Fed lạc quan về triển vọng kinh tế Mỹ
Chủ tịch chi nhánh Cleveland của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), bà Loretta Mester, ngày 15/4 cho biết nền kinh tế Mỹ vẫn còn một chặng đường dài để phục hồi hoàn toàn sau cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra, nhưng triển vọng đang dần được cải thiện.
Container hàng hóa được xếp tại cảng Los Angeles, Mỹ. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Phát biểu trên được đưa ra trong một sự kiện tổ chức trực tuyến với các sinh viên từ Đại học Swarthmore College. Bà Mester nhấn mạnh dù nền kinh tế vẫn còn xa mục tiêu chính sách về toàn dụng lao động và ổn định giá cả, nền kinh tế đã có nhiều tiến bộ và triển vọng tổng thể đang sáng sủa hơn.
Về mặt lạm phát, quan chức Fed cho biết các chỉ số giá có thể cao trong ngắn hạn khi các công ty vật lộn với sự gián đoạn chuỗi cung ứng và giá phục hồi từ mức thấp ghi nhận trong thời kỳ đầu đại dịch. Tuy nhiên, bà không quá lo ngại về vấn đề lạm phát trong giai đoạn này.
Chủ tịch Fed chi nhánh Cleveland cũng tin tưởng đà tăng lạm phát có thể chậm lại theo thời gian và khi những thách thức nêu trên được giải quyết.
Trả lời các phóng viên sau sự kiện, bà Mester nhận định nền kinh tế Mỹ có thể tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa cuối năm và điều kiện thị trường lao động sẽ tiếp tục được cải thiện, miễn là không có sự gia tăng đột biến về số ca nhiễm các chủng virus kháng vaccine.
Bà nhấn mạnh rằng việc triển khai tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 đóng vai trò quan trong quá trình phục hồi, vì nó sẽ giúp người lao động trở lại làm việc trong môi trường an toàn hơn. Bên cạnh đó, các bậc cha mẹ phải nghỉ làm để trông con sẽ cần các trường học mở cửa trở lại và cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ em để những phụ huynh này có thể quay trở lại lực lượng lao động.
Đề cập tới dự báo tăng trưởng cho nền kinh tế, nhà hoạch định chính sách của Fed đánh giá nền kinh tế Mỹ sẽ tăng 6% trở lên trong năm nay. Tỷ lệ thất nghiệp tại nước này cũng sẽ giảm xuống 4,5% hoặc thậm chí thấp hơn vào cuối năm.
Niềm tin vào triển vọng phục hồi của kinh tế Mỹ ngày càng tăng lên
Quan điểm của người dân Mỹ về triển vọng kinh tế được cải thiện chủ yếu nhờ gói cứu trợ COVID-19 khổng lồ được thông qua và kế hoạch tiêm chủng giúp nối lại các hoạt động kinh tế-xã hội.
Một cuộc thăm dò mới từ Trung tâm Nghiên cứu Các vấn đề Công cộng của hãng tin AP (AP-NORC) cho thấy 46% người dân Mỹ hiện coi nền kinh tế đang ở trạng thái tốt, tăng so với mức 37% trong tháng trước. Những đánh giá lạc quan về "thể trạng" nền kinh tế Mỹ đã giảm kể từ khi đại dịch bùng nổ hồi tháng 4/2020, khi chỉ có 29% người dân đánh giá nền kinh tế trong tình trạng tốt.
58% người dân ủng hộ đảng Dân chủ hiện mô tả các điều kiện kinh tế là tốt, so với con số 35% của những người theo đảng Cộng hòa. Quan điểm của đảng Dân chủ về nền kinh tế được cải thiện sau khi ông John Biden thay thế ông Donald Trump tại Nhà Trắng. Sự lạc quan thậm chí còn tăng lên sau khi ông Biden ký phê chuẩn gói cứu trợ khổng lồ 1.900 tỷ USD.
Hồi tháng 12/2020, chỉ có 15% người ủng hộ đảng Dân chủ lạc quan về nền kinh tế, nhưng sau đó đã tăng lên 41% trong tháng 2/2021. Còn trong số những người theo đảng Công hòa, quan điểm tích cực giảm mạnh từ 67% trong tháng 12/2020 xuống còn 35% vào tháng 2/2021.
Quan điểm của người dân Mỹ về triển vọng kinh tế được cải thiện chủ yếu nhờ gói cứu trợ COVID-19 khổng lồ được thông qua và kế hoạch tiêm chủng rộng rãi đã cho phép nhiều trường học, văn phòng và các nhà bán lẻ hoạt động trở lại.
Dựa trên các dự báo kinh tế, tuần trước Tổng thống Biden dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ năm nay có thể đạt mức 6%, mức tăng mạnh nhất trong 37 năm. Mức độ tăng trưởng này có thể sẽ đi kèm với việc tuyển dụng lao động đủ để thúc đẩy niềm tin của người dân, đồng thời có khả năng làm dịu một số sự chia rẽ chính trị kéo dài hơn một thập niên ở Mỹ.
Cuộc thăm dò cho thấy 54% người Mỹ ủng hộ gói cứu trợ COVID-19, trong khi 25% không tán thành và có 21% người nói rằng họ không có ý kiến về vấn đề này. Phần lớn số tiền trong gói cứu trợ sẽ được phân bổ cho chương trình tiêm chủng, tiếp tục trợ cấp cho lao động thất nghiệp, hỗ trợ các trường học mở cửa trở lại, viện trợ cho gia đình và hỗ trợ thanh toán nhà ở.
Về tình hình lạm phát, có nhiều quan điểm trái chiều sau khi hơn 4.000 tỷ USD được tung ra để hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã gây ra tình trạng sa thải nhân viên hàng loạt và nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa.
Khoảng 70% người Mỹ ủng hộ việc hỗ trợ tiền thuê nhà và các khoản vay thế chấp, trong đó có khoảng 80% người ủng hộ đảng Dân chủ và khoảng 50% người ủng hộ phe Cộng hòa. Khoảng 6 trên 10 người dân Mỹ ủng hộ gia hạn lệnh cấm đối với việc trục xuất và tịch biên nhà, trong đó có khoảng 75% người theo phe Dân chủ và gần 50% người theo phe Cộng hòa.
Nhìn chung, 61% người dân Mỹ tán thành cách Tổng thống Biden đang xử lý công việc của mình trên cương vị Tổng thống; 73% tán thành cách ông giải quyết đại dịch COVID-19; và 60% tán thành cách ông đang "vực dậy" nền kinh tế. Tuy nhiên, chỉ có 48% tán thành cách ông Biden giải quyết tình trạng thâm hụt ngân sách liên bang./.
Tỷ giá USD ngày 6/3: Đạt đỉnh 3 tháng qua Đồng USD hôm nay (6/3) tiếp tục tăng lên mức cao nhất trong vòng 3 tháng qua sau bài phát biểu mới đây của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Chỉ số US Dollar Index (DXY), đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đứng ở mức 91,65 điểm,...