EVN : Tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án điện mặt trời
Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) đã và đang gấp rút tiến hành nghiệm thu và kiểm tra điều kiện để đóng điện, hòa lưới các dự án điện mặt trời.
Tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các chủ đầu tư dự án nhà máy điện mặt trời kịp hòa lưới và vận hành chính thức trước 30/6/2019.
Sẽ vận hành 88 nhà máy trong 3 tháng
Theo ông Nguyễn Đức Ninh – Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0), với cơ chế khuyến khích ưu đãi về giá của Chính phủ, rất nhiều nhà đầu tư đang “chạy đua” với mục tiêu được cấp chứng nhận vận hành thương mại (COD) trước 30/6/2019. Theo kế hoạch, có 88 nhà máy điện mặt trời đóng điện chỉ trong các tháng 4, 5, 6/2019.
Dự án điện mặt trời trên hồ thủy điện Đa Mi mới được đóng điện thành công. Ảnh:V.H
Trong 65 năm xây dựng và phát triển của ngành điện, tổng số có 147 nhà máy có công suất đặt từ 30MW trở lên đã hòa lưới và vận hành. Nhưng chỉ trong vỏn vẹn 3 tháng 4, 5, 6 của năm 2019 sẽ dự kiến đóng điện hòa lưới tới 88 nhà máy điện (NMĐ) mới nếu đủ điều kiện vận hành theo quy định. Đây là một kỷ lục trong lịch sử ngành điện lực Việt Nam – ông Nguyễn Đức Ninh cho hay.
Tính đến giữa tháng 4/2019, toàn hệ thống điện chỉ có 4 NMĐ mặt trời với tổng công suất chưa tới 150MW, thì đến ngày 26/5, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia đã đóng điện 34 NMĐ mặt trời, với tổng công suất đặt lên tới gần 2.200MW. Đến ngày 30/6, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia sẽ tiếp tục đóng điện 54 dự án còn lại. Kéo theo đó là khối lượng công việc khổng lồ tại các cấp điều độ, khi phải đóng điện trung bình 10 nhà máy/tuần.
Để đáp ứng khối lượng công việc mang tính “lịch sử” này, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia đã thành lập tổ công tác đóng điện mặt trời để phối hợp chỉ huy thống nhất, liên tục trong toàn Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia và các trung tâm điều độ hệ thống điện các miền. Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia đã huy động nhân lực thực hiện 3 ca, 5 kíp, làm việc không kể cuối tuần, ngày lễ; tiến hành điều chuyển nhân lực để hỗ trợ các bộ phận có khối lượng công việc tăng cao tại Điều độ miền Nam và Điều độ miền Trung.
Video đang HOT
“Chúng tôi cũng tăng cường ứng dụng CNTT, hoàn thiện và đưa vào sử dụng website phục vụ công tác đàm phán, ký kết các thỏa thuận kỹ thuật và hợp đồng mua bán điện tại địa chỉ: https://ppa. evn.com.vn. Qua đó, công khai quy trình thực hiện rút ngắn thời gian nộp và xử lý hồ sơ tại EVN và các đơn vị” – ông Nguyễn Đức Ninh nói.
Đặc biệt, EVN thường xuyên chỉ đạo và giám sát Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia trong việc chủ động liên hệ, hướng dẫn các chủ đầu tư NMĐ mặt trời phối hợp cung cấp các tài liệu phục vụ đóng điện, thử nghiệm. Mỗi ngày, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia phải tiếp nhận, trao đổi khoảng 5.000 – 6.000 tin nhắn với các chủ đầu tư NMĐ, liên tục từ 6 giờ sáng tới 12 giờ đêm.
Nhiều thách thức…
Với nhu cầu điện tăng trưởng khoảng 10%/năm, Việt Nam cần bổ sung khoảng 3.500 – 4.000MW công suất nguồn điện mới mỗi năm. Tuy nhiên, trong 2 năm tới, sẽ chỉ có khoảng 2.000 – 2.500MW nguồn điện truyền thống và khoảng 4.000MW năng lượng tái tạo với tính chất không ổn định được bổ sung vào hệ thống. Thực tế này gây không ít khó khăn trong việc vận hành hệ thống điện để cân đối cung – cầu, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Thống kê của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia về các dự án điện mặt trời đã vận hành, công suất phát có thể thay đổi từ 60-80% trong khoảng thời gian chỉ 5-10 phút. Các biến động xảy ra ngẫu nhiên theo điều kiện thời tiết. Các dự án trong cùng 1 khu vực thường biến động đồng thời. “Trong khi đó, đặc điểm vận hành hệ thống điện luôn cần duy trì cân bằng giữa nguồn và tải. Với sự biến thiên công suất như vậy, hệ thống điện luôn cần phải duy trì một lượng công suất dự phòng điều chỉnh tần số tương ứng, gây khó khăn và tăng chi chí trong công tác vận hành. Đây là thách thức lớn, trong bối cảnh hệ thống điện Việt Nam còn rất ít nguồn dự phòng” – ông Ninh cho hay.
Bên cạnh đó, công suất nguồn năng lượng tái tạo không thể chủ động huy động khi cần cho thời gian cao điểm phụ tải. Nguồn điện mặt trời có cao điểm phát trong khoảng 12 – 13 giờ trưa, không trùng với cao điểm phụ tải hệ thống điện (lúc 10 giờ sáng và 14 giờ chiều). Một vấn đề nữa là các dự án điện mặt trời chủ yếu tập trung tại 6 tỉnh ở miền Trung, miền Nam, gây áp lực rất lớn cho khả năng tải lượng điện phát ra từ điện mặt trời lên lưới. Nhiều công trình lưới điện đấu nối lưới điện khu vực rơi vào tình trạng đầy, quá tải.
Trước tình trạng này, Phó Tổng Giám đốc EVN Ngô Sơn Hải cho biết, Tập đoàn đã đề xuất với Chính phủ bổ sung phát triển các dự án lưới điện. Đồng thời, đôn đốc các đơn vị đẩy nhanh tiến độ, thi công các công trình lưới điện liên quan, góp phần giải tỏa công suất các NMĐ mặt trời.
Theo Danviet
Điều chỉnh giá điện là cần thiết nhưng phải có căn cứ
Trước sự quan tâm rất lớn của dư luận nhiều ngày qua, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều tối ngày 4/5, vấn đề giá điện đã được lãnh đạo các cơ quan liên quan giải đáp.
Giá điện tăng nhưng sẽ không gây ảnh hưởng tới lạm phát. Ảnh: Internet
Trả lời câu hỏi về việc tăng giá bán lẻ điện bình quân, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, quyết định này dựa trên cơ sở quy định hiện hành; Bộ đã gửi báo cáo đánh giá tác động lên Chính phủ cũng như các bộ, ngành liên quan để có ý kiến góp ý. Sau khi Thủ tướng có ý kiến phê duyệt, Bộ Công Thương mới ban hành quyết định tăng giá.
Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, trong sáng 4/5, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban điều hành giá của Chính phủ đã chủ trì cuộc họp với sự tham gia của các bộ, ngành và đã yêu cầu đánh giá thêm tác động gián tiếp của việc tăng giá điện.
Đặc biệt, cũng tại cuộc họp này, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê khẳng định việc tăng giá điện vẫn đảm bảo kiểm soát CPI trong tháng 4, thậm chí đảm bảo cả mục tiêu kiềm chế lạm phát cả năm mà Chính phủ trình Quốc hội, mức lạm phát từ 3,3 đến 3,9% có thể đạt được.
Trước những bức xúc của khách hàng về giá điện tăng, đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, nguyên nhân thì phía Tập đoàn Điện lực (EVN) đã có giải trình rõ. Tuy nhiên, Bộ Công Thương vẫn yêu cầu EVN tiếp nhận xử lý, giải đáp đầy đủ các khiếu nại thắc mắc, trong trường hợp do lỗi ngành điện thì phải xin lỗi và khắc phục.
EVN cũng cần cần đẩy mạnh tuyên truyền về việc điều chỉnh giá điện, mục đích ý nghĩa của việc tính giá điện bậc thang, cũng như phải làm tốt dịch vụ khách hàng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khách hàng đặc biệt là trong thời gian cao điểm nắng nóng tới.
Liên quan đến việc kiểm tra việc tăng giá điện của EVN, theo ông Đỗ Thắng Hải, ngày 2/5, Bộ Công Thương đã có quyết định thành lập 3 đoàn công tác kiểm tra việc điều chỉnh giá điện. Ngày hôm qua (3/5), Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan kiểm tra việc điều chỉnh mức giá bán điện, phương pháp tính giá và việc thu tiền điện thời gian qua; làm rõ đúng sai, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2019.
Cũng về vấn đề này, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam cho biết, sau khi Thủ tướng chỉ đạo, ngay đầu tuần tới, cơ quan này sẽ bắt tay vào việc.
Theo ông Bùi Ngọc Lam, Thanh tra Chính phủ sẽ tập trung phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính với tinh thần làm sao kết luận chính xác, khách quan, làm rõ đúng sai. Cơ quan này sẽ công bố công khai theo quy định ngay khi có kết quả thanh tra.
Về ý kiến của Chính phủ trước việc tăng giá điện vừa qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, người phát ngôn của Chính phủ, ông Mai Tiến Dũng cho biết, tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ ngày hôm nay, Thủ tướng cũng đã rất quan tâm đến vấn đề này.
Tuy nhiên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng, chúng ta đã xác định đi theo nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, nên không thể bao cấp, bù lỗ từ ngân sách mãi được. Do đó, từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ đã chủ trương tính toán tất cả phương án liên quan đến giá điện, giá xăng dầu...
"Vì thế, điều chỉnh giá điện là cần thiết nhưng phải có căn cứ khoa học, minh bạch, có đánh giá tác động đầu vào", ông Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Cũng tại buổi họp báo, liên quan đến thông tin về dự thảo điều chỉnh giá xăng dầu, giá điện chưa công bố vào diện văn bản "mật", Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay, đây là các phương án giá để tính toán, trình cấp có thẩm quyền trước khi công bố chính thức. Biến động giá xăng dầu và giá điện đều ảnh hưởng tới đời sống người dân, điều hành kinh tế vĩ mô, tác động không nhỏ tới lạm phát. Hơn nữa, theo quy định hiện hành, giá cả một số mặt hàng trọng yếu chưa công bố được phép đóng dấu mật, còn khi đã công bố thì là công khai.
Nói thêm về vấn đề này, theo người phát ngôn Chính phủ, văn bản ban hành ra là không mật nhưng trong quá trình soạn thảo và chuẩn bị văn bản đó thì được quản lý theo nguyên tắc như văn bản mật. Ví dụ, một văn bản thông thường phát hành nhưng trong quá trình trao đổi giữa các cơ quan, để đảm bảo an toàn tuyệt đối trong xây dựng chính sách thì phải mật, đó là cách quản lý nội bộ.
Hương Dịu
Theo baohaiquan
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ : Tuần tới kiểm tra việc tăng giá điện Chiều tối nay (4.5), tại buổi họp báo thường kỳ của Chính phủ, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ đã thông tin về thời gian triển khai kiểm tra việc tăng giá điện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam (ảnh IT). Ông Bùi Ngọc Lam, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho...