F0 tăng “chóng mặt”, Hà Nội lên phương án xử lý rác thải lây nhiễm
Nhằm bảo vệ môi trường, tránh lây lan dịch bệnh, Hà Nội đã ban hành phương án thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải tại điểm cách ly, quản lý, khám và điều trị tại nhà đối với F0.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông vừa ký, ban hành phương án phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải lây nhiễm phát sinh tại điểm cách ly, quản lý, khám và điều trị tại nhà đối với F0 trên địa bàn thành phố. Phương án này được Hà Nội được đưa ra trong bối cảnh ghi nhận hàng nghìn ca F0 mỗi ngày.
Hà Nội quy định tất cả rác thải của gia đình có F0 đều được coi là chất thải lây nhiễm (Ảnh: Minh Nhật).
Tất cả rác thải của gia đình có F0 được coi là chất thải lây nhiễm
Theo đó, đối với nhà/phòng có trường hợp F0, thành phố yêu cầu tất cả các loại chất thải phát sinh của nhà bệnh nhân phải được coi là chất thải lây nhiễm.
Rác thải sẽ được thu gom vào túi đựng chất thải lây nhiễm màu vàng, buộc chặt miệng túi và tiếp tục bỏ vào túi màu vàng thứ 2, buộc kín miệng. Các túi màu vàng đều phải dán nhãn “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2″.
Công tác vận chuyển chất thải từ nhà có người là F0 do đơn vị duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn phối hợp với Tổ Covid-19 cộng đồng tại các xã, phường, thị trấn. Phương tiện vận chuyển là phương tiện cơ động (thùng 240 lít, thùng 660 lít, xe gắn máy, xe chuyên dụng…), bảo đảm không bị rơi, rò rỉ chất thải ra ngoài.
Rác thải được vận chuyển đến điểm lưu giữ chất thải lây nhiễm (có sẵn) tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn hoặc các Trạm Y tế lưu động, các khu lưu giữ tạm thời chất thải lây nhiễm do địa phương bố trí trên địa bàn.
Video đang HOT
Việc vận chuyển chất thải từ các điểm lưu giữ tạm thời đến cơ sở xử lý chất thải y tế nguy hại do địa phương bố trí, thực hiện bằng xe chuyên dụng đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép. Trong quá trình vận chuyển, thùng đựng chất thải phải đậy nắp kín, bảo đảm không bị rơi, rò rỉ ra ngoài.
Bên cạnh đó, các thùng đựng, phương tiện vận chuyển chất thải lây nhiễm phải được khử khuẩn bằng dung dịch khử trùng có chứa 0,5% Clo hoạt tính ngay sau khi sử dụng.
Thành phố yêu cầu người trực tiếp tham gia thu gom, vận chuyển phải đeo khẩu trang y tế và mặc đồ bảo hộ y tế trong quá trình thu gom, vận chuyển, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn có chứa ít nhất 60% cồn.
Chất thải lây nhiễm thu gom được xử lý bằng phương pháp thiêu hủy hoặc phương pháp hấp… đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép (ưu tiên lựa chọn phương pháp thiêu hủy để xử lý triệt để chất thải lây nhiễm, hạn chế diện tích phải chôn lấp).
Hà Nội yêu cầu việc vận chuyển chất thải từ nhà có người là F0 do đơn vị duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn phối hợp với Tổ Covid-19 cộng đồng tại các xã, phường, thị trấn (Ảnh minh họa).
Xử lý rác thải ở Trạm Y tế lưu động giống như trong khu cách ly tập trung
Với chất thải tại các Trạm Y tế lưu động, việc phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển chất thải phát sinh từ khu thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 theo mô hình Trạm y tế lưu động được thực hiện như trong các khu cách ly tập trung.
Cụ thể, chất thải là khẩu trang, khăn, giấy lau mũi miệng, trang phục phòng hộ cá nhân phát sinh từ Trạm Y tế lưu động phải được phân loại ngay vào thùng màu vàng đựng chất thải lây nhiễm có nắp đậy, có lót túi, có biểu tượng cảnh báo chất thải có chứa chất gây bệnh.
Bên ngoài túi, thùng có dán nhãn “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2″. Trường hợp xuất hiện ca mắc hoặc nghi ngờ mắc Covid-19 thì tất cả chất thải tại phòng cách ly của người này phải được thu gom và xử lý như chất thải lây nhiễm, bên ngoài thùng có dán nhãn “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2″.
Khu tập kết rác thải lây nhiễm nên bố trí tại vị trí cuối hướng gió, thuận tiện trong tuyến đường vận chuyển; có mái che, đảm bảo không bị ngập lụt; tránh để chảy tràn chất lỏng ra bên ngoài, tránh lây lan dịch bệnh ra môi trường.
Các chất thải khác thực hiện thu gom và xử lý theo quy định về quản lý chất thải của Chính phủ tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015. Sau đó, phải thực hiện khử trùng và xử lý môi trường theo hướng dẫn của Bộ Y tế…
Hà Nội: Cần thực hiện tốt chuyển trạng thái từ 'zero COVID' sang quản lý rủi ro
Tại Hội nghị Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhận định tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tiếp tục diễn biến phức tạp với số ca F0 phát sinh hằng ngày tăng cao, số ca ngoài cộng đồng chiếm tỷ lệ lớn.
Điều này tiếp tục đòi hỏi cả hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở và người dân không được lơ là, chủ quan; cần thực hiện tốt chuyển trạng thái từ "zero COVID" sang quản lý rủi ro.
Nhân viên Trạm Y tế lưu động phường Ngọc Khánh (Ba Đình) đang thăm khám cho các ca F0. Ảnh Mạnh Khánh/TTXVN
Theo ông Đinh Tiến Dũng, toàn thành phố phải xác định công tác phòng, chống dịch là nhiệm vụ chính trị ưu tiên hàng đầu trong những ngày tới để vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, trước hết là chuẩn bị theo phương châm "4 tại chỗ" sẵn sàng ứng phó ở mức cao hơn. Các sở, ngành chức năng và các địa phương phối hợp rà soát vật tư y tế tiêu hao để tiến hành mua sắm vật tư tiêu hao, vật tư xét nghiệm, tạo điều kiện cho y tế cơ sở chỉ tập trung thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn.
"Việc mua sắm vật tư y tế là cần thiết, cấp bách vì liên quan đến sức khỏe, tính mạng người dân. Tuy nhiên, quá trình này phải thực hiện đúng quy định pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch. Thành phố nghiêm cấm mọi hành vi tư lợi, nếu phát hiện sẽ xử lý nghiêm theo quy định pháp luật", Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
Thời gian tới, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn tiếp tục tăng cường thông tin, tuyên truyền để cả người dân và cán bộ, công chức không chủ quan trước dịch bệnh; thực hiện đúng các quy định phòng, chống dịch theo cấp độ dịch; hạn chế tối đa các hoạt động tụ tập đông người...
Phòng, chống dịch là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, thành phố kiên trì phân cấp, giao quyền, kết hợp với tăng cường kiểm tra, giám sát và hỗ trợ để các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn phát huy cao nhất hiệu quả công tác phòng, chống dịch tại cơ sở. Cấp ủy Đảng, chính quyền, trước hết là người đứng đầu phải gương mẫu, nêu cao tinh thần trách nhiệm chính trị trước Đảng, trước nhân dân trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Các địa phương tiếp tục rà soát năng lực y tế cơ sở trên quy mô dân số để bố trí các trạm y tế lưu động đủ đáp ứng yêu cầu quản lý và hỗ trợ điều trị F0 thể nhẹ hoặc không triệu chứng tại cơ sở và tại nhà. Đây là biện pháp rất quan trọng để hạn chế số ca F0 phải chuyển tầng, giảm tải cho y tế tuyến trên. Việc phân tầng điều trị phải công khai, minh bạch để người dân yên tâm.
Ngành Y tế phối hợp với các địa phương tiếp tục huy động đội ngũ cán bộ y tế nghỉ hưu, y tế tư nhân, sinh viên y tế tham gia phòng, chống dịch; đẩy mạnh tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3 cho người đủ điều kiện, tiêm mũi 2 cho trẻ từ 12-17 tuổi; tiêm vaccine cho người đủ điều kiện nhưng chưa tiêm... Sở Y tế kiến nghị với Chính phủ, Bộ Y tế hỗ trợ thành phố đủ cơ số thuốc để điều trị sớm các ca F0 nhằm hạn chế rủi ro và giảm số lượng bệnh nhân phải chuyển tầng điều trị.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND thành phố và Đảng đoàn HĐND thành phố Hà Nội phối hợp chỉ đạo nhanh chóng hoàn thiện các cơ chế chính sách đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch trong tình hình mới, nhất là bảo đảm đủ nhân lực, nguồn lực; chính sách cho lực lượng tuyến đầu, chính sách hỗ trợ đối với các lực lượng tình nguyện... Đồng thời, giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo sát sao công tác quản lý lễ hội dịp Tết
Nguyên đán Nhâm Dần và đầu Xuân mới phù hợp với tình hình dịch bệnh và bám sát chỉ đạo của Chính phủ; lấy mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn phòng, chống dịch và bảo vệ sức khỏe người dân.
Về tình hình phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn trong dịp Tết Dương lịch 2022 vừa qua, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đánh giá cao và biểu dương các cấp, các ngành cùng người dân Thủ đô đã thực hiện tốt yêu cầu phòng, chống dịch của thành phố. Toàn thành phố bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, không để xảy ra tụ tập đông người. Các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn đã thể hiện trách nhiệm cao với công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, thực hiện tốt công tác quản lý và hỗ trợ F0 điều trị tại nhà.
Các lực lượng tuyến đầu như công an, quân đội, y tế, các tổ COVID-19 cộng đồng, tổ hỗ trợ quản lý F0 tại nhà tiếp tục đóng góp quan trọng giúp thành phố kiểm soát tình hình dịch bệnh. Nhờ sự chung sức của các lực lượng, nhất là cung ứng thuốc điều trị kịp thời, nên chủ yếu các ca F0 ở thể nhẹ (93,5% F0 được điều trị ở tầng 1, tức là ở nhà hoặc cơ sở thu dung của xã, phường, thị trấn) đã được tiếp cận thuốc và chăm sóc sớm.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng đánh giá cao việc ngành y tế đã ban hành quy trình, tập huấn và tổ chức tiêm vaccine tại nhà cho người dân khó khăn trong việc đi đến điểm tiêm, góp phần giảm số lượng người nguy cơ cao chưa tiêm vaccine từ 23.000 xuống còn 15.000 người. Thành ủy Hà Nội cũng hoan nghênh các doanh nghiệp đã hỗ trợ và Thành đoàn Hà Nội có sáng kiến lập trạm "ATM oxy" miễn phí...
Hà Nội chữa F0 tại nhà: Y tế phường gặp khó vì lực lượng mỏng Việc F0 liên tục tăng nhanh tại Hà Nội đã tạo ra gánh nặng lớn cho lực lượng y tế cơ sở vốn đã rất mỏng nay lại phải "chia quân" thực hiện cùng lúc nhiều nhiệm vụ. Từ đầu tháng 12, Hà Nội tiến hành điều trị các F0 triệu chứng nhẹ, không triệu chứng tại nhà hoặc các trạm y tế...