Fan sắc đẹp Việt – thế lực khiến Miss Grand rung chuyển
Khán giả Việt Nam ngày nay dành nhiều sự quan tâm cho lĩnh vực hoa hậu, không thua kém các quốc gia khu vực Đông Nam Á như Philippines, Thái Lan, Indonesia.
Họ, được gọi chung là “ fan sắc đẹp”.
Fan sắc đẹp chỉ những người hâm mộ và theo dõi sát sao các cuộc thi hoa hậu, đấu trường nhan sắc và người đẹp. Thời gian gần đây, khái niệm “fan sắc đẹp Việt” được sử dụng phổ biến trên truyền thông và trong cách gọi của các nhà tổ chức.
Số lượng fan sắc đẹp được cho là ngày càng đông, và thậm chí quyết định một số thành tích của người đẹp Việt khi đi đấu trường quốc tế.
Tại Miss Grand International 2022 vừa qua, Thiên Ân luôn thuộc nhóm thí sinh dẫn đầu các hạng mục bình chọn như trang phục áo tắm, trang phục dân tộc. Người đẹp đồng thời vượt qua đại diện Thái Lan, thắng giải Country’s Power of The Year (hệ thống bình chọn trên Instagram của cuộc thi) và vào thẳng top 20.
Ảnh hưởng của fan Việt đối với Miss Grand
Sau chung kết, nhiều khán giả Việt tỏ ra bức xúc, không đồng tình với kết quả, ồ ạt kêu gọi hủy theo dõi Miss Grand. Và chỉ sau một đêm, cú quay xe khiến trang cá nhân Miss Grand tụt khoảng 2 triệu follow.
Tất nhiên, trong số này cũng có những tài khoản ảo. Nhưng bấy nhiêu đủ để cho thấy khán giả Việt đang chuộng các cuộc thi hoa hậu đến mức nào. Thậm chí, phản ứng từ cộng đồng fan sắc đẹp đã gián tiếp đẩy ông Nawat Itsaragrisil vào cuộc khủng hoảng truyền thông.
Cụ thể là sau khi chứng kiến lượng follow giảm chóng vánh, Chủ tịch Miss Grand nhiều lần lên tiếng, gần như đôi co với fan Việt. Từ đây, ông có những phát ngôn nhạy cảm, bị cho là body shaming Thiên Ân, không xứng tầm với vị trí người đứng đầu một tổ chức hoa hậu.
“Malaysia, Lào, Ấn Độ đẹp hơn nhưng không vào top. Các bạn đã vào top 20 rồi. Tôi không hiểu. Mọi thứ tôi đều chấm điểm. Cách hành xử của các bạn cũng ảnh hưởng đến việc chấm điểm trong tương lai”, người đứng đầu Miss Grand International phát biểu công khai. Và đây chỉ là một trong số nhiều câu nói thể hiện sự hơn thua của Nawat.
Làn sóng phản đối từ khán giả Việt tác động đến fan quốc tế. Họ bắt đầu đặt ra nhiều nghi vấn hướng về phía Nawat và tổ chức Miss Grand. Trước luồng dư luận trái chiều, Nawat Itsaragrisil sau đó giải thích ông không có ý miệt thị vóc dáng thí sinh. Nawat nói rằng chỉ đưa ra câu trả lời khi được hỏi.
Những ngày qua, Chủ tịch Nawat cũng như các người đẹp trong top 10 Miss Grand International 2022 (gồm Thái Lan, Campuchia) tích cực kêu gọi, lôi kéo thêm follow bằng nhiều cách. Động thái trao danh hiệu Á hậu 5 cho người đẹp Philippines được phán đoán cũng nhằm mục đích lấy lòng khán giả tại quốc gia này. Tuy nhiên, đến nay con số vẫn dừng ở mức 4,2 triệu follower – không có dấu hiệu nhúc nhích trong nhiều ngày liên tiếp.
Có thể thấy fan sắc đẹp Việt góp phần không nhỏ vào việc tạo nên lượng theo dõi 6,5 triệu trước đó. Nhưng cũng chính khán giả Việt phản ứng thái quá, làm “bay màu” ngay lập tức 2 triệu tài khoản theo dõi.
Nhiều người đẹp vào top nhờ bình chọn
Thực tế, cộng đồng fan sắc đẹp tại Việt Nam đã hình thành, lớn mạnh từ khoảng 5 năm trở lại đây và ngày càng bùng nổ. Mỗi khi đấu trường nhan sắc nào đó diễn ra, khán giả dường như “ăn ngủ” cùng cuộc thi, cập nhật từng giây phút mọi lịch trình, hoạt động.
Trong các cuộc bình chọn để giành tấm vé vào thẳng top, nhiều đại diện liên tiếp chiến thắng, có thể kể đến Đỗ Thị Hà (top 12 Miss World 2021), Kim Duyên (top 16 Miss Universe 2021), Khánh Vân (top 21 Miss Universe 2020), Phương Nga (top10 Miss Grand International 2018), Lan Khuê (top 11 Miss World 2015)…
Video đang HOT
Khánh Vân là thí sinh đạt lượng vote cao kỷ lục tại Miss Universe, theo thông tin từ ban tổ chức.
Tại cuộc thi ở Mỹ cách đây hai năm, Khánh Vân được công bố là thí sinh đạt lượng vote cao nhất lịch sử Hoa hậu Hoàn vũ.
Cựu Hoa hậu Hoàn vũ Pia Wurtzbach – đến từ quốc gia nổi tiếng cuồng tín hoa hậu – từng bày tỏ bất ngờ: “Chẳng lẽ Việt Nam có nhiều người hâm mộ sắc đẹp hơn cả Philippines sao?”.
Chia sẻ này sau đó vấp tranh cãi, khiến Pia phải lên tiếng một lần nữa. Cô nói: “Tôi không hề mỉa mai hay nghi ngờ chiến thắng ấy. Hy vọng mọi người hiểu rõ ý của tôi. Xin chúc mừng Việt Nam có lượng vote cao nhất lịch sử Miss Universe”.
Dựa trên quan sát từ các cuộc thi quốc tế hiện nay, những thí sinh khu vực Đông Nam Á luôn nhận được sự theo dõi sát sao, ủng hộ nồng nhiệt từ khán giả nước nhà. Các bài đăng, hình ảnh về ứng viên Philippines, Việt Nam, Thái Lan thường có lượt “like” và tương tác rất cao cùng vô số bình luận.
Các FC hoa hậu hoạt động ra sao
Bà Phạm Kim Dung – nhà tổ chức và đồng tổ chức của nhiều cuộc thi hoa hậu ở Việt Nam – cho biết fan sắc đẹp ở Việt Nam hiện nay rất đông. Họ theo dõi, yêu mến các cuộc thi hoa hậu. Và, chủ yếu là những người trẻ.
Theo tìm hiểu từ phóng viên Zing, fan sắc đẹp hiện nay bắt đầu hoạt động bài bản tương tự nhóm người hâm mộ Vpop hay Kpop. Lượng thành viên của mỗi FC có thể dao động trong khoảng hàng nghìn (offline) đến hàng chục nghìn (online). Hệ thống fan của Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2021 Nguyễn Thúc Thùy Tiên trong nhóm online thu hút gần 90.000 tài khoản đăng ký tham gia.
Những người đẹp khác như H’Hen Niê, Khánh Vân, Bảo Ngọc, Ngọc Châu, Mai Phương, Thảo Nhi, Quỳnh Châu, Mai Ngô… đều có FC riêng.
Để ủng hộ thần tượng, các nhóm fan thường tổ chức những hoạt động quyên góp từ thiện, sẵn sàng chi tiền mua vé xem trực tiếp các đêm thi.
Khán giả Nguyễn Ngân (23 tuổi, TP.HCM) chia sẻ: “Tôi thích gia nhập các FC hoa hậu vì được biết thông tin sớm nhất. Tất cả thông tin đều xuất hiện rất nhanh trong FC. Thứ hai là ở đó có đồng đội, có nhiều người chung thần tượng với mình để bàn luận, trao đổi. Hơn nữa, chúng tôi sẽ có cơ hội gặp mặt thần tượng, chụp hình, tham gia fan meeting, tặng quà, mua vé giá rẻ”.
Bạn Linh Chi (18 tuổi, Bình Dương) nói: “Tôi thích xem hoa hậu và cũng từng tự mua vé, tất nhiên là hạng vé vài trăm nghìn đồng, phù hợp tài chính. Cá nhân tôi thấy hoạt động FC hoa hậu cũng tương tự những FC của ca sĩ, diễn viên, không khác biệt. Có người là fan thật, cũng có người là fan phong trào hoặc tham gia vì tò mò”.
Ngoài ra, cộng đồng fan sắc đẹp còn có những hội nhóm chung, với số lượng thành viên lớn. Hội nhóm này bàn luận về tất cả các hoa hậu và cuộc thi hoa hậu, người đẹp, không phải FC của riêng ai.
Hình ảnh chung kết Miss Universe Vietnam 2022.
Khán giả yêu thích hoa hậu chính là một trong những yếu tố khiến thị trường Việt Nam bùng nổ các cuộc thi trong năm 2022. Trên dưới 20 cuộc thi lớn nhỏ đã, đang và sắp diễn ra. Đó là Miss World Vietnam 2022 (Hoa hậu Thế giới Việt Nam), Hoa hậu Việt Nam 2022, Miss Grand Vietnam 2022 (Hoa hậu Hòa bình Việt Nam), Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2022, Hoa hậu Siêu quốc gia Việt Nam 2022, Hoa hậu Du lịch Việt Nam 2022, Miss Peace Vietnam 2022 (Hoa hậu Hòa bình Việt Nam), Hoa hậu Du lịch Biển Việt Nam 2022, Miss Fitness Vietnam 2022 (Hoa hậu Thể thao Việt Nam)…
Ngoại trừ những cuộc thi chất lượng thực sự kém, khâu tổ chức, truyền thông chưa tốt, mỗi sân chơi nói trên đều hút khán giả theo dõi, bàn luận, đánh giá trên khắp các diễn đàn.
Theo nhận định của giới chuyên môn, dù muộn so với nhiều quốc gia trên thế giới, đây là giai đoạn thích hợp để hình thành, phát triển ngành công nghiệp hoa hậu ở Việt Nam. Nhìn theo hướng tích cực, các cuộc thi sẽ giúp thúc đẩy du lịch trong nước, quảng bá văn hóa, kéo theo sự phát triển của nhiều ngành nghề khác. Đương nhiên, mặt trái không mong muốn và cần phải tránh là tình trạng bội thực danh hiệu hoa hậu, á hậu, vàng thau lẫn lộn nếu tổ chức quá nhiều.
Khủng hoảng của Chủ tịch Nawat và Miss Grand
Sau mùa thi kỷ niệm hành trình 10 năm, Chủ tịch Nawat Itsaragrisil vướng vào cuộc khủng hoảng truyền thông diện rộng, liên tiếp bị thí sinh tố cáo.
Miss Grand International (Hoa hậu Hòa bình Quốc tế) hiện nằm trong danh sách Miss Grand Slam của chuyên trang Global Beauties, bên cạnh Miss Universe (Hoa hậu Hoàn vũ), Miss World (Hoa hậu Thế giới), Miss International (Hoa hậu Quốc tế), Miss Supranational (Hoa hậu Siêu quốc gia).
Là cuộc thi "sinh sau đẻ muộn", ra mắt lần đầu vào năm 2013 tại Thái Lan, song Miss Grand International nhanh chóng khẳng định được vị trí nhờ khâu tổ chức, truyền thông tốt, chất lượng thí sinh ổn định.
Có thể nói Miss Grand International đang trên đà đi lên, được giới mộ điệu quan tâm. Nhưng đúng vào dịp kỷ niệm 10 năm, Chủ tịch Nawat Itsaragrisil cùng Miss Grand gặp nhiều sự cố. Sau đêm thi chung kết tại Indonesia, scandal xuất hiện dồn dập. Ông Nawat đang đối diện nhiều luồng dư luận trái chiều, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh và uy tín cuộc thi.
Phát ngôn thiếu kiểm soát sau khi mất hàng triệu follow
Trong quá trình Miss Grand International 2022 diễn ra, ban tổ chức mở những cuộc bình chọn nhằm tăng follow (theo dõi) cho fanpage. Kết quả, trang Instagram của Miss Grand tăng trên dưới 2 triệu tài khoản theo dõi. Đoàn Thiên Ân của Việt Nam là thí sinh thắng giải này và được vào thẳng top 20.
Nhưng khi Thiên Ân trượt top 10, khán giả Việt Nam không đồng tình với kết quả, đồng loạt hủy theo dõi Miss Grand. Chỉ trong một đêm, hàng triệu follow biến mất. Ngay lập tức, ông Nawat phản ứng bằng loạt phát ngôn thông qua trả lời phỏng vấn hoặc livestream.
Nói về lý do Thiên Ân không vào top 10, ông nhận xét cô là thí sinh duy nhất có "phần thân trên dài hơn thân dưới, phần hông to", nên không đáp ứng được tiêu chí hình thể. Ngoài ra, trong video phát trực tiếp vào ngày 26/10, Nawat nói rằng Thiên Ân chậm chạp.
Ông còn so sánh Thiên Ân với đại diện của Lào, Malaysia, Ấn Độ, Philippines và nhiều quốc gia khác.
"Malaysia, Lào, Ấn Độ đẹp hơn nhưng không vào top. Các bạn đã vào top 20 rồi. Tôi không hiểu. Mọi thứ tôi đều chấm điểm. Cách hành xử của các bạn cũng ảnh hưởng đến việc chấm điểm trong tương lai", Chủ tịch Miss Grand International nói.
Việc người đứng đầu một tổ chức hoa hậu quốc tế công khai nói về ngoại hình của thí sinh, sẵn sàng đôi co với cộng đồng mạng bị cho là thiếu lịch sự và không xứng tầm. Trong bối cảnh hiện nay, khi vẻ đẹp đa dạng được khuyến khích, phát ngôn của ông Nawat càng bị chỉ trích. Nhiều người cho rằng ông Nawat cần xin lỗi Thiên Ân vì hành động bodyshaming.
Trong lần livestream gần nhất, Nawat Itsaragrisil giải thích ông nhận xét về Thiên Ân vì bị đặt câu hỏi, đồng thời khẳng định không có ý bodyshaming. Theo ông, hình thể là tiêu chí quan trọng trong cuộc thi hoa hậu.
"Tôi nghĩ Thùy Tiên hiểu. Cô ấy nhắn tin cho tôi. Tôi muốn dừng câu chuyện tại đây", Nawat chia sẻ. Sau lùm xùm, lượng follow hiện tại của Miss Grand dừng ở con số 4,2 triệu (tính đến 30/10).
Mâu thuẫn với Á hậu 5
Trong lúc ồn ào phát ngôn chưa kịp lắng xuống, tổ chức Miss Grand International của Nawat tiếp tục xảy ra mâu thuẫn với người đẹp Yuvna Rinishta (Mauritius) - một trong năm Á hậu 5 của mùa thi năm nay.
Chiều 28/10, Miss Grand International thông báo Yuvna Rinishta từ bỏ danh hiệu và vương miện do không thể ký hợp đồng và hoàn thành nghĩa vụ với ban tổ chức. Khoảng một giờ sau, Yuvna Rinishta cùng tổ chức Hoa hậu Hòa bình Mauritius phản ứng trên trang cá nhân. Họ tung ra hình ảnh văn bản chỉ có chữ ký của ông Nawat.
"Công bố của Miss Grand International không đúng sự thật. Hoa hậu Hòa bình Mauritius được đưa văn bản này để ký nhưng chúng tôi không đồng ý và cũng chưa ký", tổ chức Hoa hậu Hòa bình Mauritius cho hay.
Ngày 29/10, Nawat Itsaragrisil chia sẻ cụ thể về tranh cãi này. Theo ông, Yuvna Rinishta có bạn trai đi cùng và liên tục mâu thuẫn với ban tổ chức. Người đẹp Mauritius cũng không đồng ý ký bản hợp đồng ràng buộc một năm với Miss Grand. Nawat nói đã cử trợ lý đến để yêu cầu cô này trả lại vương miện nhưng chưa được.
Sau phát ngôn của Nawat, phía Yuvna Rinishta chưa lên tiếng thêm.
Theo Miss Grand International, thí sinh thay thế vị trí của Yuvna Rinishta sẽ được thông báo sau. Họ dự định lựa chọn một trong 10 cô gái còn lại của top 20 (bao gồm Thiên Ân) nhưng không rõ dựa trên tiêu chí nào. Cách ông Nawat liên tục úp mở, đăng ảnh chúc mừng thí sinh Philippines rồi xóa, khiến khán giả bức xúc. Không ít ý kiến bày tỏ ngán ngẩm với những chiêu trò và sự thiếu chuyên nghiệp từ Miss Grand.
Người đẹp Nam Phi - Lu Juan Mzyk và cựu Á hậu 5 Yuvna Rinishta trong phần thi áo tắm. Ảnh: MGI.
Người đẹp Nam Phi chỉ trích cuộc thi
Một bất lợi nữa mà ông Nawat Itsaragrisil cũng như Miss Grand đang phải gánh chịu là lời tố từ thí sinh Nam Phi - Lu Juan Mzyk. Người đẹp này cho rằng cô bị bào mòn sức khỏe và xâm phạm quyền riêng tư.
"Tôi đã cố gắng cho MGI đến mức ngã bệnh vì thiếu ngủ và thiếu chất. Không chỉ thế, tôi bị xâm phạm quyền riêng tư khi hình ảnh nhập viện bị đưa lên mạng. Chẳng những không giúp tôi ngăn chặn bức ảnh bị phát tán hoặc tìm ra thủ phạm phía sau, họ thậm chí không có nổi một lời xin lỗi", Lu Juan Mzyk bình luận trên một chuyên trang sắc đẹp.
Hiện tại, Nawat và những người liên quan chưa phản hồi về vụ việc này. Song, một bộ phận khán giả phán đoán điều này có khả năng xảy ra. Bởi năm 2016, thí sinh Iceland từng tuyên bố bỏ thi Hoa hậu Hòa bình. Arna Ýr Jónsdóttir tiết lộ ông Nawat chê béo và yêu cầu phải ăn kiêng - ngừng ăn sáng, ăn salad vào buổi trưa và uống nước cho bữa tối. Đại diện Iceland tỏ ra bức xúc, cho rằng chủ tịch cuộc thi nên tôn trọng vẻ đẹp đa dạng.
"Nếu chủ nhân của cuộc thi thực sự muốn tôi giảm cân và không thích vẻ ngoài tự nhiên của tôi, thì ông ấy không xứng đáng để có tôi trong top 10", Jónsdóttir nói.
Liên hệ với trường hợp gần đây của Thiên Ân, fan sắc đẹp cho rằng phải chăng Miss Grand International đang hưởng ứng quan niệm độc hại về vẻ đẹp hoàn hảo không thực tế. Trong khi một số hoa hậu quốc tế như Harnaaz Sandhu hay Catriona Gray luôn tích cực truyền đi thông điệp hãy yêu cơ thể, yêu bản thân.
Công khai khiêu chiến với Miss Universe
Trong quá khứ, Nawat Itsaragrisil nhiều lần tỏ thái độ không thích cuộc thi Miss Universe. Tuy nhiên, cách ê-kíp Miss Grand và ông Nawat công kích Miss Universe một cách lộ liễu ở chung kết bị phản ứng mạnh. Trong video hình hiệu, chữ "MU" bị chữ "MGI" đá văng.
Trước làn sóng phẫn nộ từ công chúng, Nawat Itsaragrisil giải thích Miss Universe là bên khơi mào vì từng kiện Miss Grand. Theo ông, Miss Grand International bị yêu cầu đổi hình ảnh logo vào năm 2013. Đến năm 2014, Miss Universe tiếp tục kiện Miss Grand International do sử dụng tên gọi "USA" trên dải sash của thí sinh. Ngoài ra, Nawat tỏ ra bức xúc khi Leila Lopes, Miss Universe 2011, ví cuộc thi của ông là gánh xiếc.
Ông Nawat xuất hiện bên cạnh các hoa hậu nhân kỷ niệm 10 năm.
Nhiều ý kiến cho rằng lời giải thích trên dường như không thuyết phục. Khó có thể đồng tình với một tổ chức luôn nói về hòa bình, mong muốn chấm dứt bạo lực, chiến tranh nhưng lại hành động ngược mục đích. Hơn nữa, ở cương vị chủ một tổ chức hoa hậu, sự hiếu thắng và hơn thua của ông Nawat càng khó chấp nhận.
Toàn cảnh drama chưa có dấu hiệu hạ nhiệt: "Bão tố" gọi tên Nawat Mới đây, trên trang cá nhân của mình người đẹp Yuvna Rinishta - Á hậu 5 mới bị tước danh hiệu đã đăng bài tố cáo ông Nawat với những trêu trò ảnh hưởng đến cuộc quả cuộc thi. Cụ thể, người xếp hạng cao nhất trong Top Miss Popular Vote Ranking là Miss Grand Nga, tuy nhiên ông Nawat đã thay thế...