị trường địa phương rộng lớn. Bên cạnh đó, nhiều trận đấu hơn đồng nghĩa với tiền bản quyền truyền hình sẽ cao hơn, theo Reuters.
Cổ động viên Argentina bên trong sân vận động Lusail, Qatar. Ảnh: Reuters.
Những vấn đề tranh cãi khác
Mặc dù người hâm mộ Argentina và Morocco đến Qatar với số lượng lớn, nhưng số người châu Âu đến World Cup năm nay ít hơn dự kiến. Theo AP, mục tiêu trước giải đấu là 1,2 triệu du khách quốc tế nhưng tổng số chính thức là dưới 800.000 vào tuần cuối cùng.
Chỗ ở giá cao như lều và cabin dường như là một trong những yếu tố khiến những người hâm mộ chần chừ, đắn đo.
Dù vậy, khi trận đấu của nước chủ nhà diễn ra, hàng ghế trống trên khán đài vẫn được lấp đầy sau giờ nghỉ giải lao.
Nhiều bằng chứng cho thấy cổ động viên cuồng nhiệt của Qatar thực chất là những người hâm mộ đến từ Lebanon và Syria. Một trong số đó là nhiều người trong nhóm cổ động viên có xăm hình trên cơ thể. Những hình xăm, cực kỳ hiếm thấy và bị kỳ thị ở quốc gia vùng Vịnh, cho thấy nhóm fan này không phải người Qatar.
Trái với cổ động viên tất bật tìm chỗ ở, các nhà lãnh đạo FIFA có thể ở trong những khách sạn Qatari sang trọng khai trương đúng thời điểm diễn ra World Cup.
Khách sạn Fairmont bên bờ biển, cao gần 40 tầng và có hình dạng như một thanh kiếm cong. Một số dãy phòng ở đây lát gạch vàng 18 karat trong phòng tắm với đèn chùm cao 56 m ở sảnh.
Theo AP, nó làm tăng thêm cảm giác FIFA bị cô lập trong "tòa tháp ngà".
Và trong khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dạo chơi một chút tại khu chợ chính ở Doha, chủ tịch Infantino hầu như không bao giờ gặp gỡ những người hâm mộ bình thường.
Thay vào đó, người bạn đồng hành thường xuyên của ông là đầu bếp nổi tiếng với việc rắc muối, dát vàng lên những miếng bít tết có giá hàng trăm USD.
Sau khi Argentina giành chiến thắng, Salt Bae, tên thật là Nusret Gokce, đã giằng lấy chiếc cúp từ tay Lisandro Martinez rồi làm điệu bộ rắc muối như anh vẫn làm với món bò bít tết ở nhà hàng mình.
Việc làm của Salt Bae vi phạm điều lệ của FIFA, là "chỉ một số ít người được lựa chọn, bao gồm các nhà cựu vô địch hay người đứng đầu nhà nước mới có quyền chạm tay vào chiếc cúp FIFA World Cup".
Và đối với những người theo dõi lâu nay của FIFA, đó rõ ràng là một biểu tượng không thích hợp tại World Cup Qatar.
Chủ tịch FIFA muốn tổ chức World Cup 3 năm một lần Ý tưởng tổ chức World Cup 3 năm một lần đang được FIFA thảo luận và lấy ý kiến một số liên đoàn. FIFA cân nhắc tổ chức World Cup 3 năm một lần. Trang Daily Mail mới đây đưa tin, Chủ tịch FIFA Gianni Infantino muốn tổ chức World Cup vào mùa đông trong tương lai sau khi giải đấu ở Qatar...