Facebook xóa trang của đầu bếp nổi tiếng chuyên tung tin nhảm
Facebook cho biết họ đã xóa trang của đầu bếp Australia nổi tiếng Pete Evans vì lan truyền tin giả về Covid-19.
“Chúng tôi không cho phép bất cứ ai chia sẻ thông tin sai lệch về Covid-19 mà có thể dẫn đến nguy cơ tổn hại về thể chất, hoặc tin giả về vaccine đã bị các chuyên gia y tế vạch trần. Chúng tôi có những chính sách rõ ràng chống lại kiểu nội dung này, và chúng tôi đã xóa trang Facebook của đầu bếp Pete Evans vì nhiều lần vi phạm chính sách”, Facebook cho biết trong thông báo hôm 24/12.
Đầu bếp người Australia Pete Evans. Ảnh: Chicago Suntimes.
Evans, cựu giám khảo các chương trình nấu ăn được phát sóng trong khung giờ vàng tại Australia, đồng thời là tác giả nhiều cuốn sách dạy nấu ăn, lại trở thành một trong những người phát tán thông tin vô căn cứ về Covid-19 nổi bật nhất cả nước.
Ông đặt nghi vấn về Covid-19 và gọi đại dịch là “trò lừa bịp” trên trang Facebook được hàng triệu người theo dõi. Đầu bếp này còn kêu gọi người dân không đi xét nghiệm nCoV và không tiêm vaccine, biện pháp mà giới chuyên gia tuyên bố là chìa khóa chấm dứt đại dịch, gọi vaccine là “chất độc”.
Tuy nhiên, Facebook không nêu lý do chưa xóa tài khoản gồm 278.000 người theo dõi của Evans trên Instagram, mạng xã hội cũng thuộc sở hữu của Facebook. Trong bài đăng trên Instagram hôm qua, Evans cho biết ông “rất vui vì trở thành nhân tố thúc đẩy thảo luận về một chủ đề quan trọng là tự do ngôn luận”.
Facebook, mạng xã hội đang chịu áp lực phải kiềm chế tin giả, hồi đầu tháng cho biết họ sẽ bắt đầu gắn cảnh báo những phát ngôn về vaccine Covid-19 trên Facebook và Instagram. Một nhóm vận động cho biết có khoảng 3,8 tỷ lượt xem nội dung sai lệch về y tế trên Facebook, tính từ đầu năm đến tháng 8, áp đảo luồng thông tin chính thống.
Vụ cháy chiến hạm khoét lỗ hổng lực lượng tiền phương Mỹ
USS Bonhomme Richard đóng vai trò căn cứ tiền phương trong xung đột, khiến Mỹ có thể mất khí tài rất quan trọng trong chiến lược đối phó Trung Quốc.
Tàu đổ bộ tấn công USS Bonhomme Richard của hải quân Mỹ cháy suốt hai ngày mà chưa có dấu hiệu được kiểm soát. Giới chuyên gia nhận định sự cố này có thể khiến con tàu hỏng hoàn toàn và bị loại biên, ảnh hưởng lớn đến tham vọng biến tàu đổ bộ thành tàu sân bay hạng nhẹ của Mỹ trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc không ngừng gia tăng.
USS Bonhomme Richard là chiếc thứ sáu trong lớp tàu đổ bộ tấn công Wasp, loại chiến hạm lớn thứ hai trong biên chế hải quân Mỹ, chỉ sau tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân. Con tàu dài 257 m, rộng 32 m, có lượng giãn nước hơn 41.000 tấn và sàn đáp máy bay rộng gần 9.000 mét vuông.
Cột radar phía trước đổ sập trong vụ cháy USS Bonhomme Richard. Ảnh: US Navy.
Chiến hạm này có thể mang tối đa 30 máy bay các loại tùy thuộc nhiệm vụ. Trong hoạt động tuần tra thông thường, USS Bonhomme Richard thường mang 6 tiêm kích AV-8B Harrier hoặc F-35B, 4 trực thăng tấn công AH-1Z Viper, 12 trực thăng lai MV-22B Osprey, 4 trực thăng vận tải hạng nặng CH-53E Super Stallion và 4 trực thăng đa dụng UH-1Y Venom hoặc MH-60R Seahawk.
USS Bonhomme Richard cũng là kỳ hạm của Nhóm tác chiến viễn chinh số 3 (ESG 3) hải quân Mỹ, gồm các tàu mặt nước, tàu ngầm và máy bay tuần thám biển trong Nhóm tác chiến Tàu đổ bộ (ARG). Trong thời chiến, USS Bonhomme Richard có thể trở thành căn cứ tiền phương và phụ trách chiến dịch đổ bộ đánh chiếm bãi biển, hiệp đồng với những nhóm tác chiến tàu sân bay chuyên làm nhiệm vụ tiến công.
Tàu có thủy thủ đoàn hơn 1.100 người cùng gần 1.900 lính thủy đánh bộ thuộc Đơn vị thủy quân lục chiến viễn chinh (MEU) số 15. Lực lượng cơ giới đi kèm gồm 5 xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams, 25 xe lội nước AAV, 8 pháo kéo M198, 68 xe tải và 12 phương tiện hỗ trợ. Toàn bộ lực lượng này có thể triển khai từ USS Bonhomme Richard lên bờ biển nhờ tàu đổ bộ đệm khí LCAC và xuồng đổ bộ LCU.
Để tự vệ, USS Bonhomme Richard được trang bị các vũ khí phòng không như tên lửa tầm ngắn RIM-7 Sea Sparrow và RIM-116, cùng hệ thống phòng thủ cực gần (CIWS) Phalanx để tiêu diệt các mối đe dọa như tên lửa hành trình diệt hạm.
Vụ cháy xảy ra trong bối cảnh thủy quân lục chiến Mỹ (USMC) đang triển khai dự án nâng cấp USS Bonhomme Richard trị giá 250 triệu USD, nhằm biến nó thành tàu sân bay hạng nhẹ có khả năng vận hành lượng lớn siêu tiêm kích F-35B.
Chuyên gia quân sự David Axe cho rằng áp lực ngày càng tăng với hạm đội 10 tàu sân bay hạt nhân là một trong những lý do thúc đẩy Mỹ thực hiện giải pháp cải tiến này. "Tàu đổ bộ tấn công không thể thay thế tàu sân bay, nhưng chúng có thể đóng vai trò hỗ trợ nếu được triển khai một cách sáng tạo", thủy quân lục chiến Mỹ cho biết trong tài liệu chiến lược không quân.
Sau khi nâng cấp, USS Bonhomme Richard có thể mang tới 20 tiêm kích F-35B, tương đương gần hai phi đoàn tiêm kích trên hạm, giúp nó sở hữu hỏa lực không thua kém nhiều so với tàu sân bay hạt nhân lớp Nimitz.
Đám cháy trên tàu USS Bonhomme Richard sáng 13/7. Video: Facebook/Denis Bondarenko.
Phương án này sẽ giúp các chỉ huy Mỹ có thêm nhiều lựa chọn. USS Bonhomme Richard có thể hoạt động như một tàu sân bay hạng nhẹ để yểm trợ chiến dịch tác chiến đổ bộ, bổ sung lực lượng cho các tàu sân bay hoặc hoạt động động lập trong nhiệm vụ tuần tra hàng hải.
Washington đang vận hành 10 tàu đổ bộ cỡ lớn, trong đó gồm 8 chiếc lớp Wasp và hai tàu lớp America. Tuy nhiên, chỉ một nửa trong số này hiện diện trên biển, do các chiến hạm phải luân phiên bảo dưỡng và nâng cấp. Sự cố USS Bonhomme Richard sẽ ảnh hưởng lớn đến chiến lược của Mỹ, gây thiếu hụt lực lượng và buộc nước này kéo giãn các đợt triển khai để lấp chỗ trống.
"Chúng ta đang dần mất một trong số ít chiến hạm có thể dùng để thay thế tàu sân bay ở Trung Đông, trong lúc dồn trọng tâm cho khu vực Thái Bình Dương", Bryan Clark, chuyên gia tại Học viện Hudson của Mỹ, nói.
Trump nói 'không đồng ý' với cố vấn y tế Trump tuyên bố ông không đồng ý với các nhận định của nhà dịch tễ học hàng đầu Anthony Fauci về tình hình dịch Covid-19 ở Mỹ. "Tôi nghĩ rằng chúng ta đang ở một nơi tốt. Tôi không đồng ý với ông ấy", Trump nói, đề cập tới cố vấn y tế hàng đầu của Nhà Trắng Fauci khi trả lời phỏng...