EVNHANOI: Tiến tới chuyên nghiệp hóa trong sản xuất kinh doanh
Nâng cao năng lực lãnh đạo, đổi mới quản trị doanh nghiệp là mục tiêu hướng đến trong năm 2016 của Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVNHANOI). Ông Nguyễn Anh Tuấn – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc EVNHANOI đã trao đổi với phóng viên Báo Công Thương về vấn đề này.
Ông Nguyễn Anh Tuấn – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc EVNHANOI
Thực hiện chủ đề năm 2016 của EVN là “Nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp”, EVNHANOI gặp những khó khăn và thuận lợi gì, thưa ông?
Thuận lợi lớn nhất là EVNHANOI được các cấp, các ngành quan tâm, tạo điều kiện trong việc phát triển nguồn lực bảo đảm đáp ứng đủ điện phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế và sinh hoạt của nhân dân. EVNHANOI có đội ngũ CBCNV nhiệt tình tâm huyết, độ tuổi và trình độ nghề đào tạo cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển.
Tuy nhiên, do tính đặc thù, trải qua nhiều sự thay đổi thể chế quản lý kinh tế nên một vài đơn vị vẫn còn thói quen hoạt động theo cơ chế bao cấp.
Mục tiêu những năm 2016-2025 đòi hỏi EVNHANOI phải đẩy mạnh đầu tư ứng dụng công nghệ mới, tăng nhu cầu thông tin phục vụ quản lý, ra quyết định. Vì vậy, lãnh đạo EVNHANOI phải dành thời gian nhiều hơn cho việc đào tạo, bồi huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, công nghệ thông tin để đáp ứng yêu cầu công việc, sắp xếp thời gian để điều hành hoạt động sản xuất – kinh doanh nhằm hoàn thành các chỉ tiêu hàng năm với yêu cầu ngày càng cao.
Công tác quản trị doanh nghiệp, sắp xếp, bố trí lao động có chỗ chưa hợp lý. Chưa có công cụ đánh giá hiệu quả công việc và sự phù hợp với vị trí công tác của cán bộ quản lý. Việc đào tạo còn bị động. Tỷ lệ cán bộ trẻ còn thấp. Quy chế trả lương, phụ cấp còn ảnh hưởng nhiều bởi thâm niên công tác, chưa phù hợp thực tế, chưa gắn với hiệu quả công việc.
EVNHANOI có những giải pháp gì để thực hiện tốt mục tiêu này?
Video đang HOT
Trước hết, Tổng công ty quán triệt tới các đơn vị trực thuộc nâng cao nhận thức về đổi mới và nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, nhất là trong giai đoạn triển khai thị trường điện cạnh tranh. Trang bị phương pháp tư duy quản trị tiên tiến. Tập trung chỉ đạo điều chỉnh mô hình tổ chức và cơ cấu lại nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu của EVN tại quyết định số 220/QĐ-EVN. Xây dựng mô hình sản xuất theo hướng thành lập các đơn vị, bộ phận chuyên nghiệp cung cấp dịch vụ về điện.
Hoàn thiện quy chế về đào tạo, bồi huấn, chuẩn hóa công tác sát hạch và quy định đánh giá kết quả sau sát hạch. Xây dựng và ban hành quy trình đánh giá năng lực và hiệu quả chức danh. Triển khai công tác đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của các chức danh lãnh đạo thuộc diện tổng công ty quản lý theo KPIs. Nghiên cứu lập Đề án xây dựng phương pháp trả lương 3P (position – vị trí, proficiency- năng lực và productivity- hiệu quả công việc)…
Căn cứ vào kết quả đánh giá chất lượng cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp, trên cơ sở yêu cầu nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020, tổng công ty chỉ đạo hoàn thiện kế hoạch đào tạo; lập kế hoạch và triển khai mua sắm các trang thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ công tác quản lý: Hệ thống phần mềm quản lý nhân sự; quản lý đầu tư xây dựng; quản lý kỹ thuật vận hành (PMIS-Power Network Management Information System; chương trình OMS, SS-Smart Simulator…) quản trị tài chính-kinh doanh (MMIS, CMIS…); xây dựng mạng viễn thông dùng riêng và các phần mềm về dịch vụ khách hàng… Phân công tổ chức, thực hiện, theo dõi giám sát, kiểm tra đánh giá trong quá trình triển khai trang bị công cụ hỗ trợ quản lý và đào tạo bồi huấn.
Một trong những khó khăn nhất của khối điện lực trong tiến trình tái cơ cấu là vấn đề lao động dôi dư. EVNHANOI sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào?
Theo dự kiến, thị trường bán lẻ điện cạnh tranh sẽ hoạt động từ năm 2022. Đây là thách thức rất lớn đòi hỏi EVNHANOI phải tiến hành tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất – kinh doanh và tăng năng suất lao động. Chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về bộ máy, nhân lực, vật lực tham gia thị trường bán lẻ cạnh tranh.
Theo đó, Tổng công ty chỉ đạo điều chỉnh mô hình tổ chức và cơ cấu lại nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu của EVN tại quyết định số 220/QĐ-EVN. Tiếp tục thực hiện theo phương án tái cơ cấu đã được EVN phê duyệt. Hoàn thiện quy chế quản lý nội bộ và đổi mới quản trị doanh nghiệp phù hợp với sự phát triển của từng cấp độ thị trường điện lực; tổ chức thực hiện tách bạch về hạch toán của các bộ phận phân phối và bán lẻ điện.
Cụ thể: Dịch chuyển lao động từ khu vực sản xuất – kinh doanh điện sang khu vực dịch vụ, sản xuất – kinh doanh khác, quản lý dự án (ví dụ: sáp nhập xưởng công tơ, phòng kiểm định chất lượng đo lường điện vào Công ty Thí nghiệm điện lực Hà Nội); tổ chức bộ phận tự thực hiện một số lĩnh vực tại các công ty điện lực.
Xây dựng Quy chế khuyến khích người lao động có đủ thời gian tham gia BHXH bảo đảm sức khỏe về nghỉ chế độ trước tuổi (quý II/2016). Hoàn thành việc xây dựng Bản mô tả công việc, Hệ thống KPI các chức danh của tất cả CBCNV các đơn vị phục vụ đánh giá năng lực hiệu quả công việc.
Đổi mới chương trình đào tạo nội bộ đáp ứng yêu cầu sản xuất – kinh doanh theo mô hình mới. Nghiên cứu lập Đề án xây dựng phương pháp trả lương 3P nhằm khuyến khích, tạo động lực cho người lao động. Từng bước hình thành, tạo điều kiện cho Công ty Dịch vụ điện trực thuộc EVNHANOI chủ động trong tất cả các khâu, huy động tối ưu nhất các nguồn lực. Phát huy trình độ, năng lực của đội ngũ CBCNV làm việc trong lĩnh vực phân phối/bán lẻ điện, tiến tới chuyên nghiệp hóa, đáp ứng yêu cầu khi tham gia thị trường điện cạnh tranh hoàn hảo.
Xin cảm ơn ông!
Theo_EVN
Hiệp định TPP và hành động của chúng ta
- Không thể có môi trường kinh doanh tốt nếu không có thể chế phù hợp. LTS :
Nhân dịp Hiệp định ối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa được ký kết giữa 12 nước, trong đó có Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài viết quan trọng về chủ đề "Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, cơ hội và thách thức - hành động của chúng ta". Pháp Luật TP.HCM xin trích đăng một số nội dung trong bài viết này (tựa và các tựa nhỏ trong bài do tòa soạn đặt).
Việc nước ta ký Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) không chỉ là kết quả của quá trình năm năm kiên trì đàm phán với tinh thần vừa hợp tác vừa đấu tranh, lấy lợi ích quốc gia dân tộc làm mục tiêu cao nhất. Sâu xa hơn, đây là thành quả của tiến trình 30 năm đổi mới, trong đó hội nhập kinh tế quốc tế là một nội dung quan trọng, ngày càng được khẳng định mạnh mẽ và kiến giải sâu sắc qua các nghị quyết của Đảng... Hội nhập kinh tế quốc tế còn là một nội hàm quan trọng trong thể chế kinh tế thị trường hiện đại định hướng xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng.
Nâng cao năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế
TPP cùng Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - EU (được xem là những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới) sẽ tạo thêm xung lực mới cho phát triển kinh tế-xã hội. Đặc biệt là trong thu hút đầu tư và thúc đẩy xuất khẩu với các nền kinh tế lớn nhất thế giới, trong đó EU gồm 28 thành viên với GDP trên 18.000 tỉ USD và TPP hiện có 12 thành viên với GDP trên 20.000 tỉ USD. Đây là những khu vực có công nghệ nguồn, thị trường xuất khẩu và thu hút đầu tư lớn nhất của Việt Nam liên tục trong nhiều năm qua. Nếu tính đến tác động cộng hưởng của các hiệp định này với các FTA đã ký hoặc đang đàm phán, cơ hội còn lớn hơn nhiều vì nước ta sẽ có quan hệ thương mại tự do với 55 quốc gia, trong đó có 15 nước thuộc nhóm G20.
Cùng những cơ hội thuận lợi, các hiệp định này cũng đặt ra những khó khăn thách thức không nhỏ. Đó là cạnh tranh sẽ diễn ra quyết liệt không chỉ ở thị trường các nước tham gia hiệp định mà ngay tại thị trường trong nước trên cả ba cấp độ: sản phẩm, doanh nghiệp (DN) và quốc gia - đặc biệt là cạnh tranh về chất lượng thể chế và môi trường kinh doanh... Để tận dụng cơ hội thuận lợi, vượt qua khó khăn thách thức, yêu cầu cấp bách hiện nay là phải nâng cao năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế. Trong đó cần xác định rõ vai trò và hành động của các chủ thể trong thực thi nhiệm vụ có ý nghĩa quyết định này.
DN là chủ thể quyết định sức cạnh tranh vi mô, phản ánh sức mạnh và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. DN phải dũng cảm chấp nhận cạnh tranh và phải chủ động, sáng tạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để không ngừng nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ do mình cung ứng, với tư duy không chỉ giới hạn tại thị trường trong nước mà còn vươn ra khu vực và thế giới. Tuy vậy, DN không thể tự mình quyết định được tất cả, khi phải hành động trong khuôn khổ thể chế và môi trường kinh doanh xác định. Điều này lại hoàn toàn phụ thuộc vào Nhà nước.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ảnh: ĐÔNG TRIỀU
Nhiều nghiên cứu và từ thực tiễn các nước đều khẳng định rằng thể chế quản trị quốc gia là yếu tố quyết định nhất đến sức cạnh tranh vĩ mô và sự phát triển của một nền kinh tế. Phát triển nhanh và bền vững hay trì trệ, tụt hậu chủ yếu là do chất lượng thể chế. Thể chế tốt, bảo đảm nhà nước pháp quyền, quyền dân chủ của người dân và phù hợp với kinh tế thị trường hiện đại sẽ khơi dậy được cao nhất sức mạnh tổng hợp và các nguồn lực cho sự phát triển. Và như vậy thể chế có vai trò quyết định đến hiệu quả và khả năng cạnh tranh của DN.
Để có một thể chế tốt, chất lượng cao, phải xác định đúng đắn mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường, DN và xã hội. Nhà nước phải thực hiện tốt chức năng kiến tạo phát triển, nhất là ổn định kinh tế vĩ mô; xây dựng hệ thống pháp luật, chính sách, chiến lược, quy hoạch và tổ chức bộ máy quản lý để tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bảo đảm quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh công bằng; sử dụng nguồn lực của Nhà nước, các chính sách và công cụ điều tiết để phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và đời sống người dân;...
Phải dám chấp nhận đổi mới
Trên cơ sở nhận thức đúng đắn các mối quan hệ trên đây, chúng ta phải khẩn trương tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu của kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế và cam kết trong các hiệp định FTA, nhất là các FTA thế hệ mới với tinh thần đổi mới toàn diện, đồng bộ cả kinh tế và chính trị. Tập trung mọi nỗ lực xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân và thượng tôn pháp luật. Công dân được làm những gì mà pháp luật không cấm. Cán bộ, công chức chỉ được làm và phải làm những việc theo quy định của pháp luật.
Tiếp tục cải cách bảo đảm sự tương thích, đồng bộ giữa luật pháp, tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức. Tổ chức trùng lắp, chồng chéo sẽ gây lãng phí nguồn lực và cản trở sự phát triển. Phải dám chấp nhận đổi mới, vượt qua sức ỳ, sự bảo thủ để hoàn thiện hệ thống tổ chức lãnh đạo quản lý, nâng cao năng lực quản trị quốc gia, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn phát triển mới.
Đặt việc cải thiện môi trường kinh doanh trong yêu cầu cải cách thể chế. Thể chế tạo ra khuôn khổ, định ra giới hạn cho cải thiện môi trường kinh doanh. Không thể có môi trường kinh doanh tốt nếu không có thể chế phù hợp. Những tiến bộ trong cải cách thể chế phải được chuyển hóa đầy đủ sang cải thiện môi trường kinh doanh. Điều này không chỉ liên quan đến tổ chức bộ máy mà còn gắn chặt với chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Phải tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất và năng lực, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Đặc biệt quan tâm đào tạo một đội ngũ cán bộ pháp lý, các nhà quản trị DN đáp ứng yêu cầu hội nhập, cạnh tranh và phát triển.
Chỉ trên nền tảng đổi mới thể chế quản trị quốc gia phù hợp mới có thể nâng cao chất lượng, hiệu quả của tiến trình tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đẩy nhanh áp dụng khoa học công nghệ, tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, DN và của cả nền kinh tế. Cũng chỉ trên cơ sở đổi mới thể chế phù hợp mới tạo điều kiện cho quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất, hình thành những vùng sản xuất hàng hóa lớn và một nền nông nghiệp sạch, có giá trị gia tăng cao, ổn định nguồn cung để có thể tăng nhanh thị phần trên thị trường thế giới. Nếu không sẽ không tận dụng được cơ hội thuận lợi do TPP, FTA với EU và các FTA mới mang lại...
NGUYỄN TẤN DŨNG, Thủ tướng Chính phủ
Theo_PLO
Chủ tịch EVN cam kết nâng cao độ tin cậy trong cung cấp điện Lãnh đạo EVN cam kết ngày càng làm tốt hơn nữa công tác dịch vụ, đảm bảo chất lượng điện năng cho khu vực miền Nam nói chung và TP HCM nói riêng. Nâng cao hơn nữa độ tin cậy cung cấp điện và chất lượng điện năng cho khu vực miền Nam nói chung và TP HCM nói riêng...là cam kết của...