FBI công bố 16 trang tài liệu giải mật vụ tấn công khủng bố 11/9
Cục Điều tra Liên bang Mỹ ( FBI) tối ngày 11/9 (giờ địa phương) đã cho công bố 16 trang tài liệu giải mật đầu tiên, liên quan đến manh mối hỗ trợ hậu cần cho hai kẻ cướp máy bay người Saudi Arabia thực hiện vụ khủng bố 11/9/2001.
Tổng thống Mỹ Barack Obama (giữa, trái) cùng phu nhân Jill Biden (giữa, phải) dự lễ tưởng niệm các nạn nhân vụ tấn công khủng bố 11/9 tại khu vực Đài tưởng niệm Trung tâm thương mại thế giới ở New York, ngày 11/9/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Văn bản được công bố đúng dịp nước Mỹ kỉ niệm 20 năm xảy ra vụ tấn công đẫm máu khiến gần 3.000 người thiệt mạng. Tài liệu giải mật này mô tả các cuộc tiếp xúc giữa những kẻ cướp máy bay với những thành viên người Saudi Arabia sống ở Mỹ, nhưng không cung cấp bất kỳ bằng chứng nào cho thấy chính quyền Riyadh có liên quan đến vụ tấn công này.
Vài tuần trước khi diễn ra lễ kỉ niệm, chính quyền Tổng thống Joe Biden đối mặt với sức ép lớn từ gia đình Mỹ có người thân thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố gây rúng động dư luận. Những người này thậm chí còn khởi kiện ra tòa án ở New York, với cáo buộc quan chức cấp cao của Saudi Arabia có liên quan đến vụ việc.
Ngày 4/9/2021, ông Biden đã ký sắc lệnh hành pháp chỉ đạo Bộ Tư pháp và một số cơ quan khác xem xét, công bố một phần tài liệu liên quan đến cuộc điều tra của FBI đối với hai cuộc tấn công khủng bố nhằm vào nước Mỹ ngày 11/9/2001. Theo sắc lệnh vừa được ký, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên bang khác sẽ bắt đầu xem xét các tài liệu liên quan loạt vụ khủng bố hôm 11/9/2001 và Bộ trưởng Tư pháp sẽ công bố thông tin được giải mật trong vòng 6 tháng tới.
Tài liệu của FBI nêu rõ cơ quan chức năng Mỹ đã tiến hành điều tra một số nhà ngoại giao Saudi Arabia cũng như những công dân có mối liên hệ với chính quyền Riyadh và quen biết các phần tử không tặc ngay sau khi số này tới Mỹ. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng nào cho thấy giới chức Saudi Arabia có liên quan đến vụ này.
Trong vụ tấn công khủng bố hôm 11/9/2001, có tới 15 trên tổng số 19 kẻ tấn công là công dân Saudi Arabia. Osama bin Laden, thủ lĩnh al-Qaida tại thời điểm đó, cũng là người xuất thân từ một gia đình quyền thế ở Saudi Arabia. Nhưng dữ kiện này ngay từ đầu đã làm dấy lên đồn đoán Riyadh có dính líu đến vụ tấn công khủng bố.
FBI và cuộc truy lùng "hụt" kẻ chủ mưu vụ khủng bố 11/9
Một cựu đặc vụ FBI tin rằng, nước Mỹ đã suýt bắt được "kiến trúc sư trưởng" của vụ tấn công khủng bố 11/9, nhưng lại để mất dấu vào phút chót.
Video đang HOT
Khalid Sheikh Mohammed được xem là "kiến trúc sư trưởng" của vụ khủng bố 11/9 (Ảnh: Reuters).
Cuộc truy lùng "hụt" kẻ chủ mưu 11/9
Khi xem cảnh những chiếc máy bay đâm vào tòa tháp đôi ở New York vào ngày 11/9/2001, Frank Pellegrino lúc đó đang ngồi trong một phòng khách sạn ở Malaysia. Suy nghĩ đầu tiên nảy ra trong đầu anh là: "Chúa ơi, đây chắc chắn là do Khalid Sheikh Mohammed".
Pellegrino, một cựu nhân viên FBI, có thể suy luận như vậy là do trước đó anh đã từng theo dõi Mohammed trong gần 30 năm. Cho đến nay, Mohammed, kẻ bị buộc tội là chủ mưu vụ khủng bố 11/9, vẫn chưa bị đưa ra xét xử.
Theo một luật sư, có thể cần thêm 20 năm nữa vụ việc mới đi đến hồi kết.
Khi vụ khủng bố xảy ra, Osama Bin Laden, thủ lĩnh Al-Qaeda, là người được biết có liên quan nhiều nhất tới vụ khủng bố ngày 11/9. Tuy nhiên, ủy ban điều tra vụ 11/9 cho hay, trên thực tế, chính Mohammed với mật danh KSM mới là "kiến trúc sư trưởng" của vụ khủng bố này. Hắn chính là người đã xây dựng ý tưởng và đề xuất cho Al-Qaeda.
Sinh ra ở Kuwait, Mohammed học ở Mỹ trước khi tới Afghanistan chiến đấu vào những năm 1980. Nhiều năm trước khi vụ khủng bố 11/9 xảy ra, đặc vụ FBI Frank Pellegrino đã được giao nhiệm vụ theo dõi tên này.
Pellegrino được FBI giao nhiệm vụ điều tra vụ đánh bom Trung tâm thương mại thế giới xảy ra vào năm 1993. Vào thời điểm đó, cái tên Mohammed đã bị giới chức Mỹ chú ý do tên này chuyển tiền cho những kẻ liên quan đến vụ đánh bom. Vào năm 1995, đặc vụ Pellegrino đã nhận thấy tham vọng của Mohammed khi tên này có liên quan tới một kế hoạch đánh bom các hãng hàng không bay qua Thái Bình Dương. Vào giữa những năm 1990, Pellegrino đã gần tiếp cận được "mục tiêu" và đã theo Mohammed tới Qatar.
Anh Pellegrino và đội của mình tới Oman rồi lên kế hoạch tiến vào Qatar và bắt giữ Mohammed. Một máy bay đã được chuẩn bị sẵn để đưa nghi phạm về Mỹ. Tuy nhiên, chính các nhà ngoại giao Mỹ trong khu vực đã không ủng hộ đội của Pellegrino. Pellegrino tới Qatar, nói với Đại sứ Mỹ và các quan chức ngoại giao nước này ở đây rằng anh đang tiến hành theo đuổi Mohammed vì tên này lên các kế hoạch liên quan đến các hãng hàng không. Tuy nhiên, anh kể rằng các nhà ngoại giao Mỹ lo ngại sẽ gây rắc rối ở Qatar.
"Tôi đoán là họ nghĩ có thể việc bắt giữ sẽ gây nên xáo trộn", Pellegrino nhớ lại.
Cuối cùng, vị đại sứ thông báo cho Pellegrino rằng các quan chức Qatar đã mất dấu Mohammed.
"Cảm xúc khi đó là sự tức giận và giận dữ. Vào lúc đó chúng tôi biết rằng cơ hội đã bị bỏ lỡ", Pellegrino kể.
Nhưng anh cũng thừa nhận rằng vào giữa những năm 1990, Mohammed không được coi là mục tiêu được ưu tiên. Thậm chí Pellegrino còn không thể đưa tên này vào danh sách 10 tên khủng bố mà Mỹ truy nã gắt gao nhất.
"Tôi được thông báo rằng đã có quá nhiều tên khủng bố nằm trong danh sách truy nã rồi", Pellegrino kể.
Mohammed đã tránh được sự chú ý của Mỹ và rời Qatar để tới Afghanistan.
Trong vài năm sau đó, cái tên KSM bất ngờ xuất hiện liên tục trong các danh sách nghi phạm khủng bố trên khắp thế giới, một dấu hiệu cho thấy tên này hoạt động năng nổ ra sao. Chính trong thời gian này, Mohammed đã gặp Osama bin Laden đề trình bày về ý tưởng huấn luyện các phi công lái máy bay đâm vào các tòa nhà ở nước Mỹ.
Và sau đó, vụ khủng bố 11/9 đã xảy ra tại Mỹ, cướp đi sinh mạng của gần 3.000 người.
Nghi ngờ của Pellegrino về vai trò của KSM đã được chứng minh là đúng khi một nhân vật then chốt của nhóm al-Qaeda đã nói về tên này trong thời gian bị bắt giữ.
"Khi đó mọi người nhận ra rằng chính mục tiêu của Frank đã thực hiện điều đó. Khi chúng tôi tìm ra hắn là chủ mưu, không ai cảm thấy đau khổ bằng tôi", Pellegrino nhớ lại.
Cuộc điều tra tội phạm lớn nhất lịch sử nước Mỹ
Vào năm 2003, Mohammed bị truy lùng và bắt giữ ở Pakistan. Sau đó tên này bị CIA đưa tới một "khu vực đen" và bị CIA sử dụng "những kĩ thuật thẩm vấn tăng cường". Cụ thể, Mohammed bị tra tấn nước ít nhất 183 lần.
Mohammed thừa nhận đã lên kế hoạch cho nhiều vụ khủng bố nhưng sau đó Quốc hội Mỹ nhận thấy phần lớn những lời khai này là bịa đặt.
Vào năm 2006, Mohammed được chuyển tới vịnh Guantanamo và đến năm 2007 Frank Pellegrino, được phép đối diện và trao đổi trực tiếp với "mục tiêu" của mình trong vòng 6 ngày.
"Tôi muốn cho anh ta biết tôi là người đã truy lùng anh ta trong thập niên 90", Pellegrino kể lại và cho biết ông muốn trao đổi với Mohammed với hi vọng tìm thêm thông tin về vụ 11/9.
Luật sư bảo vệ Mohammed đã được chỉ định từ năm 2008 nhưng đến nay thậm chí còn chưa có phiên tòa nào thực sự diễn ra dù đã có tới 8 hay 9 thẩm phán được chỉ định.
Về phần mình, Pellegrino đã nghỉ hưu dù rất muốn chứng kiến vụ xét xử Mohammed trong lúc còn đương nhiệm. Hiện tại, ông có cảm giác thất bại nặng nề vì luôn dằn vặt với suy nghĩ giá như ông bắt được tên này vào những năm 1990 thì có thể đã giúp ngăn chặn vụ khủng bố 11/9.
"Ngày nào tên hắn ta cũng vang lên trong đầu tôi và đó là cảm xúc không hề dễ chịu chút nào. Thời gian giúp hàn gắn mọi vết thương nhưng sự thật vẫn là sự thật", ông nói.
Sai lầm khiến FBI bắt hụt kẻ bị nghi chủ mưu khủng bố 11/9 Đặc vụ FBI Pellegrino từng có cơ hội bắt Mohammed, kẻ bị Mỹ xác định là chủ mưu vụ khủng bố 11/9, trước khi nó xảy ra, nhưng bỏ lỡ vào phút quyết định. "Chúa ơi, đó chắc chắn là Khalid Sheikh Mohammed", Frank Pellegrino thốt lên khi đang ngồi trong một phòng khách sạn ở Malaysia, chứng kiến qua TV cảnh máy...