Ferrari sản xuất chiếc LaFerrari Aperta cuối cùng
Ferrari vừa quyết định sản xuất chiếc LaFerrari Aperta cuối cùng nhằm đấu giá gây quỹ từ thiện, có thể sẽ tạo ra kỷ lục mới về giá của một chiếc Ferrari hiện đại.
Ferrari vừa quyết định sản xuất chiếc LaFerrari Aperta cuối cùng nhằm đấu giá gây quỹ từ thiện. Chiếc siêu xe hybrid sẽ được trưng bày vào ngày 9/9 nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Ferrari tại Maranello, Italy.
Đây sẽ là chiếc Ferrari LaFerrari Aperta thứ 210. Trước đó, thương hiệu “ngựa chồm” chỉ sản xuất với số lượng giới hạn 209 chiếc. Chiếc xe phá lệ này sẽ được bán đấu giá và tất cả tiền thu được sẽ quyên góp cho hoạt động từ thiện.
Chịu trách nhiệm bán chiếc LaFerrari Aperta cuối cùng sẽ là công ty đấu giá nổi tiếng RM Sotheby’s. Chiếc xe được định giá khởi điểm là từ 3,5 đến 4,7 triệu USD, tất nhiên số tiền đấu giá có thể lớn hơn rất nhiều.
Trước đó, Ferrari từng đấu giá chiếc LaFerrari phiên bản Coupe thứ 500 cuối cùng cho hoạt động từ thiện hồi tháng 12 năm ngoái và thu được 5,17 triệu USD.
Xét về sự độc quyền của LaFerrari Aperta, cộng với việc một số nhà sưu tập nổi tiếng đã bỏ lỡ cơ hội sở hữu chiếc LaFerrari coupe thứ 500, việc bán chiếc xe thứ 210 này có thể dẫn đến một kỷ lục mới về giá của một chiếc Ferrari hiện đại.
LaFerrari Aperta ra mắt lần đầu tại triển lãm ôtô Paris 2016 và được sản xuất với số lượng giới hạn 209 chiếc. Chiếc xe không có mui cứng có thể thu vào được như những chiếc xe mui trần khác của Ferrari. Thay vào đó, nó có phần mui được tháo lắp bằng tay, có hai tùy chọn bao gồm mui mềm và mui cứng làm từ sợi carbon siêu nhẹ.
Ferrari LaFerrari Aperta sở hữu động cơ Hybrid V-12 và công nghệ KERS, sản sinh công suất tối đa 950 mã lực. Khả năng tăng tốc của Ferrari LaFerrari Aperta từ 0-100 km/h trong 3 giây trước khi đạt tốc độ tối đa 349 km/h.
Video đang HOT
Toàn Thiện
Theo Zing
Tiền không phải tất cả - triết lý đặc biệt của Ferrari
Để mua những siêu xe đặc biệt của Ferrari, khách hàng phải thuộc top đầu trong danh sách khách hàng trung thành của hãng.
Enrico Galliera là người giàu kinh nghiệm vận động hành lang mỗi khi một phiên bản mới của Ferrari ra mắt. Là Giám đốc Tiếp thị và Thương mại của Ferrari, ông phải đưa ra những quyết định khó khăn xem ai có thể mua xe, và thường người không được mua đầu tiên là ông để nhường cho khách hàng.
Enrico Galliera, Giám đốc Tiếp thị và Thương mại của Ferrari. Ảnh: Drive.
"Điều khó khăn nhất trong công việc của tôi là từ chối", Enrico Galliera khẳng định. "Điều đó khiến tôi phải chịu áp lực rất lớn từ phía khách hàng".
Vì vậy, những gì ông làm là đặt ra các tiêu chí xác định đâu là khách hàng phù hợp. Những chiếc Ferrari phiên bản giới hạn được coi là quà tặng cho những khách hàng trung thành của hãng.
Một chiếc siêu xe 1,8 triệu USD tưởng chừng như một cái giá đắt, nhưng với Ferrari LaFerrari Aperta thì ngược lại. Sau khi ra mắt, Galliera đã lập một danh sách gồm 200 khách hàng đặc biệt của công ty, mỗi người nhận được một hộp nhỏ có chìa khóa Ferrari bên trong, và một lá thư hỏi xem họ có muốn mua chiếc xe hay không.
Kết quả như Galliera dự đoán, toàn bộ 200 khách hàng đều nói "Có". Rất nhiều trong số đó có thể không cần, không khát khao lái chiếc Ferrari LaFerrari Aperta giá 1,8 triệu USD chưa bao gồm thuế. Nhưng bài học từ LaFerrari coupe khiến họ quyết định, chiếc đã tăng giá gấp ba sau 4 năm ra mắt. Bởi thế, LaFerrari Aperta là khoản đầu tư chắc chắn có lãi.
200 khách hàng đồng ý mua Ferrari LaFerrari Aperta ngay sau khi nhận được thư chào bán, dù chiếc siêu xe có giá lên tới 1,8 triệu USD.
"Chúng tôi nhận được rất nhiều đơn ngỏ lời mua xe từ những người không xứng đáng, vì họ đơn giản chỉ có tiền. Họ thích nói rằng họ giàu nhất trong ngành nào đó, vì vậy họ đủ quyền mua chiếc xe", Galliera cho biết. "Tôi thường trả lời vâng, nhưng bạn không phải khách hàng của Ferrari".
Những khách hàng như vậy có thể dễ dàng từ chối, nhưng Galliera còn một danh sách dài khách hàng trung thành không nằm trong top 200. "Phần khó nhất trong công việc của tôi là khi tham gia sự kiện và có sự xuất hiện của những khách hàng như vậy, và họ liên tục đặt câu hỏi vì sao họ không thể mua chiếc xe".
Đầu năm nay, thương gia chuyên kinh doanh đồng hồ và đồ trang sức ở Mỹ, David Lee đã bày tỏ tức giận trên các phương tiện truyền thông về chuyện không thể mua LaFerrari Aperta. Ferrari không bán, dù anh ta sở hữu bộ sưu tập xe hơi trị giá 50 triệu USD, trong đó phần lớn đến từ thương hiệu "ngựa chồm". Mới đây, David Lee đã mua thêm 4 chiếc Ferrari để nâng thứ hạng trong danh sách khách hàng của hãng.
Galliera thừa nhận, việc bán các phiên bản giới hạn như LaFerrari Aperta rất dễ dàng, vì những mẫu xe như vậy chắc chắn sẽ tăng giá trị trong tương lai. Nhiệm vụ chính của ông là tăng doanh số cho dòng siêu xe thông thường. Ferrari có thể hỗ trợ quảng cáo, xây dựng hình ảnh nhưng không bao giờ có giảm giá hay ưu đãi. Ngay cả những tay đua F1 của đội Ferrari cũng phải trả phí vận chuyển cho chiếc xe họ mua.
"Với triết lý sản xuất hạn chế và để khách hàng chờ đợi, Ferrari đang giữ được hình ảnh của công ty, nhưng chính vì vậy, chúng tôi luôn để khách hàng nhận xe trước. Sẽ không đẹp nếu chiếc Ferrari mới được bán cho nhân viên thay vì những khách hàng đang đợi chờ", ông nói.
Công cụ tiếp thị chính của công ty là truyền miệng, sự kiện và các hoạt động khách hàng lái Ferrari đến. Hãng siêu xe Italy đang hoạt động tại 62 quốc gia, và chỉ bán 3% trong tổng doanh số tại quê nhà. Năm ngoái, thị trường Australia (24,5 triệu người) tiêu thụ 188 xe Ferrari mới, trong khi ở Italy (61 triệu người) chỉ tiêu thụ khoảng 240 xe.
Ferrari sản xuất 8.000 xe vào năm 2016, một kỷ lục chưa từng có trong lịch sử. Việc tăng sản lượng tạo nên tranh cãi giới hâm mộ Ferrari, vì họ tin rằng điều này sẽ làm giảm giá trị thương hiệu.
Galliera lập luận, tính độc quyền của Ferrari không giảm so với 10 năm trước, thời điểm hãng bán 4.000 xe/năm. Vì hiện tại, hãng kinh doanh ở nhiều thị trường hơn, và người giàu trên thế giới đang ngày một tăng. "Điều quan trọng nhất không phải bán ra bao nhiêu chiếc, mà là tỷ lệ giữa nhu cầu và lượng sản xuất", ông nói và chỉ tay vào danh sách khách hàng chờ mua 812 Superfast, có khách hàng phải đợi đến 3 năm để nhận chiếc xe.
"Khách hàng và đại lý của chúng tôi liên tục phàn nàn về việc chờ đợi quá lâu. Chúng tôi không thể nói với họ rằng, họ cần 3 năm để có được chiếc xe", ông nói. "Công ty cần một kế hoạch mới về sản lượng sản xuất. Tôi chưa ước tính số lượng, nhưng chắc chắn sẽ tăng trong tương lai".
Phân nhánh cá nhân hóa của Ferrari đã đạt tới đỉnh cao bằng những mẫu xe độc nhất. Galliera cho biết, mỗi năm công ty sẽ bán 2-3 chiếc Ferrari tùy biến kiểu dáng xe với giá khoảng 3,46 triệu USD.
"Chúng tôi chọn khách hàng để bán những chiếc xe như vậy, họ phải đứng ở nhóm dẫn đầu danh sách khách hàng, và họ sẽ tham gia vào quá trình xây dựng ", Galliera nói. "Sau đó, họ là thành viên của nhóm phát triển với cam kết phải thường xuyên đến nhà máy".
"Xét theo góc độ doanh thu, những chiếc xe giá hàng triệu USD không mang lại nhiều hiệu quả, nhưng theo góc độ hình ảnh thương hiệu là rất quan trọng".
Cuối cùng, người mua phiên bản giới hạn của Ferrari phải ký một cam kết không bán lại trong vòng 18 tháng, để chắc chắn rằng chiếc xe không vào tay những khách hàng không xứng đáng trong thời gian đầu.
Thế Anh
Theo Zing
Siêu xe hiếm LaFerrari Aperta hội ngộ hơn 100 chiếc Ferrari Cuộc diễu hành siêu xe Ferrari gồm hơn 100 chiếc, với những cái tên nổi tiếng như 488 GTB, LaFerrari Aperta, F12tdf... vừa diễn ra tại Italy. Ferrari đang ở trong giai đoạn của mùa lễ hội, bởi đây là thời điểm kỉ niệm 70 năm của một trong những thương hiệu siêu xe hàng đầu thế giới. Trước đó, Ferrari đã tung...