Facebook, Google có thể bị chặn hoạt động nếu tiếp tục vi phạm
Nhà quản lý chỉ đích danh các nền tảng đang kinh doanh quảng cáo ở Việt Nam mà không tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật, có thể bị chặn máy chủ và hoạt động nếu tiếp diễn.
“Các biện pháp xử lý vi phạm đang trong quá trình hoàn thiện, nhưng tốt nhất là các bên liên quan thảo luận và thay đổi thì hơn là phải dùng đến các biện pháp hành chính”, ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) chia sẻ trong buổi hội thảo về quảng cáo trực tiếp, do Bộ tổ chức chiều 30/11.
Dịch vụ quảng cáo của các doanh nghiệp xuyên biên giới diễn ra sôi động ở Việt Nam. “Nhưng hiện nay chỉ có 9 doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo đăng ký với Bộ TT&TT theo quy định, rất ít. Nhiều nhà kinh doanh quảng cáo lớn, nổi bật là Facebook, chưa đăng ký. Google mới đăng ký gần đây”, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (PTTH&TTĐT), cho biết.
Bỏ qua yêu cầu của cơ quan chức năng
Theo quy định của Việt Nam, doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo phải thông báo thông tin liên hệ với Bộ TT&TT 15 ngày trước khi bắt đầu kinh doanh tại Việt Nam.
Điều này được quy định tại Nghị định số 70/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/9/2021. Khi thông báo, doanh nghiệp xuyên biên giới cần nói rõ có sử dụng máy chủ ở Việt Nam hay không, và phải cung cấp giải pháp kỹ thuật để kiểm soát và loại bỏ quảng cáo vi phạm pháp luật Việt Nam.
Dù vậy, cơ quan quản lý đã nêu đích danh các “ông lớn” trong ngành quảng cáo là Meta, Amazon, LinkedIn, Trade Desk, SilverPush, AdColony, Adskeeper, Taboola… chưa tuân thủ quy định đăng ký.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ TT&TT, tại Hội nghị về các giải pháp quản lý quảng cáo trên mạng. Ảnh: TA.
“9 trường hợp thông báo cũng không thông báo đầy đủ về vấn đề máy chủ tại Việt Nam”, ông Tự Do cho biết. Theo theo dõi của cơ quan chức năng, có doanh nghiệp đặt hơn 2.000 máy chủ tại Việt Nam nhưng khi đăng ký vẫn nói là không có.
Video đang HOT
“Và nếu như họ nói rằng không có máy chủ, chúng tôi sẽ yêu cầu các nhà mạng không cho đặt máy chủ nữa để đúng như thông báo của doanh nghiệp. Không rõ đến khi mất 2.000 máy chủ đó thì họ có vận hành được hay không”, đại diện Cục PTTH&TTĐT cho biết.
Cơ quan này cho biết một năm qua kể từ khi có Nghị định 70 là thời gian “chờ đợi sự tự giác” của các doanh nghiệp xuyên biên giới. Nếu các doanh nghiệp này tiếp tục không thông báo sẽ bị ngăn chặn hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
Các doanh nghiệp đã “lỡ” khai báo sai về tình trạng máy chủ tại Việt Nam có một tháng để khai báo lại trước khi bị Bộ TT&TT và các nhà mạng chặn máy chủ, ông Tự Do cho biết.
Treo quảng cáo trên nội dung phản cảm
“Vị trí” treo quảng cáo trên mạng cũng chưa được các bên liên quan tuân thủ đầy đủ. Quy định yêu cầu các nền tảng mạng xã hội, nhãn hàng, đại lý không quảng cáo trên các nội dung vi phạm pháp luật và các trang thông tin thuộc danh sách loại trừ hiển thị quảng cáo, hay “danh sách đen”, của Bộ TT&TT.
“Quy định không gắn quảng cáo vào nội dung phản động hay nội dung vi phạm bản quyền vẫn bị vi phạm nhiều. Nhãn hàng lớn cũng vi phạm”, ông Tự Do nói.
Các nền tảng YouTube, Facebook vẫn cho người sử dụng đăng tải tràn lan nội dung vi phạm pháp luật, sau đó cho phép tài khoản bật tính năng kiếm tiền, đồng nghĩa với treo quảng cáo trên các nội dung đó.
“Các nền tảng xuyên biên giới, YouTube, Facebook, TikTok vẫn rất dễ dãi trong việc cho kiếm tiền qua quảng cáo mà không kiểm duyệt nội dung cấm, phản cảm, vi phạm pháp luật”, đại diện Cục PTTH&TTĐT cho biết.
“Nhiều nội dung xấu độc kéo theo lượng người xem lớn và theo đó là tiền quảng cáo của doanh nghiệp, nhãn hàng. Điều này vừa không công bằng với những người làm nội dung tử tế, và kéo theo nguy cơ an toàn nhãn hiệu cho các doanh nghiệp”, ông Thanh Lâm cho biết.Các nhãn hàng và đại lý quảng cáo cũng chịu một phần trách nhiệm khi quảng cáo tràn lan trên các trang, kênh, tài khoản cá nhân có nội dung vi phạm pháp luật. Nhiều nhãn hàng không để ý đến hoặc không cập nhật thường xuyên “danh sách đen”, ông Tự Do cho biết thêm. Các nhãn hàng lớn bị cơ quan chức năng nêu tên có quảng cáo treo trên các nội dung xấu độc bao gồm Electrolux, Samsung, Eurowindow, Standard Chartered.
Đại diện Sở TT&TT Hà Nội cho biết có trường hợp doanh nghiệp “tiếc nuối” lợi nhuận từ việc quảng cáo trên các nội dung không lành mạnh nhưng đang viral. “Điều này nên thay đổi, và chúng tôi cũng sẽ tăng cường kiểm tra và xử lý vi phạm để tạo môi trường kinh doanh công bằng”, đại diện Sở TT&TT Hà Nội cho biết.
Ông Tự Do cho biết chỉ khi cơ quan quản lý lên tiếng yêu cầu rất mạnh mẽ thì TikTok mới xử lý vụ việc tài khoản đăng tải nội dung phản cảm vừa qua. Ảnh: TA.
Để cải thiện tình trạng quảng cáo của doanh nghiệp bị treo trên nội dung xấu độc, Bộ TT&TT cho biết sẽ mở rộng “danh sách đen” để bao gồm cả các tài khoản mạng xã hội, kênh nội dung, trang thông tin điện tử có nội dung vi phạm hoặc ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng, để yêu cầu các doanh nghiệp không hợp tác quảng cáo.
Đây sẽ là cơ sở để các nhãn hàng và đại lý quảng cáo rà soát lại hoạt động của mình, và các nhãn hàng tiếp diễn quảng cáo trên nội dung độc hại này sẽ bị Bộ TT&TT xử phạt, công khai tên.
Đại diện Cục PTTH&TTĐT cũng cho biết sẽ xây dựng “danh sách trắng”, các “vị trí” khuyến khích các nhãn hàng, đại lý quảng cáo ưu tiên treo quảng cáo. Danh sách này gồm các nền tảng mạng xã hội, báo, trang thông tin điện tử, tài khoản, kênh nội dung tuân thủ pháp luật. Danh sách trắng sẽ được công bố trên cổng thông tin điện tử của Bộ TT&TT và trang web của Cục PTTH& TTĐT vào đầu năm 2023.
“Danh sách trắng” này hiện bao gồm hàng trăm trang báo, hơn 2.000 trang thông tin điện tử và 1.000 mạng xã hội được cấp phép, tạo thành một hệ sinh thái đủ lớn để đáp ứng nhu cầu quảng cáo của các doanh nghiệp. Nhưng việc cả 2 loại danh sách có phát huy hiệu quả hay không còn phụ thuộc vào cách doanh nghiệp, vì cách chi tiêu quảng cáo của họ sẽ quyết định loại nội dung nào được tài trợ và sản xuất trên không gian mạng, theo ông Nguyễn Thanh Lâm.
Đã chặn kết nối hơn 900 máy chủ điều khiển các mạng 'máy tính ma' tại Việt Nam
Qua chiến dịch làm sạch mã độc trên không gian mạng Việt Nam 2022, đã có 915 địa chỉ máy chủ điều khiển các mạng botnet (mạng máy tính ma - PV) tại Việt Nam bị chặn kết nối và 76 website phát tán mã độc bị xử lý.
Theo báo cáo nghiên cứu của các hãng bảo mật, giai đoạn trước năm 2019 Việt Nam có khoảng 3 triệu địa chỉ IP thường xuyên nằm trong danh sách đen của nhiều tổ chức quốc tế; và khoảng 2 triệu địa chỉ IP thường xuyên nằm trong các mạng botnet lớn. Năm 2019, dù số lượng địa chỉ IP nằm trong mạng botnet đã giảm mạnh, song với hơn 1 triệu địa chỉ, Việt Nam vẫn bị xếp thứ 3 trong Top 10 nước bị kiểm soát bởi bonet, chỉ sau Ấn Độ và Trung Quốc.
Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT cho biết, mỗi máy tính, thiết bị khi nhiễm mã độc là nguồn tiếp tục lây nhiễm virus, mã độc cho các máy tính khác. Phần lớn số lượng địa chỉ IP nằm trong các mạng botnet hiện nay không chỉ thuộc hệ thống mạng, thiết bị tại các hộ gia đình mà còn trong cả khối doanh nghiệp.
Bên cạnh tình trạng các thiết bị kết nối mạng của Việt Nam nằm trong các mạng máy tính ma đã diễn ra từ lâu, thời gian gần đây, đã ghi nhận nhiều cuộc tấn công mạng bắt nguồn từ việc các website, máy chủ, địa chỉ IP của Việt Nam tham gia vào hạ tầng điều khiển các mạng máy tính ma và phát tán mã độc. "Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của Việt Nam trên không gian mạng mà còn ảnh hưởng đến hoạt động chuyển đổi số quốc gia", đại diện Cục An toàn thông tin nhận định.
Năm 2022, chiến dịch làm sạch mã độc trên không gian mạng tiếp tục được triển khai trên diện rộng.
Hướng tới mục tiêu dài hạn là đảm bảo an toàn cho người dùng trên không gian mạng Việt Nam, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, trong 3 năm qua, Bộ TT&TT đã phát động các chiến dịch rà soát, bóc gỡ và "quét sạch" mã độc trên không gian mạng Việt Nam.
Trong thông tin mới chia sẻ, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin Trần Đăng Khoa cho biết, với nỗ lực và sự chung tay của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng, năm 2022 là năm thứ 4 liên tiếp số lượng địa chỉ IP botnet của Việt Nam đã giảm. Đến nay, số lượng địa chỉ IP botnet trung bình hằng tháng của Việt Nam đã giảm xuống dưới 500.000 địa chỉ, cụ thể là hơn 479.000 địa chỉ.
"Đây là một kết quả rất là tích cực. Thời gian qua, đặc biệt là trong 3 năm gần đây, Bộ TT&TT đã chủ trì phát động chiến dịch bóc gỡ mã độc trên không gian mạng hàng năm với sự tham gia của đông đảo các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên cả nước", đại diện Cục An toàn thông tin nhận định.
Ông Trần Đăng Khoa, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin chia sẻ kết quả chiến dịch bóc gỡ mã độc.
Với riêng "Chiến dịch làm sạch mã độc trên không gian mạng" năm 2022, được Bộ TT&TT phát động từ giữa tháng 9 nhằm hưởng ứng ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10, chiến dịch đã được triển khai đồng bộ trên toàn quốc, với các phần mềm phòng chống mã độc đã được cập nhật, cho phép sử dụng miễn phí trên Cổng thông tin không gian mạng quốc gia tại địa chỉ khonggianmang.vn/chiendichmadoc2022.
Đáng chú ý, ngoài việc tiếp tục được Bộ TT&TT phát động trên toàn quốc, chiến dịch lần này có 1 điểm mới, đó là để phát huy hiệu quả cao nhất, cơ quan chủ trì tổ chức đã xác định phải tìm và xử lý tận gốc của vấn đề - xử lý gốc rễ của các trang web phát tán các phần mềm độc hại.
Kết quả, Bộ TT&TT và các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đã xử lý 76 website phát tán mã độc, đồng thời chặn kết nối đến 915 địa chỉ máy chủ điều khiển các mạng botnet tại Việt Nam.
Các chiến dịch bóc gỡ mã độc huy động được nhiều tổ chức, doanh nghiệp tham gia. (Ảnh minh họa)
Cũng nhằm hình thành một không gian mạng Việt Nam an toàn, bảo vệ người dân khi tham gia hoạt động trên môi trường số, thời gian qua, Bộ TT&TT đã cùng các cơ quan chức năng có thẩm quyền chỉ đạo quyết liệt, ngăn chặn hàng ngàn trang web giả mạo, lừa đảo trực tuyến.
Với mong muốn giải quyết tận gốc vấn đề, giúp cho đông đảo người dân có thể chủ động bảo vệ mình trên không gian mạng, Bộ TT&TT vừa chủ trì phát động thành lập Liên minh Tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin cho người dân trên không gian mạng.
"Liên minh cần tổ chức những chiến dịch tuyên truyền ngắn hạn và dài hạn để nâng cao nhận thức và kỹ năng an toàn thông tin cho các tổ chức, người dân. Làm sao để đạt kết quả tốt như Chiến dịch làm sạch mã độc trên không gian mạng đã được Bộ phát động triển khai trong 3 năm qua", đại diện Bộ TT&TT nêu yêu cầu với Liên minh.
Camera Make in Vietnam tăng cường bảo mật, đáp ứng tiêu chuẩn ATTT Các nhà sản xuất camera make in Vietnam đang tập trung tăng cường yếu tố bảo mật, đáp ứng tiêu chuẩn về ATTT do Bộ TT&TT ban hành đối với những thiết bị như camera và IoT nói chung. Hiện nhu cầu sử dụng camera tại Việt Nam tăng rất nhanh. Nếu so với tỷ lệ sử dụng camera trên đầu người trên...